Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Các quy định của pháp luật quốc tế về tội phạm môi trường

27/04/2017

   Tội phạm môi trường (TPMT) là những hành động phạm pháp trực tiếp gây hại đến môi trường như buôn bán động vật hoang dã trái phép, buôn bán chất khí gây thủng tầng ôzôn (ODS), kinh doanh trái phép các loại chất thải nguy hại, đánh bắt, khai thác tài nguyên trái phép và khai thác, buôn lậu gỗ…

   Theo ước tính của Interpol quốc tế, con số tổn thất từ nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu ít nhất cũng tới 10 tỷ USD/năm, còn theo Ngân hàng thế giới thiệt hại đến ngân sách nhà nước từ việc khai thác gỗ trái phép ở các quốc gia đang phát triển là 15 tỷ USD. Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, khoảng 38.000 tấn chất làm lạnh CFCs đã được buôn bán trái phép hàng năm - tương đương 20% tổng thương mại thế giới và trị giá lên tới 500 triệu USD. Riêng năm 2006, có tới 14.000 tấn khí CFCs được buôn lậu ở các quốc gia đang phát triển. Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ TPMT đang ngày càng gia tăng và là mối quan tâm hàng đầu của toàn cầu do mức độ ảnh hưởng của các tội phạm này không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia.

Chuẩn bị thiêu hủy số ngà voi thu giữ được, tại Yaounde, Cameroon

   Một số quy định liên quan đến TPMT trong các Điều ước quốc tế

   Để đối phó với các TPMT, các quốc gia trên thế giới đã tham gia các điều ước quốc tế về môi trường như Công ước Stốckhôm, Nghị định thư Cartagenna về an toàn sinh học, Công ước CITES, Công ước Bảo vệ tầng ôzôn, Công ước CITES… Tuy nhiên nhìn chung các quy định này chỉ mang tính nền tảng và để pháp luật quốc gia quy định cụ thể, chi tiết.

   Theo Điều 4 của Công ước Stốckhôm: “Việc vận chuyển bất hợp pháp các phế thải nguy hiểm hoặc các phế thải khác là hành vi phạm tội hình sự… Mỗi bên tham gia Công ước phải có những biện pháp pháp lý, hành chính để thực hiện và làm cho các điều khoản của Công ước này phải được tôn trọng, kể cả những biện pháp thích đáng đề phòng và trấn áp các hành vi trái với Công ước”.

   Nghị định thư Cartagenna về an toàn sinh học cũng đã nêu: “Mỗi bên tham gia Nghị định thư sẽ thông qua các biện pháp quốc gia thích hợp nhằm ngăn chặn và nếu thích hợp, trừng phạt việc vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật biến đổi gen tiến hành trái với các biện pháp quốc gia của bên tham gia Nghị định thư này. Những vận chuyển đó sẽ được coi là vận chuyển xuyên biên giới bất hợp pháp”.

   Điều 4 Công ước Basel nêu rõ “Việc vận chuyển bất hợp pháp các chất thải nguy hiểm hoặc các chất thải khác là hành vi vi phạm tội hình sự”. Đây là quy định rất rõ ràng về việc đưa hành vi vận chuyển bất hợp pháp chất thải nguy hiểm vào pháp luật hình sự của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, Công ước cũng yêu cầu các quốc gia “phải có biện pháp pháp lý, hành chính và các biện pháp khác cần thiết để thực thi và tôn trọng các điều khoản của Công ước này, kể cả những biện pháp phòng ngừa và trừng trị thích đáng”.

   Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về TPMT

   Cộng hòa liên bang Đức

   Các TPMT của CHLB Đức được quy định chủ yếu trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1998. Theo đó, có một chương riêng về TPMT bao gồm: Tội gây ô nhiễm nước; Tội gây ô nhiễm đất; Tội gây ô nhiễm không khí; Tội gây ra tiếng ồn, gây rung và các chất phóng xạ không ion hóa; Tội xử lý trái phép các chất thải nguy hại; Tội vận hành trái phép nhà máy điện; Tội xử lý trái phép các chất phóng xạ và các vật liệu hàng hóa nguy hại khác; Tội đe dọa các khu vực cần được bảo vệ; TPMT đặc biệt nghiêm trọng; Tội phát tán chất độc gây nguy hiểm nghiêm trọng; Tội gây ra vụ nổ hạt nhân; Tội sử dụng sai trái các chất phóng xạ ion hóa; Tội chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng bao gồm việc gây nổ hoặc gây phóng xạ; Tội phát tán các chất phóng xạ ion hóa; Tội xây dựng trái phép nhà máy hạt nhân; Tội đầu độc gây nguy hiểm cho cộng đồng.

   Ngoài BLHS, các TPMT còn được quy định trong nhiều đạo luật khác như Luật Hóa chất (đối với việc xử lý nguy hiểm các chất nguy hại nhất định); Luật Bảo vệ thực vật (đối với việc phổ biến sinh vật nguy hại); Luật Bảo tồn thiên nhiên; Luật Quản lý đất đai hay Luật Bảo tồn thiên nhiên Liên bang (đối với các vi phạm những quy định pháp luật liên quan đến việc bảo vệ các loài động thực vật cần được bảo vệ đặc biệt…).

   Điểm đặc biệt của pháp luật hình sự CHLB Đức là việc pháp nhân có thể bị truy tố theo căn cứ tại mục 30 Luật Vi phạm hành chính (chế tài liên quan đến các vi phạm hành chính). Ngoài ra, nếu so sánh với pháp luật của các quốc gia trong khu vực, khung hình phạt đối với các TPMT trong BLHS CHLB Đức tương đối cao. Theo đó, các TPMT có thể bị phạt tù 10 năm, đối với các tội phạm nghiêm trọng hơn là 15 năm.

   Bên cạnh các chế tài cơ bản, BLHS CHLB Đức còn quy định về các chế tài bổ sung, cụ thể như Điều 73 BLHS quy định về trường hợp một hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện và người phạm tội hoặc người xúi giục hoặc đồng phạm thu được tài sản từ hành vi đó. Trong trường hợp này, những gì thu được từ hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị tịch thu, đặc biệt là lợi nhuận thu được. Phần được tịch thu này sẽ được dùng để chi trả cho chi phí bảo vệ các khách thể bị xâm hại cũng như dùng để đầu tư BVMT. Ngoài ra khi người phạm tội lợi dụng nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn hoặc thông qua hoạt động thương mại để thực hiện thực hiện tội phạm, theo Điều 70 BLHS, tòa án có thể cấm người phạm tội tham gia vào hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại.

   Về thời hiệu khởi tố, đối với TPMT quy định trong BLHS, thời hạn là 5 năm. Đặc biệt, thời hiệu khởi tố đối với tội gây ô nhiễm nước là 5 năm, kể từ ngày chấm dứt hành vi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp TPMT đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu khởi tố là từ 10 đến 20 năm. Khung hình phạt trong trường hợp này dao động từ 10 đến 15 năm (nếu làm chết người).

   Trung Quốc

   Ở góc độ lý luận, đối với pháp luật hình sự nói chung, các TPMT nói riêng, hiện nay thế giới đang đi theo quan điểm lập pháp là coi thiên nhiên môi trường một thực thể độc lập, có lợi ích riêng so với lợi ích của con người để bảo vệ. Tức là, một hành vi gây thiệt hại cho thiên nhiên môi trường có thể bị xử lý hình sự mà không cần xét đến hành vi đó có gây thiệt hại hay tiềm ẩn gây nguy cơ thiệt hại cho con người hay không.

   Trong khi đó, ở một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, quan điểm tiếp cận xây dựng pháp luật về hình sự, đặc biệt phần các TPMT là luật hình sự ra đời để bảo vệ lợi ích của con người, lấy lợi ích con người làm trung tâm, chỉ khi nào các hành vi xâm hại đến môi trường mà làm ảnh hưởng tới con người như gây thiệt hại cho tính mạng sức khỏe, tài sản… của con người thì mới bị xử lý hình sự.

   Hai quan điểm lập pháp trên thì quan điểm thứ nhất, tức là coi môi trường là một thực thể độc lập, có lợi ích riêng, tồn tại độc lập với lợi ích của con người cần được pháp luật hình sự bảo vệ được xem có tính ưu việt và hiệu quả hơn. Bởi khi thừa nhận môi trường là một thực thể độc lập và có lợi ích riêng, thì trong trường hợp này luật hình sự sẽ hình sự hóa cũng như điều chỉnh cấu thành tội phạm của nhiều hành vi để ngăn ngừa và xử lý các hành vi làm xâm hại môi trường mà không phải thông qua việc chứng minh thiệt hại nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng với con người. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh xã hội hiện đại khi mà nhiều hành vi gây hại cho môi trường nhưng lại có vỏ bọc mang lại “lợi ích kinh tế” cho con người, trong khi mối nguy hại đối với con người của các hành vi này không trực tiếp và rất khó chứng minh, như hành vi đánh bắt cá voi quý hiếm, hành vi đánh bắt cá mập trắng để lấy sụn, nuôi nhốt gấu để lấy mật, nhốt động vật quý hiếm trong các điều kiện không tốt để làm xiếc…

   Trong pháp luật hình sự Trung Quốc, phần các TPMT trong BLHS năm 1997 có 15 điều với 25 tội phạm thì có đến 10 tội phạm được quy định cấu thành vật chất, tức là ở các tội này hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Các luật gia Trung Quốc cũng nhận rõ những bất cập trong quy định này, cụ thể, việc quy định “hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm sẽ đặt ra khó khăn, thách thức chứng minh cho các cơ quan tiến hành tố tụng giữ vai trò điều tra và công tố, nhất là khi hậu quả của các hành vi vi phạm về môi trường cũng như quan hệ nhân quả rất khó chứng minh do thiệt hại diễn ra gián tiếp trong thời gian dài. Thêm vào đó, việc luật hình sự chỉ can thiệp khi hậu quả đã xảy ra cũng là một bất cập vì khi hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra đối với môi trường thì phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để khắc phục thiệt hại. Trong khi nếu quy định cấu thành hình thức, thì luật hình sự có điều kiện để ngăn chặn hành vi từ khi nó chưa kịp gây ra hậu quả, qua đó đạt được hiệu quả cao trong BVMT.

   Các tội phạm của Trung Quốc được quy định tại BLHS, Luật Hình sự bổ trợ, Luật Hình sự riêng biệt. Trong ba luật trên thì BLHS là nguồn chính yếu tập trung hầu hết các tội phạm và hình phạt, Luật Hình sự bổ trợ quy định về tội phạm trong các văn bản pháp luật chuyên ngành để bổ sung cho BLHS, trong đó có các TPMT, cụ thể như ở Điều 62 Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi BLHS không có điều luật quy định về tội phạm tương ứng.

   Singapo

   Trong pháp luật hình sự Singapo, các TPMT thường chỉ có cấu thành hình thức, tức là chủ thể chỉ cần thực hiện hành vi vi phạm được quy định là tội phạm đã hoàn thành mà không cần xét đến “hậu quả nghiêm trọng” đã xảy ra hay chưa. Các tội phạm và hình phạt được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành thay vì chỉ tập trung trong BLHS. Việc quy định này tạo điều kiện cho việc quy định cụ thể các hành vi phạm tội ở các văn bản pháp luật chuyên ngành; tạo thuận lợi trong việc sửa đổi, bổ sung các tội phạm để phù hợp với các thay đổi của đời sống xã hội. Ở Singapo, các TPMT được quy định trong các Luật quản lý từng lĩnh vực chuyên ngành khác nhau bao gồm Luật Quản lý ô nhiễm nước và thoát nước; Luật Sức khỏe cộng đồng môi trường; Luật Không khí trong lành; Luật Động vật và chim hoang dã…

   Đề cập đến chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự, pháp luật về TPMT Singapo quy định pháp nhân cũng có thể là chủ thể của các TPMT. Trường hợp một pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có lỗi của người có thẩm quyền trong pháp nhân đó thì pháp luật Singapo đưa ra giải pháp xử lý hình sự cả pháp nhân vi phạm và cá nhân có thẩm quyền. Xét về vấn đề hình phạt, pháp luật Singapo quy định hình phạt đối với các TPMT rất đa dạng gồm: phạt tiền, phạt tù, tịch thu tài sản và đặc biệt là lao động cải tạo. Hình phạt lao động công ích bắt buộc là hình phạt mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả bởi tác động trực tiếp vào ý thức của chủ thể. Thực tế áp dụng ở Singapo cho thấy hiệu quả rất khả quan của loại chế tài này.

   Kết luận

   Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy chỉ nên quy định cấu thành hình thức cho các TPMT. Tức là tội phạm hoàn thành khi có hành vi vi phạm mà không cần xét đến việc “hậu quả nghiêm trọng” đã xảy ra hay chưa; yếu tố hậu quả chỉ nên quy định với tư cách là tình tiết định khung tăng nặng và phải hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp quy liên quan. Bên cạnh đó, chủ thể của các TPMT nói riêng và các tội phạm nói chung cũng cần xác định pháp nhân thay vì chỉ có các thể nhân mới coi là chủ thể của tội phạm như hiện nay.

   Mặt khác, trách nhiệm hình sự của pháp nhân hoàn toàn có thể quy định độc lập với trách nhiệm hình sự của thể nhân, có nghĩa là pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự song song với các cá nhân làm việc cho pháp nhân đó thực hiện các hành vi vi phạm tới môi trường. Quy định như vậy sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc chứng minh vai trò của các cá nhân trong doanh nghiệp trong việc chỉ đạo, phối hợp hay trực tiếp thực hiện hành vi xâm hại tới môi trường. Điều này đặc biệt có giá trị trong thực tiễn khi mà hầu hết các hành vi vi phạm môi trường ở quy mô lớn bị phát hiện trong thời gian gần đây được thực hiện bởi pháp nhân là các doanh nghiệp. Quy định này cũng sẽ giúp kết nối với quy định về xử phạt vi phạm hành chính vốn đã truy cứu trách nhiệm của các pháp nhân.

   Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là mở rộng nguồn của Luật Hình sự ra các văn bản luật chuyên ngành thay vì chỉ có BLHS. Bởi vì một văn bản pháp luật được xây dựng trong một khoảng thời gian nhất định như BLHS khó có thể dự liệu một cách đầy đủ và chuyên sâu hết tất cả các hành vi nguy hiểm cao cho xã hội phát sinh ngày một nhiều và phức tạp trong thực tiễn, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên biệt, phi truyền thống như lĩnh vực môi trường. Trong khi đó, mỗi khi thực tiễn phát sinh thì lại sửa BLHS sẽ rất phức tạp và tốn kém. Vì vậy, pháp luật Việt Nam có thể nghiên cứu quy định các TPMT trong Luật BVMT, điều đó sẽ tạo điều kiện để các nhà làm luật nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể và sát với loại tội phạm này.

ThS. Phan Tuấn Hùng

Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn