Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Sứ mệnh của những người phụ nữ làm công tác bảo tồn động vật hoang dã

15/09/2015

     Ở nhiều nơi trên thế giới, có những người phụ nữ đã cống hiến tất cả tâm sức và nhiệt huyết của mình để bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bằng tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, trong đó có những cán bộ bảo tồn xuất sắc của Quỹ Bảo tồn ĐVHD (WWF)… Những việc làm của họ đã đóng góp không nhỏ cho công tác quản lý bảo tồn và chăm sóc các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng, ngăn chặn những hành vi xâm hại và hủy hoại môi trường sống, tàn phá tài nguyên thiên nhiên.      Elisabeth Kruger - “Bà mẹ” của gấu Bắc Cực      Bà Elisabeth Kruger là nhà bảo tồn nổi tiếng thế giới, một cán bộ mẫn cán và quyết đoán của WWF. Bà được mệnh danh là “Mẹ” của loài gấu Bắc Cực. Chia sẻ về hành trình đến với vùng đất Bắc Cực xa xôi, bà cho biết, cách đây mấy năm trong một lần đến Hồ Baikal ở phía Nam Siberia (Nga) - hồ sâu nhất thế giới, bà đã bắt gặp một hình ảnh rất thú vị mà cho đến giờ bà vẫn không thể nào quên, đó là hình ảnh một con cá đang bơi lội tung tăng dưới làn nước lạnh giá của mặt hồ đang đóng băng. Qua những vết nứt dọc ngang trên mặt băng, bà đã nhìn thấy hình ảnh về sức sống mãnh liệt của các loài sinh vật và nó đã khơi nguồn cho ý tưởng khám phá, tìm hiểu thế giới động vật ở Bắc Cực.      Sau 4 năm sống ở Siberia, Bà chuyển đến Alaska và đảm nhiệm vị trí cán bộ của Chương trình Bảo tồn gấu Bắc cực của tổ chức WWF. Từ đó, bà đã sống và làm việc tại vùng biển Bắc Cực, với vai trò của một nhà bảo tồn gấu.      Sự quan tâm lớn nhất của bà Elisabeth Kruger trong hoạt động bảo tồn chính là giảm thiểu xung đột giữa loài gấu Bắc Cực và người dân bản địa, tập trung triển khai các chương trình, dự án bảo tồn loài gấu tại 3 nước (Mỹ, Nga và Canada) - được xem là ngôi nhà của 3 quần thể gấu: vùng Nam biển Beaufort, biển Bering và biển Chukchi. Bên cạnh đó, bà và các đồng nghiệp đã làm việc với các cán bộ bảo tồn của các nước trong khu vực để thiết lập kế hoạch hợp tác xuyên quốc gia về bảo vệ gấu Bắc Cực. Tuy nhiên, đáng lo ngại là cộng đồng địa phương chưa nắm được nhiều thông tin về các quần thể gấu, cơ sở dữ liệu của 9/19 quần thể gấu hiện đang bị thiếu, chưa được tổng hợp đầy đủ, làm cho công tác bảo tồn gấu gặp rất nhiều khó khăn. Để nâng cao nhận thức cho người dân bản địa về các quần thể gấu Bắc Cực và công tác bảo tồn chúng, bà Elisabeth Kruger cùng các nhóm chuyên gia, cán bộ của WWF đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá quá trình sinh trưởng của loài gấu, cung cấp kiến thức nền cho cộng đồng địa phương về hoạt động bảo tồn, theo dõi, kiểm soát tình trạng sức khỏe của các quần thể gấu trong vùng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD.   Chú gấu Bắc Cực đang ngủ bên cạnh “bà mẹ” Elisabeth Kruger thân yêu        Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Trái đất ngày càng nóng lên, nhất là mùa hè, lượng băng xung quanh Bắc Cực giảm dần và tan chảy. Các quần thể gấu đang bị thu hẹp phạm vi tiếp cận thức ăn, do đó nhiều con gấu đã lên bờ, chúng sục sạo thùng rác, tìm kiếm thức ăn của con người và săn tìm những con chim biển, chúng tiếp xúc với con người và xung đột với họ. Biết được điều đó, nhà bảo tồn của WWF đã đưa ra một số cách tiếp cận với loài gấu để vừa đảm bảo an toàn cho cư dân bản địa mà loài gấu không bị đe dọa. Bên cạnh việc trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân, thuyết phục họ hợp tác để bảo tồn gấu, hạn chế tối đa những xung đột không cần thiết đối với các chú gấu, ngăn chúng không xâm nhập vào làng và khu dân cư, bà còn tổ chức đào tạo, tập huấn, giới thiệu các phương pháp ngăn chặn xung đột giữa người và gấu, hướng dẫn dân làng thiết lập chỗ cất giữ thực phẩm để các con gấu không thể tấn công, sử dụng các hàng rào điện; nâng cấp, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng để người dân nhận biết sự xuất hiện của các con gấu...      Đối với bà Elisabeth Kruger, được làm việc với những con gấu và cộng đồng địa phương là một trải nghiệm thú vị, làm sống lại những hồi ức ngày xưa khi sống ở quê nhà - vùng quê Siberia thân yêu, đồng thời càng thôi thúc bà quyết tâm và nỗ lực bảo tồn loài động vật quý hiếm này.      Nữ kiểm lâm viên dũng cảm của Ca-mơ-run      Là một trong số ít nữ kiểm lâm viên trên thế giới, bà Sidonie Asseme được ca ngợi là một người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm và bản lĩnh trong nghề. Gắn bó với các khu rừng trong suốt những năm tháng tuổi thơ, tình yêu với các cánh rừng, cũng như các loài động, thực vật đã khắc sâu trong lòng, bà nhận thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và ĐVHD cho nhân loại và con cháu mai sau.   Nữ kiểm lâm viên dũng cảm của Ca-mơ-run        Bất chấp những nguy hiểm, gian nan trong công việc, bà Sidonie Asseme luôn đi đầu trong cuộc chiến chống tội phạm săn bắt trái phép ĐVHD. Hàng ngày, bà cùng các đồng nghiệp đi tuần tra khắp các khu rừng hoang dã của Ca-mơ-run nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại, hủy hoại, tàn phá rừng, săn bắt trái phép các loài ĐVHD quý hiếm. Có những đêm, các kiểm lâm đã phải đi bộ hàng giờ liền qua các bụi cây rậm rạp, cố gắng để tránh các bẫy được cài đặt để phát hiện dấu vết của những kẻ săn trộm ĐVHD; thậm chí nhịn đói, căng lều ngủ trong rừng để những tên săn trộm phải bỏ đi.      Thông qua Chương trình hợp tác giữa WWF và Bộ Lâm nghiệp và ĐVHD của Ca-mơ-run, bà Sidonie Asseme được đào tạo một cách bài bản về công tác bảo vệ rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, được hướng dẫn sử dụng bản đồ vệ tinh cũng như các kỹ thuật tiên tiến nhằm phát hiện, truy tìm, theo dõi, giám sát những hành vi sai phạm trong săn bắt ĐVHD. Bà đã phải trải qua khoảng thời gian huấn luyện thử thách nghiêm ngặt, đến nỗi có những lúc bà muốn bỏ cuộc, nhưng khao khát bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đã thôi thúc bà cố gắng vượt qua để chiến đấu với những kẻ săn trộm liều lĩnh. Qua đó, bà đã được hướng dẫn sử dụng hệ thống định vị GPS để xác định vị trí, theo dõi bọn chúng, cũng như phương thức phối hợp với lực lượng cảnh sát địa phương để bắt giữ chúng. Dù có bị tấn công, đánh đập hay đe dọa tính mạnh, thậm chí đốt nhà của dân làng để gây áp lực cho các cán bộ kiểm lâm, nhưng với lòng quyết tâm, tinh thần quả cảm, bà Sidonie Asseme chưa bao giờ chùn bước. Kể từ khi làm việc ở cương vị là một kiểm lâm viên, bà đã bắt giữ và đưa 15 tên săn trộm ĐVHD vào tù.      Nhớ lại vụ ám sát đồng nghiệp của mình ở Vườn quốc gia (VQG) Lobeke, bà nói: “Chiến đấu chống lại những kẻ săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD là một cuộc chiến lâu dài và gian nan, nhưng tôi sẽ không khoan nhượng trước những hành vi xâm hại, tàn phá rừng, giết hại các loài ĐVHD để bảo vệ tài nguyên quốc gia”.      Tấm gương sáng về bảo tồn voi châu Á và ngăn chặn xung đột giữa con người và loài voi      BVMT sống cho loài voi chính là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa xung đột giữa các quần thể voi và người. Bà Nilanga Jayasinghe (WWF) cho biết, bà đã say mê nghiên cứu về loài voi trong nhiều năm qua. Công tác bảo tồn voi và nhiều loài ĐVHD khác là công việc và cuộc sống của bà. Bà muốn chia sẻ với cộng đồng những hiểu biết của bà về loài voi châu Á, các vấn đề mà chúng phải đối mặt và lý do tại sao chúng cần được con người quan tâm giúp đỡ, bảo vệ.   Bà Nilanga Jayasinghe        Bà Nilanga Jayasinghe cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở Sri Lanka, từ xa xưa, hình ảnh những chú voi đã gắn bó với lịch sử truyền thống và nền văn hóa của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Sri Lanka. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số nhanh chóng và diện tích đất rừng bị thu hẹp đã khiến loài voi mất dần môi trường sống, đe dọa đến sinh tồn của quần thể voi châu Á. Việc xâm hại các khu rừng, tàn phá các loài động, thực vật làm cho loài voi hoang dã đứng trên bờ vực tuyệt chủng do mất môi trường sống và nguồn thức ăn, khiến chúng phải di cư đến những nơi khác. Chúng đến gần các khu vực sinh sống của con người, phá hủy cây trồng, phá hoại đồ đạc, tài sản của người dân làm cho cộng đồng địa phương nổi giận, gây nên những xung đột đáng tiếc giữa đàn voi và con người.      Với nhiệm vụ ngăn chặn và giảm thiểu xung đột giữa voi và người ở các nước châu Á, bà Nilanga Jayasinghe đã tìm hiểu, quan sát mọi hoạt động của loài voi, những nơi chúng đến, những điều chúng gặp phải, hay khi chúng tìm kiếm thức ăn ở gần các khu dân cư. Bà đã giúp cộng đồng địa phương hiểu được tính cách, thói quen của loài voi, cũng như các phương pháp để đưa đàn voi ra khỏi các khu định cư của con người và đưa chúng trở về an toàn trong môi trường tự nhiên…   Voi châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn trái phép        Mặc dù, vị trí, công việc, phương pháp tiến hành của mỗi nhà bảo tồn nữ khác nhau nhưng tất cả họ đều xuất phát từ tình yêu động vật, yêu thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, họ đều là những tấm gương sáng cho các nhà bảo tồn trên thế giới noi theo. Những người phụ nữ đó đã dành trọn tâm huyết để hồi sinh những cánh rừng đang bị thu hẹp, cho những loài sinh vật đang trên bờ vực tuyệt chủng, đem lại hy vọng về sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội để chung tay bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.                   P. Linh (Theo WWF) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015      
Ý kiến của bạn