Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bình Dương hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại thân thiện môi trường

04/07/2018

     Với mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Bình Dương đã và đang tập trung nỗ lực triển khai thực hiện Đề án thành phố (TP) thông minh hướng tới 3 đối tượng: chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong đó, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) phát triển, những năm qua, Bình Dương đã triển khai tiêu chí phân hạng các DN, xây dựng Sách Xanh nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương. 

     PV: Xin ông cho biết, để thực hiện Đề án TP thông minh, tỉnh đã triển khai những hoạt động gì?

     Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Ngày 21/11/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ký ban hành Quyết định số 3206/QĐ-UBND phê duyệt Đề án TP thông minh - Bình Dương. Đây được xem là bước đột phá về kinh tế - xã hội của Bình Dương đến năm 2021, hướng đến phát triển nền kinh tế có giá trị tăng cao và quy hoạch đô thị theo hướng thông minh.

 

Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương Nguyễn Hồng Nguyên

 

     Để triển khai Đề án, Sở TN&MT đã dự thảo Chương trình thực hiện Đề án TP thông minh - Bình Dương, về lĩnh vực môi trường, hướng đến các mục tiêu: Sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông; tự động hóa và các phương tiện kết nối công dân, DN với chính quyền; nâng cao công tác phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tái sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm xây dựng Bình Dương thành TP có môi trường sống thân thiện…

     Nội dung Chương trình thực hiện Đề án TP thông minh - Bình Dương gồm: Đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành chung trên cơ sở nâng cấp trạm điều hành tại Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT; Lắp đặt bảng hiển thị thông tin các kết quả quan trắc môi trường; Lắp đặt trạm quan trắc không khí tự động, thùng rác thông minh, nhà vệ sinh công cộng thông minh; Mở rộng mạng lưới quan trắc nước mặt, nước ngầm; Xây dựng hồ chứa nước để tái sử dụng nước thải đã xử lý; Đào tạo nguồn nhân lực…

     Ngoài ra, Bình Dương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung của Đề án TP thông minh đến các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong tỉnh, chủ động lấy ý kiến góp ý xây dựng để tiếp tục bổ sung, cải tiến. Mặt khác, đẩy mạnh kết nối quốc tế, hợp tác trao đổi công nghệ, tri thức, nhân lực và các nguồn lực khác; liên kết, tham gia tích cực vào mạng lưới, tổ chức quốc tế của các TP thông minh, khoa học công nghệ trên thế giới, tiêu biểu là Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) và hướng tới gia nhập Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF).

     Đặc biệt, để phục vụ Đề án TP thông minh, tỉnh Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển Trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung, nhằm phục vụ nhu cầu giải quyết công việc của người dân và DN theo mô hình chính quyền điện tử.

     PV: Xin ông cho biết một số kết quả cũng như nhận thức của các DN trên địa bàn sau khi nhận danh hiệu Sách Xanh?

     Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Qua 4 lần công bố Sách Xanh tỉnh Bình Dương, số DN được ghi tên vào Sách Xanh ngày càng tăng lên, với 32 DN năm 2011 đến 61 DN năm 2016. Trong số các DN được công nhận trong Sách Xanh năm 2016 có 52 DN nằm trong KCN, 9 DN nằm ngoài KCN, 51 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 10 DN có vốn đầu tư trong nước; 31 DN đã từng có tên trong Sách Xanh tỉnh Bình Dương năm 2014. Kết quả cho thấy, việc công khai thông tin về thực trạng môi trường DN là một biện pháp hiệu quả trong chính sách và giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Trên cơ sở đó, thông tin các DN thực hiện tốt công tác BVMT được công bố dưới dạng Sách Xanh để kịp thời tuyên dương, khen thưởng và tuyên truyền cho cộng đồng.

     Tiếp nối các thành công đó, năm 2017, Sở TN&MT đã chủ trì biên soạn, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 6/3/2018 về việc quy định tiêu chí đánh giá, phân hạng các DN và xây dựng Sách Xanh tỉnh Bình Dương thay thế Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 27/1/2011 và Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 27/6/2011 theo hướng nghiêm ngặt hơn để phù hợp hơn với tình hình phát triển của tỉnh Bình Dương giai đoạn hiện nay. Trong năm 2018, Bình Dương sẽ tiếp tục công bố danh Sách Xanh lần thứ 5 theo tiêu chí mới được ban hành. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đánh giá, phân hạng DN theo các quy định hiện hành gồm: Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường và công tác vệ sinh công nghiệp; tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường và các vấn đề liên quan. Đặc biệt, tặng điểm thưởng cho DN có một trong các chứng nhận ISO 14001 hoặc GMP hoặc OHSAS 18001, DN nhận các giải thưởng về môi trường và có sự tham gia vào hoạt động BVMT phục vụ cộng đồng. 

     Các DN được tuyên dương, khen thưởng, đưa vào Sách xanh tỉnh Bình Dương đều là những đơn vị thực hiện tốt các yêu cầu về BVMT và duy trì đạt danh hiệu vào các năm sau. Qua các năm, xu hướng cho thấy, những DN trong cùng một lĩnh vực với các DN được công nhận vào danh Sách Xanh cũng cố gắng và có mục tiêu phấn đấu được vào Sách Xanh để cải thiện thương hiệu của mình trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

 

Nhiều DN được công nhận, tôn vinh trong Sách Xanh Bình Dương năm 2016

 

     Nhằm hỗ trợ các DN, Bình Dương đã và đang thực hiện một số chính sách như: Miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, ưu đãi về đất đai, đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn và xử lý ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền về các DN trong Sách Xanh trên Báo Bình Dương, Đài Truyền hình Bình Dương; Tổ chức các lớp tập huấn, triển khai quy định của pháp luật, văn bản mới về BVMT cho DN; Hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư, thực hiện các công trình, biện pháp BVMT thông qua Quỹ BVMT…

     PV: Nhằm hướng tới xây dựng TP thông minh, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ thực hiện những chương trình, giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Nhằm hướng tới xây dựng TP thông minh, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ thực hiện một số chương trình, giải pháp như: Tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về BVMT nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương trên địa bàn tỉnh (như tiến hành Phân vùng xả thải của các kênh rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; sửa đổi lại Quy định BVMT tỉnh Bình Dương...); Tăng cường phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về đẩy mạnh thực hiện kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT; Đẩy mạnh tuyên truyền về BVMT bằng nhiều hình thức; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát ô nhiễm và thanh, kiểm tra về BVMT, nhất là các DN có lưu lượng xả thải lớn và các DN thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; Xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về BVMT; Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiên quyết không phê duyệt dự án có nguy cơ ô nhiễm lớn hoặc không phù hợp định hướng phát triển của tỉnh.

     Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư và đảm bảo không để những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn bao gồm: phân loại từ các hộ dân, thu gom, lưu giữ, trung chuyển và tại nhà máy xử lý chất thải để tiến đến mở rộng phạm vi các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực quan trắc và thông tin môi trường theo hướng tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống các trạm quan trắc nước thải, khí thải, nước mặt và nước ngầm tự động, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để có biện pháp kiểm soát, xử lý, khắc phục kịp thời...

     PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Hương Đỗ (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

Ý kiến của bạn