Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Kinh nghiệm mua sắm công xanh của một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam

29/07/2021

    Hoạt động mua sắm công xanh đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước trên thế giới nhằm mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Cũng nằm trong xu thế chung, Việt Nam ngày càng đề cao các hoạt động cắt giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, thực hiện mua sắm xanh. Qua kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới thực hiện các chính sách mua sắm công xanh sẽ là bài học giúp Việt Nam giảm thiểu các tác động môi trường, hướng tới mở rộng thị trường xanh và tiêu dùng bền vững.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh thân thiện với môi trường cần được hỗ trợ phát triển sản phẩm

Kinh nghiệm mua sắm công xanh của một số quốc gia

    Mỹ

    Chính sách mua sắm của Mỹ được ban hành nhằm bảo đảm việc làm cho người Mỹ, tạo điều kiện ưu tiên cho nguyên vật liệu và sản phẩm sản xuất trong nước, khi mua sắm hàng hóa, thuê dịch vụ cũng như trong các hợp đồng xây dựng các công trình công cộng. Chính sách này do Luật Mua sắm Liên bang của Mỹ quy định, có hiệu lực từ ngày 3/3/1933. Luật này đã được sửa đổi vào tháng 8/1988. Căn cứ vào các quy định Luật Mua sắm Liên bang, hệ thống mua sắm công xanh được thiết lập và Chính phủ Mỹ đã triển khai thực hiện trong một số chương trình mua sắm công xanh của Liên bang. Theo quy định mua sắm Liên bang và Sắc lệnh 13101 về “Xanh hóa Chính phủ”, tất cả cơ quan Chính phủ phải thực hiện mua sắm các sản phẩm có thành phần tái chế nhằm sử dụng vật liệu tái sinh. Chính phủ Liên bang đã đưa ra hướng dẫn về mua bán thân thiện với môi trường, trong đó yêu cầu về các danh mục hàng hóa xanh, tính toán chi phí và lợi ích của các lựa chọn hàng hóa, quản trị quy trình mua sắm xanh. Việc thực hiện được thông qua Ủy ban BVMT [2].

   Để thúc đẩy thị trường xanh, giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích tiêu dùng bền vững, năm 2005, Chính phủ Mỹ ban hành Luật chính sách năng lượng, nhằm khuyến khích việc mua xe phát thải thấp. Theo đó, các ưu đãi về thuế đã thu hút khách hàng quan tâm tới các loại phương tiện có giá cao hơn nhưng thân thiện hơn với môi trường. Các khoản thuế tín dụng đã được đưa ra để giảm giá lên đến 3.400 đô la Mỹ cho xe hybrid  và 4.000 đô la Mỹ cho xe ô tô điện. Ưu đãi về thuế có thể thay đổi dựa vào mức độ vận hành “xanh” của các loại xe. Ví dụ, Tesla Roadster, một loại xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ nhận được một khoản thuế tín dụng lớn hơn nhiều so với việc mua một chiếc xe ô tô chạy bằng xăng vì gây ô nhiễm nhiều hơn trong thời gian vận hành. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những loại xe tiết kiệm năng lượng [3]. Có thể nói, nhờ chính sách phát triển “mua sắm xanh” đã kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường ở nước Mỹ. Mua sắm xanh sẽ thúc đẩy quá trình tái chế các chất thải, từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế, vì thế góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

    Nhật Bản

    Là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng mua sắm công xanh, từ năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo Luật về “Tăng cường mua sắm hàng hóa, dịch vụ thân thiện sinh thái đối với khu vực công và các đối tượng khác”, nhằm mở rộng thị trường sản phẩm thân thiện môi trường. Để thực hiện Luật, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một “chính sách cơ bản” để thúc đẩy mua sắm công xanh, xác định các nhóm sản phẩm xanh ưu tiên. Việc thực hiện mua sắm công xanh tại Nhật Bản có sự tham gia của ba bên. Bộ Môi trường là cơ quan chính chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện tất cả các chính sách và luật về môi trường, trong đó có mua sắm công xanh. Bộ Môi trường thành lập Ủy ban cố vấn bao gồm các viện nghiên cứu, chuyên gia pháp luật, đại diện tiêu dùng, đại diện của các bộ, ngành khác để xây dựng danh mục mua sắm và đánh giá các chính sách cơ bản, đảm bảo các tiêu chí được xây dựng cho mua sắm công xanh phải đầy đủ và phù hợp. Theo đó, Khung chương trình mua sắm công xanh ở cấp độ quốc gia được Chính phủ ban hành, với Danh mục xác định các tiêu chí đánh giá cho các chủng loại sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả vật liệu và thiết bị được sử dụng trong các công trình công cộng.

    Để khuyến khích mua sắm xanh, năm 2007, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Tăng cường mua sắm xanh. Theo quy định của Luật, Bộ Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng chính sách cơ bản về mua sắm công xanh, bao gồm tiêu chí đánh giá cho các mục mua sắm. Mỗi cơ quan Chính phủ và tổ chức công cộng sẽ tự thiết lập chính sách mua sắm của đơn vị và báo cáo kết quả cho Bộ trưởng Môi trường định kỳ mỗi năm một lần. Bộ Môi trường phối hợp với các Bộ liên quan và các chuyên gia xây dựng và sửa đổi các chính sách cơ bản. Tư vấn cho Bộ Môi trường là Ban đánh giá bao gồm các chuyên gia kỹ thuật và các bên liên quan.

    Các tiêu chí đánh giá được đưa ra trong Luật Tăng cường mua sắm xanh  bao gồm các giá trị đảm bảo tính khách quan, chất lượng và hiệu quả đối với các sản phẩm và dịch vụ. Cơ sở dữ liệu trực tuyến về danh mục các sản phẩm được ghi nhãn môi trường luôn sẵn có và dễ dàng truy cập đối với người tiêu dùng. Tính đến tháng 2/2016, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành tiêu chí đánh giá đối với 270 sản phẩm trong 21 danh mục tăng so với năm 2001 chỉ có 101 sản phẩm trong 14 danh mục. Các hạng mục mua sắm sẽ được bổ sung sau khi thảo luận và được chấp thuận bởi nội các.

    Ngoài ra, nhằm tăng cường mua sắm công xanh, các tổ chức ghi nhãn môi trường và các tổ chức phi lợi nhận cũng chủ động triển khai thông qua các chương trình vinh danh gương tiêu biểu. Bộ Môi trường cũng cung cấp các thông tin cụ thể về các chính sách, hướng dẫn đánh giá tiêu chí và phạm vi của các hạng mục đấu thầu được chỉ định. Mạng lưới mua sắm xanh (Green Purchasing Network - GPN) là tổ chức phi lợi nhuận với 2.400 tổ chức thành viên từ các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức phi Chính phủ tham gia nhằm đẩy mạnh mua sắm công xanh ở cả các cơ quan Chính phủ cũng như khu vực tư nhân và tạo ra thị trường cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. [1]

   Trung Quốc

    Chính phủ Trung Quốc thực hiện dự án “Xây dựng xã hội thân thiện môi trường”, trong đó ban hành một loạt chính sách thúc đẩy “mua sắm xanh”. Chính phủ nước này cũng đã ban hành Nghị quyết về “Thúc đẩy phát triển nền kinh tế tái sử dụng” từ năm 2005, trong đó mục 5 nêu rõ “Tất cả các cơ quan chính phủ đều phải thực hiện mua sắm xanh. Về tiêu dùng, cần khuyến khích các phương pháp mới nhằm tiết kiệm tài nguyên và BVMT; tăng cường sử dụng các sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm nước, nhãn tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả; nhãn môi trường, nhãn thực phẩm xanh và thực phẩm hữu cơ xanh; giảm sử dụng các sản phẩm dùng nhiều bao bì và sản phẩm chỉ dùng 1 lần”.  Theo đó, Chính phủ Trung Quốc quy định, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) và Bộ BVMT (MEP) là các tổ chức hướng dẫn và quản lý các hoạt động mua sắm công xanh của Trung Quốc. Bộ Thương mại (MOC) và Bộ Tài chính (MOF) hỗ trợ điều phối thị trường và cấp kinh phí cho mua sắm công xanh.

    Cũng trong năm 2005, MOF và NDRC công bố danh sách chi tiết của các sản phẩm tiết kiệm môi trường mà các cơ quan chính phủ có thể mua sắm bao gồm khoảng 1.000 sản phẩm được chia thành 5 nhóm: Hệ thống TV, tủ lạnh, điều hòa, đèn huỳnh quang và những sản phẩm tiêu tốn năng lượng khác (Geng và Dobersteintrích, 2008 dẫn từ Ma, 2006). Danh sách mua sắm xanh của Trung Quốc bao gồm hai phần: danh sách các sản phẩm có dán mác môi trường và danh sách các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, danh sách này đã tiếp tục được cập nhật thêm 3 lần vào các năm 2006, 2007, 2009. Cho đến hết năm 2009, danh sách các sản phẩm xanh đã tăng lên thành 30 nhóm.

    Cùng với đó, tháng 2/2006, Chính phủ Trung Quốc ban hành Quyết định về “Áp dụng quan điểm khoa học và phát triển vào việc thúc đẩy BVMT”. Điều 9 của Luật Mua sắm công Trung Quốc quy định “Mua sắm công cần thiết hỗ trợ nền kinh tế quốc gia và các mục tiêu phát triển xã hội, kể cả BVMT, hỗ trợ các khu vực thiểu số và kém phát triển, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ…; mua sắm công cần phải hỗ trợ cải thiện môi trường trong quá trình sản xuất và Chính phủ cần phải mua sắm các sản phẩm phù hợp với yêu cầu BVMT” [3,5]...

          Trong giai đoạn gần đây, Trung Quốc đang thực hiện những bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO là Thỏa thuận về mua sắm của Chính phủ bằng cách tiếp tục thông qua các điều luật khuyến khích GPP, như: Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 về BVMT quốc gia; Kế hoạch Tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải chất độc và Luật Tiết kiệm năng lượng…[5].

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công xanh ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ ban hành các chính sách liên quan như: Chiến lược Quốc gia về Phát triển bền vững (2011 - 2020); Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2011 - 2020) đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm công xanh; Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh… Đặc biệt, Luật  BVMT năm 2020 tại Điều 146 quy định mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

    Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số quy định về tiêu chí và quy trình cấp nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái và mua sắm xanh có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nhãn sinh thái là một trong những biện pháp điều chỉnh mục tiêu sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của cộng đồng. Việc dán nhãn sinh thái đã được thí điểm thực hiện ở một số sản phẩm. Đây cũng là hoạt động được ghi nhận tạo tiền đề tích cực trong việc tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.

    Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai mua sắm công xanh. Cho đến nay, việc thực hiện các quy định này mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử... Bên cạnh đó, nhận thức về mua sắm công xanh của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

    Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, mua sắm công xanh là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mua sắm xanh đòi hỏi các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ này ở tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng. Có thể thấy, mua sắm xanh đã mang lại những lợi ích thiết thực như: Nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; kích thích hình thành thị trường mới đối với vật liệu tái chế và gia tăng việc làm; nâng cao nhận thức về BVMT.

    Đối với Việt Nam, để thúc đẩy thực hiện mua sắm công xanh trong gia đoạn hiện nay, cần triển khai các giải pháp như:

  Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về mua sắm công xanh. Để thực hiện mua sắm công xanh vai trò then chốt là ở sự chỉ đạo cấp Trung ương. Mỗi Chính phủ có chính sách quốc gia mua sắm công xanh hoặc các chiến lược liên quan đến việc thúc đẩy một nền kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm khí thải nhà kính. Vì vậy, Việt Nam cần rà soát các văn bản quy định về mua sắm công và các văn bản quy định trong lĩnh vực BVMT và phát triển bền vững để xây dựng một khung pháp lý về mua sắm công xanh, cũng như tích hợp các tiêu chí môi trường vào quy trình mua sắm.

    Thứ hai, tăng cường các chính sách ưu đãi về mua sắm công xanh, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ đối với hàng hóa trong nước khi sản xuất xanh; xây dựng danh mục sản phẩm có thể bắt buộc áp dụng mua sắm sản phẩm xanh nhằm khuyến khích và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh các sản phẩm này.

    Thứ ba, Nhà nước xây dựng và thí điểm áp dụng lộ trình mua sắm công xanh, trước hết tại một số cơ quan mua sắm cấp trung ương và đối với một số sản phẩm, dịch vụ ưu tiên, sau đó mở rộng ra cấp địa phương và các tổ chức. Trong giai đoạn hiện nay, một số nhóm sản phẩm công xanh nên được ưu tiên áp dụng mua sắm tại các cơ quan nhà nước cụ thể: Các dịch vụ (xây dựng, du lịch...) đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế xanh như đảm bảo các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu; Các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế.

    Thứ năm, cần phải có hệ thống giám sát để bảo đảm những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Hệ thống giám sát và đánh giá này phải được xây dựng chương trình trong trung và dài hạn. Việc xây dựng năng lực cho cán bộ mua sắm công xanh cũng được cho là một yếu tố quan trọng để bảo đảm các cán bộ này hiểu rõ hơn về quy trình mua sắm xanh nhằm phát huy được hiệu quả chính sách.

Trần Thế Anh

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông  (OCP)

 Vũ Văn Doanh

 Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2021)

Tài liệu tham khảo:

1.Phát triển Kinh tế xanh ở Nhật Bản và hàm ý chính sách cho Việt Nam, tác giả  Kim Ngọc - Trần Minh Nghĩa (Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3(100) -2016).

2. Energy Policy Act of 2005, Public Law 109- 58, AUG. 8, 2005, USA.

3. Chinnici, G., D’Amico, M., Pecorino, B., “A Multivariate Statistical Analysis of the Consumers of Organic Products”, British Food Journal, 104 (2002) 3/4/5, 187.

4.“Mua sắm xanh”: Khái niệm và thực tiễn -  tapchicongsan.org.vn5; Mua sắm công xanh: Cần có khung pháp lý rõ ràng thay vì khuyến khích như hiện nay - Kinh tế và Dự báo.

5. Giải pháp mua sắm công xanh nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh, tác giả ThS. Hoàng Thị Kim Khánh, TS. Tống Văn Tuyên, TS. Đặng Ngọc Thư (Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên).

Ý kiến của bạn