Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Phong trào phát triển nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Ðức - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

15/09/2015

   Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức có diện tích 357.021 km2, với dân số gần 82 triệu người, gồm 16 bang, trong đó khu vực nông thôn chiếm 80% diện tích toàn quốc, với 25% dân số và đóng góp 0,9% vào GDP của toàn quốc (GDP đầu người của Đức năm 2013 là 45.085 USD/người). CHLB Đức là nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông thôn mới và đã xây dựng những chiến lược vùng thích ứng nhằm đảm bảo cung cấp lương thực phẩm an toàn và bền vững, đặc biệt còn biến nông thôn thành động lực mới trong phát triển nền kinh tế. Phát triển nông thôn ở CHLB Đức đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong toàn nền kinh tế quốc dân vì đảm đương các nhiệm vụ truyền thống như: Cung cấp lương thực và thực phẩm; Cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế; Địa điểm hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và tụ điểm dân cư (chủ yếu dân cư làm nông nghiệp); Quỹ đất cho phát triển hệ thống giao thông và xây dựng đô thị; Chôn lấp chất thải rắn; Cân bằng hệ sinh thái vàphát triển du lịch sinh thái.    Thay đổi cách tiếp cận và xây dựng chương trình tổng thể trong phát triển nông thôn mới    Trước đây, các vùng nông thôn mới của CHLB Đức đứng trước những vấn đề lớn như: Dịch chuyển nhân khẩu nông thôn ra thành phố, chất lượng lao động nông thôn (trình độ thấp; tỷ lệ người lớn tuổi cao và năng suất lao động thấp); ô nhiễm môi trường do chăn nuôitheo quy mô lớn; sử dụng diện tích đất và mâu thuẫn trong sử dụng không gian; thiếu cơ sở hạ tầng, tổ chức cung ứng và xây dựng mạng lưới liên kết ở nông thôn; biến đổi khí hậu; bảo tồn cảnh quan truyền thống của địa phương và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.    Để khắc phục những vấn đề trên, ngay từ những năm 1960-1980, CHLB Đức đã áp dụng quan điểm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới (bảng 1). Mục tiêu được thống nhất thực hiện là: Phát triển các phong trào xây dựng nông thôn mới, bằng cách xây dựng một mô hình nông thôn chuẩn, áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống với tầm nhìn tập trung, không xem xét các nhu cầu cụ thể của vùng miền với đặc thù về nhân khẩu hay cộng đồng cư dân mà tập trung chính vào phát triển nông nghiệp, gồm nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng hay tăng cường kỹ năng; Đẩy mạnh xây dựng điện gió, sản xuất năng lượng sinh học, xây dựng khu sinh thái và dự trữ sinh quyển…    Bảng 1. Cách tiếp cận mới trong xây dựng nông thôn theo OECD (2006)     Cách tiếp cận cũ Cách tiếp cận mới Mục tiêu Công bằng, thu nhập nông nghiệp, cạnh tranh của nông nghiệp Cạnh tranh của khu vực nông thôn, khai thác những nguồn lực/tài nguyên chưa được sử dụng Lĩnh vực mục tiêu chính Nông nghiệp Nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế nông thôn (du lịch làng quê, tiểu thủ công nghiệp, lắp ráp, công nghiệp ICT, …) Công cụ chính Trợ cấp, hỗ trợ Đầu tư Các tác nhân chính Chính phủ, người nông dân Chính quyền các cấp (khu vực, quốc gia, vùng miền và địa phương), sự tham gia của các bên ở địa phương (công, tư nhân, tổ chức phi chính phủ)      Để thực hiện mục tiêu trên, năm 1961, nước Đức đã tổ chức cuộc thi cải tạo và làm mới làng quê sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu ở Đông Đức có phong trào “Hãy cùng nhau xây dựng đô thị và nông thôn đẹp hơn”, thì Tây Đức có cuộc thi “Làng quê ta phải đẹp hơn”. Cuộc thi này nhằm chỉnh trang làng xóm bằng việc trồng thêm cây xanh, thảm cỏ và trồng hoa trước cửa các ngôi nhà với mục đích chính là ngăn chặn dòng người rời bỏ nông thôn ra thành phố đang gia tăng. Ban đầu chỉ được coi là “cuộc thi hoa” nhưng đến giữa những năm 1990, cuộc thi được bổ sung các chỉ tiêu đánh giá với nội hàm mới và định hướng phát triển trong