Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghị viện châu Âu thông qua Dự Luật Bảo vệ rừng

26/04/2023

    Mới đây, Nghị viện châu Âu vừa thông qua Dự Luật với đa số áp đảo, yêu cầu các công ty làm trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, sản xuất ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ phải chứng minh sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ đất có được do phá rừng hoặc đất gây suy thoái rừng, nếu không sẽ có nguy cơ bị phạt nặng.

    Chấm dứt tình trạng vô tình đồng lõa với nạn phá rừng

    Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến một bước gần hơn đến việc áp dụng các quy định mang tính bước ngoặt, buộc các công ty phải chịu trách nhiệm bảo đảm sản phẩm của họ không góp phần vào nạn phá rừng.

    Dự Luật mới có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), nhằm vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó, chẳng hạn như da, sô cô la, giấy in hay đồ nội thất.

    Nông nghiệp là một trong những động lực lớn nhất của nạn phá rừng trên toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO), khoảng 420 triệu ha rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ năm 1990 - 2020 và nhu cầu từ EU đóng góp khoảng 10% trong số đó. Trong khi đó, phá rừng và suy thoái rừng là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Một báo cáo khác của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) từ tháng 4/2021 chỉ rõ, EU là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới những sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới và phát thải khí. Điều này đề cập đến lượng khí thải hoặc nạn phá rừng phát sinh từ hàng hóa được sản xuất ở một nơi trên thế giới và được tiêu thụ ở một nơi khác. Báo cáo tương tự cho thấy, 8 nền kinh tế lớn nhất của EU, bao gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh (sử dụng số liệu trước Brexit), chiếm 80% nạn phá rừng của EU thông qua việc sử dụng và tiêu thụ “hàng hóa có nguy cơ từ rừng”. Vì vậy, người dân châu Âu luôn ủng hộ các quy định về môi trường đối với thương mại quốc tế. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hơn 80% người châu Âu cho rằng các doanh nghiệp nên ngừng bán các sản phẩm được sản xuất nhờ phá rừng và chúng nên bị cấm.

    Một cuộc tham vấn cộng đồng của EU năm 2020 về pháp luật chống phá rừng từng nhận được khoảng 1,2 triệu phản hồi và 69% trong số đó là từ công dân EU, 31% từ các quốc gia bên ngoài khối. Những người được hỏi hầu hết ủng hộ các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý, thay vì các biện pháp tự nguyện, để bảo đảm rằng các sản phẩm không liên quan đến nạn phá rừng.

    Cũng theo Dự Luật, các công ty sẽ phải gửi báo cáo “thẩm định” cho thấy họ đã thực hiện các bước thích hợp để xác minh nguồn gốc sản phẩm của mình, đồng thời tuân thủ quy định địa phương của các quốc gia về nhân quyền và tác động đối với người bản địa. Bên cạnh đó, pháp luật sẽ phân loại các quốc gia xuất khẩu dựa trên rủi ro phá rừng của họ. Những quốc gia có rủi ro thấp sẽ có quy trình thẩm định đơn giản hơn, trong khi các quốc gia có rủi ro cao hơn sẽ phải trải qua những cuộc kiểm tra gắt gao.

Nguồn: ITN

    Việc kiểm tra sẽ sử dụng tọa độ định vị địa lý, công cụ giám sát vệ tinh và phân tích DNA có thể truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ các quy định mới sẽ bị phạt ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty.

    Quy định về các sản phẩm không gây phá rừng là một phần trong kế hoạch Thỏa thuận Xanh rộng lớn hơn của EU nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nó thay thế luật hiện hành nhằm ngăn chặn việc buôn bán sản phẩm gỗ khai thác trái phép.

    Tác động của Dự luật trong các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học

    Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), giảm phá rừng và suy thoái rừng sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính. Báo cáo đặc biệt của IPCC về biến đổi khí hậu và đất đai ước tính, 23% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do con người gây ra từ năm 2007 - 2016 đến từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác.

    Nếu không có luật, các đánh giá tác động cho thấy, việc tiêu thụ và sản xuất hàng hóa mà EU nhắm tới sẽ dẫn đến 248.000 ha rừng bị phá vào năm 2030, một diện tích tương đương với diện tích rừng kết hợp của Thụy Sĩ và Hà Lan. Điều này tương đương với 110 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm vào năm 2030.

    Ước tính, 29% nạn phá rừng nói trên sẽ được ngăn chặn vào cuối thập kỷ này với sự trợ giúp của luật pháp, dẫn đến ít nhất 71.000 ha rừng ít bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và suy thoái rừng từ năm 2030 trở đi. Ngoài ra, điều đó có nghĩa là giảm ít nhất 31,9 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, tiết kiệm khoảng 3,2 tỷ euro hàng năm.

    Báo cáo nêu rõ các lợi ích về môi trường sẽ khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như các khu vực giảm nạn phá rừng, mức độ giảm và loại rừng bị ảnh hưởng. Rừng chứa hàng ngàn loài cây khác nhau và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài khác nhau. Do đó, các lợi ích về đa dạng sinh học của quy định khó đạt được hơn. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, dự luật được thiết lập để giảm thiệt hại về rừng và “do đó sẽ có tác động tích cực đến đa dạng sinh học”. Nó cũng nhận định, nếu không có hành động tiếp theo, “việc phá rừng rất có thể sẽ tiếp tục với tốc độ không phù hợp với nhiều mục tiêu quốc tế”, bao gồm cả Thỏa thuận Paris.

    Trong những năm gần đây, tỷ lệ phá rừng đã giảm ở một số quốc gia, chẳng hạn như Inđônêxia nước sản xuất dầu cọ chính. Tuy nhiên, một số vùng của Indonesia tiếp tục cho thấy tình trạng mất rừng gia tăng. Nhìn chung, nạn phá rừng nhiệt đới toàn cầu vẫn ở mức “cao bất thường” vào năm 2021, theo Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu của Viện Tài nguyên thế giới.

Phương Linh

Ý kiến của bạn