Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Kiến nghị Nam Phi loại bỏ đề xuất thành lập thị trường nội địa cho sừng tê giác và ngà voi

07/05/2024

    Ngày 8/3/2024, Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Cộng hòa Nam Phi (DFFE) chính thức công bố Dự thảo Chiến lược Kinh tế đa dạng sinh học quốc gia (NBES), thời hạn tham vấn đến ngày 22/3/2024 và về sau được gia hạn đến ngày 5/4/2024.

    Mặc dù bà Barbara Creecy, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Cộng hòa Nam Phi  khẳng định NBES được xây dựng dựa trên yêu cầu của Hội nghị Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal và nội dung sách Trắng về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của Nam Phi, tuy nhiên, rất nhiều ý kiến người dân Nam Phi phản đối NBES vì cho rằng Chiến lược sẽ thúc đẩy nạn săn trộm bất hợp pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài hoang dã cũng như các khu vực cảnh quan của Nam Phi.

    Sở dĩ Dự thảo NBES gây nhiều tranh cãi tại Nam Phi cũng như cộng đồng bảo tồn trên thế giới bởi Chiến lược này đặt mục tiêu kinh doanh, khai thác triệt để đa dạng sinh học Nam Phi, trong đó có việc cho phép thương mại nội địa các sản phẩm từ sừng tê giác, ngà voi cùng các động vật hoang dã khác. Cụ thể: Hành động 10.4 của NBES đề xuất xây dựng và thực hiện chiến lược thị trường cho việc thương mại nội địa các bộ phận, dẫn xuất từ động vật hoang dã (ví dụ sừng tê giác, ngà voi) dựa trên việc chế biến và sử dụng sản phẩm. Hành động này đặc biệt nhấn mạnh: “Cần có những cách tiếp cận sáng tạo để xác định sản phẩm và phát triển các thị trường địa phương, ví dụ các phòng khám y tế cung cấp bài thuốc sử dụng sừng tê giác cho khách du lịch chữa bệnh từ phương Đông hoặc chạm khắc ngà voi được thực hiện tại địa phương để bán trong nước và xuất khẩu cho mục đích cá nhân”. Đề xuất Hành động 10.4 thực sự gây quan ngại cho các hoạt động bảo tồn tại Nam Phi và nhiều quốc gia trên thế giới bởi một khi được thông qua, quy định này sẽ gây tác động vô cùng nghiêm trọng tới quần thể tê giác, voi và các loài động vật hoang dã tại Nam Phi nói riêng cũng như châu Phi nói chung.

    Ngày 5/4/2024, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi Thư kiến nghị tới bà Barbara Creecy, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Cộng hòa Nam Phi nhằm kiến nghị Bộ xem xét các luận điểm dưới đây và tiến tới loại bỏ đề xuất Hành động 10.4 ra khỏi Chiến lược NBES:

    Dự thảo NBES khẳng định “đa dạng sinh học là tài sản quốc gia”, tuy nhiên, quy định tại Hành động 10.4 sẽ tác động vô cùng nghiêm trọng tới quần thể các loài động vật hoang dã, đặc biệt là tê giác và voi - hai loài biểu tượng của Nam Phi vốn đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp. Việc thúc đẩy kinh doanh động vật hoang dã, dù trong phạm vi nội địa, cũng tạo điều kiện cho việc tận diệt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. 

    Cộng hòa Nam phi đã tham gia Công ước Buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), là quốc gia thành viên Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và ký kết nhiều cam kết bảo tồn khác, trong đó các cam kết quốc tế đều nhấn mạnh yêu cầu cần bảo vệ tối đa các quần thể loài hoang dã cùng hệ sinh thái hiện có. Đặc biệt, Công ước CITES quy định rõ việc cấm buôn bán quốc tế sừng tê giác và ngà voi vì mục đích thương mại. Do đó, việc khởi động lại chính sách thương mại nội địa sừng tê giác, ngà voi sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh Nam Phi trên trường quốc tế, đồng thời gây quan ngại cho nhiều khu vực, quốc gia đang nỗ lực hợp tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

    Việc hình thành thị trường nội địa hợp pháp các bộ phận và sản phẩm từ các loài động vật bị đe dọa bao gồm sừng tê giác và ngà voi sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như thúc đẩy vấn nạn săn trộm, buôn bán bất hợp pháp vốn tồn tại dai dẳng tại Nam Phi, làm phức tạp thêm nỗ lực thực thi pháp luật trong nước và tạo cơ hội cho nhiều loại hình tội phạm hoạt động sâu rộng, gây mất an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu.

    Châu Á vốn được xem là điểm trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã bao gồm các sản phẩm từ sừng tê giác, ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, chính sách mới của Nam Phi nếu được thông qua sẽ làm suy yếu các nỗ lực giảm cầu và thay đổi hành vi đang diễn ra tại các quốc gia này.

    Hành động 10.4 của NBES khuyến khích việc sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh cho các du khách đến từ phương Đông, tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người. Cộng hòa Nam Phi nên thúc đẩy phát triển nguồn dược liệu truyền thống có nguồn gốc từ thực vật thay vì sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã - giải pháp vốn đi ngược với xu hướng thời đại và các cam kết toàn cầu. 

    Theo quy định tại Công ước CITES, sừng tê giác, ngà voi và tất cả các mẫu vật thuộc Phụ lục I đều bị cấm buôn bán vì mục đích thương mại. Do đó, khách du lịch dù có mua các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi từ Nam Phi thì cũng không thể mang theo nếu không có giấy phép CITES. Họ có thể bị tịch thu tang vật và bị xử phạt hình sự khi trở về nước, do đó, Chiến lược NBES chủ yếu phục vụ các nhóm đối tượng và tội phạm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chứ không phải là du khách thực thụ.

Ảnh minh họa

    Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á trong những năm gần đây đều ban hành các chính sách kiểm soát vấn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ngày một chặt chẽ hơn, đồng thời phối hợp với các tổ chức bảo tồn quốc tế triển khai nhiều chương trình giảm cầu và thay đổi hành vi hiệu quả. Đây là xu hướng chung của nhân loại và mong rằng Nam Phi sẽ cùng chung tay với thế giới đẩy lùi nạn săn bắn, săn trộm, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

    Với nguồn đa dạng sinh học tuyệt vời hiện có, Nam Phi nên đầu tư và thúc đẩy du lịch bảo tồn, du lịch bền vững theo hướng tôn trọng tự nhiên và thế giới muôn loài.

    Với tất cả những quan ngại nêu trên, PanNature kiến nghị Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Cộng hòa Nam Phi xem xét, loại bỏ đề xuất Hành động 10.4 trong Dự thảo Chiến lược NBES, đồng thời rà soát lại các chính sách liên quan theo hướng chú trọng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

    Là một trong những tổ chức đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về tội phạm môi trường và chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, ngày 4/4/2024, Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA) cũng gửi Bản kiến nghị tới Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Cộng hòa Nam Phi nhằm bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với nội dung đề xuất tại Hành động 10.4 của NBES.

    EIA cho rằng việc cho phép sử dụng sừng tê giác và ngà voi như dự thảo NBES là vô cùng nguy hiểm bởi quy định này sẽ làm tăng áp lực săn trộm và buôn bán bất hợp pháp bằng cách kích thích nhu cầu, làm phức tạp các nỗ lực thực thi và tạo cơ hội để “rửa” nguồn ngà voi, sừng tê giác bị săn trộm, bất hợp pháp khác vào thị trường hợp pháp. Mặt khác, Hành động 10.4 cũng làm suy yếu và cản trở tiến trình thay đổi hành vi và giảm cầu ở các quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã cũng như luật pháp ở các quốc gia khác cấm sở hữu và buôn bán sừng tê giác, ngà voi. Ngoài ra, EIA cũng bày tỏ sự không ủng hộ đề xuất tăng hạn ngạch săn bắn voi, tê giác, sư tử, báo và các loài động vật tiêu biểu của Nam Phi hàng năm để lấy chiến lợi phẩm như đề xuất của NBES. Các chính sách và hạn ngạch săn bắn cần phải đảm bảo lợi ích bảo tồn loài rõ ràng dựa trên kết quả khoa học đúng đắn và không gây tổn hại thay vì khai thác nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận.

    Theo DFFE, Dự thảo Chiến lược NBES được xây dựng dựa trên các khuôn khổ quốc gia và toàn cầu như Sách trắng (được phê duyệt ngày 29/3/2023) và Khung đa dạng sinh học toàn cầu. Tuy nhiên, NBES không chỉ tập trung thực hiện các mục tiêu của Sách Trắng về bảo tồn đa dạng sinh học Nam Phi mà còn hướng tới khai thác các cơ hội kinh doanh dựa trên nhiều hệ sinh thái khác nhau (trên cạn, biển, ven biển, cửa sông và nước ngọt) nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu được từ tài nguyên đa dạng sinh học.

    NBES đưa ra một số mục tiêu về thúc đẩy du lịch sinh thái toàn diện, mở rộng hệ thống động vật hoang dã, phát triển kinh tế - xã hội ven biển và hỗ trợ thăm dò sinh học. Tuy nhiên, riêng các đề xuất về về việc mở rộng ngành công nghiệp săn bắn và việc cho phép thương mại hóa nội địa sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã của NBES thì vấp phải nhiều phản đối mạnh mẽ từ số đông công chúng, dù NBES viện dẫn mục đích của các đề xuất này nhằm đảm bảo sự hưởng lợi công bằng cho các cộng đồng địa phương.

    NBES được tham vấn công khai từ ngày 8/3 - 22/3/2024, tuy nhiên, trước kiến nghị của nhiều cá nhân, tổ chức, DFFE quyết định gia hạn tiến trình tham vấn tới ngày 5/4/2024.

    Ngày 25 - 28/3/2024, Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi (DFFE) tổ chức Hội nghị Kinh tế và Đầu tư Đa dạng sinh học tại Khách sạn Birchwood và Trung tâm Hội nghị OR Tambo thuộc Boksburg, tỉnh Gauteng với sự tham dự của Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng nhiều đại diện bộ, ngành. Mục đích của sự kiện này nhằm kết nối các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực đa dạng sinh học kết hợp triển lãm đa dạng sinh học do DFFE tổ chức.

An Bình (Theo PanNature)

Ý kiến của bạn