tương lai. Chính vì vậy, năm 1998, cuộc thi được đổi thành “Làng quê ta có tương lai” trong bối cảnh sau khi Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro (1992) được tổ chức. Như vậy, các tiêu chí đánh giá mới đã chuyển hướng trọng tâm từ việc chỉnh trang làm đẹp làng quê sang các biện pháp cơ bản và toàn diện nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn. Trong đó các yêu cầu cơ bản, cần thiết của mỗi làng quê, yếu tố văn hóa và đặc tính truyền thống của địa phương được đề cao. Ngoài ra, tính bền vững đóng một vai trò đặc biệt, trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của các làng quê tham dự cuộc thi theo tinh thần chương trình hành động địa phương cũng như các hoạt động của người dân sống trong cộng đồng làng xã. Năm 2013, cuộc thi có 23 xã trong cả nước Đức đạt giải nhất, nhì và ba. Để đạt được giải, các làng quê phải chứng minh các thành tích sau: Chủ động xây dựng tương lai và có một chương trình nghị sự chung với tầm nhìn chiến lược; Lôi kéo, huy động và liên kết mọi lực lượng ở địa phương, mọi cộng đồng làng xã và mọi thế hệ cùng tham gia; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết những ý tưởng cũ với mới;tính hấp dẫn của làng quê và phát huy bản sắc vốn có của địa phương; Tăng cường hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt của các hội hè và câu lạc bộ; Tối ưu việc xây dựng làng quê gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp và lợi ích đạt được của làng quê khi tham gia.    Bên cạnh việc tổ chức cuộc thi khuyến khích các địa phương tham gia phòng trào xây dựng nông thôn mới, Đức còn xây dựng một chương trình tổng thể nhằm phát triển nông thôn tổng hợp (gọi tắt là ILE), có nghĩa là khai thác đồng thời bốn chức năng: cư trú, làm việc, nghỉ dưỡng và bảo tồn thiên nhiên. Do vậy cần phải xem xét đầy đủ các lĩnh vực hành động khác nhau và áp dụng năm cách tiếp cận: đặc tính vùng, xuyên lĩnh vực, dựa vào sự liên kết và hợp tác, tính năng độngvà dài hạn. Từ chương trình tổng thể, mỗi bang ở của nước Đức có thể áp dụng các chương trình riêng với công cụ và thể chế khác nhau để thực hiện ILE. Ví dụ ở bang Bavaria đã áp dụng Chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp (LEADER) của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1991. Chương trình này khuyến khích xây dựng mô hình liên kết tất cả mọi hoạt động nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Cách tiếp cận của chương trình là thử nghiệm các ý tưởng mới nhằm loại bỏ những trở ngại trong phát triển và sử dụng thế mạnh, đặc biệt nguồn nhân lực sẵn có ở địa phương. Có bảy đặc tính khi áp dụng là: xây dựng phát triển từ dưới lên, mô hình quan hệ công tư kết hợp (PPP), các hoạt động tổng hợp/đa lĩnh vực, sáng tạo, hợp tác, xây dựng mạng lưới, chiến lược phát triển trong lãnh thổ vùng miền. Ở bang Bavaria hiện có 58 nhóm hành động địa phương (LAGs) nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các đối tác quan tâm ở địa phương như: kinh doanh, nông nghiệp, xã hội, tư nhân và đối tác khác trong một vùng được xác định. Người quản lý phải là đại diện của phòng, ban hay sở về lương thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.    Ngoài ra, các bang của nước Đức còn được nhận nguồn hỗ trợ tài chính cho phát triển nông nghiệp và không gian nông thôn từ Quỹ Nông nghiệp châu Âu. Quỹ được thành lập theo Quyết định số1968/2005 ngày 20/9/2005, về việc điều chỉnh trong chính sách nông nghiệp chung (CAP), trong đó quy định: Chính sách nông nghiệp nhằm giúp người nông dân thích ứng với các điều kiện của thị trường tự do toàn cầu và trợ cấp khi các tiêu chuẩn của châu Âu cao hơn; Đền bù/hỗ trợ/trợ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù như bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cảnh quan…; hỗ trợ các mô hình nông thôn phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Từ năm 2007, Quỹ này đã hỗ trợ cho các biện pháp phát triển nông thôn ở Đức, với số tiền 9 tỷ Euro trong thời gian 2007-2013. Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ, nhiều xã nhỏ của Đức đã thay đổi diện mạo hoàn toàn và trở thành điển hình trong phát triển nông thôn mới. Ví dụ như xã Bröbberow là một xã nhỏ (diện tích 14,35 km2, dân số 511 người), nằm ở phía Bắc nước Đức, thuộc trung tâm Schwann, huyện Bad Doberan, bang Mecklenburg-Vorpommern. Xã có cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của một vùng ven chịu ảnh hưởng mạnh trong Kỷ nguyên băng hà, đó là địa mạo nhấp nhô lượn sóng, có nhiều sỏi đá và điểm trũng ngập nước; nằm ở thung lũng bên dòng sông nhỏ Beke và sau đó đổ ra sông Warnow. Với 2,1 triệu Euro hỗ trợ của Quỹ nông nghiệp châu Âu (tương đương 6 tỷ đồng Việt Nam) trong giai đoạn 2006 - 2010, xã đã sửa chữa và mở rộng toàn bộ 10 km đường thôn xóm cùng với hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải. Đặc biệt sửa lại và lát đá thiên nhiên cho toàn bộ đường thôn xung quanh khu vực nhà thờ, trải nhựa đường và cứng hóa tuyến đường liên thôn. Ngoài ra, người dân còn đóng góp công sức và kinh phí trong xây tuyến đường đi dạo, đạp xe, cưỡi ngựa ở trong khu rừng và khu sinh thái thiên nhiên mới được cải tạo. Ngay trong năm 2006, xã đã tiến hành trồng cây và xanh hóa lại vùng đất trũng mà trong những năm 1980 đã cải tạo thành đồng ruộng. Sau gần 10 năm thì toàn bộ sinh thái vùng đầm lầy được hồi sinh và khơi thông dòng chảy Beke. Ngoài ra, xã còn bảo tồn và gần như giữ nguyên hiện trạng các công trình kiến trúc. Đặc biệt ở các đầu hồi nhà, xã khuyến khích người dân bố trí chỗ để chim, cú và dơi có thể làm tổ. Từ những kết quả của quá trình đổi mới làng quê, xã đạt giải cải tạo làng quê châu Âu trong cuộc thi “Thay đổi là cơ hội” năm 2006.   Tuyến đường liên xã Bröbberow (Đức) sau khi được được cải tạo  Trước và sau cải tạo nhà trẻ thôn Nhà chế biến sữa của thôn sau cải tạo là khách sạn      Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam    Ở Việt Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mớiđã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Song tiềm năng và cơ hội của phát triển của nông thôn Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả, vẫn còn nhiều bất cập từ thực tế vận dụng, trong đó có tiêu chí môi trường là tiêu chí thứ 17 (trong 19 tiêu chí đề ra trong chương trình) là khó hoàn thành nhất. Từ kinh nghiệm của nước Đức, nên rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:    Thứ nhất, phát triển nông thôn theo quy hoạch, liên kết sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và các khu vực đô thị; Tránh áp dụng các phương pháp quy hoạch mang tính “từ trên dội xuống”, tốn thời gian và chi phí trong thực hiện các dự án của xã và cơ quan quản lý môi trường&tài nguyên.    Thứ hai, tăng tính nhạy cảm của người dân, nghĩa là tránh sự vô cảm đối với những diễn biến ở nông thôn; Tìm mọi cách thỏa thuận và đồng thuận với mọi người tham gia;Tăng cường đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy khả năng của con người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.    Thứ ba, xác định các nhu cầu và yêu cầu của tất cả mọi đối tượng sử dụng đất nông thôn (người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền xã và các đơn vị ở địa phương); Trong dồn điền đổi thửa và ghép mảnh cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong tiến trình này và gắn với phân công lại lao động trong nông thôn trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình, tìm các biện pháp tích cực trong điều chỉnh sở hữu cá nhân về đất đai…    Thứ tư, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch các nguồn vốn hỗ trợ trong xây dựng nông thôn…Hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn, bảo tồn những giá trị văn hóa, nâng cao trình độ dân trí của người dân; Đảm bảo môi trường sinh thái Xanh- Sạch - Đẹp. PGS.TSKH. Nguyễn Trung Dũng Trường Đại học Thủy Lợi (Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)
Ý kiến của bạn