Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bến Tre ưu tiên đầu tư các dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường

02/05/2018

 

Huỳnh Văn Sơn

Sở TN&MT Bến Tre

     Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã quan tâm đầu tư cho công tác BVMT nhằm khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Tuy nhiên, nguồn tài chính dành cho công tác BVMT lớn, trong khi Bến Tre là tỉnh còn nhiều khó khăn, điều này đã tạo ra những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển bền vững của tình.

     Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng, công tác BVMT của tỉnh Bến Tre đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về BVMT như: Chương trình hành động về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã lồng ghép BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương; phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2025... Song song với đó, tỉnh cũng từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến cơ sở; tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; lấy tiêu chí phát triển kinh tế gắn với BVMT để phê duyệt các dự án.

     Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tại địa phương, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT Bến Tre tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT cho mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi thực hiện chuyên mục TN&MT; tổ chức tập huấn triển khai Luật BVMT cho cán bộ quản lý môi trường cấp cơ sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Phòng TN&MT huyện Ba Tri, Chợ Lách, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức mít tinh, trồng cây xanh, phát tờ rơi tuyên truyền về việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, triển khai kế hoạch xây dựng xã kiểu mẫu về thực hiện tiêu chí môi trường tại Mỹ Hòa (Ba Tri) và Long Thới (Chợ Lách)…

     Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, thẩm định việc xây dựng công trình BVMT; kiểm tra môi trường trong nhập khẩu phế liệu; thẩm định chi tiết Đề án BVMT, báo cáo giám sát môi trường định kỳ; cấp Giấy xác nhận Kế hoạch BVMT và Đề án BVMT đơn giản. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng được tỉnh chú trọng và ưu tiên bố trí kinh phí để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như triển khai Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Thắng (huyện Bình Đại); xây dựng mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) tổng hợp cho làng nghề truyền thống chế biến cá khô Tiệm Tôm (huyện Ba Tri); cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác Phú Hưng (TP. Bến Tre); nâng cấp, cải tạo bãi rác 2 huyện Bình Đại và Thạnh Phú; hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý CTR y tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạnh Phú, Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, với tổng kinh phí gần 11,2 tỷ đồng…

     Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch, đầu tư các công trình xử lý chất thải nhằm hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng khu xử lý CTR, bãi rác tập trung trên địa bàn các huyện, TP; xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp có hệ thống thoát nước; đảm bảo quản lý chặt chẽ chất thải y tế, nhất là rác thải y tế nguy hại, chấm dứt tình trạng nước thải y tế chưa qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra các sông, rạch. Mặt khác, tỉnh còn chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường công tác bảo vệ rừng và trồng rừng ven biển, rừng ngập mặn; thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

     Mặc dù đã đạt được các kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí của địa phương còn hạn hẹp nên chưa đầu tư xây dựng các bãi rác đạt tiêu chuẩn, đặc biệt công tác xử lý rác thải tại các bãi rác còn hạn chế, dẫn đến tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các địa phương giao khoán cho tư nhân thu gom, tự liên hệ tìm chỗ đổ và phần lớn đổ xuống sông, rạch, hoặc ven đường, gây ô nhiễm nguồn nước; rác thải y tế tuy có lò đốt và tự xử lý, nhưng chưa được đầu tư công nghệ xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn môi trường, hoặc chưa vận hành đồng bộ, thường xuyên. Nước thải sinh hoạt ở các đô thị, chợ và khu dân cư chưa có hệ thống xử lý, một số nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng như kênh Chín Tế...

     Trong thời gian tới, để công tác BVMT đạt hiệu quả, tỉnh sẽ tăng cường vai trò quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành để thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp BVMT đã được đề ra trong chương trình hành động của Tỉnh ủy. Trước hết là quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải trong công nghiệp, y tế; kiểm soát môi trường trồng trọt và chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, vận động nhân dân tham gia BVMT, khắc phục việc xả nước thải, rác thải sinh hoạt ra sông, rạch; sản xuất kinh doanh phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về môi trường từ khâu đăng ký, phê duyệt, đến khi thực hiện. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn phải đầu tư hệ thống xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, có kế hoạch thu gom và xử lý khối lượng rác thải đang ngày càng gia tăng; tập trung thu gom hết số rác thải ở các thị trấn, thị tứ; tiến tới chấm dứt tình trạng đổ rác thải, chất thải chưa qua xử lý xuống sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt là cân đối ngân sách hợp lý, đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác BVMT và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường, đi đôi với thực hiện các chế tài xử phạt nghiêm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT từ tỉnh đến cơ sở; triển khai nhân rộng các mô hình áp dụng cơ chế phát triển xanh, công nghệ xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải.

Kết quả hình ảnh cho lê khởi công xay dụng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bình thắng

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng (Bình Đại) là một trong những dự án được tỉnh Bến Tre ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện

Ý kiến của bạn