Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn: Các công cụ chính sách hiện nay ở Việt Nam và xu hướng quốc tế

11/03/2024

 

Tóm tắt:

    Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), đem lại hiệu quả kinh tế. KTTH được xem là xu thế tất yếu của thời đại, có sự đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích tại bàn, phân tích chính sách hiện hành nhằm phân tích các công cụ chính sách, quy định pháp luật hiện hành về KTTH, từ đó khuyến khích xây dựng mô hình KTTH tại Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Ngày nhận bài: 2/2/2024; Ngày sửa chữa: 20/2/2024; Ngày duyệt đăng: 29/2/2024.   

 

BUILDING A CIRCULAR ECONOMY MODEL IN VIETNAM: CURRENT POLICY TOOLS AND INTERNATIONAL TRENDS

Abstract

    The circular economy (CE) represents an economic paradigm dedicated to the efficient utilization and conservation of resources, the recycling of waste materials, the protection of the environment, and the achievement of economic effectiveness. This model is universally recognized as a quintessential trend of contemporary times, endorsed globally and perceived by nations across the globe as the pivotal green industrial revolution of the 21st century, It offers a formidable opportunity for the international community to collectively fulfill commitments in the realms of environmental safeguarding and climate change mitigation, with an overarching goal of attaining sustainable development. The methods used include desk analysis and current policy analysis to analyze current policy tools and legal regulations on circular economy, thereby encouraging the building of circular economy models in Vietnam.

Keywords: Circular economy, environmental protection, sustainable development.

JEL Classifications: Q58; Q56; O13.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Chuyển đổi sang nền KTTH là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Thực hiện KTTH đang được xem là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách như tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 2021 - 2030. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi mạnh mẽ về cách thức tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, việc chuyển đổi sang KTTH đang được bàn luận và xem như là một trong những giải pháp ứng phó hữu ích đối với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng giá cả nguyên liệu, nhiên liệu do hệ quả của giãn cách xã hội do Đại dịch Covid-19 và bất ổn chính trị, qua đó góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

    Ở Việt Nam, thời gian gần đây, KTTH được Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm. Bên cạnh việc đưa KTTH vào trong các định hướng phát triển, quy định về KTTH cũng đã được luật hóa trong Luật BVMT năm 2020 với 1 quy định riêng về KTTH (Điều 142) và nhiều quy định khác có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã hướng dẫn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH. Để áp dụng, triển khai hiệu quả mô hình KTTH, nghiên cứu này phân tích các công cụ chính sách, quy định pháp luật hiện hành về KTTH tại Việt Nam, so sánh với xu hướng quốc tế, từ đó khuyến khích xây dựng mô hình KTTH tại Việt Nam.

2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN TẠI VIỆT NAM

    2.1. Quan điểm

    Thứ nhất, phát triển KTTH là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh của BĐKH.

    Thứ hai, thực hiện KTTH là tiến trình dài và liên tục, cần được đánh giá và điều chỉnh trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa trong suốt quá trình thực hiện. Tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng, đặc điểm của các ngành, lĩnh vực, từng vùng, miền và địa phương để lựa chọn, nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình KTTH phù hợp, hiệu quả, giàu tính cạnh tranh.

    Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, gắn với áp dụng KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải là tiền đề để đẩy nhanh, đẩy mạnh KTTH, tạo ra ngày càng nhiều chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao hơn và thân thiện với môi trường hơn.

    Thứ tư, phát huy nội lực, tính độc lập, tự chủ trong thực hiện KTTH, đồng thời tích cực tận dụng và thu hút các cơ hội, nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Hình thành và phát triển văn hóa tuần hoàn, bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phù hợp với đặc trưng, điều kiện của từng vùng, miền và địa phương.

2.2. Các công cụ chính sách về KTTH tại Việt Nam

    Rà soát các định hướng của Đảng và Nhà nước dưới lăng kính về KTTH cho thấy có thể phân chia thành 3 giai đoạn với các đặc trưng cụ thể như sau:

    (i) Giai đoạn trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đề cập đến KTTH nhưng đã sớm có những văn bản định hướng, giải pháp có liên quan đến thực hiện KTTH;

    (ii) Giai đoạn triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vấn đề KTTH đã được đề cập trực tiếp vào trong một số định hướng lớn như định hướng phát triển bền vững năng lượng Việt Nam; Chương trình mục tiêu quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030. Cùng với đó, là những vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên được quan tâm;

    (iii) Sau Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng đến nay, vấn đề KTTH đã được quan tâm với những định hướng tổng quát trong Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2023); trong các Nghị quyết chuyên ngành về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết về kinh tế tập thể... Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chiến lược về tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển của các ngành, lĩnh vực đã đề cập đến việc áp dụng KTTH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam với những quan điểm, định hướng và phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương. Như vậy, KTTH đã nhận được quan tâm, chỉ đạo khá toàn diện của Đảng, Nhà nước trong thời gian gần đây, các định hướng, chỉ đạo có sự thống nhất chung.

2.3. Quy định pháp luật có liên quan đến thực hiện KTTH

    Ở Việt Nam, tăng trưởng và phát triển chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp đạt được nhiều thành tựu về phát triển KT-XH. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và BĐKH. Mặc dù, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực có các hành động nhưng tình trạng sản xuất và tiêu dùng chưa bền vững vẫn phổ biến, mức độ phát sinh chất thải bình quân đầu người ngày càng cao, tài nguyên, môi trường và BĐKH chưa thực sự được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; chất thải chưa được xem là tài nguyên.

    Nhận thức rõ bối cảnh quốc tế, trong nước đặt ra cho phát triển bền vững nói chung, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã ban hành những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật để thúc đẩy xây dựng, phát triển KTTH. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều Nghị quyết khác được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành gần đây cũng đề cập trực tiếp đến việc cụ thể KTTH vào các ngành, lĩnh vực hoặc vùng cụ thể của đất nước.

    Đặc biệt, KTTH đã được quy định cụ thể trong Luật BVMT năm 2020, đây một bước tiến quan trọng trong việc pháp lý hóa các chính sách môi trường. Điều 142 của Luật BVMT đã quy định riêng về KTTH, theo đó KTTH tại Việt Nam là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Điều này nhấn mạnh mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

    Tại khoản 11 Điều 5 của Luật BVMT năm 2020 nhấn mạnh việc tích hợp, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH. Điều này cho thấy sự cam kết của Nhà nước trong việc hỗ trợ và tăng cường các hoạt động KTTH thông qua chính sách.

    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT cung cấp hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, lộ trình, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH, bổ sung chi tiết và hướng dẫn thực hiện cho các điều của Luật BVMT, gồm cả Điều 138, 139 và 140. Điều này cho thấy sự cụ thể hóa trong quy định pháp luật nhằm tạo động lực và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi và áp dụng mô hình KTTH.

    Ngoài ra, Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam đã được thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 [4] của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã khẳng định chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả. Đặc biệt, để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao về xây dựng lộ trình thực hiện KTTH trong Luật BVMT, đồng thời đảm phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UNND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. 

2.4. Xu hướng thế giới và vận dụng KTTH ở Việt Nam

    Thứ nhất, KTTH là xu thế tất yếu của thời đại, là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đến nay, trên thế giới có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã, đang và sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện KTTH. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiếp cận tiến trình thực hiện KTTH thông qua việc ban hành lộ trình thực hiện KTTH và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trong thời gian sắp tới.

    Thứ hai, so sánh chính sách trong các định hướng chiến lược, quy định pháp luật về thúc đẩy áp dụng KTTH của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới điển hình trong chuyển đổi sang KTTH như Trung Quốc, EU (bao gồm các quốc gia thành viên điển hình như Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy…) cho thấy, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện  KTTH theo các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau của nền kinh tế như phân loại chất thải tại nguồn; mua sắm công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); thúc đẩy các thị trường tái chế; các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh….

    Thứ ba, đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN đã đưa định hướng phát triển KTTH vào trong Chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2030; các Nghị quyết, Chiến lược phát triển, Chương trình và đề án của Trung ương ban hành đã đưa KTTH như một cách tiếp cận và giải pháp quan trọng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm, suy thoái, BĐKH do hệ quả của phát triển các mô hình kinh tế tuyến tính.

    Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực trạng trong nước, có thể thấy việc thể hiện lộ trình thực hiện KTTH bằng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam là phù hợp với xu hướng quốc tế. 

3. KẾT LUẬN

    Thứ nhất, Luật BVMT năm 2020 đã sớm tiếp cận với xu hướng của thế giới, các định hướng từ Trung ương xem phát triển KTTH là một trong những ưu tiên, khuyến khích để thực hiện các mục tiêu BVMT nói riêng, 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết nói chung.

    Thứ hai, việc thể chế hóa KTTH trong pháp luật là đúng và kịp thời; việc sớm ban hành kế hoạch và xác định lộ trình phù hợp là hết sức cần thiết. Cùng với đó, cần đặc biệt ưu tiên phát huy tính thực tiễn, hiệu lực hiệu quả để kích thích ngày càng nhiều cộng đồng doanh nghiệp, người dân áp dụng KTTH.

    Thứ ba, đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, thời gian qua có rất nhiều tín hiệu tích cực từ thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp đã vào cuộc, có những sáng kiến, giải pháp để áp dụng KTTH phù hợp với đặc trưng của mình như thiết kế và vận hành chuỗi cung ứng xanh; phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp; phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm làm từ chất thải; các mô hình kinh doanh tuần hoàn.

    Thứ tư, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thực hiện KTTH đòi hỏi sự vào cuộc của cả nhà nước, doanh nghiệp và các tác nhân có liên quan trong hệ thống sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải.

    Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp nên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo “cùng tư duy lại” về hệ thống sản xuất, phân phối, tiêu dùng từng sản phẩm của mình để ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm, thiết kế chu trình sản xuất, phân phối và thu gom đã hướng đến xem chất thải là tài nguyên.

    Thứ sáu, việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn của pháp luật về BVMT là hết sức cần thiết để góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường, phát triển bền vững mà Việt Nam đề ra. Nên xem việc tuân thủ các quy định, hướng dẫn và khuyến khích của pháp luật BVMT như “cẩm nang” giúp doanh nghiệp lựa chọn cách tiếp cận mới, tư duy mới để làm cho chính doanh nghiệp, sản phẩm của xanh hơn, tuần hoàn hơn, ít chất thải và phát thải các bon thấp hơn và đóng góp ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.

Lời cảm ơn: Bài báo được thực hiện với sự hỗ trợ của Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất bộ chỉ số giám sát dòng vật chất trong thực hiện KTTH tại Việt Nam. Áp dụng thử nghiệm trong lĩnh vực Dệt may và quản lý chất thải rắn”, mã số TNMT.ĐL.2024.10 do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện. Tập thể tác giả trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Viện và các đơn vị trong Viện đã cung cấp dữ liệu để nhóm nghiên cứu thực hiện bài viết.

Mai Thanh Dung1, Nguyễn Trọng Hạnh1, Lại Văn Mạnh1, Nguyễn Thị Thanh Huyền1, Nguyễn Thế Thông1

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Nguyễn Thị Hồng Minh

Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Đảng cộng sản Việt Nam, "Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2020," Hà Nội, 2021.

2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật BVMT năm 2020, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.

3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

4. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn