Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Kinh nghiệm lập quy hoạch tài nguyên nước của một số quốc gia trên thế giới và áp dụng tại Việt Nam

05/07/2023

    Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng quy hoạch, nhiều hướng dẫn và quy hoạch tài nguyên nước (TNN) của các quốc gia khác đã được xem xét, chắt lọc và áp dụng. Đặc biệt, với sự tham gia tư vấn trực tiếp từ các nhóm chuyên gia, những bài học quý giá về việc  quy hoạch và quản lý tài nguyên của quốc gia khan hiếm nước nhưng có chỉ số an   ninh nguồn nước hạng cao nhất thế giới này được xem xét lồng ghép vào quy hoạch. Ngoài ra, các bản quy hoạch TNN của các quốc gia trên thế giới cũng được xem xét, bao gồm nhóm các quốc gia phát triển và đang phát triển, nhóm quốc gia nằm  trong khu vực khan hiếm nước hoặc có nguồn nước cấp dồi dào nhưng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như Mỹ, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Jordan, Nam Phi, hoặc một số quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội gần tương đồng với Việt Nam như Thái Lan và Phillipin.

    Kinh nghiệm lập quy hoạch TNN của một số quốc gia trên thế giới

    Tại Ôxtrâylia

    Ôxtrâylia là một lục địa/quốc gia rộng lớn với dân số dưới 26 triệu người, chia thành 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ. Với lượng mưa trung bình năm ở mức thấp, 419 mm, thách thức lớn nhất về quản lý TNN của quốc gia này là đối phó với tình trạng khan hiếm nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng càng có xu hướng xảy ra nhiều hơn trong tương lai.

    Vì vậy, vấn đề chính trong quy hoạch TNN của Ôxtrâylia được đặt ra là làm thế nào để chia sẻ nguồn nước sẵn có để đáp ứng nhu cầu của các thành phố, cộng đồng khu vực, môi trường và các ngành sản xuất kinh tế khác, đặc biệt khi đứng trước dự báo về một điều kiện khí hậu nóng và khô hơn. Các tiểu bang chịu trách nhiệm chính về quản lý TNN. Các chính sách quốc gia có thể tác động đến chính sách về nước thông qua đưa ra các biện pháp khuyến khích và đàm phán với các tiểu bang. Quy hoạch TNN quốc gia và xuyên biên giới cần có sự đồng thuận của tất cả các bang liên quan trước khi có hiệu lực pháp lý.

    Thỏa thuận liên bang Murray-Darling được ký kết năm 1914 là ví dụ đầu tiên về thỏa thuận xuyên biên giới trong các vấn đề chia sẻ nước và chia sẻ chi phí, lợi ích của cơ sở hạ tầng liên quan tới nước. Thỏa thuận này liên quan đến 4 chính phủ tiểu bang, một chính phủ vùng lãnh thổ và chính phủ liên bang nhằm mục tiêu quản lý tổng hợp TNN, phát triển hệ thống các công trình cấp nước và giảm thiểu tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Ở Ôxtrâylia, các đối tượng sử dụng nước có các quyền theo luật định, nhưng có sự khác biệt giữa các bang. Chính quyền liên bang mặc dù không chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý TNN, nhưng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách quốc gia về nước nhằm đưa ra độ nhất quán phù hợp trên phạm vi toàn quốc.

    Một số các thành tựu và kết quả trong quá trình quy hoạch TNN của Ôxtrâylia bao gồm: Xây dựng được Chương trình sáng kiến vì nước quốc gia - 2004; Xây dựng quy hoạch quốc gia về an ninh nguồn nước và các đạo luật về nước 2007 (được hoàn thiện bằng nguồn tài trợ cho các bang); Xây dựng các quy hoạch LVS; Thiết lập và thực thi các quy định giới hạn khai thác nước mặt và nước ngầm; Cải thiện chính sách để có thể áp dụng chính sách vào thực tiễn được nhất quán. Đảm bảo minh bạch trong việc khai thác sử dụng TNN và giám sát độc lập được thực hiện thông qua việc: Thành lập Cơ quan quản lý lưu vực sông (LVS) Murray Darling MDB, cơ quan chuyên môn, xây dựng và đề xuất quy hoạch, trình chính phủ liên bang  quyết định; Công bố các báo cáo sử dụng nước hàng năm; kiểm tra và thẩm định độc lập để đánh giá mục tiêu phát triển nguồn nước, 3 năm một lần.

    Mỹ

    Tổng dân số của Mỹ là 330 triệu người. Dân số ở khu vực phía bờ Tây Nam Mỹ khoảng 78 triệu người. Đây là vùng tương đối khô cằn, vấn đề quản lý nước quan trọng nhất phải giải quyết là khan hiếm nước, sự mất cân bằng và khoảng cách giữa cung và cầu được dự báo sẽ ngày càng tăng dưới tác động của BĐKH. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, “khủng hoảng về nước cho thế hệ tương lai sẽ là vấn đề lớn nhất chúng ta sẽ phải đối mặt”. Một thách thức lớn đối với vùng Tây Nam là làm thế nào để chia sẻ nguồn nước sẵn có để đáp ứng nhu cầu của các thành phố, cộng đồng khu vực, các ngành sản xuất kinh tế và môi trường.

    Trên phạm vi quốc gia, chính phủ liên bang Mỹ không có nhiều vai trò trong việc quy hoạch TNN nhưng có trách nhiệm định hướng và có tầm ảnh hưởng tới những chính sách chung về TNN quốc gia, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý một số cơ sở hạ tầng liên quan đến nước như đập (hơn 600 đập), các quy định về môi trường và thiết lập các tiêu chuẩn về chất lượng nước uống. Chính phủ liên bang Mỹ đã cố gắng tạo ảnh hưởng lớn hơn đến chính sách về nước qua việc thành lập Ủy ban Nước quốc gia năm 1968 đến năm 1973, tuy nhiên, việc thống nhất phối hợp giữa chính quyền bang và liên bang vẫn còn tương đối phức tạp.

    Đối với các con sông xuyên biên giới quốc gia và xuyên bang, quy hoạch TNN đã chỉ ra và thiết lập các hiệp định, hiệp ước chia sẻ nước như Hiệp ước sông Colorado năm 1922 và Hiệp ước sông Columbia giữa 7 bang của Mỹ và một tỉnh của Canada. Trong các tiểu bang, ngoài việc dựa trên cơ sở pháp luật, quá trình lập quy hoạch TNN phải xem xét về mặt lịch sử, luật chung làm nền tảng cho các quyền sử dụng nước. Điều này tạo ra những thách thức trong việc cân bằng nhu cầu và phân bổ nguồn nước khan hiếm với quyền tư hữu của các cá nhân. Một số bang như California, đã phát triển các quy trình lập pháp cho phép lợi ích công được ưu tiên hơn trong một số tình huống đặc biệt.

    Các quy hoạch TNN của các bang thường không nêu rõ các quy tắc quản lý nước, ví  dụ như trong quy hoạch: “Arizona trong thế kỷ tới: Tầm nhìn trong việc đảm bảo nước dùng” và California ”Quy hoạch TNN” cập nhật năm 2018 đều là  các văn bản chiến lược. Những bản quy hoạch này đặt ra các mục tiêu và ưu tiên trong các vấn đề quản lý như bảo tồn thiên nhiên, quản lý các căng thẳng đối với hệ sinh thái và tăng cường nền tảng kiến thức, hiểu biết về TNN. Các chiến lược này sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao hiểu biết về quyền sử dụng nước và các ưu tiên đối với quyền sử dụng nước; tuy nhiên, “nghị định cuối cùng của Chính phủ” liên quan đến luật pháp sẽ được ban hành thông qua tòa án, không phải qua quá trình lập quy hoạch.

    Mỹ đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để quản lý việc phân bổ TNN, khác biệt giữa các đối tượng sử dụng ở các bang phía Tây và phía Đông. Trách nhiệm quản lý TNN thuộc về chính quyền mỗi bang, các cơ quan quản lý nước địa phương và tòa án, mặc dù đã có một số lời kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của Liên bang thông qua Ủy ban mới về TNN quốc gia. Kinh phí thực hiện các quy hoạch của tiểu bang, chẳng hạn như bản cập nhật về quy hoạch TNN của California năm 2018 đến từ ngân sách tiểu bang.

    Thái Lan

    Thái Lan nằm ở Đông Nam Á, khu vực Hạ LVS Mê Công. Đất nước này  có dân số khoảng 66,5 triệu người, bằng 2/3 dân số Việt Nam. Cũng giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, thách thức lớn nhất về quản lý TNN ở Thái Lan là vấn đề quản lý tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán và lũ lụt cũng như giải quyết các vấn đề suy thoái chất lượng nước đang diễn ra triền miên. Là một quốc gia đang phát triển, nước này bị hạn chế về các nguồn lực sẵn có và năng lực hành chính để giải quyết những thách thức đáng kể mà họ phải đối mặt.

    Quy hoạch tổng thể về TNN quốc gia của Thái Lan được xây dựng năm 2019. Bản quy hoạch bao gồm các chiến lược và sáu kế hoạch hành động nhằm mục tiêu quản lý nước cho tiêu dùng, đảm bảo an ninh nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, quản lý lũ lụt, quản lý chất lượng nước và bảo tồn TNN, khôi phục rừng đầu nguồn và rừng suy thoái, chống xói mòn đất và quản lý và quản trị.

    Để việc triển khai quy hoạch được thuận lợi, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú ý. Một bản tóm tắt của quy hoạch TNN quốc gia được đưa lên mạng, với văn phong và cách trình bày gần gũi, thiết thực, đảm bảo khả năng tiếp cận của công chúng. Tài liệu gồm bốn trụ cột, bao gồm quy hoạch tổng thể 20 năm cho các công trình, cung cấp cơ sở lý luận cho cơ quan cấp nước trung ương, đưa ra lời khuyên về phạm vi của luật TNN nước và thúc đẩy phát triển và đổi mới kiến thức. Sau đó, quy hoạch LVS do Ủy ban LVS xây dựng, lấy luật pháp và các định hướng trong quy hoạch TNN quốc gia làm cơ sở để thực hiện.

    Một cơ quan chính phủ tập trung, đó là Văn phòng TNN Quốc gia chịu trách nhiệm về quản lý TNN, đây là một cách cơ cấu lại để khắc phục sự chồng chéo trách nhiệm giữa nhiều cơ quan trên toàn quốc ở Thái Lan. Có nhiều tranh cãi trong việc liệu cách tiếp cận quốc gia ở cả việc lập quy hoạch và quản lý có trao quyền cho các cộng đồng được đóng góp ý kiến trong quá trình ra quyết định phân bổ nước hay không.

    Áp dụng kinh nghiệm của quốc tế vào Quy hoạch TNN ở Việt Nam

    Theo tài liệu hướng dẫn của Liên hợp quốc, quy hoạch TNN quốc gia cần thể hiện rõ bản chất đặc thù về TNN, nêu lên những vấn đề cấp bách liên quan đến TNN, đồng thời đưa ra định hướng phương pháp giải quyết các vấn đề đó theo thứ tự ưu tiên, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước. Lập quy hoạch TNN là một quá trình cần được cập nhật, bổ sung và điều chỉnh định kỳ, hay nói cách khác quy hoạch tiếp cận theo hướng “đúng dần”.

    Dựa vào hướng dẫn của Liên hợp quốc và bài học thực tế của các nước trên thế giới, một số nội dung đã được áp dụng trong quá trình lập quy hoạch TNN ở Việt Nam như: Đối tượng lập quy hoạch TNN bao gồm cả nước mặt và nước ngầm; Quy hoạch TNN tiếp cận theo hướng xem xét tổng thế các vấn đề liên quan đến TNN theo vùng lãnh thổ là các LVS, các định hướng trong quy hoạch TNN được lấy làm cơ sở để thực hiện các quy hoạch LVS; Làm rõ thực trạng TNN và nghiên cứu, xem xét tác động của BĐKH ảnh hưởng đến TNN trong kỳ quy hoạch; Xác định dòng chảy môi trường khi tính toán, xây dựng quy hoạch TNN; Quy hoạch TNN đã thể hiện hiện trạng khai thác, sử dụng nước; Xem xét nhu cầu của tất cả các đối tượng sử dụng nước, sự cân bằng giữa hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và hệ quả môi trường; Quy hoạch đề ra các quan điểm và mục tiêu gắn với hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bền vững về môi trường và sinh thái.

    Đồng thời, Quy hoạch TNN đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề về TNN trong thời kỳ quy hoạch gồm: Các giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế như tìm kiếm các nguồn nước mới, quản lý nhu cầu dùng nước, tăng hiệu quả sử dụng nước,…; các giải pháp để bảo vệ TNN gồm bảo vệ chất lượng nước, bảo tồn TNN…; giải pháp để phòng chống, tác hại do nước gây ra lũ lụt, sạt lở,...

    Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành nước, các giải pháp về vận hành các công trình trên quan điểm tích hợp và tối ưu hoá để đáp ứng các yêu cầu của người sử dụng và đảm bảo chất lượng môi trường; Nâng cao vai trò tham gia của cộng đồng trong giải pháp để thực hiện quy hoạch; Phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện quy hoạch.

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

Ý kiến của bạn