Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Pháp luật Mỹ và châu Âu về bảo vệ động vật

21/06/2023

    Bảo vệ động vật (BVĐV) bao gồm việc ngăn ngừa, giảm thiểu và loại bỏ những tác hại mà con người gây ra cho động vật. Tại các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, ban hành quy định pháp luật về BVĐV là bước đầu hoàn thiện hành lang pháp lý, đặt ra các nguyên tắc đạo đức cho việc vận chuyển, chăn nuôi, giết mổ động vật, cũng như sử dụng chúng cho mục đích thí nghiệm và làm vật nuôi.

Công ước quốc tế về BVĐV

    Tính đến đầu năm 2023, Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ và sức khỏe động vật (UNCAHP)[1] là Hiệp ước chính thức duy nhất ở phạm vi quốc tế điều chỉnh về việc BVĐV[2]. Trong UNCAHP định nghĩa: “Bảo vệ động vật (Animal protection) bao gồm cả bảo tồn loài động vật (bảo vệ các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng) và phúc lợi động vật”. Trong đó, “Phúc lợi động vật (Animal welfare) là trạng thái của từng cá thể động vật, liên quan đến nỗ lực đối phó về môi trường, bao gồm việc không có đau khổ về thể chất và tâm lý, cũng như sự thỏa mãn các nhu cầu sinh học, bao gồm sinh lý, đạo đức và xã hội”. Hiện nay, mạng lưới của UNCAHP thiết lập kết nối với nhiều tổ chức uy tín như: World Animal Net (WAN), Animal Voice, Global Research Network, ACTAsia, European Foundation for the Right of the Living World (EFRLW). Phương thức hoạt động có thể khác nhau nhưng mục tiêu của các tổ chức đều hướng đến việc BVĐV, gắn kết giữa con người, môi trường và động vật, trong mối quan hệ sức khỏe, phúc lợi và hạnh phúc của con người và động vật.

Pháp luật Mỹ về BVĐV

    Tại Mỹ, tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, pháp luật về BVĐV có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng phát triển. Quốc hội Mỹ đã ban hành các Đạo luật quy định liên quan đến BVĐV, bao gồm động vật hoang dã, động vật di cư, động vật nuôi, gia cầm trong nhà và động vật sử dụng trong thí nghiệm,...

Tên Đạo luật

Ngày ban hành

Nội dung

Đạo luật Phúc lợi động vật (AWA)

24/8/1966

Luật Liên bang duy nhất ở Mỹ quy định việc đối xử với động vật trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, triển lãm, vận chuyển.

Đạo luật Cải thiện tiêu chuẩn cho động vật trong phòng thí nghiệm (sửa đổi AWA)

6/4/1985

Sửa đổi và bổ sung các tiêu chuẩn nhân đạo đối với động vật được vận chuyển trong thương mại.

Đạo luật Giết mổ nhân đạo

27/8/1958 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 1960, 1978 và 2002)

Quy định về những phương pháp giết mổ nhân đạo, yêu cầu động vật phải được làm bất tỉnh trước khi giết mổ nhằm giảm thiểu sự đau đớn cho động vật.

Luật 28 giờ

3/3/1873 (thay đổi vào các năm 1906, 1994)

Yêu cầu các phương tiện vận chuyển một số động vật để giết mổ phải dừng lại sau mỗi 28 giờ để động vật được vận động, ăn uống và nghỉ ngơi.

Đạo luật Lacey

25/5/1900 (sửa đổi năm 1981)

Nghiêm cấm hoạt động buôn bán động vật hoang dã, bao gồm các hành vi: săn bắn, sở hữu, vận chuyển hoặc mua bán trái phép. Việc làm giả các tài liệu liên quan đến việc mua bán và vận chuyển động vật hoang dã sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Đạo luật Thực phẩm, Bảo tồn và Năng lượng

22/5/2008

Sửa đổi Đạo luật Lacey bằng cách mở rộng hơn phạm vi bảo vệ đối với các loài động vật được quy định.

Đạo luật Cấm video nghiền nát động vật (ACVP)[3]

9/12/2010

Cấm mô tả các hình ảnh tàn ác đối với động vật để thỏa mãn niềm đam mê, lòng tôn sùng; cấm thương mại giữa các tiểu bang đối với các video nghiền nát động vật và cho các mục đích khác.

Đạo luật ngăn chặn hành vi ngược đãi và hành hạ động vật (PACT)

25/11/2019

Nhất quán với các luật liên bang khác đề cập đến các hành vi ngược đãi động vật ác ý. Thiết lập các quy định chung về bảo vệ động vật.

(Nguồn: Tập hợp của tác giả về các Đạo luật của Mỹ liên quan đến BVĐV)

    Đến năm 2019, PACT được Quốc hội Mỹ thông qua, là dấu mốc lớn trong cuộc chiến chống ngược đãi động vật. Cụ thể, đạo luật PACT quy định một số hình thức ngược đãi động vật nghiêm trọng nhất, cụ thể là cấm hành vi cố ý nghiền nát, đốt cháy, dìm chết, làm ngạt thở, đâm xuyên hoặc gây tổn hại nghiêm trọng khác đối với động vật có vú, chim, bò sát hoặc lưỡng cư. Ngoài ra, PACT cũng cấm bất kỳ bức ảnh, phim điện ảnh, video, bản ghi kỹ thuật số hoặc hình ảnh điện tử nào mô tả sự tàn ác trong ngược đãi và hành hạ động vật.

    Nhìn chung, các Đạo luật của Mỹ đã giải quyết nhiều vấn đề trong thực tế: giảm tác động của những hành vi lạm dụng động vật, sử dụng động vật phi đạo đức cho các mục đích như quần áo, giải trí, giúp cải thiện phương thức chăn nuôi động vật… Ngoài ra, các trường hợp thực hiện thí nghiệm trên động vật, nếu gây ra đau khổ cho động vật bị thí nghiệm là không cần thiết và không liên quan đến việc cải thiện phúc lợi của con người sẽ bị nghiêm cấm.

    Bên cạnh đó, việc Quỹ Bảo vệ pháp lý động vật (ALDF)[4] có trụ sở tại Mỹ được thành lập năm 1979 mang lại sự vững chắc tài chính cho những Dự án BVĐV. Qua đó gia tăng kiểm soát đối với các nhà máy chăn nuôi động vật, giảm thiểu đáng kể các hành vi ngược đãi vật nuôi và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong cải thiện điều kiện chăn nuôi động vật.

Pháp luật EU về BVĐV

    Phong trào quyền động vật (AR) tại EU khởi nguồn từ chiến dịch BVĐV ở Anh[5] về việc (1) giải phóng động vật khỏi những sự ngược đãi và giết hại dã man, (2) ủng hộ việc công nhận nhân cách của động vật trong xã hội. Những phong trào vận động BVĐV dưới nhiều hình thức khác nhau, các công ước pháp luật về BVĐV cũng lần lượt được ra đời.

Tên Đạo luật [6]

Năm ban hành

Nội dung

Công ước EU về BVĐV được giữ cho mục đích chăn nuôi (ETS số 087)

10/3/1976

Những nguyên tắc cho việc động vật được nuôi hoặc lưu giữ để sản xuất thực phẩm, len, da hoặc lông thú hoặc cho các mục đích canh tác khác, đặc biệt là trong các hệ thống chăn nuôi thâm canh.

Công ước EU về BVĐV trong giết mổ (ETS Số 102)

10/5/1979

Áp dụng cho việc di chuyển, thả rông, khống chế, gây mê và giết mổ động vật có móng guốc, động vật nhai lại, lợn, thỏ và gia cầm trong nhà.

Công ước EU về BVĐV có xương sống được sử dụng cho các mục đích thí nghiệm và khoa học khác (ETS Số 123)

18/3/1986

Liên quan đến việc sử dụng động vật trong các quy trình thí nghiệm, bao gồm chăm sóc và chỗ ở, tiến hành thí nghiệm, giết mổ nhân đạo; quy định về thủ tục cấp phép, kiểm soát các cơ sở nhân giống, nhà cung cấp, người sử dụng,… phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo, thống kê thông tin.

Công ước EU về BVĐV nuôi (ETS số 125)

13/11/1987

Các điều khoản về chăn nuôi, nội trú, giữ vật nuôi để BVĐV nuôi và tìm cách thiết lập một tiêu chuẩn chung cơ bản về thái độ và thực hành đối với quyền sở hữu vật nuôi.

Công ước EU về BVĐV trong quá trình vận chuyển quốc tế (ETS số 065, sửa đổi ETS số 193)

13/12/1968 (sửa đổi năm 2003)

Các điều kiện chung cho việc vận chuyển quốc tế động vật bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt. Quy định tiêu chuẩn thiết kế phương tiện vận chuyển, khả năng vận chuyển động vật, nội dung về kiểm soát thú y, xử lý động vật, giấy chứng nhận liên quan,...

(Nguồn: Tập hợp của tác giả về các Công ước của EU liên quan đến BVĐV)

    Về mặt chính sách, bảo vệ quyền lợi động vật tại EU là một thành phần cốt lõi trong xây dựng và phát triển Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững trong chiến lược "Farm to Fork". Các công ước được sử dụng làm cơ sở và có ảnh hưởng đến tất cả các luật liên quan ở EU. Mỗi quốc gia thành viên EU có quyền xây dựng những Đạo luật riêng, tùy vào tình hình văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước, nhưng không được trái với nội dung quy định của các Công ước chung[7].

Một số kiến nghị cho Việt Nam

    Việt Nam tham gia Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (CBD) và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)[8] vào năm 1994. Việt Nam với khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác[9], có thể tháy hệ sinh thái động vật của nước ta là tương đối đa dạng. Tuy nhiên, những quy định về BVĐV tại nước ta vẫn chưa thật sự rõ ràng. Hay nói cách khác, Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào mang tính thống nhất, quy định những nguyên tắc hoạt động và chính sách thực thi cụ thể trong việc BVĐV. Những quy định về BVĐV vẫn đang rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác nhau.

Tên Văn bản

Ngày ban hành

Nội dung

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

3/12/2004

Quy định chế độ quản lý, bảo vệ các loài động vật rừng thuộc Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Nghị định số 32/2006/NĐ-CP

30/3/2006

Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Nghị định số 82/2006/NĐ-CP

10/8/2006

Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN

29/9/2008

Ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi, nghiêm cấm các hành vi săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu gấu và sản phẩm, dẫn xuất từ gấu trái với quy định của pháp luật.

Nghị định số 160/2013/NĐ-CP

12/11/2013

Quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm.

Luật Lâm nghiệp

15/11/2017

Nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

Luật Chăn nuôi

19/11/2018

Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi; quản lý nhà nước về hoạt động chăn nuôi động vật.

Văn bản hợp nhất 32/VBHN-VPQH

10/12/2018

Hợp nhất Luật Đa dạng sinh học (2008) về BVĐV trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm hoang dã.

Nghị định số 06/2019/NĐ-CP

22/01/2019

Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi quy định trong CITES.

Nghị định số 13/2020/NĐ-CP

21/1/2020

Quy định chi tiết của Luật Chăn nuôi về danh mục động vật được phép nuôi và không được phép nuôi; quy định quy trình kiểm soát chất lượng của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

(Nguồn: Tập hợp của tác giả về các VBQPPL của Việt Nam liên quan đến BVĐV)

    Mỹ và EU là các quốc gia có nền tư pháp phát triển. Trong đó, pháp luật về BVĐV đã được hình thành và phát triển từ khá sớm. Việt Nam có thể tham khảo và học tập kinh nghiệm của Mỹ và EU về những quy định liên quan đến BVĐV.

    Một là, cần hoàn thiện cơ sở VBQPPL về BVĐV tại Việt Nam. Nước ta nên cân nhắc việc xây dựng một Đạo Luật BVĐV hoặc ban hành một chương riêng biệt trong Luật Đa dạng sinh học (2018) về quy định liên quan đến BVĐV, đưa ra những nguyên tắc chung trong đối xử đối với động vật và kết hợp xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu động vật, làm giả chứng từ liên quan đến động vật, ngược đãi và hành hạ động vật dưới các hình thức. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam chỉ mới có những quy định liên quan đến các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, chưa có quy định cụ thể cho động vật nuôi. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện quy định đối với đối tượng động vật nuôi, đặc biệt là quyền sở hữu đối với động vật nuôi, tham khảo Công ước châu Âu ETS số 125.

    Hai là, tăng cường giáo dục nhận thức về BVĐV đến cộng đồng. Để thực hiện được điều này, pháp luật cần nghiêm cấm các hình ảnh, phim điện ảnh, video, bản ghi kỹ thuật số,… về mô tả sự tàn ác đối với động vật; thay thế bằng những thông tin truyền thông về giá trị và lợi ích của việc BVĐV. Việt Nam nên loại bỏ những hình thức tín ngưỡng, mê tín dị đoan trong thờ cúng, lễ thần có hành vi man rợ đối với động vật như chém lợn, chọi trâu,... Việt Nam có thể học tập những quy định của Mỹ và EU về ngăn chặn hành vi ngược đãi, hành hạ động vật và phương pháp giết mổ mang tính nhân đạo để giảm thiểu sự đau đớn cho động vật. Với giá trị động vật là phương tiện để nâng cao đạo đức của con người[10], việc BVĐV không những phản ánh văn minh xã hội loài người, mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc góp phần cân bằng và duy trì đa dạng sinh học trong tự nhiên.

    Ba là, quy định về hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững, cụ thể là xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đối với việc bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, tập trung vào những quy định phòng ngừa, hạn chế sự ảnh hưởng đối với các loài động vật hoang dã trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; hoàn thiện danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để thuận tiện trong quản lý, bảo vệ; nghiêm cấm các hành vi như săn bắt, đánh bắt và khai thác các loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học, phù hợp với mục tiêu BVĐV, hài hòa với những tiêu chuẩn chung của quốc tế.

    Bốn là, thành lập Quỹ bảo vệ pháp lý động vật tại Việt Nam. Quỹ bảo vệ pháp lý động vật hoạt động với mục đích tạo diễn đàn giáo dục, ủng hộ và trao đổi về kiến thức động vật nói chung và BVĐV nói riêng. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ cung cấp các khoản tài trợ cho những Dự án liên quan đến BVĐV, phát triển các Dự án nhằm cải thiện chất lượng của công tác phúc lợi động vật và hoàn thiện hệ thống chăn nuôi thâm canh tại các địa phương. Cơ chế hoạt động và chính sách giám sát sẽ do một cơ quan có thẩm quyền trong Chính phủ chuyên trách.

Nguyễn Hoàng Nam

Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước

Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2023)

Ghi chú

[1] Trang chủ của UNCAHP: https://www.uncahp.org/.

[2] UNCAHP là một quy ước khung, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

[3] Hay còn gọi là Luật công PL 111-294.

[4] Trang chủ của ALDF: https://aldf.org/how_we_work/regulation/.

[5] Giai đoạn Vương quốc Anh chưa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Brexit.

[6] Pháp luật EU về BVĐV trong bài viết này chỉ đề cập đến những Công ước chung được thiết lập trong phạm vi lãnh thổ EU.

[7] Xem thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Timeline_of_animal_welfare_and_rights_in_Europe.

[8] CITES được hình thành trên cơ sở thống nhất thỏa thuận quốc tế giữa Chính phủ các nước. Trang chủ của CITES: https://cites.org/eng/disc/what.php

[9] Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học (CBD) năm 2019.

[10] Tuyên bố của Dự án Quyền phi con người về vị thế pháp lý dựa trên lịch sử không thể tách rời của quyền con người và BVĐV, trong The History of Animal Protection in the United States, Organization of American Historians (OAH) của Janet M.Davis.

Ý kiến của bạn