Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bình Dương: Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường

28/03/2017

Ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc

Sở TN&MT tỉnh Bình Dương

    Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua cùng với quá trình phát kinh tế - xã hội, môi trường tỉnh Bình Dương đang chịu nhiều áp lực. Do vậy, tỉnh đã đề ra các giải pháp nhằm giải quyết bài toán về môi trường đang đặt ra hiện nay. Để hiểu rõ về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương. 

   Xin ông cho biết, việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

   Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 KCN với tổng diện tích là 9509,81 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 9307,41 ha và 1 KCN đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tất cả các KCN đã đi vào hoạt động và xây dựng trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung, trong hệ thống thoát nước mưa, nước thải được tách riêng biệt. Theo đó, nước thải từ các doanh nghiệp (DN) được đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung của KCN. Trong số 27 KCN đi vào hoạt động, có 26 KCN đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT.

   Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 CCN với tổng diện tích 592,08 ha, trong đó có 7/8 CCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 71,95%. Do hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN và có hiệu lực thi hành từ ngày 5/10/2009 theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên có 3 CCN (Bình Chuẩn, An Thạnh và Tân Đông Hiệp) không lập hồ sơ môi trường và không xây dựng hệ thống XLNT tập trung, tuy nhiên các DN trong CCN đều tự đầu tư xây dựng hệ thống XLNT đạt quy chuẩn xả thải theo quy định. Đối với 4 CCN mới thành lập, đều đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung; các cơ sở trong các CCN này đều đã tiến hành đấu nối về hệ thống XLNT tập trung. Hiện nay, CCN Uyên Hưng đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về trạm điều hành Sở TN&MT.

   Là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản vật liệu xây dựng (VLXD) lớn, vậy tỉnh đã có những biện pháp gì để sử dụng bền vững tài nguyên, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, thưa ông?

   Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Nhằm đánh giá tiềm năng khoáng sản phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng khoáng sản một cách hợp lý hiệu quả, tiết kiệm tỉnh đã thực hiện Đề án “Điều tra địa chất về khoáng sản, đánh giá hiện trạng và xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Bình Dương đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”; phê duyệt Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển ngành VLXD bền vững, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại, ít tiêu tốn nguyên nhiên liệu và hạn chế ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp...; đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05/2013/CT-UBND ban hành ngày 29/8/2013 của tỉnh nhằm tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sử dụng gạch sét nung trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đã chấm dứt toàn bộ lò hofman, hạn chế việc xây dựng lò tuynel, hướng đến năm 2020 không cấp phép xây dựng lò tuynel để tập trung vào sản xuất VLXD không nung.

   Mặt khác, tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tại các địa phương có tiềm năng khoáng sản lớn như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản đúng quy trình và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, mà vẫn đảm bảo công tác BVMT, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án nghiên cứu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với hoạt động khai thác đá xây dựng thuộc thị xã Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên; đề xuất các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng hợp lý khoáng sản, nhằm đảm báo thực hiện đúng các quy định pháp luật về BVMT. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về khai thác khoáng sản và BVMT cho các DN, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

         Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy giấy tại Bình Dương

   Để công tác BVMT tại địa phương đạt hiệu quả, ông có những đề xuất, kiến nghị gì?

   Ông Nguyễn Hồng Nguyên: Nhìn chung, công tác quản lý môi trường tại địa phương cơ bản đã đi vào nề nếp và luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách, pháp luật còn một số khó khăn, bất cập kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cụ thể như:

   Quy định cụ thể về thời điểm lập báo cáo ĐTM và đề nghị thực hiện theo 2 bước (ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết); Lồng ghép với các quy định của Luật Đầu tư và lập danh mục các dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn xem xét, lựa chọn địa điểm đầu tư... Đồng thời, cần quy định công tác ĐTM trong giai đoạn xem xét, thẩm định cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Lồng ghép việc thực hiện các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án vào các quy định khác (như quy định cấp sở hữu công trình) để ràng buộc DN thực hiện. Việc kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo ĐTM cần hướng đơn giản hơn để khuyến khích DN thực hiện.

   Điều chỉnh một số quy định còn chưa thống nhất, chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong triển khai nhiệm vụ như quan trắc môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quy định việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; kiểm soát chất lượng nước thải giữa Luật Tài nguyên nước và Luật BVMT…

   Bổ sung quy định định lượng cụ thể trong việc lập lại hồ sơ môi trường và bổ sung quy định loại hồ sơ nào cần phải lập cho các DN, hoặc dự án của DN đã triển khai hoạt động nhưng không lập hồ sơ môi trường sau khi đã xử lý vi phạm hành chính.

   Quy định chặt chẽ trong việc đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung, nghiêm cấm chủ đầu tư KCN, CCN thỏa thuận cho phép đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước mưa…để thuận lợi trong kiểm tra, quản lý.

   Xin cảm ơn về cuộc trao đổi này!

Đinh Hương

 (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn