Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Bức tranh môi trường thế giới năm 2014

15/09/2015

     Năm 2014 đã khép lại với hàng loạt các sự kiện môi trường nổi bật, cho thấy những nỗ lực trong công cuộc BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của nhiều quốc gia trên thế giới: từ chính sách đến hành động đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, trong bức tranh môi trường thế giới 2014, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn những mảng tối của nạn buôn bán động vật hoang dã, các sự cố nổ tàu chở dầu… Đó là những thách thức không nhỏ để các nước cùng liên kết đưa ra một giải pháp BVMT toàn cầu trong thời gian tới.      1. Năm của chính sách không chặt phá rừng      Năm 2014, trong số những câu chuyện ấn tượng về môi trường diễn ra trên thế giới, có một câu chuyện được xem là tiêu biểu của năm: đó là hầu hết các công ty sản xuất và kinh doanh dầu cọ đã thống nhất dừng triệt hại các khu rừng nhiệt đới và vùng đất than bùn bị khô hạn cho các đồn điền cọ dầu mới. Nhiều năm qua, các nhà môi trường đã nỗ lực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp giảm chặt phá rừng, kết quả gần 20 doanh nghiệp và công ty kinh doanh đã đề ra chính sách không phá rừng, trong đó bao gồm các cam kết về môi trường, xã hội và an toàn lao động. Nhiều doanh nghiệp không chỉ trong ngành dầu cọ, mà còn trong ngành lương thực như Công ty Wilmar (Singapo), Công ty Cargill (Mỹ), Công ty Agri-Resources (GAR) và Asia Pulp & Paper (APP) của Inđônêxia đã cam kết sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phục hồi rừng.   Nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu cọ của thế giới cam kết không tàn phá rừng        2. Trung Quốc và Mỹ cùng hành động để chống lại BĐKH      Ngày 12/11/2014, các nhà lãnh đạo của hai nước đã ký thỏa thuận, thổi làn gió mới vào hoạt động chống lại sự ấm lên toàn cầu đang đe dọa Trái đất. Sự kiện này được xem là thành công trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH) khi 2 nước phát thải khí các-bon nhiều nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc công bố một chương trình hành động chung về giảm khí nhà kính. Theo đó, Mỹ đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, sẽ cắt giảm 26 - 28% mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết sẽ nâng tỷ trọng nhiên liệu sạch lên 20% vào 2030. Cùng với thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) là cắt giảm ít nhất 40% khí thải vào năm 2030 đã đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực đối phó với BĐKH trên phạm vi toàn cầu và mở ra hy vọng cho một thỏa thuận toàn cầu vững chắc trong năm tới tại Pari (Pháp).   Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra Chương trình hành động về giảm thiểu khí thải nhà kính        3. Báo động thảm họa nổ tàu chở dầu      Năm 2014, các nhà hoạt động môi trường trên thế giới đã có nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan đến tàu chở dầu. Cụ thể, hoạt động vận chuyển dầu bằng đường sắt đang diễn ra ngày càng nhiều, đe dọa đến môi trường và an ninh xã hội, tuy nhiên lại không được quy định đầy đủ trong các chính sách pháp luật về môi trường và giao thông vận tải của các nước. Từ cuối năm 2013 đến nay, liên tục xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng do nổ hoặc tràn đổ tàu chở dầu, chủ yếu là ở Mỹ. Vào tháng 11/2013, đoàn tàu chở 2,7 triệu gallon dầu thô từ mỏ Bakken đã bị phát nổ ở tỉnh Aliceville, tiểu bang Alabama. Một tháng sau, một vụ va chạm tàu đã xảy ra ở Casselton, bang North Dakota, làm đổ 400.000 gallon dầu ra môi trường. Ngày 30/4/2014, đoàn tàu chở dầu thô bị trật bánh và bốc cháy tại TP. Lynchburg, bang Virginia, làm 300 người phải đi sơ tán. Những vụ tai nạn liên tiếp làm dấy lên mối lo ngại, việc vận chuyển dầu thô bằng đường sắt quá nguy hiểm. Mỗi ngày hàng triệu gallon dầu dễ cháy được vận chuyển qua các khu đô thị lớn, khu đông dân cư.   Vụ nổ tàu chở dầu ở tỉnh Aliceville, tiểu bang Alabama (Mỹ)          4. Tình trạng phá rừng ở Amazon giảm mạnh      Tình trạng phá rừng tại khu rừng nhiệt đới Amazon (Braxin) đang có chiều hướng giảm. Tính đến tháng 7/2014, khoảng 4.800 km² rừng Amazon đã bị phá hủy, giảm 18% so với một năm trước đó. Hiện Braxin đang nỗ lực thực hiện cam kết giảm 80% hiện tượng tàn phá rừng vào năm 2020 so với mức đỉnh điểm của năm 2004, với hơn 27.000 km² rừng bị phá hủy.      Để có được thành quả này, bên cạnh việc tăng cường thực thi các quy định pháp luật, lập hệ thống theo dõi và cảnh báo phá rừng qua vệ tinh, nâng cao nhận thức của người dân về giảm phá rừng, Braxin còn đầu tư, xây dựng các khu bảo tồn mới, lập “vành đai lửa” chống buôn lậu gỗ, cùng với đó là nỗ lực bảo vệ rừng của người dân bản địa và các nhóm hoạt động môi trường. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng vẫn gia tăng ở nhiều khu rừng khác trên đất nước Braxin.   Nạn phá rừng ở Amazon (Braxin) đang giảm dần        5. Nicaragua phê duyệt Dự án xây dựng kênh Gran      Dự án xây dựng kênh đào Gran chính thức khởi công vào ngày 24/12/2014, với vốn đầu tư là 40 tỷ USD. Con kênh dài 278 km, sâu và rộng hơn so với kênh đào Panama, cho phép lưu thông tàu bè có trọng tải lớn. Kênh Gran đi từ cửa sông Brito trên bờ Thái Bình Dương đến cửa sông Punta Gorda trên bờ Đại Tây Dương, cách kênh đào Panama 600 km. Việc xây dựng con kênh này buộc phải xóa bỏ hàng trăm làng mạc và đi qua hồ nước ngọt lớn nhất Trung Mỹ là hồ Cocibolca. Con kênh do một công ty của Trung Quốc xây dựng. Người dân địa phương bức xúc cho rằng, việc thu hồi đất để xây dựng công trình này sẽ khiến họ mất nhà cửa, đất canh tác mà chỉ nhận được số tiền đền bù ít ỏi. Các nhà khoa học cảnh báo về tác động môi trường khi xây dựng kênh Gran, vì gây ô nhiễm nghiêm trọng hồ Cocibolca. Còn Chính phủ Nicaragua cho rằng, dự án sẽ tạo việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nước này.   Việc xây dựng kênh Gran có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ Cocibolca        6. Nạn săn trộm voi và tê giác không giảm ở châu Phi      Nạn săn trộm voi và tê giác ở châu Phi vẫn tiếp tục không suy giảm trong năm 2014. Ước tính, châu Phi bị mất 1/5 số voi trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012, với tổng số 100.000 con voi bị giết. Còn tại Nam Phi, tê giác bị săn bắn trái phép ở mức kỷ lục: đến tháng 11/2014, đã có ít nhất 1.020 con tê giác đã bị giết để lấy sừng. Để ngăn chặn nạn săn trộm voi và tê giác, nhiều nước đã triển khai nhiều biện pháp như: Nam Phi đưa tê giác đến các địa điểm bí mật ở các nước láng giềng, ước tính năm 2014 có khoảng 100 con được di dời sang các quốc gia khác; Mỹ, Trung Quốc, Séc… đã ban hành các chính sách nhằm siết chặt hoạt động buôn bán ngà voi và sừng tê giác, đồng thời tiêu hủy số ngà voi, sừng tê giác thu giữ được từ những vụ buôn bán trái phép. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp quyết liệt, tình trạng săn trộm tê giác và voi ở châu Phi vẫn tiếp tục gia tăng.      7. California ban hành Lệnh cấm sử dụng túi nhựa      Vào tháng 9/2014, Thống đốc Bang California (Mỹ), Jerry Brown đã ký chấp thuận dự luật cấm sử dụng túi nhựa dùng 1 lần trên toàn tiểu bang, nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Đây là lần đầu tiên một quyết định cấm dùng túi nilông có hiệu lực trong phạm vi một tiểu bang được ban hành tại Mỹ. Theo Đạo luật mới, các siêu thị, cửa hàng lớn sẽ không được sử dụng túi nilông dùng 1 lần bắt đầu từ tháng 7/2015 và đến năm 2016, áp dụng đối với các cửa hàng nhỏ. Đạo luật quy định, đối với các khách hàng muốn mua túi nhựa dùng nhiều lần hoặc túi giấy sẽ phải trả thêm khoản phụ phí là 10 cent.      Thống kê cho thấy, chỉ riêng tại California, hơn 10 tỷ túi nilông được sử dụng mỗi năm và chỉ có một số ít được tái chế. Trước đó, nhiều thành phố của Mỹ cũng ban hành những quy định cấm sử dụng túi nilông.   Tại California, hơn 10 tỷ túi nilông được sử dụng mỗi năm        8. Nhật Bản bị cấm săn bắt cá voi ở vùng biển Nam Cực      Chương trình đánh bắt cá voi của Nhật Bản tại vùng biển Nam Cực đã gây ra nhiều tranh cãi trong các nước thành viên của Ủy ban Quốc tế Đánh bắt cá voi (IWC). Vào tháng 3/2014, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã đưa ra phán quyết, Chương trình này của Nhật Bản đi ngược lại với các nguyên tắc ban đầu. Theo ICJ, các hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật Bản ở vùng biển Nam Đại Dương trên thực tế không liên quan đến việc nghiên cứu khoa học. Vì thế, Chương trình cần phải dừng lại. Tuy nhiên, Nhật Bản cho biết, họ sẽ sửa đổi Chương trình để phù hợp với tiêu chí khoa học, kể cả việc giảm số lượng cá voi bị đánh bắt xuống còn vài trăm con và đề nghị IWC cho phép việc săn bắn cá voi được tiếp tục.   Tòa án Công lý quốc tế phán quyết, Nhật Bản phải dừng Chương trình săn bắt cá voi ở vùng biển Nam Cực        9. New Caledonia - Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới      Khu bảo tồn (KBT) biển lớn nhất thế giới New Caledonia đã được thiết lập tại Le Parc Naturel de la Mer De Corail (Công viên hoang dã của Coral Sea), với diện tích 1.300.000 km², gấp đôi diện tích của Texas và gấp 3 lần diện tích của Đức. Đây là KBT đại dương ở phía Nam Thái Bình Dương và là nơi sinh sống của 48 loài sinh vật biển, trong đó có cá mập, 25 loài động vật biển có vú, 19 loài chim và 5 loài rùa biển, bao gồm loài rùa xanh đang bị đe dọa. KBT biển cũng là rạn san hô lớn thứ hai của thế giới sau rạn san hô Great Barrier (Ốxtrâylia), cung cấp 3.000 tấn cá/năm cho người dân New Caledonia. Trong 3 năm tới, KBT biển sẽ được chia thành nhiều khu vực, một số khu vực được phép triển khai các hoạt động kinh tế như đánh cá và du lịch.   KBT biển lớn nhất thế giới New Caledonia        10. Chi-lê hủy bỏ kế hoạch xây đập thủy điện      Sau một thời gian dài cân nhắc giữa môi trường và phát triển, Chính phủ Chi-lê đã quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện. Theo kế hoạch, tổng cộng 5 con đập sẽ được xây dựng trên bờ 2 con sông Baker và Pascua, đây được xem là khu vực rừng nguyên sinh cuối cùng của thế giới với nhiều thung lũng và vịnh hẹp ở miền nam Chi-lê. Các con đập dự kiến có công suất lắp đặt là 2.750MW, với vốn đầu tư khoảng 2,8 tỉ USD. Dự án xây đập thủy điện được đặt tên là HidroAysen, phê duyệt lần đầu vào năm 2011, nhưng đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của nhiều tổ chức môi trường, các nhóm du lịch và người dân địa phương. Việc hủy bỏ Dự án HidroAysen không chỉ là chiến thắng cho các phong trào BVMT ở Chi-lê, mà còn đánh dấu bước ngoặt về nhu cầu và quyền tham gia của cộng đồng vào các quyết định có ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của họ.   Con sông Pascua là nơi được dự kiến để xây dựng đập thủy điện   P.Tâm (Theo Mongabay.com) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015  
Ý kiến của bạn