Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chính sách của Việt Nam về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời kỳ hội nhập quốc tế

06/03/2017

   Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển cùng hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài 15 vĩ độ từ Bắc xuống Nam, nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Vì vậy, vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, bao gồm cả tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật và tài nguyên vị thế.

Biển Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú

   TIỀM NĂNG BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

   Đến nay, nước ta đã xác định được hơn 11.000 loài sinh vật biển cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Đặc biệt, ở vùng bờ tập trung hàng trăm cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh, các đảo và quần đảo... tạo nên một hệ thống các loại hình sinh cảnh phức tạp, đa dạng các hệ sinh thái: Bãi triều lầy, rừng ngập mặn, cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh nhỏ, rạn san hô, châu thổ, bãi cát, bãi bùn triều, đầm nuôi thủy sản nước lợ, đất ngập nước ven biển... Một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trên các hải đảo còn phát hiện 1.290 loài động, thực vật. Đây chính là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển.

   Bên cạnh đó, trong vùng biển Việt Nam đã xác định khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau, thuộc các nhóm: Nhiên liệu (nổi bật là dầu khí với trữ lượng khoảng 3- 4 tỷ tấn dầu quy đổi), kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý, khoáng sản lỏng. Dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố quý hiếm như titan, ziacon và xeri. Biển nước ta còn có tiềm năng băng cháy, tài nguyên nước biển, đất ven biển, gió, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng và dòng chảy. Đặc điểm địa hình ven biển nhiều đảo, bờ biển dài khúc khuỷu, nhiều cửa sông, các mũi nhô và vũng, vịnh, bãi cát... là tiềm năng để nước ta phát triển các loại hình du lịch biển, hàng hải.

   Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế mặt tiền hướng biển và biển chiếm vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực Biển Đông và thế giới, với tuyến hàng hải quốc tế lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương cắt qua. Các cảng biển lớn và các trung tâm kinh tế trọng điểm “hướng biển” giúp cho quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh và tạo ra các cực phát triển quan trọng quyết định bình đồ phát triển kinh tế biển, ven biển của đất nước. Vùng biển rộng lớn ở phía ngoài là không gian đặc biệt quan trọng để phát triển giao thông đường biển, các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, khai thác dầu khí, khoáng sản rắn trên thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động giữa nước ta với thế giới.

   CHÍNH SÁCH VỀ QUẢN LÝ TN&MT BIỂN VÀ HẢI ĐẢO TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

   Trước đây, ở Việt Nam do nhận thức về tài nguyên biển còn hạn chế, chưa chú trọng các dạng tài nguyên phi vật chất, khai thác quá mức, gây lãng phí tài nguyên, suy thoái môi trường biển và hải đảo. Trong xu thế chung của thế giới, coi “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” cũng như nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã bước đầu thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các nội dung chủ yếu:

   Thứ nhất, quản lý TN&MT biển hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để thực hiện nội dung trên, thời gian qua, nhà nước đã thành lập hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

   Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam nhằm sắp xếp lại không gian hợp lý và phân bổ nguồn lực cho các ngành khai thác bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo.

   Thứ hai, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh; khuyến khích tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về TN&MT biển và hải đảo nhằm bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu về TN&MT biển và hải đảo phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

   Thứ ba, tăng cường BVMT biển và hải đảo, bao gồm quy định và các nội dung về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở biển; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong BVMT biển và hải đảo. Hiện nay, Bộ TN&MT đang được giao tổ chức triển khai Quyết định số 1278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan”, Quyết định số 1864/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Philipin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”. Việc triển khai các quyết định này nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết hợp tác trong việc sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu tại vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và các nước liên quan.

   Thứ tư, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. Nhằm quản lý hiệu quả TN&MT biển và hải đảo, ứng phó kịp thời và phòng chống thiên tai từ biển, chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo của Việt Nam xác định thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp TN&MT biển và hải đảo theo hệ thống mở, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới.

   Thứ năm, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế được đặt trong tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm nguyên tắc xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…

   Như vậy, nhận thức về vai trò quan trọng của TN&MT biển và hải đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo của Việt Nam đã có sự chuyển biến theo xu hướng hội nhập quốc tế. Đó là, thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp nhằm quản lý TN&MT biển hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Hoàng Nhất Thống

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn