Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định

26/08/2019

     Tỉnh Nam Định hiện có khoảng 100 làng nghề đang hoạt động, với trên 55.000 lao động. Các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

     Thực trạng môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh

     Từ năm 2010 - 2017, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định chủ yếu sản xuất quy nhỏ lẻ, theo thời vụ; các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghệ lạc hậu. Ý thức của nhiều hộ sản xuất trong làng nghề chưa cao, chưa quan tâm đầu tư thiết bị, công trình BVMT để giảm thiểu, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất. Hơn nữa, do đặc điểm dân cư trong làng xã của nông thôn phân bố không đều, đan xen với ruộng, vườn, ao hồ, do đó, việc kết nối các hộ sản xuất xây dựng kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề rất tốn kém, trong khi đó nguồn kinh phí của các địa phương hạn chế.

     Nhìn chung, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương nhưng cũng có những tác động không nhỏ đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Các làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tái chế kim loại như: Làng nghề đúc nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh); làng nghề rèn Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi (thị trấn Nam Giang), huyện Nam Trực… nước thải sản xuất một phần được quay vòng, một phần thải trực tiếp ra kênh, mương thoát nước của địa phương, gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Riêng làng nghề Bình Yên đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 500 m3/ngày, đêm.

 

Sông Hàng bao quanh làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực đã được nạo vét, khơi thông

 

     Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, do nhu cầu của thị trường nên một số làng nghề còn tồn tại, một số làng nghề đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác, có làng nghề phát triển hơn nhưng cũng có làng nghề tạm dừng sản xuất hoặc chỉ còn một vài hộ làm nghề, điển hình như làng nghề thêu ren Văn Mỹ, huyện Ý Yên (2 hộ); làng nghề tre nứa ghép Cổ Liêu, huyện Ý Yên (2 hộ); làng nghề đan chiếu Nam Lạng, huyện Trực Ninh (3 hộ); làng nghề dệt chiếu Liêu Hải, huyện Nghĩa Hưng (2 hộ)… Ngoài ra còn có một số làng nghề mới hình thành. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 làng nghề.

     Nước thải của các hộ sản xuất trong làng nghề chủ yếu được thải chung với nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định năm 2018, nước thải của các làng nghề tại một số vị trí quan trắc đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5, Coliform, Amoni, SS (tại cống thoát nước của làng nghề Phong Lộc, vị trí cuối ngõ 186 đường Vũ Hữu Lợi, phường Cửa Nam (TP. Nam Định); cống thoát nước của làng Phượng (xã Nam Dương, huyện Nam Trực). Môi trường không khí chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số bụi lơ lửng, CO, SO2, NO2, tuy nhiên, thông số tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép (QCVN26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) ở mức thấp, tại một số làng nghề cơ khí, đồ gỗ. Cụ thể, mẫu không khí tại làng nghề Tống Xá, vị trí trước nhà ông Bùi Văn Nam, xóm 2, xã Yên Xá, huyện Ý Yên có thông số tiếng ồn vượt dưới 2 lần.

     Thực hiện quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã đề nghị UBND các huyện, TP chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án BVMT làng nghề; đôn đốc, hướng dẫn những xã có làng nghề lập phương án BVMT, trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức triển khai. Đến nay, các làng nghề cơ bản thực hiện biện pháp BVMT, thu gom, xử lý chất thải; 45 làng nghề lập phương án BVMT được UBND huyện phê duyệt. Các làng nghề còn lại đang triển khai lập phương án BVMT trình UBND huyện phê duyệt theo quy định. Các làng nghề cũng thành lập Tổ tự quản BVMT kết hợp với việc thành lập tổ, đội thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Hầu hết các cơ sở hoạt động trong làng nghề tại các huyện đã có hồ sơ, thủ tục về BVMT. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở TN&MT tỉnh cũng tổ chức quan trắc hiện trạng môi trường theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đã được phê duyệt. Trong đó, quan trắc nước thải tại 13 vị trí; môi trường không khí và tiếng ồn tại 10 vị trí, tập trung chủ yếu ở các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

     Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số xã có làng nghề (chủ yếu trên địa bàn huyện Hải Hậu) đang triển khai lập phương án BVMT theo quy định. Do UBND huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM năm 2015, khi đó chưa ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT. Các làng nghề của huyện đa số là làng nghề truyền thống với ngành nghề được khuyến khích phát triển như trồng hoa, cây cảnh, làm muối, đan chiếu… vì vậy, hoạt động của làng nghề không ô nhiễm môi trường.

     Thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT làng nghề

     Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo các huyện, TP thực hiện các giải pháp đồng bộ về BVMT làng nghề. Năm 2015, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Từ kết quả rà soát, đánh giá thực trạng các làng nghề, là căn cứ để đưa ra các giải pháp quản lý môi trường làng nghề hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cấp.

 

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Nam Trực kiểm tra vận hành trạm xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Bình Yên

 

     Về việc thực hiện các chương trình, dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nhất là làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, tỉnh sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thực hiện. Từ năm 2003, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Nam Trực đầu tư xây dựng 2 CCN tập trung tại thị trấn Nam Giang, gồm CCN Vân Chàng (năm 2003) và CCN Đồng Côi (năm 2007) để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi làng nghề. Từ năm 2004 - 2010, Dự án Quản lý chất thải nguy hại tỉnh Nam Định do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ thực hiện tại 2 làng nghề cơ khí Vân Chàng và đúc nhôm Bình Yên. Kết quả, đã xây dựng được hệ thống thu gom nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với khí thải, quản lý chất thải rắn; đồng thời, triển khai diện rộng mô hình sản xuất sạch hơn, áp dụng cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Năm 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề, nay là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1175/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh. Dự án đã thực hiện xong các hạng mục công trình BVMT và bàn giao cho UBND xã Nam Thanh đưa vào sử dụng. Tiếp đó, để khắc phục các tồn tại về BVMT làng nghề Bình Yên, UBND tỉnh đã có Thông báo số 99/TB-UBND này 2/7/2019 cho phép UBND huyện Nam Trực lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý môi trường tại làng nghề. Trong đó, sẽ xây dựng bổ sung hạng mục hồ điều hòa để trung hòa nước thải trước khi đưa vào trạm xử lý và UBND xã NamThanh đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường để đầu tư, vận hành trạm xử lý nước thải, thu phí xử lý tại các hộ sản xuất.

     Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của cộng đồng dân cư cũng như các cơ sở sản xuất trong làng nghề; tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 23/11/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; thực hiện nghiêm Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh Nam Định.

     Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BVMT làng nghề, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, bám sát thực tế; xây dựng và triển khai Đề án về cơ chế đột phá, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT; thực hiện đúng nguyên tắc người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác BVMT, người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại; tăng cường quản lý nhà nước trong làng nghề; yêu cầu chính quyền cấp huyện, cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thu gom, phân loại, xử lý các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của
làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, buộc chấm dứt hoạt động sản xuất đối với các cơ sở vi phạm theo quy định của Luật BVMT.

     Ngoài ra, yêu cầu các cơ sở sản xuất thuộc danh mục ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề phải có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo môi trường hoặc phải di dời vào khu, CCN; chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất; không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phát sinh bụi, mùi, khí thải độc hại và nước thải chứa nhiều hóa chất, kim loại nặng; thường xuyên tổ chức các hoạt động BVMT có sự tham gia của cộng đồng như ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải…

 

Trương Thị Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn