Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Bốn quốc gia phân loại rác thải hiệu quả nhất ở châu Âu

27/12/2021

    Việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng nổi bật của nhiều thành phố (TP) châu Âu, từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân nơi đây và trở thành thói quen hàng ngày của họ. Bốn TP dưới đây được đánh giá là những đô thị thành công nhất ở châu lục này trong việc phân loại, tái chế rác thải, giúp môi trường TP trở nên Xanh - Sạch - Đẹp. 

Ljubljana (Slovenia)

Rác thải được xử lý tại Nhà máy xử lý rác sinh học tại Ljubliana

    Khoảng 15 - 16 năm trước, tất cả rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại Ljubljana (Thủ đô của Slovenia) đều được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp. Do nhu cầu sinh hoạt và phát triển của người dân TP đã kéo theo lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, các bãi chôn lấp dần bị quá tải, diện tích đất dành cho chôn lấp ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, đến năm 2014, Ljubljana lại chính là TP đầu tiên của châu Âu cam kết tiến tới “không rác thải” và đề ra mục tiêu vào năm 2025, 75% lượng rác thải sinh hoạt của TP sẽ được tái chế. Vậy bằng cách nào mà Ljubljana lại tự tin và quyết tâm như thế?

    Theo Tạp chí The Guardian (Anh), chiến dịch “TP không rác thải” của Ljubljana được bắt đầu từ năm 2002 thông qua việc chính quyền TP cho đặt nhiều thùng rác khác nhau trên vỉa hè các tuyến phố và chia thành các ngăn để phân loại rác (gồm giấy, thủy tinh, bao bì). Việc này được chính quyền TP giao cho Công ty Voka Snaga (công ty vệ sinh môi trường của TP) phụ trách, hàng ngày, công nhân của Công ty đi bộ trên các đường phố để thu gom rác và dùng máy quét rửa đường. Sau khi thu gom, công nhân Công ty sẽ tiến hành kiểm tra xem đồ vật nào còn dùng được thì làm sạch, sau đó bán lại với giá rẻ. Ở trung tâm TP - “nơi đất chật, người đông”, Công ty cho lắp đặt 67 thùng rác dưới lòng đất và người dân được Công ty phát thẻ đổ rác, thùng chỉ mở nắp khi người dân quẹt thẻ. Hàng tuần, Công ty đều tổ chức hội thảo dạy người dân cách sửa chữa vật dụng hỏng hóc trong nhà.

    Bốn năm sau, Công ty tiếp tục lắp đặt các thùng thu gom rác hữu cơ (thực phẩm, rau xanh) trước cửa nhà của các hộ gia đình và đến năm 2013, tất cả các ngôi nhà trong TP đều được nhận thùng rác riêng để đựng bao bì, giấy thải. Ngoài ra, Công ty Voka Snaga còn có các sáng kiến khác như xây dựng cửa hàng “không rác thải” trên khắp đất nước, nơi Công ty có hệ thống đóng gói các mặt hàng nhu yếu phẩm bằng vật liệu không phải là bao bì; hoặc cơ quan chính quyền sử dụng giấy vệ sinh sản xuất từ vỏ hộp sữa và nước trái cây tái chế; giảm ½ tần suất thu gom rác mỗi ngày… Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng áp dụng các chế tài khác để buộc người dân phải phân loại rác kỹ càng và khuyến khích người dân ủ rác hữu cơ tại nhà. Từ những việc làm trên đã giúp thay đổi ý thức, thói quen phân loại rác của người dân Ljubljana, đồng thời, giảm được lượng rác chôn lấp đến 60%, góp phần tăng cường tái sử dụng và tái chế rác thải.

    Không chỉ vậy, TP còn xây dựng 2 trung tâm tái chế rác thải thu gom từ các hộ gia đình - nơi người dân có thể trực tiếp đến đó để vứt các đồ vật cũ trong nhà. Ước tính, mỗi ngày, 2 trung tâm tiếp nhận rác của hơn 1.000 lượt người dân. Hiện TP đang dự định xây thêm ít nhất 3 trung tâm như vậy, cùng với 10 cơ sở tái chế nhỏ tại các khu vực đông dân cư. Nhờ thế mà, từ một TP có tỷ lệ tái chế rác ở mức “khiêm tốn” nhất châu Âu năm 2008 (29,3%), đến nay, Ljubljana đã nằm trong top đầu của bảng xếp hạng các TP tái chế rác hiệu quả nhất châu Âu, với tỷ lệ 68% và lượng rác chôn lấp cũng giảm được 80%.

    Đặc biệt, từ năm 2015, TP đưa Nhà máy xử lý rác thải RCERO vào vận hành đã giúp xử lý gần ¼ lượng rác thải sinh hoạt tại Slovenia. RCERO được đánh giá là Nhà máy xử lý chất thải sinh học hiện đại nhất châu Âu hiện nay, với công nghệ sử dụng khí ga tự nhiên, tạo ra nhiệt và điện. Nhà máy có thể biến 95% rác phế phẩm thành vật liệu tái chế và nhiên liệu rắn, sản xuất phân bón chất lượng cao từ rác hữu cơ. Nhờ những nỗ lực trên, năm 2016, TP đã được Liên minh châu Âu bầu chọn là "Thủ đô xanh" của châu lục.

Parma (Ý)

     Parma là một TP nằm ở miền Bắc nước Ý, thuộc vùng Emilia Romagna. Nhiều năm trước, Parma cũng là một trong những nơi phát sinh rác thải sinh hoạt cao nhất của châu Âu, khoảng 636kg/người (năm 2014), nhiều hơn 160kg so với mức trung bình của Liên minh châu Âu, trong đó, chỉ ½ lượng rác thải này được tái chế, số còn lại đem đi chôn lấp, hoặc đốt. Để giải quyết bài toán rác thải của TP, chính quyền Parma đã triển khai nhiều biện pháp như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân về cách phân loại, thu gom rác hữu cơ, thủy tinh và bao bì nhựa riêng biệt; Áp dụng chính sách thuế, khuyến khích các hộ gia đình tạo ra ít chất thải thì sẽ phải nộp thuế ít hơn; Xây dựng nhà máy đốt rác hiện đại hơn, với công suất 180.000 tấn MSW/năm.

    Mặc dù, đến tháng 11/2012, TP đã có các thùng rác trên các tuyến phố và có phân loại rác thải sinh hoạt tại nơi công cộng. Tuy nhiên, khi đó, việc phân loại rác tại các hộ gia đình, cũng như tái chế chất thải hữu cơ vẫn chưa được quan tâm thực hiện tại Parma. Trong khi, chi phí xử lý rác lại cao, doanh thu từ việc tái chế thấp và hệ thống thu gom rác còn một số bất cập cần cải thiện. Vì thế, để thực hiện chiến lược “TP không rác thải” đó, chính quyền Parma đã quyết định cải thiện hệ thống quản lý rác thải theo hướng tổ chức phân loại rác thải tại gia đình trên địa bàn toàn TP, với 4 loại chất thải chính: rác hữu cơ, giấy và bìa cứng, bao bì nhẹ (túi ni lông, chai lọ, bao bì bằng kim loại) và các loại rác khác.

    Năm 2014, việc cải tiến cách thức phân loại, thu gom rác bắt đầu được thực hiện ngay tại hộ gia đình, trong đó tách riêng các loại rác là thủy tinh và bao bì nhẹ thành 2 thùng khác nhau. Tuy nhiên, việc thu gom rác được điều chỉnh theo từng địa bàn. Cụ thể, tại trung tâm TP, chất thải hữu cơ chỉ được chứa trong các thùng rác nhỏ, thể tích khoảng 50l và được thu gom thường xuyên hơn so với các nơi khác, nhưng ở ngoại ô, chất thải hữu cơ được chứa trong các thùng rác lớn hơn (dung tích 120l) và có bánh xe. Ngoài ra, tại trung tâm TP, việc thu gom rác được tiến hành vào ban đêm, còn ở các khu vực khác, hoạt động này thường diễn ra vào buổi sáng.

    Cùng với đó, chính quyền TP còn đưa ra một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác đúng quy định, cụ thể là các hộ gia đình sẽ được giảm 12% phí thu gom rác, nếu tự ủ phân hữu cơ tại nhà. Đồng thời, TP còn xây dựng các trạm sinh thái (một ki-ốt với 8 cửa sổ và 8 thùng rác khác nhau ở bên trong) là nơi lưu trữ rác thải tái chế và các loại rác thải khác, được điều hành thông qua máy vi tính và nếu muốn truy cập phải có thẻ. Những loại rác thải có thể tái chế được thu gom miễn phí, trong khi các loại chất thải khác bị tính phí khoảng 0,7€/40l. Vào năm 2016, Parma đã lắp đặt khoảng 8 trạm sinh thái ở ngoại ô TP và những vùng lân cận. Nhờ việc phân loại rác và ủ rác hữu cơ tại các hộ gia đình được triển khai mạnh mẽ tại Parma, đã giúp TP giảm đáng kể lượng rác thải phải xử lý (110 kg/người/năm) và nâng tỷ lệ tái chế chất thải từ 49% (năm 2012) lên 76% (năm 2016), chi phí xử lý chất thải hàng năm cũng giảm gần 3,5 triệu Euro.

Thị trấn Sǎlacea (Romania)

    Năm 2016, tỷ lệ tái chế rác thải ở Romania chỉ đạt 13% tổng lượng rác phát sinh, đây là mức thấp nhất trong lĩnh vực tái chế rác ở châu Âu vào thời điểm đó. Đến năm 2018, thị trấn Sǎlacea (quận Bihor, Romania) nhỏ bé, với dân số chỉ 3.000 người đã quyết định cải cách hệ thống quản lý rác thải của địa phương và thiết lập hệ thống thu gom rác có chọn lọc (tách riêng rác hữu cơ, bao bì thủy tinh và nhựa) - để đảm bảo việc phân loại rác hiệu quả. Trước khi cải tạo hệ thống thu gom rác, tỷ lệ thu gom và tái chế rác của Sălacea chỉ dưới 1%, trong số 1.000 hộ dân, chỉ có 84 hộ thực hiện phân loại rác thải tại nhà, khi đó chính quyền Romania vẫn chưa có các biện pháp khuyến khích người dân thu gom và tái chế rác.

    Bắt tay vào thực hiện chương trình “TP không rác thải”, chính quyền thị trấn Sălacea đã đưa ra một bản kế hoạch tổng thể với các yêu cầu, mục tiêu, trách nhiệm và chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cấp hệ thống phân loại và thu gom rác tại địa phương. Theo đó, Sălacea đã dỡ bỏ tất cả các thùng rác trên đường phố và thay thế bằng việc đặt các thùng rác khác nhau trước cửa nhà mỗi hộ gia đình, trong đó phân chia thành 5 loại rác, bao gồm cả rác thải hữu cơ. Trên mỗi thùng rác đều có dãn nhán màu sắc để dễ dàng phân biệt các loại rác và có túi chứa riêng từng loại chất thải. Sau khi phân loại, số rác thải thu gom từ các hộ gia đình được vận chuyển đến trạm phân loại rác tại địa phương (thuộc Ave Bihor) để xử lý, đảm bảo không còn chất ô nhiễm và vật liệu tái chế đạt được chất lượng cao hơn. Chất thải hữu cơ sau khi thu gom được xử lý và ủ phân ngoài trời tại trạm Eco Bihor.

    Để cải thiện hệ thống thu gom rác của địa phương, chính quyền Thị trấn đã huy động sự tham gia hợp tác của nhiều bên liên quan, đặc biệt là 2 Công ty Eco Bihor và Ave Bihor để thay đổi toàn bộ hệ thống phân loại rác thải hiện có của địa phương. 2 đơn vị này đã cùng phối hợp với nhau để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân những kiến thức xung quanh việc phân loại rác tại nguồn, lợi ích của hoạt động này, cách sản xuất phân hữu cơ tại nhà… Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục với cách thức sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, người dân được phát các bộ thu gom riêng gồm thùng chứa và túi, hơn 400 thiết bị ủ phân hữu cơ tại nhà và các tài liệu thông tin khác để triển khai hệ thống thu gom rác mới. Tuy nhiên, trên hết là sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo địa phương và sự gắn kết với cộng đồng là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của chương trình. Tỷ lệ người dân tham gia các buổi tuyên truyền tăng từ 8,4% lên 97%. Qua đó, người dân đã tích cực thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, giúp giảm lượng chất thải phát sinh từ 106,7 tấn xuống 47,93 tấn (giảm 55%), gia tăng tỷ lệ rác thải có thể tái chế lên (trước đây chỉ 3%) và lượng rác thải không thể tái chế giảm đáng kể từ 109 kg/người năm xuống còn 19kg/người/năm.

Besançon (Pháp)

    Trước năm 2008, rác thải sinh hoạt phát sinh của Besançon được xử lý bằng lò đốt, tuy nhiên, trong số 2 nhà máy đốt rác của TP có 1 nhà máy được xây dựng từ năm 1975, nên công nghệ cũ, lạc hậu. Vì thế, TP đã quyết định dừng việc đốt rác và đóng cửa nhà máy này, đồng thời, tập trung tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ. Ở Besançon, công tác quản lý chất thải được tổ chức thực hiện bởi 3 nhóm tự quản và 3 nhóm cùng hợp tác để lập nên một cơ sở mới, chịu trách nhiệm xử lý chất thải của TP, đó là SYBERT.

    Để giải quyết những thách thức từ lượng rác thải phát sinh mỗi ngày tại Besançon, SYBERT đã tiến hành hơn 40 giải pháp khác nhau, từ nâng cao nhận thức đến cung cấp cốc nhựa miễn phí cho các bữa tiệc; tăng cường các hoạt động giảm thiểu chất thải thực phẩm; làm việc với các hộ gia đình để thúc đẩy lối sống “không lãng phí” rác thải; phát động chiến dịch “những ngôi nhà hoàn hảo”; khuyến khích người dân ủ phân hữu cơ tại nhà; thông qua các tổ chức đoàn thể của địa phương để hướng dẫn người dân làm phân hữu cơ, cách làm phân trùn quế có thùng thông hơi ngay tại bếp nhà mình; đặc biệt là hỗ trợ và cung cấp máy ủ phân. Theo thống kê của SYBERT, chỉ trong năm 2016 đã có khoảng 100.778 người dân trên địa bàn TP sử dụng phương pháp này để giải quyết rác thải hữu cơ của gia đình. Tuy nhiên, trước khi SYBERT hỗ trợ thì ở Besançon, cũng đã có 70% khu dân cư trên địa bàn TP có máy ủ riêng, hoặc trong vùng có trạm ủ phân công cộng, khoảng 50% người dân đã và đang thực hiện phương pháp này. Dù vậy, các hoạt động của SYBERT cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân compost tại nhà, qua đó, giúp giảm lượng rác thải hữu cơ xả ra môi trường khoảng 150 kg/người/năm, đồng thới, tiết kiệm chi phí xử lý rác cho TP và BVMT.

    Bên cạnh đó, TP cũng áp dụng chính sách “xả rác phải trả tiền” (người dân phải trả tiền tùy theo lượng chất thải mà họ tạo ra); lắp đặt các điểm phân trộn cộng đồng; tăng cường thu gom rác thải riêng biệt; tổ chức sản xuất phân compost từ rác thải ngay dưới chân các tòa nhà và được quản lý bởi cư dân của tòa nhà đó, tuy nhiên, SYBERT sẽ giám sát và hỗ trợ cài đặt các bước đầu tiên.

    Với các loại rác thải khác như thủy tinh và giấy, TP cũng hướng dẫn và yêu cầu người dân phân loại cẩn thận, không được thu gom chung vào một thùng; thiết lập các điểm thu mua rác tái chế; xây dựng các trang bán hàng tái chế trên mạng và có gắn huy hiệu để đảm bảo kiểm soát lượng chất thải nhập và xuất. Các thương gia và doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng rác thải phát sinh và được gắn nhãn để phân loại các loại chất thải được phù hợp.

    Với những giải pháp hiệu quả trên, mô hình quản lý chất thải ở Besançon đã được nhân rộng tại nhiều địa phương của Pháp trong thời gian qua, giúp Pháp trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế rác thải cao nhất châu Âu hiện nay.

Phương Linh (Theo Zero waste Europe)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

 

Ý kiến của bạn