Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Xây dựng thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam

21/11/2023

    Việt Nam sản xuất được tín chỉ các-bon và đã có mua bán, nhưng những giao dịch này chưa được chú ý trên thị trường. Trong khi đó, từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là thực hiện các giải pháp hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc lần thứ 26 - COP26. Ngày 17/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật BVMT số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày  1/1/2022; theo đó, phát triển thị trường các-bon bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các-bon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

    1. Tổng quan về thị trường các-bon

    Theo Điều 17 của Nghị định thư Kyoto, thị trường các-bon được hiểu là việc cho  phép các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn/ít hơn mục tiêu cam kết. Do đó, trên thế giới đã xuất hiện một loại hàng hóa mới, được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải KNK. Do CO2 là KNK quy đổi tương đương của mọi KNK (nên thường gọi đơn giản là mua bán, trao đổi các-bon). Việc mua bán các-bon hình thành nên thị trường các-bon  (các-bon market).

    Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí các-bon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí các-bon dioxide tương đương (CO2e). Nói cách khác, tín chỉ các-bon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn các-bon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một KNK khác tương đương với một tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán phát thải khí CO2 hay mua bán các-bon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

    Giá tín chỉ các-bon khác nhau tại từng nước. Theo S&P Global, giá một tín chỉ các-bon: Ở Trung Quốc: 9,29 USD/tấn (tháng 4/2022); châu Âu: 87 USD/tấn (năm 2022); Úc: 40 USD/tấn (năm 2022). Trong đó, kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2020, giá trên thị trường ở châu Âu dao động mạnh, từ thấp nhất 15 USD/tấn cho đến cao nhất  96 USD/tấn.

    Định giá các-bon là một cách tiếp cận nhằm giảm lượng phát thải KNK hiệu quả thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải KNK vào khí quyển. Từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, thị trường các-bon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á với hai loại thị trường chính là thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện.

    1.1. Thị trường các-bon bắt buộc (mandatory các-bon market)

    Thị trường các-bon bắt buộc được thành lập và quản lý bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các-bon quốc gia và quốc tế (ví dụ như Nghị định thư Kyoto, thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu). Thị trường các-bon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán các-bon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm KNK. Thị trường này bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

    Cơ chế vận hành tiêu biểu cho thị trường các-bon bắt buộc là thông qua thiết lập hệ thống thương mại phát thải (Emission Trading Scheme - ETS). Cụ thể, Chính phủ có  nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ, giấy phép phát thải  một lượng các-bon nhất định trong một khoảng thời gian.

    Bên phát thải chỉ có quyền phát thải tương đương với số lượng tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải, tương ứng tăng lượng sản xuất, sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải KNK. Vì vậy, các bên có khả năng giảm  phát thải hiệu quả sẽ có động lực để thực sự tiến hành giảm phát thải và qua đó thúc đẩy động lực đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải.

    ​1.2. Thị trường các-bon tự nguyện (voluntary các-bon market)

    Thị trường này dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Thị trường các-bon tự nguyện hoạt động bên lề thị trường bắt buộc, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân mua và bán tín chỉ các-bon theo cơ chế tự nguyện. Một số tiêu chuẩn trong thị trường các-bon tự nguyện như: Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), tiêu chuẩn vàng (GS)... Điểm đặc biệt của thị trường các-bon tự nguyện là sự đa dạng của các dự án của các bên, thường được coi là nơi thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường các-bon bắt buộc.

    Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường các-bon là một loại hình thị trường đặc thù, với hàng hóa được mua/bán trong thị trường là các đơn vị/chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải KNK theo các cơ chế khác nhau. Các đối tượng tham gia mua/bán có thể là doanh nghiệp và quốc gia hoặc cũng có thể là tổ chức tài chính. Nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ các-bon (thị trường các-bon) là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được  các mục tiêu giảm nhẹ.

    Xây dựng thị trường trao đổi tín chỉ các-bon là một hoạt động mang tính đặc thù, do một tổ chức chính quyền sử dụng các công cụ chính sách dựa trên tiềm năng và mục tiêu giảm phát thải của một cộng đồng, một khu vực, một tỉnh, thành phố, quốc  gia hay thậm chí một thị trường toàn cầu và hướng đến một nền kinh tế ít phát thải, bền vững hơn. Tiềm năng phát triển thị trường các-bon toàn cầu được đánh giá là vô cùng lớn, có tiềm năng phát triển và giá trị giao dịch đạt mốc hàng trăm tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hiệu quả của thị trường các-bon chưa được đánh giá một cách chi tiết, cụ thể. Do vậy, để có thể đạt được mục tiêu hiệu quả, cần có những thỏa thuận, quy định luật pháp rõ ràng từ phía Chính phủ hoặc liên Chính phủ.

    2. Tiềm năng hình thành thị trường các-bon tại Việt Nam

    Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó BĐKH toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải KNK được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Theo báo cáo NDC cập nhật, bằng sự quyết tâm, trách nhiệm và bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

Hội thảo Thị trường các-bon rừng: Kết quả sau COP 27 và lộ trình xây dựng thị trường các-bon rừng tại Việt Nam" ngày 20/12/2022, tại Hà Nội

    Theo ước tính, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các-bon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đó là những con số ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới. Quan trọng hơn phía sau những trị số đó nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

    Để có cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong  nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, việc phát triển thị trường các-bon trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới, ban hành theo đó là Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Đồng thời, phát triển thị trường các-bon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên được đưa ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ  động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

    Theo Tổng cục Lâm nghiệp, rừng Việt Nam phát thải tầm 38 triệu tấn CO2 tương  đương mỗi năm, nhưng số lượng hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng Việt Nam lên tới 74 triệu tấn CO2 tương đương/năm, nghĩa là gần gấp đôi lượng phát thải. Theo đó, chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải KNK. Nếu tính trung bình 5 USD mua  một tấn CO2 như mức giá vừa qua với Ngân hàng  thế giới, thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng chục triệu USD từ việc bán tín chỉ CO2. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2 của rừng Việt Nam, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường các-bon trong và ngoài nước. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải KNK nên các doanh nghiệp không có nhu cầu mua tín chỉ các-bon mà chỉ được trao đổi theo cơ chế hợp tác với quốc tế.

    ​3. Giải pháp, lộ trình xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

    Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon, theo đó, quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước.

    Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng   cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

    Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

    Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong  nước đã tham gia thực hiện các dự án theo cơ chế phát triển sạch, cơ chế tín chỉ chung, cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon theo chương trình hợp tác và một số cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện khác. Thông qua việc thực hiện dự án cơ chế này, các doanh nghiệp đã có thêm nguồn tài chính từ việc trao đổi, bán tín chỉ các-bon, được tiếp nhận công nghệ phát thải thấp từ các nước phát triển.

    Trên cơ sở tổng hạn ngạch phát thải KNK quốc gia, Bộ TN&MT sẽ ban hành định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm cho giai đoạn 2026 - 2030 và hàng năm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, căn cứ theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh, thị trường sẽ xuất hiện các bên có nhu cầu mua hạn ngạch  phát thải cũng như các bên có nguồn hàng tín chỉ giảm phát thải.

    3. Kết luận

    Triển khai các hoạt động giảm phát thải KNK và phát triển thị trường các-bon là xu thế tất yếu của thế giới. Để thực thi có hiệu quả quy định của Luật BVMT về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, việc xây dựng và thực hiện Đề án Phát triển  thị trường các-bon tại Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa các nội dung, hoạt động cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường các-bon.

    Tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, Việt Nam cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường các-bon trong và ngoài nước. Tham gia thị trường các-bon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít các-bon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Việc xây dựng, vận hành thị trường các-bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Phạm Hồng Quân

Chuyên gia Phát triển thị trường các-bon

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt III/2023)

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ TN&MT (2020), Báo cáo Kỹ thuật đóng góp quốc gia tự quyếtđịnh(NDC) củaViệt Nam, cập nhật năm 2020.

2. Bộ TN&MT (2022). Dự thảo Đề án phát triển thị trường các-bon tạiViệtNam.

3. Cifor(2018).Báocáochuyênđề: Kinhnghiệm của87quốcgiatrongviệcxácđịnhvà chuyệnnhượng quyềncác-bon.

4.Clapp C, Leseur A, Sartor O, Briner G, Morlot JC (2010). Cities and Các-bon MarketFinance:TakingStockofCities’ExperiencewithCleanDevelopmentMechanism(CDM)andJoint Implementation (JI). OECD Environment Working Papers, No. 29, OECD Publishing,Paris.

5.CounciloftheEuropeanUnion(2020).DraftsubmissiontotheUNFCCConbehalfoftheEuropeanUnionanditsMemberStatesontheupdateofthenationallydeterminedcontributionof theEuropean UnionanditsMember States.

6.MaiKimLiênvàcộngsự(2020).Thịtrườngtraođổitínchỉcác-bon:Kinhnghiệmquốc tếvàchínhsáchchoViệtNam.TạpchíKhítượngThủyvăn,2020,719,76-86;doi:10.36335/VNJHM.2020(719).76 -86.

7. NguyễnThịLiễuvàcộngsự(2018).Sựcầnthiếthìnhthànhthịtrườngcác-bontại Việt Nam. Tạpchí KhoahọcBĐKH, tháng6/2018.

Ý kiến của bạn