Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đề xuất ý kiến góp phần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn môi trường

23/12/2019

     Theo Luật BVMT năm 2014, Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường (QCKTMT) là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, những yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để BVMT.

     Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

     Hệ thống các QCKTMT bao gồm: Nhóm các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; Nhóm các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; Nhóm các QCKTMT khác (các quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu, quy chuẩn kỹ thuật đối với một số loại thiết bị chuyên dùng để xử lý chất thải). Đây là những công cụ pháp lý trực tiếp điều chỉnh chất lượng môi trường, xác định các mục tiêu môi trường và đặt ra số lượng hay nồng độ cho phép của các chất được thải vào môi trường đất, nước và không khí.

     Hệ thống các QCKTMT của nước ta được xây dựng nhằm quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường, bảo đảm sự sống và phát triển của con người, sinh vật, trên cơ sở vừa đảm bảo mục tiêu BVMT, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước theo từng giai đoạn, vùng miền, vừa đáp ứng yêu cầu hài hòa với tiêu chuẩn các nước trong khu vực và Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, hệ thống QCKTMT của nước ta có nhiều nét tương đồng với hệ thống tiêu chuẩn môi trường của các nước trong khu vực và trên thế giới.

     Luật BVMT cũng quy định, QCKTMT phải phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất; QCKTMT địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với QCKTMT quốc gia, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù. Do vậy, ngoài các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (viết tắt là QCVN) về môi trường do Bộ TN&MT ban hành, nhiều địa phương cũng đã ban hành một số QCKTMT nhằm siết chặt các yêu cầu xử lý chất thải. Đặc biệt, bên cạnh những quy chuẩn về chất thải chung, Bộ TN&MT cũng ban hành những quy chuẩn (đối với nước thải, khí thải) cho một số lĩnh vực sản xuất đặc thù. Đến nay có 48 QCVN về môi trường đang có hiệu lực áp dụng do Bộ TN&MT ban hành, bao gồm cả các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, chất thải và kỹ thuật môi trường khác.

 

Quan trắc môi trường để đánh giá sự tuân thủ QCVN

 

     Ngoài ra, các Bộ: Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, NN&PTNT... cũng ban hành QCVN liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm môi trường để làm công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường như: QCVN 09:2015/BGTVT - QCVN về chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT đối với xe ô tô; QCVN 17:2011/BGTVT - QCVN về quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa; QCVN 02:2011/BCT - QCVN về an toàn trong nhà máy tuyển khoáng; QCVN 01-14:2010/BNNPTNT - QCVN điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học; QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - QCVN điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; một số QCVN về môi trường nơi làm việc (ánh sáng, điện từ trường, độ ồn, độ rung, nồng độ các loại bụi, hóa chất theo QCVN 21:2016/BYT, QCVN 27:2016/BYT, QCVN 29:2016/BYT, QCVN 30:2016/BYT, QCVN 02:2019/BYT, QCVN 03:2019/BYT...) do Bộ Y tế ban hành. Việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải cho lĩnh vực sản xuất đặc thù hiện nay đang dựa trên nguyên tắc hỗ trợ phát triển một số ngành sản xuất nhất định, nghĩa là chỉ quy định giám sát đối với những thông số phát thải đặc trưng của ngành sản xuất, nới lỏng một vài thông số ô nhiễm so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải công nghiệp chung để giảm chi phí xử lý chất thải cho doanh nghiệp.

     Những vướng mắc trong quá trình xây dựng, áp dụng quy chuẩn

     Theo Tổng cục Môi trường, việc áp dụng QCVN chung cho các địa phương trên phạm vi toàn quốc trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình áp dụng tại các địa phương vẫn còn bộc lộ một số bất cập do đặc thù về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý… của các địa phương có sự khác biệt. Việc áp dụng các QCVN về môi trường có nơi, có lúc không được thống nhất ở các địa phương; nhiều cơ quan quản lý môi trường yêu cầu áp dụng QCVN về môi trường đối với nước thải, hoặc khí thải chung không giống nhau cho cùng một lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Thậm chí ngay cả ở Bộ TN&MT cũng áp dụng quy chuẩn khác nhau trong yêu cầu khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và khi cấp Giấy phép xả thải, hoặc chưa có nghiên cứu, đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận chất thải (sông, suối, ao, hồ, kênh mương,…), do đó, dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện theo quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng quy chuẩn xả thải theo mục đích sử dụng nước cũng gặp khó khăn, đặc biệt là ở khu vực liên vùng, liên tỉnh.

     Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các địa phương xây dựng quy chuẩn địa phương (QCĐP) phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong khi Luật BVMT năm 2014 quy định, QCĐP phải nghiêm ngặt hơn so với QCKTMT quốc gia, hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù. Tuy vậy, việc ban hành các QCKTMT địa phương còn hạn chế, chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, dẫn đến các địa phương phải áp dụng quy chuẩn quốc gia trong một số trường hợp cá biệt còn bị gượng ép, khó cho cả doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

     Đến nay, Bộ TN&MT đã ban hành 19 QCVN về môi trường đối với nước thải, khí thải cho 18 lĩnh vực đặc thù (riêng ngành thép đã xây dựng QCVN đối với cả nước thải và khí thải). Như trên đã nói, việc xây dựng và ban hành một số QCKTMT cho một số ngành sản xuất đặc thù dựa trên nguyên tắc hỗ trợ phát triển sản xuất đối với một số ngành nhất định; đáng lẽ, việc áp dụng các quy chuẩn này phải đi kèm với một số quy định quản lý đặc thù (ví dụ, chỉ được phát triển ngành sản xuất đặc thù tại những khu vực/địa phương nhất định, với quy mô hạn chế), nhưng thực tế, không có những quy định quản lý đi kèm, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các ngành sản xuất công nghiệp khác nhau trong cùng một địa bàn hoạt động. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác đang phải áp dụng QCVN chung đề xuất mong muốn có quy chuẩn riêng.

     Đề xuất, kiến nghị để các QCKTMT đáp ứng yêu cầu thực tiễn

     Một số chuyên gia cho rằng, để BVMT, phải xây dựng và ban hành QCKTMT theo hướng quản lý tải lượng phát thải, chứ không phải quản lý thuần túy nồng độ phát thải như hiện nay. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, đi theo phương hướng nào cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định; QCKTMT cũng chỉ là một trong các công cụ để quản lý môi trường, luôn luôn phải áp dụng gắn liền với những công cụ quản lý khác. Để xây dựng và áp dụng được các QCKTMT quản lý tải lượng phát thải cần phải dựa trên những tính toán sức chịu tải của môi trường, những số liệu này sẽ khác nhau ở những khu vực khác nhau và cần cập nhật thường xuyên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nên bắt đầu triển khai ngay các nghiên cứu để lựa chọn và quy định những phương pháp luận/quy trình tính toán sức chịu tải môi trường, làm tiền đề cho việc xây dựng, áp dụng QCKTMT quản lý tải lượng phát thải. Điều đó cũng cho thấy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện và áp dụng QCKTMT theo hướng quản lý nồng độ phát thải. Trong đó, kiến nghị cần lưu ý một số vấn đề sau:

     QCVN đối với chất thải càng ngày càng phải chặt chẽ hơn để đảm bảo môi trường được cải thiện; nên quy định chi tiết hơn về môi trường tiếp nhận chất thải, các hệ số vùng tiếp nhận, hệ số lưu lượng thải, lộ trình để có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.

     Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và quy định phân vùng tiếp nhận chất thải một cách chi tiết để khắc phục những khó khăn phát sinh khi áp dụng QCVN, đồng thời BVMT cho những khu vực nhạy cảm; khu vực đã, hoặc sắp bị ô nhiễm nghiêm trọng.

     Cần có chỉ đạo định hướng cụ thể về xây dựng và ban hành QCKTMT cho những ngành sản xuất đặc thù. Nếu cần thiết nới rộng nồng độ phát thải của một chất ô nhiễm nào đó thì phải gắn liền với quy định cụ thể về khu vực được phát thải, tức là phải hạn chế địa bàn phát triển ngành sản xuất đặc thù đó (môi trường xung quanh còn khả năng tiếp nhận và tự xử lý chất ô nhiễm đặc trưng của ngành sản xuất).

 

TS. Trần Thế Loãn

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

Ý kiến của bạn