Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Công lý khí hậu

07/12/2021

    Ngày nay, các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, khô hạn, cháy rừng, nước biển dâng… xảy ra nhiều hơn với quy mô lớn hơn. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận hạn chế khí thải, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. Thế nhưng, khoảng cách giữa cam kết và hành động hết sức lớn. Vấn đề công lý khí hậu ngày càng đặt ra khẩn thiết, trước hết với các nhóm xã hội yếu thế, nước nghèo, nạn nhân hàng đầu của BĐKH.

    Trong những năm gần đây, các vấn đề môi trường nói chung và BĐKH nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm trên toàn cầu. Các vấn đề công lý khí hậu ngày càng đặt ra yêu cầu cấp thiết, khi mà các nhóm xã hội yếu thế, nước nghèo ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước vấn đề đó, các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm xã hội yếu thế đã hướng sang các tòa án quốc gia, chủ yếu để yêu cầu chính quyền các nước và các doanh nghiệp phải đề ra các mục tiêu về khí hậu ở tầm mức tương xứng với hiểm họa.

     Một nghiên cứu về các vụ kiện tụng liên quan đến khí hậu từ năm 1990 đến 2019, của London School of Economics and Political Science, đưa ra một tổng kết là có ít nhất 1.328 vụ kiện liên quan đến khí hậu, tại 28 quốc gia, trong đó hơn 3/4 số vụ kiện là tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu ghi nhận đại đa số vụ kiện khởi sự sau năm 2006 và ngày càng có nhiều vụ kiện tại các quốc gia có thu nhập trung bình hay thấp như Pakistan hoặc Ouganda. Đa số các vụ kiện nhằm vào chính quyền các nước và các doanh nghiệp.

    Trong lịch sử đòi công lý khí hậu của xã hội dân sự thế giới, vụ Hiệp hội Urgenda thắng kiện chính quyền Hà Lan năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2013, Hiệp hội Urgenda, một tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho phát triển bền vững tại Hà Lan khởi sự vụ kiện Chính phủ Hà Lan, sau khi đề nghị chính quyền cam kết cắt giảm 25% khí thải vào năm 2020 (so với mức phát thải 1990) đã không được đáp ứng. Năm 2015, một tòa án sơ thẩm La Haye ra phán quyết buộc chính quyền thực hiện đòi hỏi của nguyên đơn. Chính quyền Hà Lan khiếu nại. Năm 2018, một tòa phúc thẩm ở La Haye đã ra phán quyết bác khiếu nại của chính quyền Hà Lan. Phán quyết phúc thẩm dựa trên các nghĩa vụ của chính quyền Hà Lan, được quy định bởi Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (CCNUCC) và Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, mà Hà Lan tham gia. Tháng 12/2019, Tòa án Tối cao Hà Lan ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết chỉ rõ chính quyền Hà Lan đã hành động bất hợp pháp, khi không bảo vệ các quyền của công dân theo Công ước Nhân quyền châu Âu.

    ​Đây là lần đầu tiên một quốc gia bị kết án do không làm tròn trách nhiệm đối với môi trường, nhân danh nguyên tắc Nhà nước phải có trách nhiệm với công dân trong lĩnh vực môi trường. Điều khoản pháp lý liên quan, vốn đã có từ trong luật quốc tế, đã được nội luật hóa, đưa vào luật dân sự Hà Lan. Tòa án Tối cao Hà Lan buộc chính quyền phải thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải, theo đòi hỏi của Hiệp hội Urgenda. Vụ kiện này trở thành một mẫu mực cho phong trào tranh đấu vì môi trường tại Hoa Kỳ, cũng như tại Pháp.

    Tại Pháp, đối với giới BVMT, chống BĐKH, ngày 14/1/2021, là một cái mốc lịch sử. Vụ khiếu kiện được mệnh danh “Vụ kiện Thế kỷ” đã được một tòa án hành chính ở Pháp xét xử.  Những người khiếu kiện đòi hỏi Nhà nước Pháp phải nhận phần trách nhiệm trong việc nước Pháp không tuân thủ các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Vụ kiện Thế kỷ” (L'Affaire du Siècle), khởi sự từ cuối năm 1998, được 2,3 triệu người ký tên ủng hộ. Các đại diện của bốn tổ chức phi chính phủ, bao gồm Notre Affaire à tous, Greenpeace France, Quỹ Nicolas Hulot và Oxfam France, đối chất với đại diện của Nhà nước Pháp tại Tòa án Hành chính Paris. Hiện tại, Chính phủ Pháp bác bỏ mọi cáo buộc, khi viện dẫn đã có Luật về năng lượng – khí hậu năm 2019, yêu cầu tăng cường các mục tiêu khí hậu, hướng đến trung hòa khí thải vào năm 2050, hay cắt giảm 40% năng lượng hóa thạch trước năm 2030. Tuy nhiên, vào tháng 11/2020, Tham Chính Viện đã ra thông báo ghi nhận, hiện tại, lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch của nước Pháp đã vượt quá các chỉ tiêu đã được hoạch định. Các nhà tranh đấu môi trường hoan nghênh ghi nhận này. “Vụ kiện Thế kỷ” đã dấy lên một phong trào xã hội thực sự rộng lớn. Tư pháp nước Pháp sẽ đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ kiện vào cuối năm nay. Việc công bố các phán quyết về khí hậu  nói trên mang ý nghĩa biểu tượng cao, khiến chính quyền nhiều nước hay các doanh nghiệp là thủ phạm phát thải không được trốn tránh trách nhiệm, mà phải có những hành động giảm thiểu.

Các luật sư cùng người lãnh đạo tổ chức Urgenda tại Tòa án Tối cao Hà Lan, ngày 20/12/2020

    Mới đây, tại Australia, trước thềm Hội nghị COP 26, vào ngày 26/10/2021, các nhà lãnh đạo của First Nations (thổ dân và các nhóm người bản địa thuộc Quần đảo eo biển Torres) từ các hòn đảo xa xôi của Boigu và Saibai thuộc Gudamalulgal, khu vực quần đảo Zenadth Kes (eo biển Torres) đã đệ đơn kiện Chính phủ Liên bang Australia ra tòa trong nỗ lực ngăn chặn sự hủy hoại cộng đồng do BĐKH. Các nguyên đơn cho rằng, Chính phủ Liên bang có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo người dân trên quần đảo Torres Strait không bị tổn hại bởi cuộc khủng hoảng khí hậu từ việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Đây là vụ kiện tập thể về vấn đề khí hậu đầu tiên được thực hiện bởi các sắc dân thuộc First Nations tại Australia. Vụ kiện được tiến hành bởi Công ty luật Phi Finney McDonald và Fiona McLeod SC - đại diện cho các nguyên đơn trước tòa.

    Trong vụ kiện, các nguyên đơn cho rằng Khối thịnh vượng chung có “nghĩa vụ chăm sóc” pháp lý đối với người dân trên quần đảo Eo biển Torres, dựa trên cơ sở Luật chống sự thiếu quan tâm (sai sót nhỏ có thể xử lý ở tòa án địa phương) cũng như Hiệp ước eo biển Torres và Quyền của người bản địa. Các nguyên đơn khởi kiện với lập luận, Chính phủ Australia đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc người dân theo luật quy định, bởi các tác hại nghiêm trọng và lâu dài mà BĐKH sẽ gây ra cho cộng đồng của họ.

    Zenadth Kes (quần đảo eo biển Torres) là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Mực nước biển ở eo biển Torres đang tăng gấp đôi mức trung bình toàn cầu và tăng 6 cm trong thập kỷ qua. Nếu không có hành động khẩn cấp để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mực nước biển được dự đoán sẽ tăng tới 1 m vào năm 2100. Thời tiết sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, với mưa dữ dội hơn vào mùa mưa; mùa khô kéo dài hơn, nóng hơn, khô hơn và khắc nghiệt hơn; lốc xoáy và các cơn bão, lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, dẫn đến xói mòn bờ biển và ngập lụt, đe dọa nguồn cung nước ngọt. Boigu và Saibai là những hòn đảo rất bằng phẳng và thấp, cao hơn mực nước biển khoảng 1,5 m. Chúng đặc biệt chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng - nhiều hơn nhiều hòn đảo khác ở Zenadth Kes. Cả hai hòn đảo đều đang bị nước biển tràn vào thường xuyên. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến các khu định cư, cơ sở hạ tầng, các địa điểm văn hóa quan trọng và những khu vườn nơi mọi người trồng rau để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C thì nhiều hòn đảo ở Gudamalulgal sẽ không thể sinh sống được. Cư dân quần đảo Eo biển Torres sẽ trở thành những người tị nạn do BĐKH đầu tiên của Australia.

    Người dân trên quần đảo Eo biển Torres có một lịch sử đáng tự hào khi đã đấu tranh cho quyền của họ thông qua các phiên tòa. Những người dân của các hòn đảo đang chờ đợi sắc lệnh từ tòa án, yêu cầu Chính phủ Liên bang thực hiện các bước để ngăn chặn tác động xấu này lên cộng đồng của họ, bằng cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

    Từ các vụ kiện nêu trên, có thể thấy những biến chuyển lớn trong lĩnh vực pháp lý khí hậu, đó là các đương đơn kiện ra tòa án quốc gia vấn đề chưa được luật pháp quốc tế điều chỉnh; các thẩm phán đã thay đổi quan điểm, đánh giá có thể thụ lý đơn kiện; các tổ chức dân sự đã biết vận dụng hiến pháp, luật hoặc án lệ để hỗ trợ người dân trong các vụ kiện về khí hậu.

    Phán quyết lịch sử của tòa án Hà Lan trong vụ Urgenda đã đưa ra nhiều khái niệm pháp lý mang tính cách tân, như quyền của các thế hệ tương lai, hay vấn đề điều chỉnh pháp lý đối với các hành động trong tương lai, mang tính dự báo và phòng ngừa Nhìn chung, vụ án Urgenda đã mang lại nhiều cảm hứng và kinh nghiệm cho các nỗ lực của xã hội dân sự khởi kiện Nhà nước nhiều quốc gia ra tòa, do không đưa ra các hành động để ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất bị nóng lên.

    Bên cạnh cách tiếp cận truyền thống, trừng phạt và đòi hỏi bồi thường đối với các hành động vi phạm luật đã xảy ra, các thẩm phán ngày càng hướng sang cách diễn giải luật nhằm điều chỉnh các hành động trong tương lai và có xu hướng sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học được nguyên đơn sử dụng làm cơ sở cho các khiếu kiện, làm luận cứ để buộc chính quyền nhiều nước phải chấp hành. Điều mới ở đây là luật pháp liên quan cả đến việc phòng ngừa, cho phép điều chỉnh cả các hành động sẽ xảy ra trong tương lai, để tránh cho nhân loại phải gánh chịu các thảm họa về khí hậu gây ra.

    Tuy nhiên hiện còn rất ít vụ kiện liên quan đến BĐKH đạt được sự thành công. Các vụ kiện cũng chưa thể mang đến kết quả như ý nguyện của bên nguyên đơn là thúc đẩy hành động chống BĐKH ngay lập tức, song phần nào đã gây chú ý tới công luận, để chính phủ các nước, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về các vấn đề liên quan đến BVMT và chống BĐKH, đồng thời có ý thức trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh để sao cho yếu tố môi trường là điều phải được cân nhắc tới.

Nguyễn Vũ Phương Linh

Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

Ý kiến của bạn