Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

27/07/2016

     Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có nhiệm vụ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT.

 

     Cụ thể, về TN&MT, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ sẽ tập trung 7 nhóm nội dung chính liên quan:

     Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; bảo đảm lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư; xây dựng đề án và triển khai hiệu quả phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo từng lĩnh vực; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ cập đến toàn dân về các phương án ứng phó và thích nghi từng cấp độ của quá trình tác động biến đổi khí hậu.

     Hai là, xây dựng và hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống ngập úng đô thị và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; trong đó đặc biệt tập trung hoàn thành các dự án khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, các dự án cấp bách chống xâm nhập mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, phòng chống sa mạc hóa.

      Ba là, rà soát các quy hoạch và tăng cường quản lý, giám sát, khai thác sừ dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng khoáng sản, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô. Tập trung thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. (iv) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất. Triển khai việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020. Thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

     Có chính sách, cơ chế thích hợp khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước; xây dựng hệ thống hạ tầng nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm. Xây dựng và vận hành hệ thống mạng quan trắc nguồn nước xuyên biên giới đối với nguồn nước quan trọng. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn đến năm 2025.

     Bốn là, tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, vùng lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước nhất là các vùng dọc theo các lưu vực sông, các dự án bảo đảm an ninh cấp nước cho các vùng bị xâm nhập mặn.

     Năm là, tăng cường các giải pháp chính sách để kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại khu vực nông thôn, các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Thực hiện các chương trình xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Có biện pháp, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn. Thực hiện nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.

     Sáu là, tăng cường chính sách, bộ máy tổ chức, lực lượng, cơ chế vận hành với các giải pháp đồng bộ bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

     Bảy là, rà soát, bổ sung quy hoạch, quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển.

     Triển khai các chương trình, đề án thuộc Chương trình hành động nêu trên, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì 32 đề án/chương trình, bao gồm cả việc xây dựng trình các Chiến lược như: Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2040; Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030; Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040; các Quy hoạch như: Quy trình tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc; Quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; Quy hoạch khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các Kế hoạch như: Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP).

 

Châu Long

Ý kiến của bạn