Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Cần xây dựng lộ trình sử dụng năng lượng bền vững, hiệu quả cho ngành chế biến gỗ và thủy sản

10/04/2019

     Ngành chế biến gỗ và thủy sản là 2 ngành mũi nhọn của Việt Nam trong sản xuất, xuất khẩu, tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng của các ngành này đang là một thách thức lớn. Theo nghiên cứu mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) thực hiện, ngành chế biến thủy sản có thể giảm ít nhất 15% lượng điện tiêu thụ mỗi năm, trong khi ngành chế biến gỗ có thể giảm 10,4% nhu cầu năng lượng so với mức phát triển thông thường nếu áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

     Gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng

     Ước tính, tổng tiêu thụ điện ngành thủy sản đông lạnh khoảng 2 tỷ kWh/năm. Nguyên nhân lãng phí điện chủ yếu do điều hành sản xuất, vận hành bảo dưỡng thiết bị, bên cạnh đó là do các vấn đề về thiết kế hệ thống lạnh, chất lượng bảo hành thiết bị. Nhu cầu năng lượng ngành chế biến gỗ cũng tăng nhanh, với tốc độ trung bình 8%/năm (giai đoạn 2015 - 2030), phát thải khí nhà kinh tăng 10% và khu vực sản xuất đồ gỗ vẫn là khu vực có phát thải lớn nhất.

     Theo báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhu cầu điện tại Việt Nam hiện tăng khoảng 11%/năm và phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải. Mức tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam cơ cấu theo ngành như sau: Công nghiệp 47,3%, giao thông vận tải 29,6%, dân dụng 15,1%, phi năng lượng 3,4%, thương mại dịch vụ 3,1% và nông nghiệp 1,6%. Theo đó, nếu so sánh với các nước, cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP) trong nền kinh tế nói chung và trong ngành công nghiệp nói riêng của nước ta ở mức cao hơn 1,4 lần so với Thái Lan và 1,6 lần so với Malaysia. Dự kiến, từ năm 2023, Việt Nam sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng LPG cho phát điện. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

     Xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng cho chế biến ngành gỗ và thủy sản

     Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp quy trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; quy định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm; chính sách hỗ trợ tiết kiểm năng lượng và xây dựng hệ thống quản lý năng lượng… Đối với ngành thủy sản, năm 2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 52/2018/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn, tôm. Theo đó, quy định này áp dụng với cơ sở chế biến cá da trơn, tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đến hết năm 2025, định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050 kWh/tấn sản phẩm cá và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương; Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn và 1.625 kWh/tấn tôm tương đương. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/2/2019.

 

Ngành chế biến gỗ có mức tiêu thụ năng lượng cao

 

     Thực hiện quy định này, doanh nghiệp thủy sản sẽ từng bước áp dụng các giải pháp giảm thiểu chi phí đầu tư như sử dụng những thiết bị lạnh tiết kiệm điện, cải tiến công nghệ cũ lạc hậu, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, thiết kế lắp đặt lại hệ thống lạnh, thiết bị ngoại vi.… Nếu doanh nghiệp (DN) có chương trình dài hạn áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện hàng năm có thể tiết kiệm một lượng điện rất lớn. Tuy nhiên, do mỗi mặt hàng thủy sản có mức tiêu hao năng lượng ứng với quy trình sản xuất khác nhau nên cần phải xác định mức tiêu hao năng lượng cho từng mặt hàng cụ thể.

     Đối với DN chế biến gỗ, các chuyên gia cũng đề xuất, việc xây dựng kịch bản năng lượng bền vững cho ngành gỗ cần hướng tới mục tiêu giảm mức tăng nhu cầu năng lượng xuống còn 7,2%. Phát thải khí nhà kính giảm còn 5,6% vào năm 2020 và 14,9% năm 2030, giảm 787 nghìn tấn CO2 (tương đương 1,26% mức cam kết thỏa thuận Paris). Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành gỗ phải thực hiện các giải pháp được đề ra cho lộ trình tiết kiệm năng lượng như đầu tư phát triển công nghệ và thiết bị hiện đại; quản lý chi phí đầu vào để giảm chi phí cũng như tăng cường giám sát sử dụng năng lượng. Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng Thông tư về định mức năng lượng cho ngành chế gỗ trong thời gian tới.

     Như vậy, năng lượng là đầu vào quan trọng của ngành chế biến gỗ và thủy sản. Việc xây dựng lộ trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng cho hai ngành này là cần thiết, có thể bắt đầu từ việc phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho các DN sản xuất sạch hơn và khuyến khích phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo và tìm ra mô hình hợp tác công tư để phối hợp triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng Việt Nam là hướng đi quan trọng.

     Để tăng cường việc ứng dụng  tiết kiệm năng lượng cho ngành chế biến gỗ và thủy sản, trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, có quy hoạch và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để thu hút DN đầu tư; tăng cường chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân về  sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

 

Dương Văn Mão

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn