Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Thời trang nhanh và những mối nguy hại tới môi trường

06/12/2022

    ​Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ước tính có giá trị 3 nghìn tỷ đô la, góp 2% GDP thế giới, với quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng [1]. Ngành công nghiệp này có tính đặc trưng bởi vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, sản phẩm phong phú đa dạng và chuỗi cung ứng phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời trang góp phần hủy hoại môi trường, trong đó có xu hướng thời trang nhanh.

    Những hệ lụy từ “thời trang nhanh” đối với môi trường

     “Thời trang nhanh” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng; chúng lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. Những năm trở lại đây, “thời trang nhanh” ngày càng trở nên phổ biến vì giá thành phải chăng, đa dạng về mẫu mã, được cập nhật liên tục và thịnh hành. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng ưa chuộng những phong cách mới, từ đó kích thích sức mua, khiến ngành công nghiệp thời trang nhanh ngày càng phát triển và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 khi người trẻ dành nhiều thời gian để mua sắm quần áo giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử.

    Sự ra đời của thời trang nhanh đi kèm với giá cả phải chăng đã thu hút khách hàng chi tiêu một lượng tiền lớn để có thể sử dụng chúng… Trong vòng 14 năm (2000 - 2014), số đồ may mặc của người tiêu dùng tăng 60% mỗi năm. Ngành công nghiệp may mặc đã tăng trưởng 8% hàng năm (trừ thời điểm bùng phát của năm đại dịch 2020) và thời trang nhanh dẫn đầu ngành công nghiệp may mặc [2]. Trong số 100 tỷ quần áo được sản xuất mỗi năm, 20% trong số chúng không bán được. Trung bình mỗi năm khoảng 85% hàng dệt may sẽ được đổ ra các bãi rác, tương đương với mỗi giây sẽ có một xe tải quần áo bị đem đốt hoặc bỏ đi. Trong hơn 20 năm qua, số lượng quần áo bị vứt đi của người Mỹ đã tăng gấp đôi - từ 7 triệu tấn lên 14 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là trung bình một người thì vứt đi tận 80 pounds quần áo mỗi năm. Phần lớn quần áo được đưa tới Châu Phi, phần còn lại được chất thành đống tại những bãi phế liệu.

    Tại thủ đô Accra, Ghana - một nước tại Châu Phi (một phần của sa mạc Atacama) có bãi rác khổng lồ, trong đó 60% trong bãi rác này là quần áo và được mệnh danh là “bãi rác quần áo của thế giới”. Mỗi tuần nơi đây nhận được 15 triệu chiếc quần áo cũ, trong đó có cả đồ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới gửi về và 40% trong số đó có chất liệu kém bị đem vứt ra các bãi rác. Mỗi năm có đến khoảng 39 nghìn tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này [3]. Chile từ lâu đã là một trung tâm tập trung quần áo cũ và không bán được. Những bộ quần áo này được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Bangladesh, sau đó được vận chuyển đến châu Âu, châu Á hoặc Mỹ trước khi đến Chile, nơi những mặt hàng này được bán lại trên khắp châu Mỹ La tinh. Ước tính, mỗi năm có khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique ở thành phố Alto Hospicio, miền Bắc Chile [3].  Những người buôn quần áo đến từ thủ đô Santiago thường chỉ mua một ít trong số này, trong khi phần lớn được buôn lậu sang các nước Mỹ La tinh khác. 

    Bên cạnh đó, 90% các sản phẩm may mặc này được làm từ vải cotton hoặc vải polyester, vải cotton là một yếu tố chính của ngành may mặc tiêu thụ nhiều nước. Và liên quan đến vải thì không thể không nói đến việc sản xuất bông. Sản xuất bông chủ yếu dựa vào thuốc trừ sâu. Trong khi chỉ 2,4% diện tích đất canh tác trên thế giới được trồng bông và 11% thuốc trừ sâu trên thế giới được sử dụng để trồng bông. Bông cũng là cây trồng cần nhiều nước nhất. Cần từ 7.000 đến 29.000 lít nước để sản xuất một kg bông. Điều này phải trả giá đắt cho môi trường và các cộng đồng sống gần các cơ sở sản xuất bông [4].

    Không chỉ thế, ngành dệt may thải ra môi trường một lượng lớn nước thải trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải/năm. Ngành dệt may cần dùng đến 20 nghìn lít nước chỉ để sản xuất 1 kilogam (kg) sợi bông (cotton) tương đương với 1 cái áo phông và 1 chiếc quần bò. Theo một báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014. Ngành công nghiệp này chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu [3]. Tuy nhiên, hiện tình hình ô nhiễm môi trường ngành dệt may, trước hết là ô nhiễm nước thải ở nhiều khu vực vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Hầu hết các doanh nghiệp còn lại vẫn chỉ áp dụng các biện pháp xử lý nước thải thô sơ, nước thải sau xử lý vẫn chứa phần lớn các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các khu công nghiệp làng nghề. Việc này đã khiến cho nguồn nước nhiều địa phương gặp phải tình trạng ô nhiễm trầm trọng và ảnh hưởng đến cả bầu không khí xung quanh ở các khu vực đó dẫn đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

“Bãi rác quần áo của thế giới” tại sa mạc Atacama

    Thời trang nhanh ngày càng chiếm ưu thế bởi chúng cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm liên tục và giá thành rẻ hơn nhiều so với thời trang cao cấp. Vì vậy, các thương hiệu thời trang nhanh đã sử dụng chất liệu có chất lượng thấp và được tạo ra từ các loại vải không thể phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài. Một nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur, tổ chức phi chính phủ Anh, cho thấy sản xuất quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua, thay đổi lớn trong 50 năm qua, các mặt hàng may mặc trung bình được mặc ít hơn và thải ra nhanh hơn bao giờ hết. Màu sắc rực rỡ, chất liệu bắt mắt luôn là yếu tố giúp thời trang nhanh hấp dẫn. Để có được sản phẩm như vậy, phần lớn nhờ vào hóa chất độc hại. Nước nhuộm vải chính là thứ gây ô nhiễm nguồn nước nhiều thứ hai toàn cầu. Chất liệu polyester là loại vải được sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp may mặc. Loại vải này được giặt trong máy giặt gia đình tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber), dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thủy, không phân hủy được, làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Chúng chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước. Cuối cùng, các sợi siêu nhỏ chui vào dạ dày con người. Việc sử dụng hóa chất độc hại trong trồng bông cũng khiến nhiều người nông dân bị ung thư, gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng với con em gia đình người trồng bông tại Ấn Độ.

    Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thời trang nói chung và thời trang nhanh nói riêng đã tàn phá môi trường theo rất nhiều cách. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 8-10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển [5]. Vì vậy, để bảo vệ Trái đất, hãy trở thành một người tiêu dùng thông thái bằng cách lựa chọn thời trang bền vững, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

    “Cách mạng” thời trang vì môi trường

    Sau giai đoạn hậu COVID-19, người tiêu dùng trong ngành thời trang có xu hướng hướng tới thời trang bền vững. Điều này đã khiến những người sáng tạo thời trang như nhà thiết kế, nhà phát triển sản phẩm, người mua và người bán hàng lựa chọn các sản phẩm thay thế thời trang bền vững và thân thiện với môi trường. Việc tái sử dụng, tái chế hàng may mặc và phụ kiện sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Vì hiện tại trên thị trường dệt may có chưa đến 10% nguyên liệu tái chế, nên các khoản đầu tư trong toàn ngành sẽ được yêu cầu để mở rộng quy trình và công nghệ tái chế theo chu trình khép kín để giảm thiểu tác động đến môi trường.

    Bên cạnh đó các nhà thiết kế đang chuyển từ việc tạo ra nhiều dòng sản phẩm theo mùa xuyên suốt cả năm sang thiết kế có thể ở lại với người tiêu dùng trong nhiều năm, giúp giảm áp lực lên sản xuất, gia công và vận chuyển hàng hóa. Khi quá trình sản xuất quá nhanh tạo ra quá nhiều chất thải dệt may, rất nhiều quần áo dư thừa được tiêu hủy gây hại đến sức khỏe công nhân nhà máy và môi trường. Đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều người tiêu dùng và các nhãn hàng thời trang  đang dần chuyển sang “thời trang chậm” với các giải pháp, quy trình sản xuất được rút ngắn và tiết kiệm hơn, thân thiện hơn với môi trường như thuộc da không độc hại, thuốc nhuộm được lấy từ trái cây và chất thải…

    Từ xưa, các sản phẩm da thuộc luôn mang lại vẻ đẹp sang trọng và thời thượng, giúp nâng tầm đẳng cấp thời trang cho người mặc. Tuy nhiên, chất liệu này tác động xấu tới môi trường như ô nhiễm không khí (khí thải metan từ động vật) cũng như làm cạn kiệt tài nguyên rừng (phá rừng để tăng diện tích đất chăn nuôi). Vì vậy, một số công ty thời trang đã tạo ra một quá trình sản xuất da thuộc mà không cần phải sát hại động vật. Nhờ vào việc nuôi cấy collagen – protein được tìm thấy trong da động vật, các công ty đã phát triển chúng thành da nhân tạo, chất liệu này có thể ngăn ngừa được sự tàn phá của ngành thời trang đối với môi trường hiện nay.

    Tại Ý, với gần 1 triệu tấn vỏ cam, quýt được thải ra môi trường mỗi năm, một cặp đôi người Ý đã sử dụng vỏ cam, quýt dư thừa để chế biến chúng thành vải. Cách hoạt động của phương pháp này chính là chiết xuất xenlulozo từ vỏ cam, biến nó thành sợi polyme và dệt thành vải. Tiếp đó, một thương hiệu đồ da nổi tiếng của Ý là Salvatore Ferragamo là thương hiệu đầu tiên sử dụng chất liệu vải dệt từ vỏ cam. Loại sợi chiết xuất từ vỏ cam được dệt thành loại vải có tính chất không thua kém cotton hay lụa, và thậm chí còn có thể dùng làm vải dệt kim. Đây được xem là cách giúp các nhà sản xuất trái cây giải quyết được phần nào vấn đề xử lý rác thải và hướng tới sự thân thiện với môi trường.

    Công ty Ananas Anam đã nghiên cứu và phát triển một loại vải giống hệt da được dệt từ chất xơ trong lá của trái dứa. Mỗi một mét vuông vải được làm từ 460 chiếc lá, giải quyết được một lượng lớn rác từ những cánh đồng dứa ở Philipin. Nhiều thương hiệu thời trang đã tỏ ra hứng thú với chất liệu mới này như Hugo Boss, Puma, Altiir và sử dụng nó cho một vài sản phẩm của mình. Tuy nhiên, giá của những sản phẩm này không hề rẻ so với sản phẩm tương đương làm bằng da thật.

    Bên cạnh sự thay đổi từ phía các công ty thời trang, Chính phủ của một số quốc gia đang lên kế hoạch cho cuộc cách mạng thời trang vì môi trường. Vào năm tới, mọi mặt hàng quần áo được bán ở Pháp sẽ bị yêu cầu gắn kèm các nhãn mác ghi chi tiết tác động môi trường của sản phẩm. Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái Pháp (Ademe) hiện đang thử nghiệm 11 đề xuất về cách thu thập và so sánh dữ liệu, cũng như cách thể hiện nhãn hàng sản phẩm đối với người tiêu dùng - bằng cách sử dụng 500 mặt hàng quần áo thực tế [6]. Vì vậy, các thương hiệu cần chuẩn bị để làm cho sản phẩm của họ có thể truy xuất nguồn gốc và tổ chức thu thập dữ liệu tự động.

         Một nhà máy ở Chile tái chế quần áo đã qua sử dụng thành các tấm cách âm

    Kế hoạch này dự kiến sẽ được áp dụng cho phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2026. Điều đó có nghĩa là để đánh giá mức độ tác động tới môi trường của từng sản phẩm phải kết hợp nhiều dữ liệu khác nhau như: Nguyên liệu thô của sản phẩm được trồng ở đâu và như thế nào? Cái gì đã được sử dụng để nhuộm màu cho sản phẩm đó? Sản phẩm đó đã đi bao xa? Nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời hay than đá? Có thể thấy, nhu cầu thay đổi về sự minh bạch và đầy đủ thông tin trong lĩnh vực thời trang là rất cấp thiết. Việc yêu cầu các nhãn mác liên quan đến tác động đến môi trường có thể là một phần quan trọng của giải pháp. Quy định mới sẽ buộc các thương hiệu phải minh bạch hơn, cung cấp thông tin để thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp của họ.

    Vấn đề đặt ra lúc này là rất cần sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô của ngành thời trang, trước tiên có thể bắt đầu từ các nhà bán lẻ với giải pháp tìm nguồn nguyên liệu bền vững và khử carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Một loạt các giải pháp cụ thể được đưa ra như: chuyển sang các loại vải có thể tái chế như bông hoặc những loại tiêu thụ ít nước hơn như vải lanh; nên bắt đầu sử dụng sợi tự nhiên hoặc bán tổng hợp để giảm thiểu chất thải dệt may; cần có giờ làm việc tối ưu, điều kiện làm việc lành mạnh và không gian an toàn cho người lao động; các thương hiệu thời trang cần cam kết chuyển sang thương hiệu bền vững; tái chế hoặc quyên góp quần áo thay vì bỏ chúng vào thùng rác.

    Về phía các công dân trên toàn cầu, nếu thực sự mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái, góp phần chung tay giảm thiểu tác hại của thời trang nhanh đến môi trường, mỗi người đều có thể tham khảo một số gợi ý như: lựa chọn các thương hiệu thời trang bền vững; ưu tiên chất lượng thay vì số lượng; quyên góp hoặc bán quần áo đã qua sử dụng; trao đổi quần áo với bạn bè, người thân, tái chế quần áo cũ thành các vật dụng hữu ích khác.

Nguyễn Hằng (Tổng hợp)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

    Tài liệu tham khảo

    [1]: https://innovativehub.com.vn/tong-quan-ve-nganh-thoi-trang/

    [2]: Adam Hayes. (2021). Fast Fashion. Investopedia.

    [3]:https://baophapluat.vn/thoi-trang-nhanh-va-cau-chuyen-huy-hoai-the-gioi-post436611.html

    [4]: Chloé Mikolajczak. (2019). Six things you didn’t know about the true cost of fast fashion. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.

    [5]: https://tech.zingnews.vn/bai-rac-chua-hang-chuc-nghin-tan-quan-ao-cu-bi-vut-bo-post1276322.html

    [6]: https://bnews.vn/cach-mang-thoi-trang-vi-moi-truong/253450.html

Ý kiến của bạn