Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ðẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

05/09/2017

   Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở y tế (CSYT) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành y tế và các địa phương đặc biệt quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần phải có biện pháp và lộ trình cụ thể để đảm bảo tiến độ đề ra, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Nhi

   Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế

   Ngày 1/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 (Quyết định số 1788/QĐ-TTg). Mục tiêu của Kế hoạch là rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước; Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT; Phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ÔNMTNT.

   Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngành y tế có 172 CSYT nằm trong danh mục cơ sở gây ÔNMTNT. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, tính đến tháng 6/2017 đã có 57/172 cơ sở (chiếm 32,5%) được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định; 56/172 cơ sở (chiếm 33,7%) đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải và đang làm thủ tục ra khỏi Danh mục gây ÔNMTNT; 7/172 cơ sở (chiếm 4%) đã được phê duyệt các hạng mục đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế (CTYT); 40/172 cơ sở (chiếm 23%) đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 12/172 cơ sở (chiếm 7%) chưa triển khai đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý CTYT theo quy định. Nhìn chung, nhiều địa phương đã chủ động và tích cực bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho các CSYT xây dựng hệ thống xử lý chất thải và đến nay đã hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, đạt 100% yêu cầu theo quy định như Phú Thọ (7 đơn vị), Thanh Hóa (5 đơn vị), Cao Bằng (6 đơn vị)... Bên cạnh đó, một số địa phương đang tập trung nguồn lực cho các CSYT triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý như ĐắkLắk có 18 cơ sở, trong đó 8 cơ sở đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT, 8 cơ sở đang làm thủ tục ra khỏi danh sách ÔNMTNT, 2 cơ sở chưa triển khai đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo quy định; Nam Định có 16 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã được phê duyệt dự án đầu tư xử lý chất thải, 13 cơ sở đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT, còn 1 cơ sở chưa triển khai đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa có cơ sở nào ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT như Sơn La có 14 cơ sở; Tây Ninh 9 cơ sở; An Giang 9 cơ sở, Đắc Nông 7 cơ sở…

   Mặc dù các CSYT đã có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng, lắp đặt các thiết bị/công trình xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT tại các CSYT trong danh sách. Các CSYT trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT đều thuộc khu vực công ích, phục vụ trực tiếp cho hoạt động khám chữa bệnh, kinh phí đầu tư chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm, trong khi đó chi phí đầu tư hệ thống xử lý CTYT, chi phí cho việc vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống xử lý chất thải chưa được tính vào giá viện phí. Hiện nay mới chỉ tính đến chi phí cho hoạt động xử lý CTYT. Nguyên nhân nữa là do một số địa phương vẫn chưa chủ động tìm nguồn kinh phí hoặc chưa ưu tiên bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư hệ thống xử lý CTYT nhằm xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT tại các CSYT trên địa bàn. Bên cạnh đó còn nhiều CSYT tuy đã được đầu tư công trình xư lý CTYT nhưng vẫn chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT do chưa được hướng dẫn đầy đủ về các thủ tục xác nhận.

   Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các CSYT gây ÔNMTNT

   Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các CSYT gây ÔNMTNT đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra, có thể khẳng định vai trò của địa phương là rất quan trọng, bởi trong số 172 cơ sở gây ÔNMTNT chỉ có 1 bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã hoàn thành xử lý triệt để năm 2013), còn lại 171 cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương, Bộ TN&MT và Bộ Y tế có vai trò phối hợp. Do đó cần tập trung vào những giải pháp sau:

   - Huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT từ các nguồn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương; Ngân sách địa phương; Kinh phí từ các nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt cần thiết huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư, xử lý CTYT để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

   - Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan về quản lý CTYT, đặc biệt là xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, xử lý nước thải y tế, tạo hành lang pháp lý nhằm thu hút nguồn lực tư nhân tham gia, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Đồng thời, rà soát, xây dựng, sửa đổi một số quy chuẩn kỹ thuật về CTYT phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý ô nhiễm triệt để, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Đồng thời, xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chứng nhận cơ sở gây ÔNMTNT đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường như: Thông tư quy định về chứng nhận cơ sở gây ÔNMTNT đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT); Thông tư quy định về Tiêu chí xác định cơ sở gây ÔNMTNT (thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT).

   - Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, phân định rõ rách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố, Bộ TN&MT, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan về trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, bố trí nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục ÔNMTNT trong các CSYT của địa phương.

   - Ngành TN&MT tiếp tục chỉ đạo các Sở TN&MT tăng cường phổ biến, hướng dẫn các CSYT thực hiện các thủ tục xác nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT để trình cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ÔNMTNT.

Phan Thị Lý

Cục Quản lý môi trường y tế

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn