Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn Quốc hội liên quan đến lĩnh vực môi trường

13/06/2018

     Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chiều 4/6 và sáng 5/6/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Không khí phiên chất vấn Bộ trưởng diễn ra rất sôi nổi, trong đó có nhiều câu hỏi "nóng" về lĩnh vực môi trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà rất ấn tượng, thể hiện rõ bản lĩnh của một vị tư lệnh ngành, am hiểu lĩnh vực đang phụ trách.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6/2018

 

     Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần đầu tiên trước Quốc hội vào năm 2017, khi đó, tình hình của ngành TN&MT rất khó khăn. Sau khi chất vấn, với những ý kiến đóng góp sâu sắc, cụ thể của các đại biểu, công tác quản lý nhà nước về TN&MT đang từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo Bộ trưởng, để thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến đổi mới các mô hình phát triển, ngành TN&MT, Bộ TN&MT phải thể hiện rõ vai trò tiên phong trong công tác này. "Tôi xin dành thời gian để lắng nghe, trả lời và đặc biệt là cung cấp thông tin đến đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

     Tạp chí Môi trường xin lựa chọn một số nội dung chính liên quan đến lĩnh vực môi trường trong Phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

     Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên): Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã có nhiều giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là trên các sông, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Cầu, sông Đồng Nai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ TN&MT và giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục vấn đề này?

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông nói riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân chính: Các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp chưa được thu gom, xử lý hiệu quả, khoảng 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường; Chưa kiểm soát được hết các làng nghề và khu công nghiệp; Công tác xác định nguồn nước thải của từng địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

     Để giải quyết tình trạng trên, mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm với hoạt động xả thải trên địa bàn; Phải có sự đầu tư, huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải và có công nghệ thích hợp xử lý phân tán hoặc xử lý chung; Kêu gọi người dân tham gia trực tiếp vào vấn đề này.

     Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định): Đất và nước là hai lĩnh vực quan trọng đối với mỗi quốc gia và mỗi con người nhưng hiện nay đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, phần lớn là do rác thải. Tuy nhiên, việc xử lý rác trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của các chính quyền địa phương cũng như lãng phí vì đã đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.

     Sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội 14, cử tri đã kiến nghị các Bộ TN&MT, Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn, lựa chọn công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam và giới thiệu mô hình ở các địa phương thực hiện. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì thẩm định và đánh giá công nghệ để đề xuất. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, đến nay Bộ TN&MT và Bộ Khoa học & Công nghệ đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ chưa? Nếu có, để sát thực tế, kính đề nghị hai Bộ hướng dẫn lựa chọn công nghệ và giá trị mô hình xử lý rác thải trong một xã khoảng 30 nghìn dân.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, chúng ta chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm đất, nguồn nước, rác thải cũng đang là vấn đề rất bức xúc. Với cương vị Bộ trưởng Bộ TN&MT, tôi xin nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề này có liên quan đến nhiều Bộ ngành như: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quy hoạch, Bộ Khoa học Công nghệ phụ trách về công nghệ. Các Bộ đã đưa ra cơ chế để phối hợp, thống nhất đề xuất trình Thủ tướng ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải ngay trong tháng 5/2018 trên quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và đặc biệt chú trọng đến công nghệ xử lý rác, trong đó tính toán đến tính phù hợp của các điều kiện kinh tế ở đô thị cũng như ở địa phương. Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại và các công nghệ này đang được kiểm chứng, đánh giá, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.

     Bộ trưởng cho rằng, cần phải tạo phong trào toàn dân tham gia phân loại rác đầu nguồn, để việc xử lý rác vừa có thể bến rác thành phân hữu cơ, vừa có thể thành điện và hướng tới mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7% lượng rác thải ra môi trường. Ngoài ra, các bãi rác cũ đang chiếm quỹ đất rất lớn và ô nhiễm sẽ được Bộ TN&MT xem xét, xử lý kịp thời.

     Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước): Cử tri cả nước đang rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc doanh nghiệp liên tục xả thải trộm cũng như giải pháp xử lý.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT có những nguyên nhân cơ bản như sau. Thứ nhất, do chủ trương thu hút đầu tư của Việt Nam làm xuất hiện những doanh nghiệp có năng lực và trình độ xử lý chất thải còn kém. Thứ hai, do khả năng kiểm tra, giám sát của chúng ta vẫn chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Thứ ba, giải pháp phòng ngừa còn nhiều vấn đề. Trước đây, do chưa lường trước được nên chúng ta chưa yêu cầu giám sát thực tiễn, vì vậy, công nghệ xử lý rác thải của nhiều doanh nghiệp không đảm bảo.

 

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

 

     Có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất là ngay từ khâu đánh giá tác động môi tường phải phân loại được lĩnh vực đầu tư sản xuất xem lĩnh vực nào có tiềm năng cao gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai là áp dụng các biện pháp công nghệ, yêu cầu các khu vực khó giám sát có hệ thống quan trắc tự động để chuyển tới các cơ quan quản lý. Thứ ba là nâng cao chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường và đẩy mạnh công tác thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Thứ tư là nếu danh nghiệp liên tục tái phạm, công nghệ không đáp ứng thì yêu cầu tạm dừng hoạt động. Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chúng ta phải phân loại được dòng đầu tư (từ công nghệ sản xuất cho đến giám sát) và công tác hậu kiểm.

     Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre): Công tác quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để đưa chất thải nguy hại vào nước ta. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nguyên nhân cũng như giải pháp để siết chặt thực trạng trên?

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù đã có nhiều quy định về kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều con đường để phế liệu gây ô nhiễm vào Việt Nam. Vì thế, chúng ta nên tính đến lộ trình để có thể lựa chọn, nếu phế liệu có ích cho việc sản xuất thì a nhập, phế liệu có nguy cơ ô nhiễm cao thì phải cương quyết nói không. Tôi hoàn toàn đồng tình là sắp tới các quy định về nhập khẩu phế liệu phải cụ thể hơn. Trước đây, chúng ta khá cởi mở đối với vấn đề này nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác và chúng ta phải thay đổi. Nhiều quốc gia như Thụy Điển vẫn nhập phế liệu và tái chế , tái sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau, thế nhưng với trình độ công nghệ của chúng ta, việc này chưa thể thực hiện được.

     Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên): Thời gian qua, không ít khu công nghiệp mang yếu tố nước ngoài đã xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời không làm cản trở việc tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng như thế nào?

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Vừa qua, để giải quyết và khắc phục sự môi trường biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, Việt Nam đã phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, Trung ương, địa phương và các Bộ, ngành. Sự việc đó là bài học để Việt Nam từng bước thay đổi cách thức quản lý, nhận dạng được các loại hình công nghiệp phù hợp trước khi kêu gọi và cho phép đầu tư.

     Từ bài học này, chúng tôi cho rằng, khâu đánh giá tác động môi trường cần phải được thực hiện thực chất để vừa đánh giá công nghệ sản xuất, vừa xác định được công nghệ xử lý, kiểm soát và phòng ngừa sự cố. Nếu chúng ta làm được như vậy, các nhà đầu tư không chỉ nước ngoài mà trong nước cũng đảm bảo kiểm soát được an toàn về môi trường, tạo ra làn sóng đầu tư chất lượng, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

     Kết thúc phần chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải đáp thắc mắc của 59 đại biểu Quốc hội, 17 đại biểu tranh luận. Đối với câu hỏi của 24 đại biểu chưa được trả lời tại hội trường, Bộ trưởng sẽ có văn bản trả lời cụ thể. Phiên chất vấn của Bộ trưởng nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội, cho thấy, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MNT ngày càng được nâng cao. Điển hình là việc tìm ra nguyên nhân, xử lý, khắc phục sự cố của Nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh đã làm cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung có niềm tin hơn.

     Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, trách nhiệm đối với những mặt còn thiếu sót, hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, môi trường là vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về TN&MT cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã chất vấn, do đó, cần có các giải pháp thiết thực để tạo chuyển biến tích cực cả trước mắt và lâu dài. 

 

Huy Hoàng (Tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn