Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đà Nẵng: Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Đề án Thành phố môi trường

26/08/2019

     Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "Thành phố đáng sống" của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sức ép của việc gia tăng dân số hiện nay, Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức ô nhiễm môi trường.Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường (Đề án) nhằm rà soát, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện.

     Một số kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế

      Ngày 21/8/2008, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án xây dựng TP môi trường với mục tiêu đến năm 2020 là đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách; ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, có đủ năng lực xử lý và khắc phục các sự cố môi trường; tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá, nhân trong, ngoài nước đến làm ăn, sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức về BVMT, xây dựng thành phố môi trường.

     Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, TP Đà Nẵng có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường nhìn chung được đảm bảo.

     Để phát triển TP theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, TP đã có nhiều chủ trương không cho phép đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án lớn khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, ban hành nhiều chính sách để BVMT khu dân cư, hệ sinh thái… Nhìn chung, TP đã dần thiết lập sự cân đối giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, kết hợp BVMT với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa.

     Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm về BVMT được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, giúp người dân tiếp cận thông qua nhiều kênh thông tin, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, họp tổ dân phố, các phương tiện thông tin đại chúng, phong trào, sự kiện, chiến dịch... đã huy động được sự tham gia của toàn thể cộng đồng, tạo sức lan tỏa mạnh và đạt hiệu quả nhất định. Qua quá trình thực hiện, toàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: “Tổ dân phố không rác”, “Doanh nghiệp xanh-sạch-đẹp”, “Trường học xanh”, “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”…

     Đến nay, TP đã hoàn thành 7/10 tiêu chí của Đề án gồm: Chỉ số ô nhiễm không khí (AP) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100; độ ồn tại khu dân cư nhỏ hơn 60dbA, đường phố nhỏ hơn 75dbA; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đầu người từ 6 - 8m2/người; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn là 76,81%; tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt hơn 95%, khu vực nông thôn là hơn 70%; tổng lượng nước thải sinh hoạt thu gom đạt trên 61%, tỷ lệ xử lý đạt yêu cầu lớn hơn 42% (của 3 trạm).Riêng 3 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 là: tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực sông, ven biển, hồ, nước ngầm; tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp.Đặc biệt, 13/15 điểm nóng về môi trường đến nay được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế.

 

TP. Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước thải đô thị

 

     Bên cạnh những kết quả đạt được, TP cũng đang phải đối mặt với những tồn tại hạn chế, đó là công tác quy hoạch còn bất cập, chưa tuân thủ các quy định, quy chuẩn dẫn đến tình trạng các KCN, CCN hoạt động chưa đảm bảo quy định về dải cách ly từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh; thiếu diện tích xây xanh; các trạm trung chuyển rác nằm trong khu dân cư, hay bãi rác Khánh Sơn; sự phát triển quá mức các dự án du lịch ven biển gây quá tải hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn khu vực này; Công tác đầu tư thiếu đồng bộ, tính toán quy mô, lựa chọn công nghệ xử lý chưa đảm bảo, gây ô nhiễm kéo dài; Các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, phần lớn trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động…

     Xây dựng TP môi trường giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

     Trong những năm tới, quan điểm chỉ đạo của TP xác định: Xây dựng TP môi trường là một quá trình lâu dài, bền vững, kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, người dân có ý thức, tham gia BVMT, xây dựng và hình thành lối sống văn minh; Giải quyết tốt, hài hòa các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học và BVMT; Các giải pháp xây dựng TP môi trường lấy phòng ngừa ô nhiễm là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường; đầu tư BVMT là đầu tư cho hiện tại và tương lai, hướng đến phát triển đô thị bền vững; Tiếp tục phát huy kết quả, hiệu quả giai đoạn 10 năm qua (2008-2018), đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệp để triển khai thành công các mục tiêu, tiêu chí mới TP đề ra; nâng cao uy tín, vị thế của TP Đà Nẵng trong công tác BVMT, quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu.

     Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, tầm nhìn năm 2045, Đề án tiếp tục được xây dựng trên cơ sở Luật BVMT năm 2014, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/1/2019 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan với mục tiêu là xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái.

     Theo đó, đến năm 2025, TP kiểm soát tốt chất lượng môi trường (nước, không khí, đất); hoàn thành các tiêu chí đã được cập nhật đến năm 2025; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng thành phố sinh thái; xây dựng, phấn đấu các tiêu chí về thành phố sinh thái và đến năm 2045, là thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế.Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, thành phố đề ra một số giải pháp nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, cụ thể:

     Tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể, cơ quan đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án gắn với chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm về môi trường trên địa bàn; chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức quán triệt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường của thành phố trong giai đoạn mới.

     Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT, sử dụng tài nguyên hiệu quả và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tham gia BVMT, xây dựng TP môi trường, xây dựng các chương trình, tuyên truyền giáo dục cụ thể, hình thức, phong phú đến từng nhóm đối tượng người dân, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, du khách để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả.

     Xây dựng các chính sách về quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về BVMT đáp ứng xây dựng TP môi trường. Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về BVMT trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình và dự án đầu tư nhằm đảm bảo phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; không vì lợi ích trước mắt mà để lại những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài về môi trường; Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, kiên quyết thực hiện các chế tài trong xử lý vi phạm môi trường, xử lý kịp thời những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường…

     Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về BVMT. Tổ chức tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước trong quá trình thực hiện Đề án, huy động sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp về BVMT.

     Kiện toàn hệ thống quản lý môi trường bền vững. Tiếp tục rà soát, củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp, ngành, xây dựng bộ máy tổ chức đến cấp xã, phường, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực BVMT.

 

Xuân Ngọ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

Ý kiến của bạn