Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án xử lý chất thải rắn

15/11/2019

     Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và chính sách cho vay ưu đãi

     Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp, cá nhân thiếu nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi.

     Nhằm giải quyết vấn đề này, ngày 26/6/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ), theo đó Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước thực hiện chức năng tài trợ tài chính trong lĩnh vực BVMT, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.Quỹ là công cụ tài chính của nhà nước để tài trợ vốn đầu tư cho công tác BVMT trên phạm vi toàn quốc thông qua hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi và tài trợ.

     Khi mới thành lập, Quỹ trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đến cuối năm 2002 Quỹ được chuyển về trực thuộc Bộ TN&MT với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Đến nay, số vốn điều lệ của Quỹ là 1.000 tỷ đồng và được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ. Là một tổ chức tài chính nhà nước, Quỹ BVMT Việt Nam có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, hoạt động, nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH trên cả nước.

 

 

     Đối tượng và lĩnh vực vay vốn được quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ (sửa đổi Nghị định 19/2015/NĐ-CP); lãi suất vay vốn, thời gian cho vay và các tiêu chí khác được quy định tại Thông tư 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 của Bộ TN&MT; theo đó, lãi suất cho vay phải đảm bảo nhỏ hơn 50% lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước, cố định trong suốt thời gian vay vốn; thời gian vay tối đa 10 năm (thông thường 7 năm), xét theo từng Dự án. Hiện nay, năm 2019 lãi suất cho vay là 2,6% hoặc 3,6% tùy theo lĩnh vực ưu tiên và biện pháp bảo đảm tiền vay; lãi suất vay vốn được cố định trong suốt thời gian vay. Đối với 1 Dự án, số tiền cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư Dự án; Đối với 1 chủ đầu tư, số tiền cho vay tối đa là 10% vốn điều lệ thực có của Quỹ.

     Trường hợp các chủ đầu tư Dự án xử lý chất thải rắn (CTR), nếu áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% trên tổng lượng CTR thu gom thì được vay vốn với tổng mức vay vốn lên đến 80% tổng mức đầu tư Dự án.

     Kết quả cho vay ưu đãi đối với các dự án xử lýCTR

     Sau hơn 17 năm đi vào hoạt động, Quỹ BVMT Việt Nam đạt được nhiều kết quả trong hoạt động hỗ trợ tài chính góp phần BVMT. Quỹ đã cho vay ưu đãi 310 Dự án, với tổng số vốn hơn 2.900 tỷ đồng trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, đối với lĩnh vực xử lý CTR, Quỹ đã cam kết cho vay hơn 1.000 tỷ đồng cho 93 Dự án trên cả nước tính đến 30/9/2019 (Bảng 1).

     Bảng 1: Kết quả cho vay theo loại hình CTR giai đoạn 2004 - 2019

TT

Lĩnh vực xử lý CTR

Số tiền cho vay

(đồng)

Số lượng dự án

1

Chất thải sinh hoạt

525.480.200.000

30

2

Chất thải công nghiệp và nguy hại

438.183.000.000

35

3

Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải

119.615.200.000

28

Tổng cộng

1.083.278.400.000

93

 

     Hoạt động cho vay trong lĩnh vực xử lý CTR tập trung vào 3 loại hình chính (xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại, đầu tư phương tiện thu gom vận chuyển chất thải) (Biểu đồ 1).Theo đó, nguồn vốn cho vay chất thải sinh hoạt hơn 500 tỷ đồng (chiếm hơn 49%) trong lĩnh vực xử lý CTR do nhu cầu đầu tư  trên cả nước cũng như quy mô đầu tư các dự án này khá lớn. Xử lý CTR công nghiệp và nguy hại cũng chiếm tỷ trọng 40% tương ứng hơn 438 tỷ đồng. Loại hình đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải chiếm tỷ trọng nhỏ, mặc dù số lượng Dự án khá nhiều, chủ yếu do quy mô đầu tư cho loại hình này nhỏ hơn.

 

Biểu đồ 1: Tỷ trọng cho vay CTR theo loại hình giai đoạn từ năm 2004 - 2019

 

     Theo dõi diễn biến cho vay theo loại hình cũng như số vốn vay từ năm 2004 - 2019 có xu hướng tăng trưởng về số lượng Dự án vay vốn cũng như số tiền cho vay (Biểu đồ 2). Nếu như giai đoạn từ năm 2004 - 2009, hàng năm tổng số vốn cho vay đạt dưới 50 tỷ đồng, bước sang giai đoạn từ năm 2010 - 2016 tổng số vốn vay dao động tăng từ 50 - 100 tỷ đồng. Từ năm 2017 - 2019, hàng năm số vốn cho vay đạt gần 200 tỷ đồng. Sự tăng trưởng về vốn vay hàng năm phù hợp với thực tế nhu cầu vốn của các chủ đầu tư cũng như nhu cầu cấp thiết cho đầu tư xử lý CTR trên toàn quốc.

 

Biều đồ 2: Kết quả cho vay xử lý CTR theo loại hình từ năm 2004 - 2019

 

     Về vốn vay xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại giữ ở mức trung bình khoảng 40 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2009 - 2019. Trong khi đó, cho vay xử lý chất thải sinh hoạt tăng trưởng mạnh trong giai đoạn từ năm 2017- 2019 theo 6 vùng KT-XH, tập trung chủ yếu các khu vực kinh tế phát triển. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung và Đông Nam bộ chiếm tỷ trọng 81% tổng số tiền cho vay trong lĩnh vực CTR; trong khi 3 vùng còn lại là Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng 19% (Bảng 2).

     Bảng 2: Kết quả cho vay CTR theo 6 vùng KT - XH

 

TT

Vùng

Số dự án

Số tiền cho vay

Tỷ lệ

1

Trung du và miền núi phía Bắc

6

79.650.000.000

7%

2

Đồng bằng sông Hồng

34

301.210.100.000

28%

3

Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung

25

311.335.300.000

29%

4

Tây Nguyên

1

13.000.000.000

1%

5

Đông Nam bộ

20

255.083.000.000

24%

6

Đồng bằng sông Cửu Long

7

123.000.000.000

11%

Tổng cộng

93

1.083.278.400.000

100%

           
 

     Những năm qua, mức độ đầu tư vay vốn tại các dự án công nghệ xử lý chất thải cũng không ngừng được cải tiến, nâng cấp và thay đổi theo thời gian. Ban đầu các dự án đầu tư các công nghệ chôn lấp, sau đó là giai đoạn hình thành và cải tiến các loại lò đốt rác, công nghệ sản xuất phân vi sinh và xu hướng là các lò đốt rác phát điện.

     Hàng năm, Quỹ đều tổ chức Hội nghị Hỗ trợ tài chính để giới thiệu chính sách cho vay và mời các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT, các tổ chứctư vấn, công ty chuyên về công nghệ xử lý chất thải, nước thải, năng lượng tái tạo đến trình bày. Năm 2019, Quỹ tổ chức Hội nghị Hỗ trợ tài chính tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng cho vay đối với lĩnh vực xử lý chất thải tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2017-2019, phù hợp với tốc độ tăng trưởng chung của Quỹ, năm 2018 tốc độ tăng trưởng giải ngân chung của Quỹ là 33% so với năm 2017.    

     Định hướng phát triển trong thời gian tới

     Trước yêu cầu đầu tư cho xử lý CTR ngày càng tăng cao trong thời gian qua, đặc biệt là vốn cho đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt; trong thời gian tới, Quỹ BVMT Việt Nam đang đề nghị bổ sung vốn điều lệ và các nguồn khác đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn cả nước trong lĩnh vực BVMT. Quỹ xác định tập trung hỗ trợ tài chính cho xử lý CTR, đặc biệt là các dự án xử lý CTR sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại, góp phần giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp.

 

Nguyễn Đức Thuận

Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

     Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động BVMT, Quỹ BVMT Việt Nam hân hạnh được hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xử lý CTR. Mọi chi tiết, tư vấn và hỗ trợ xin liên hệ Quỹ BVMT Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Nhà xuất bản Bản Đồ, 85 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại phòng Tín dụng tập trung 024.62542736, phòng Tín dụng không tập trung 024.39429734; Fax 024.39426329; www.vepf.vn

 

 

 

 

 

 

         

 

Ý kiến của bạn