Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo vệ môi trường trong hoạt động tháo dỡ tàu biển đã qua sử dụng

23/09/2016

     Chiều ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân có buổi làm việc với Tổng cục Môi trường về việc hoàn thiện Thông tư quy định BVMT trong hoạt động tháo dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh theo vea)

 

     Hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng mang lại lợi ích về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra các giải pháp, cơ hội tiếp tục duy trì ngành công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn để từng bước phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ có thể gây ra những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước không kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ.

     Theo thống kê của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), thế giới hiện có khoảng 50.000 tàu vận tải đang hoạt động, hầu hết các tàu này có tuổi thọ trung bình từ 25 - 30 năm và khi hết hạn phục vụ, chúng sẽ được phá dỡ. Một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc hình thành hẳn ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển. 90% tàu cũ trên thế giới hiện được phá dỡ tại các nước châu Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ.

     Tại Việt Nam, từ những năm 1960, những con tàu đầu tiên đã được phá dỡ, chi phí đầu tư và nhân công thấp đã biến nghề phá dỡ tàu cũ thành một ngành kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận cho không ít doanh nghiệp với chi phí đầu tư thấp, thu hút hàng nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Thành phố Hải Phòng là địa điểm diễn ra hoạt động phá dỡ tàu biển rầm rộ nhất, tại đây có tới 9 cơ sở với tổng năng lực phá dỡ đạt khoảng 100.000 - 120.000 tấn, trong đó lớn nhất là Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Triệu. Nếu tiếp tục cho phép việc phá dỡ tàu biển thì sẽ mang lại lợi ích khá lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

     Tuy nhiên, phá dỡ tàu biển tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại bất cập. Đối với tàu biển Việt Nam, khi triển khai thực hiện thì hầu hết cơ sở phá dỡ tàu biển đang có nhu cầu phá dỡ đều thiếu điều kiện thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, chưa được cấp phép hoạt động nên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Đối với tàu biển nước ngoài do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, nhiều tàu trong tình trạng bán tàu không ai mua, phá dỡ tàu tại Việt Nam thì vướng luật, đưa tàu ra nước ngoài phá dỡ thì tiền thu được từ phá dỡ không đủ chi phí để đảm bảo điều kiện đi biển của tàu.

 

Toàn cản​h cuộc họp (Ảnh theo vea)

 

     Trước tình trạng đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc phá dỡ tàu biển mang lại lợi ích cao nhưng nếu không thể kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu đã qua sử dụng về tháo dỡ thì lại gây ảnh hưởng khôn lường đến môi trường biển. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường cần nghiên cứu kỹ tình hình nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam cũng như trên thế giới; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 19/2015/NĐ-CP, Nghị định 114/2014/NĐ-CP để phù hợp trước những vấn đề môi trường xảy ra như hiện nay. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Thông tư, quy chuẩn, hướng dẫn phá dỡ tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, nghiên cứu hướng giải quyết đối với các tàu Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.

 

Phương Hạnh

Ý kiến của bạn