Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bộ Tài nguyên Môi trường được giao quyết định khu vực nhận chìm chất nạo vét Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất

25/02/2019

     Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản 129/TTg-NN, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT quyết định việc giao khu vực biển liên quan đến nhận chìm vật chất nạo vét từ quá trình thi công xây dựng hạng mục cảng của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

     Theo đó, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan thống nhất để nhận chìm vật chất nạo vét từ quá trình thi công hạng mục cảng của Dự án, đảm bảo quy định về môi trường, các quy định pháp luật liên quan và không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.

     Tháng 9/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc cấp phép nhận chìm ở biển cho khối lượng vật chất nạo vét của cảng chuyên dùng tại Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu của Dự án (bao gồm cảng chuyên dùng) là 15,5 triệu m3.

     Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cũng đánh giá, báo cáo xây dựng nghiêm túc theo các quy định trong Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; cũng như Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT.

     Ngày 6/2/2018, tỉnh Quảng Ngãi đã giao chứng nhận đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

     Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn một năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn, sử dụng công nghệ lò cao khép kín.

     Tuy nhiên, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2017 chưa có nội dung đánh giá phần nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu tại cảng Hòa Phát Dung Quất.

 

Cảng Hòa Phát Dung Quất là một hạng mục quan trọng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất

 

     Trong ĐTM đã được phê duyệt, cảng dự kiến được chia làm 2 giai đoạn thi công.

     Giai đoạn 1 được thiết kế nhằm đón tàu 100.000DWT, giai đoạn 2 sẽ đón được tàu 200.000 tấn.

     Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đầu tư, Hòa Phát đã quyết định làm song song cả 2 giai đoạn của cảng, dẫn đến khối lượng vật chất nạo vét (trong đó gần 90% là cát nhiễm mặn từ đáy biển) tăng lên rất lớn.

     Vì vậy, nhà đầu tư đã tiến hành điều chỉnh bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (đã được phê duyệt ngày 22/8/2017), để bổ sung nội dung nhận chìm chất nạo vét.

     Vị trí nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng dự án được UBND tỉnh lựa chọn nằm phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3 km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8 km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất phía Tây Bắc 10 km. Đây cũng chính là khu vực mà các đơn vị khác như Doosan, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn… nhận chìm trong quá trình thi công nạo vét làm bến cảng của các đơn vị này.

     Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8 km2, có độ sâu từ -51 đến -55 m, độ dốc khoảng 2%. Để nạo vét và nhận chìm số vật chất này, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành, có công suất từ 7.000 - 35.000 m3/chiếc.

     Sau khi hút vật chất lên khoang chứa của tàu, tàu sẽ di chuyển đến vị trí cần đổ, cửa khoang chứa (nằm dưới thân) sẽ tự động mở ra để xả. Phương pháp này sẽ giảm thiểu tối đa những yếu tố gây ảnh hưởng đến không khí như bụi, tiếng ồn và ít ảnh hưởng đến môi trường nước.

     Để làm 11 bến cảng, Công ty phải hút cát, bùn ở khu vực này với tổng khối lượng nạo vét khoảng 19 triệu m3; đơn vị đã sử dụng gần 4 triệu m3 để san lấp mặt bằng khu đất của Dự án. Do đó, tổng khối lượng mà Công ty Hòa Phát xin nhận chìm là khoảng 15 triệu m3.

 

Bảo Bình (Theo baodautu.vn)

Ý kiến của bạn