Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đề nghị báo cáo về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần quản lý theo Công ước Stockholm

20/09/2019

     Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia triển khai thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP tại Việt Nam, Bộ TN&MT đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án nhằm quản lý và giảm thiểu ô nhiễm các chất POP. Để có thông tin tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm theo quy định, ngày 18/9/2019, Bộ TN&MT có văn bản số 4727/BTNMT-TCMT gửi một số Bộ, ngành và Hiệp hội đề nghị báo cáo về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) cần quản lý theo Công ước Stockholm.

    Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các các Bộ, ngành, Hiệp hội theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg rà soát, tổng hợp và báo cáo với nội dung gồm: Thông tin về các hoạt động quản lý các chất POP đã và đang thực hiện; Kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án được phân công của Kế hoạch (Tên chương trình, dự án; đơn vị thực hiện; thời gian thực hiện; nguồn kinh phí thực hiện; nội dung/hoạt động triển khai và kết quả đạt được; hiệu quả của chương trình, dự án; khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị (các nội dung hoạt động của từng Bộ, ngành, Hiệp hội được nêu tại Phụ lục kèm theo)).

    Trước đó, ngày 17/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1598/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch). Trong đó, các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án được phân công; hàng năm báo cáo Bộ TN&MT về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên.

    Hiện nay, danh sách các chất POP cần quản lý theo Công ước Stockholm là 30 nhóm chất (gồm 12 nhóm chất POP cũ, 18 nhóm chất POP mới bổ sung) được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, dân sinh... Trong các nhóm chất POP trên, Việt Nam đã có các quy định về việc cấm sử dụng nhiều loại hóa chất POP trong nông nghiệp, y tế... Tuy nhiên, còn nhiều nhóm chất POP đang được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau cần được đánh giá, quản lý và báo cáo theo yêu cầu của Công ước Stockholm.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn