Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững tại Việt Nam

12/03/2018

     Phát triển kinh tế đã mở rộng việc tiếp cận đối với hàng hóa và dịch vụ cho hàng tỷ người trên thế giới.Tuy nhiên, mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không bền vững đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Do đó, mua sắm công bền vững (MSCBV) được xem như một công cụ tạo ra việc chuyển đổi thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), “MSCBV là một quá trình mà các tổ chức đáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, công trình theo cách có thể đạt được giá trị bền vững bằng việc tạo ra lợi ích không chỉ cho tổ chức của mình, mà còn với xã hội và nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho môi trường".

     Các chính sách và hoạt động về MSCBV đã được đưa vào áp dụng triển khai trên toàn thế giới. Năm 2004, Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Chỉ thị 2004/18/EC ngày 31/3/2004 để điều phối các thủ tục trong mua sắm công đối với hàng hóa, dịch vụ tại tất cả những nước thành viên của EU và bổ sung các tiêu chí môi trường. Hiện nay, các tiêu chuẩn xã hội cũng đang được Ủy ban châu Âu nghiên cứu để bổ sung vào thủ tục mua sắm công của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, MSCBV cũng đang được giới thiệu và thực hiện ở các nước đang phát triển. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra ở Braxin năm 2012, các quốc gia đã thông qua Khung Chương trình 10 năm về Tiêu chuẩn tiêu dùng và sản xuất bền vững (10YFP). 10YFP là một khuôn khổ toàn cầu cho các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang tiêu dùng, sản xuất bền vững ở các nước phát triển và đang phát triển. 10YFP tạo nền tảng để phát triển, mở rộng chính sách, sáng kiến tiêu dùng và sản xuất bền vững ở tất cả các cấp thông qua dự án, chương trình đa bên, trong đó các nước đang phát triển sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính.

     Việc thực hiện MSCBV sẽ giúp các quốc gia đạt được mục tiêu chính về môi trường như giảm khí thải nhà kính, cải thiện hiệu suất năng lượng, nước, bảo vệ rừng và hỗ trợ tái chế. Đồng thời, giúp giảm đói nghèo và cải thiện công bằng (bình đẳng giới, các dân tộc thiểu số...). Mặt khác, việc triển khai MSCBV cũng góp phần đạt được các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự (CTNS) 2030 đã được Liên hợp quốc công bố vào năm 2015, bao gồm 17 mục tiêu, trong đó, mục tiêu số 12 về đảm bảo tiêu dùng và sản xuất bền vững được xem là một trong những mục tiêu quan trọng; chỉ tiêu số 12.7 là tăng cường thực hiện MSCBV, phù hợp với các chính sách và ưu tiên của mỗi quốc gia.

     Tại Việt Nam, trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu, tập trung vào phát triển kinh tế bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, sự hiệu quả và cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên, cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và xác định các mục tiêu như thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp; làm giàu tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu chất thải và khí thải, đặc biệt là khí nhà kính.

     Để triển khai CTNS 2030, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, đã đặt ra 9 mục tiêu cụ thể để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững.

     Theo Báo cáo đánh giá hiện trạng MSCBV, chi tiêu công ở Việt Nam chiếm từ 20 - 30% tổng ngân sách nhà nước. Với sự hỗ trợ của UNEP và EU, Dự án MSCBV và Nhãn sinh thái (SPPEL) đã được triển khai từ năm 2014 - 2017. Báo cáo cho thấy, MSCBV là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Trong Chiến lược quốc gia về TTX đã nêu rõ, tất cả các cơ quan nhà nước nên khuyến khích mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường, bởi vì trong thời gian qua, việc mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như những sản phẩm bền vững rất hạn chế trong mua sắm công. Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các cán bộ cơ quan nhà nước có xu hướng mua các sản phẩm bền vững với số lượng nhỏ, chủ yếu là phục vụ nhu cầu cá nhân, hoặc nhóm nhỏ.

 

 

Ông Nguyễn Minh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Môi trường)

trao Chứng nhận Nhãn Xanh Việt Nam cho đại diện Công ty CP Bóng đèn Điện Quang với sản phẩm bóng đèn LED

 

     Trong khuôn khổ Dự án SPPEL, các bên liên quan đã tiến hành rà soát, đánh giá các luật, chính sách và quy định liên quan đến MSCBV để đề xuất sửa đổi văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện MSCBV. Dự án cũng triển khai các hoạt động để hỗ trợ Chương trình Nhãn xanh Việt Nam thực hiện hiệu quả. Trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn của UNEP, Dự án đã xây dựng bộ công cụ đào tạo về MSCBV cho cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên và các doanh nghiệp; tổ chức 2 khóa đào tạo về MSCBV nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ của các cơ quan Trung ương, khu vực tư nhân.

     Bên cạnh đó, Dự án cũng lựa chọn các sản phẩm ưu tiên để áp dụng MSCBV dựa vào những tiêu chí khác nhau, qua đó, đã chọn được 4 sản phẩm (bao gồm giấy văn phòng, máy tính xách tay, bóng đèn huỳnh quang compact và bóng đèn LED). Dự án cũng đã tiến hành đấu thầu nhằm thử nghiệm việc khởi động các gói thầu thí điểm, tập trung vào các sản phẩm ưu tiên (giấy văn phòng và bóng đèn huỳnh quang).

     Đặc biệt, một trong những kết quả quan trọng của Dự án SPPEL đó là xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động MSCBV nhằm thúc đẩy việc thực hiện MSCBV ở Việt Nam, nhất là trong các cơ quan nhà nước thông qua xây dựng năng lực, truyền thông, và thúc đẩy việc sử dụng Nhãn sinh thái (Nhãn Xanh Việt Nam, Nhãn Ngôi sao Năng lượng…) như các phương thức chính để xác minh các tiêu chí môi trường, cùng với việc điều chỉnh các tiêu chí kinh tế - xã hội đang được sử dụng trong mua sắm công thông thường. Trong số 66 hoạt động được liệt kê trong Chiến lược, Kế hoạch hành động MSCBV, sẽ ưu tiên cho các sản phẩm sản xuất từ ​​vật liệu tái chế, được chứng nhận nhãn và sản phẩm sinh thái.

     Thông qua việc triển khai các nghiên cứu, tổ chức thí điểm MSCBV, xây dựng tài liệu, tăng cường năng lực về MSCBV tại Việt Nam cho thấy, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện MSCBV thông qua các chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến MSCBV nói riêng và sản xuất, tiêu dùng bền vững nói chung. Các cơ chế chính sách, quy định pháp luật hiện hành đều tạo ra những điều kiện thuận lợi, làm nền tảng cho việc thực hiện MSCBV. Chính phủ cũng phê duyệt ngân sách cho các chương trình tiết kiệm năng lượng, xây dựng công trình xử lý chất thải, ngân sách thường xuyên cho BVMT, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các hoạt động như xây dựng mô hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững bước đầu cũng được thực hiện. Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như Chương trình cấp Nhãn xanh Việt Nam (Bộ TN&MT); Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng được triển khai.

     Mặc dù, có những điều kiện thuận lợi nêu trên, tuy nhiên, việc áp dụng MSCBV ở Việt Nam vẫn gặp những khó khăn. Trước hết là sự thiếu tính liên kết giữa các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, quy định dẫn đến việc thực hiện MSCBV nói riêng, BVMT hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững nói chung còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện MSCBV còn ở phạm vi hẹp, phẩn lớn nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), EU. Bên cạnh đó, việc điều phối giữa các Bộ, ngành cũng chưa thống nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan về mua sắm công và cơ quan chuyên môn về môi trường còn hạn chế, đặc biệt là trong công tác lồng ghép các tiêu chí môi trường trong quá trình đấu thầu.

     Trong thời gian tới, để thúc đẩy MSCBV ở Việt Nam cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật với những hướng dẫn cụ thể. Các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ cần đổi mới công nghệ, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ bền vững; tăng cường năng lực kỹ thuật và thúc đẩy sáng kiến bền vững cho khối doanh nghiệp, có cơ chế hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ; nâng cao nhận thức về thị trường, nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững.

 

Nguyễn Minh Cường

Nguyễn Thanh Nga

       Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

                                              

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn