Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nền kinh tế bao bì ở Philipin: Bao bì nhỏ - vấn đề lớn

05/10/2021

    Là thiên đường để các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh bán các sản phẩm được đóng gói bằng nhựa sử dụng một lần, Philipin cũng giống như các quốc gia khác ở châu Á, đang phải đối mặt với khối lượng rác thải khổng lồ. Theo báo cáo của Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA) công bố năm 2019, Philipin đã sử dụng một lượng khổng lồ các túi ni-lông dùng một lần khi mỗi ngày có tới gần 48 triệu túi nhựa dùng để mua hàng được sử dụng trên khắp đất nước, tương đương với 60 tỷ túi bao bì nhựa/năm. Điều này đang làm cho Chính phủ Philipin quan ngại và tìm các biện pháp để ngăn chặn vấn đề này.

    Tình hình tiêu thụ sản phẩm đóng gói ở Philipin

    Nhựa sử dụng một lần (SUP) đang là mối quan tâm ngày càng lớn ở Philipin, nhưng chính những gói - bao bì nhỏ, đóng kín - mới là điều đặc biệt đáng báo động. Chiếm khoảng 52% lượng rác thải nhựa không thể tái chế, các bao bì đã tích tụ trong môi trường, gây ô nhiễm cảnh quan thiên nhiên, làm tắc nghẽn đường thoát nước, gây hại cho động vật hoang dã và đe dọa sinh kế người dân như du lịch và nghề cá.

    Theo nghiên cứu của GAIA năm 2019, trong số 164 triệu sản phẩm đóng gói được người Philipin sử dụng mỗi ngày, bao bì nhiều lớp (gồm hỗn hợp của nhôm, chất kết dính và các loại nhựa khác nhau như PVC hoặc PS) chiếm 62%, tương đương với khoảng 101 triệu bao bì nhiều lớp bị bỏ ra thùng rác mỗi ngày. Những bao bì nhiều lớp này thường được sử dụng để đựng chất lỏng, chẳng hạn như dầu gội đầu và đồ uống dạng bột như sữa, nước trái cây và cà phê. Mặt khác, 38% còn lại - tương đương với 62 triệu bao bì nhựa một lớp mỗi ngày - được sử dụng để đựng đồ ăn nhẹ và chất tẩy rửa.

    Việc mua và sử dụng sản phẩm đóng gói có xu hướng cao hơn ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thấp hơn. Ví dụ, trong khi 6/10 người Philipin nhận hoặc sử dụng đồ nhựa dùng một lần dưới dạng hộp đựng hoặc bao gói cho các vật dụng chăm sóc cá nhân, thì tỷ lệ những người sử dụng sản phẩm đóng gói cao hơn ở nhóm có thu nhập thấp (65%) và nhóm có thu nhập trung bình (61%) so với nhóm có thu nhập cao (51%). Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Giáo dục tại Đại học Santo Tomas (UST) [1], trong số 1.200 cư dân ở ba thành phố tạo ra chất thải cao nhất của Metro Manila - Thành phố Quezon, Manila và Caloocan - 3/4 số người được hỏi chỉ có thu nhập ít hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu. 42% số người được hỏi thường xuyên sử dụng sản phẩm đóng gói hàng ngày. Trong khi đó, 18% trả lời là chỉ sử dụng bốn đến sáu lần một tuần và 40% sử dụng từ một đến ba lần một tuần.

Trong khi bao bì chiếm tỷ lệ chính trong dòng chất thải ở cả nông thôn và thành thị, thì mức tiêu thụ các sản phẩm đóng gói ở các khu vực đô thị hóa thường cao hơn so với các khu vực nông thôn. GAIA ước tính mức tiêu thụ sản phẩm đóng gói bình quân đầu người trên toàn quốc là 1,64 cái mỗi ngày, nhưng riêng thành phố Quezon đô thị hóa cao, con số này tăng lên tới 6 cái mỗi ngày [2].

Trong nghiên cứu của UST, đồ uống chiếm vị trí hàng đầu trong các sản phẩm bao bì thường xuyên được sử dụng nhất, chẳng hạn như cà phê hòa tan và đồ uống nước trái cây dạng bột. Tiếp theo là các sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc vệ sinh, như xà phòng và dầu gội đầu. Xếp ở vị trí thứ ba là các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, nguyên liệu nấu ăn và gia vị.

    Đồ uống được mua thường xuyên nhất ở chợ, quán ăn và cửa hàng tạp hóa. Đối với các sản phẩm làm đẹp, gia dụng và nấu ăn, cửa hàng bán đồ ăn nhanh hoặc các quán ăn lân cận là những nơi hàng được mua nhiều. Nhiều cửa hàng nhỏ trong số này có các cửa hàng nhỏ hơn bán các mặt hàng cơ bản như đồ chăm sóc cá nhân. Mặt khác, các cửa hàng tạp hóa là nơi chủ yếu để mua đồ uống, thực phẩm (bỏng ngô, hạt dưa hấu, đậu phộng) và các sản phẩm vệ sinh.

    Giá cả phải chăng cũng giống như sự tiện lợi - chủ yếu về khả năng kiểm soát khẩu phần dựa trên số lượng sản phẩm cố định - là những động lực chính thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đóng gói. Với mức giá cực thấp, sản phẩm đóng gói đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp mua được các sản phẩm chất lượng có thương hiệu như dầu gội đầu, kem đánh răng, dầu xả và các mặt hàng khác, mặc dù với số lượng nhỏ. Tương tự như vậy, các sản phẩm đóng gói cũng giúp người tiêu dùng phân bổ việc sử dụng sản phẩm của họ tốt hơn so với bao bì lớn, do đó giảm lãng phí sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm đóng gói cũng dễ dàng được tìm ở các cửa hàng tạp hóa trong vùng, và phần lớn các cơ sở bán thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân trên khắp đất nước.

    Văn hóa Tingi của người Philipin

    Văn hóa tingi, tức là chỉ lấy hoặc sử dụng phần nhỏ của một sản phẩm, được thể hiện không chỉ qua việc sử dụng những sản phẩm đóng gói có nhãn hiệu, mà còn ở những túi nhựa nhỏ đựng những thứ cần thiết hàng ngày, có thể là một vài nhánh tỏi, hoặc một vài muỗng canh dầu hoặc giấm thường được bán trong các cửa hàng tạp hóa.

    Văn hóa tingi của người Philipin bắt nguồn từ thời thuộc địa, tiếp tục cho đến thời kỳ hậu chiến, khi việc mua từng phần nhỏ trở thành một chiến lược sống còn. Thực tế này vẫn tồn tại ở đất nước có 16,6% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói và ở nhiều nơi có hơn nửa số hộ gia đình thuộc nhóm người nghèo và tầng lớp thu nhập thấp. Thói quen mua từng phần nhỏ cho phép người Philipin chỉ mua những thứ họ cần, với số lượng cụ thể mà họ cần, đến mức không có gì bị lãng phí. Thật vậy, mua kiểu tingi đã khiến nhiều người Philipin thích thú, đặc biệt là những người thiếu tiền và những người làm công ăn lương hàng ngày.

    Khi các doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh, họ quyết định tận dụng khía cạnh này của văn hóa Philipin để thu lợi nhuận, làm cho mọi sản phẩm của họ luôn sẵn sàng trong những bao bì một lớp, nhiều lớp và phân phối tràn ngập ra thị trường. Sản phẩm đóng gói đã trở thành một chiến lược tiếp thị của các công ty nhắm vào người nghèo, và với số lượng đáng kinh ngạc các sản phẩm đóng gói được sử dụng trong nước hiện nay, cho thấy chiến lược này đã thành công trên diện rộng.

Hầu hết siêu thị ở Philippines đều dùng túi giấy để đựng hàng hóa cho khách

    Trong vài thập kỷ, văn hóa tingi, từng được thể hiện bởi các hoạt động bền vững sử dụng các vật liệu có thể tái sử dụng, đã được định nghĩa lại thành một nền văn hóa tiện lợi được thống trị bởi hàng tiêu dùng nhanh được đóng gói trong các bao bì không thể tái chế. Sản phẩm đóng gói từng được cho là giải pháp tài tình trong các chiến lược tiếp thị của các công ty vì đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chất lượng của người tiêu dùng mà không cần phải chi nhiều tiền. Các công ty chịu trách nhiệm về sự gia tăng của bao bì trong nước thường đề cập rằng các sản phẩm đóng gói của họ có giá cả phải chăng hơn và do đó “hỗ trợ người nghèo”. Giải pháp sản phẩm đóng gói đã mở rộng cơ sở khách hàng của họ ra rất nhiều, từ các tầng lớp kinh tế - xã hội thấp hơn đến các tầng lớp cao hơn. Các hoạt động tiếp thị sản phẩm đóng gói cũng khiến hàng hóa vận chuyển nhanh hơn từ các cửa hàng đến nhà của người tiêu dùng. Trên thực tế, sản phẩm đóng gói đã thành công đến mức các sản phẩm như cà phê 3 trong 1 chỉ có bán ở dạng gói.

    Sự tồn tại không ngừng của sản phẩm đóng gói, đặc biệt là tình trạng xả rác làm mất mỹ quan và ô nhiễm biển của đất nước. Sản phẩm đóng gói mang đến một cái giá quá đắt cho xã hội và môi trường, mà tất cả các chi phí này không được đưa vào trong các tính toán chi phí và tổn thất của doanh nghiệp. Chi phí thực sự của sản phẩm đóng gói không được chỉ ra - nghĩa là các nhà sản xuất ra chúng không phải trả chi phí cho ô nhiễm môi trường và các tác động có hại đối với sức khỏe con người.

    Thay vào đó, gánh nặng quản lý chất thải đổ lên vai Chính phủ và cuối cùng lại lấy tiền từ những người đóng thuế. Ngay cả với các Thành phố Không Rác, hoặc các thành phố đang theo đuổi các chiến lược giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn, cũng đang phải đối mặt với thách thức quản lý rác nhựa, trong đó sản phẩm đóng gói chiếm một phần đáng kể. Ví dụ, thành phố San Fernando, Pampanga, đã thành công trong việc phân loại rác thải và ngăn ngừa ô nhiễm [3], cũng như thực hiện các sáng kiến ​​như trạm nạp lại và đưa ra các quy định về túi nhựa. Nhưng sự thật rằng thành phố kiểu mẫu này vẫn đang phải vật lộn với nhựa không thể tái chế đã làm dấy lên lo ngại cho các thành phố khác đang tụt hậu trong quản lý chất thải, đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ cần phải vào cuộc và đưa ra các quy định.

    Các sáng kiến ​​để quản lý nhựa sử dụng một lần ở Philipin

    Ngày nay, các sản phẩm đóng gói vẫn chưa được kiểm soát và không được đề cập trong các cuộc thảo luận xung quanh việc cấm nhựa tại Philipin. Tuy nhiên cũng đã có hơn 300 đơn vị chính quyền địa phương, từ các tỉnh đến các quận huyện, đã thông qua các sắc lệnh quy định việc sử dụng nhựa một lần, trong đó có nhiều đơn vị trong số này tập trung vào các quy định liên quan đến túi nhựa mua sắm, bằng cách đánh thuế đối với việc sử dụng, hoặc cấm hoàn toàn để ủng hộ các vật liệu bền vững hơn.

    Một số chính quyền địa phương như El Nido, Palawan; Thành phố Quezon; và San Fernando, Pampanga đang đặt giấc mơ lớn hơn nhằm hạn chế rác thải nhựa, mở rộng quy mô từ túi nhựa đến chai nước, ống hút, muỗng nĩa, thanh khuấy và hộp xốp, cùng nhiều loại khác. Tỉnh đảo Siquijor đã thông qua một sắc lệnh vào tháng 10/2018 nhằm loại bỏ dần việc sử dụng các loại nhựa dùng một lần, bắt đầu từ việc cấm nhựa bao bì thứ cấp (túi mua sắm). Kể từ tháng 2/2019, ngoài túi mua sắm, túi labo, hay còn được gọi là giấy bóng kính, cũng bị cấm sử dụng để đựng thức ăn và nước nấu chín. Cuối cùng, vào tháng 5/2019, việc bán các sản phẩm xốp và các hộp đựng dùng một lần khác đã bị cấm [4].

    Đô thị Malay, nơi có hòn đảo nghỉ mát Boracay, đã thông qua một sắc lệnh vào năm 2018 cấm đồ nhựa sử dụng một lần [5]. Đây cũng là một phần trong nỗ lực quảng bá điểm đến thân thiện với môi trường. Sắc lệnh này bao gồm danh sách đầy đủ các loại đồ nhựa dùng một lần mà các cơ sở lưu trú và ăn uống không được sử dụng, như bàn chải đánh răng, tuýp kem đánh răng, cốc nhựa, muỗng nĩa, mũ tắm, dao cạo râu và quan trọng nhất là các gói cà phê, đường, kem đánh răng, dầu gội và dầu xả.

    Các sáng kiến ​​ở địa phương chắc chắn sẽ thành công vì đó là những đóng góp quan trọng cho cuộc chiến chống rác thải nhựa. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là cần phải nhìn nhận những thách thức khó khăn khi cô lập các địa phương với những quy định riêng về nhựa, mà không có chính sách toàn diện của quốc gia. Rác thải không chỉ dừng lại ở biên giới của các thành phố, tỉnh hay quận huyện, khiến việc vi phạm chính sách về nhựa của một thành phố là rất dễ xảy ra. Trong khi đó, người dẫn vẫn có thể bước qua một địa phương khác để mua và sử dụng túi nhựa mà không gặp trở ngại từ quy định nào. Điều này dễ tạo ra hiệu ứng “đua tới đáy”, đẩy các hoạt động vi phạm và không bền vững đến những thành phố không có quy định hoặc không được thực thi đầy đủ. Chính sách khác nhau ở các thành phố cũng sẽ gây khó khăn nhầm lẫn cho người dân. Thành phố San Carlos ở Negros Occidental là một ví dụ về một LGU (chính quyền địa phương) đã gặp phải những thách thức trong việc thực hiện lệnh cấm nhựa. Hậu quả là chính quyền phải tổ chức tuần tra ranh giới đường cao tốc để kiểm tra những người bán hàng mang bao bì nhựa bị cấm từ các thị trấn lân cận vào thành phố [6].

    Hiện tại, chính quyền địa phương không thể cấm hoàn toàn sản phẩm đóng gói. Bên cạnh đó, việc cấm một loại nhựa sử dụng một lần có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là người tiêu dùng chuyển mục đích sử dụng sang một loại nhựa hoặc vật liệu khác (chẳng hạn như túi giấy, mặc dù có thể tái chế hoàn toàn nhưng vẫn là loại sử dụng một lần).

    Quản lý chất thải nhựa cuối cùng là mối quan tâm của quốc gia, là điều không thể thiếu trong chính sách quốc gia toàn diện nhằm ngăn chặn nhựa sử dụng một lần. Điều này cũng đáp ứng Đạo luật Quản lý chất thải rắn sinh thái năm 2000 - RA 9003, với nhiệm vụ phát triển danh sách các vật liệu thân thiện với môi trường. Một chính sách như vậy sẽ hài hòa các quy định độc lập hiện hành trong việc giảm sản xuất và sử dụng nhựa. Đồng thời cũng sẽ xác định các cơ chế thích hợp để thực hiện các quy định, vì kinh nghiệm cho thấy rằng không hẳn có các quy định thì việc sử dụng nhựa sẽ giảm xuống.

Đỗ Tuấn Đạt

Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)

    Tài liệu tham khảo:

  1. Arlen A. Ancheta và cộng sự, “Ảnh hưởng nhân khẩu học của người tiêu dùng Philippines trong sở thích mua hàng của họ đối với các sản phẩm đã qua xử lý”, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Giáo dục (RCSSED), Đại học Santo Tomas, 2019.
  2. Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA), Khám phá nhựa: Đánh giá chất thải và kiểm toán thương hiệu đang giúp các thành phố của Philippines chống lại ô nhiễm nhựa như thế nào.
  3. “Hồ sơ kinh tế - xã hội và sinh lý của thành phố San Fernando, Pampanga (CSFP), 2015,” tr. 6-8 https://cityofsanfernando.gov.ph/files/cpdco/docs/SEBP.pdf ; Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt. 2019. Trường hợp Baton: Chìa khóa Ý chí Chính trị đi đến Không Rác.
  4. Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế cho lò đốt (GAIA), “Các lệnh cấm sử dụng túi nhựa ở Philippines,” n.d., https://www.noburn.org/bagbanph/
  5. Đô thị Malay, Aklan, “Sắc lệnh Cấm Sử dụng‘ Đồ nhựa dùng một lần ’ở Đô thị Malay, Aklan, Đặc biệt là ở Đảo Boracay” (2018).
  6. Personal communication with San Carlos City’s City Environment Office, Marietta F. Lomocso, San Carlos City’s City Environment Office, 31 January 2019.

 

 

Ý kiến của bạn