Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Văn hoá ứng xử tại chùa Long Tiên, tỉnh Quảng Ninh dưới góc nhìn phát triển bền vững

20/07/2021

     Tóm tắt

     Trong bối cảnh hiện nay, định hướng phát triển bền vững phù hợp với các trụ cột kinh tế, văn hóa - xã hội và tài nguyên - môi trường. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà ở đó sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của các trụ cột ở tương lai. Tìm hiểu văn hoá ứng xử tại thiết chế văn hoá trong nghiên cứu trường hợp chùa Long Tiên, thành phố Hạ Long dưới góc nhìn phát triển bền vững cũng nhằm giúp các nhà quản lý về văn hoá du lịch và cộng đồng dân cư có thái độ và hành vi đúng đắn, góp phần vào bảo tồn để phát triển bền vững.

     Từ khoá: Văn hoá ứng xử, phát triển bền vững, chùa Long Tiên.

     1. Đặt vấn đề

     Thiết chế văn hoá là một trong năm loại hình thiết chế cơ bản của thiết chế xã hội, trong đó thiết chế văn hóa được xác định là : “Thiết chế văn hóa là những cơ quan văn hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa trong và ngoài nhà trường, là những trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa xã hội. Có nhiệm vụ thông tin, giới thiệu và truyền tải những tri thức khoa học, những truyền thống lịch sử, những thành tựu phát triển tiến bộ về kinh tế và khoa học đời sống và những giá trị và tinh hoa văn hóa - nghệ thuật của dân tộc và nhân loại về cho nhân dân hưởng thụ, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia sinh hoạt và sáng tạo ra các giá trị văn hóa, để giữ gìn bảo lưu và xây dựng các nền văn hóa mới, để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình trong thời gian nhàn rỗi” (1). Thiết chế văn hóa được chia thành 2 hệ thống: hệ thống các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng và hệ thống các thiết chế văn hóa. Theo Émile Durkheim: “Thiết chế tôn giáo có yếu tố cơ bản là tạo dựng niềm tin vào lực lượng siêu tự nhiên, siêu nhân. Biểu hiện của thiết chế tôn giáo là việc tập hợp các cá nhân cùng chia sẻ niềm tin và cùng tham gia các hoạt động nghi lễ đặc thù của tôn giáo”. (2)

     Như vậy, về mặt tổ chức, ba loại hình thiết chế xã hội – văn hoá và tôn giáo có mối quan hệ như sau:

            Hình 1. Mối quan hệ giữa ba thiết chế xã hội - văn hoá - tôn giáo

      “Văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi được xác định để xử lý các mối quan hệ giữa người với người trên các căn cứ pháp lý và đạo lý nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của cộng đồng, xã hội” (3). Văn hoá ứng xử có vai trò rất quan trọng trong đời sống thường nhật và đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Nét đặc trưng nổi bật nhất của văn hoá ứng xử là hành vi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội (con người cá nhân với cá nhân, với cộng đồng xã hội và với chính bản thân mình). Hay nói cách khác, văn hoá ứng xử chính là nét đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc tiến hành khảo sát nghiên cứu liên ngành về hành vi ứng xử văn hoá của cộng đồng dân cư tại một thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng chính là nhận diện và chứng minh mối quan hệ khăng khít giữa ba loại hình thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá và xã hội để đề xuất những giải pháp điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững về văn hoá ứng xử tại một khu vực nghiên cứu cụ thể.

     2. Giới thiệu khái lược Phật giáo ở Việt Nam

     Khoa học về tôn giáo - Tín ngưỡng nghiên cứu các mối quan hệ, hành vi, ứng xử trong nội tại của mỗi tôn giáo cũng như giữa các tôn giáo với nhau và giữa tôn giáo với các hình thái xã hội khác trong xã hội để nghiên cứu những biến đổi, nguyên nhân và từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát huy giá trị tích cực, hạn chế giá trị tiêu cực để giúp tôn giáo phát triển phù hợp với yêu cầu tiến hóa tới trình độ văn minh của loài người. Tôn giáo phản ánh xã hội và biến đổi theo hoàn cảnh lịch sử xã hội.

     * Về cơ cấu tổ chức, thiết chế Phật giáo nói riêng và thiết chế tôn giáo nói chung đều có ba yếu tố cấu thành giống như đã đề cập ở khái niệm thiết chế xã hội, đó là: cơ sở vật chất - tài chính, thể chế vận hành và con người.

     -  Cơ sở vật chất: cơ sở hoạt động của Phật giáo Việt Nam là các Chùa; Tự Viện; Học viện; Tịnh xá...

     - Tài chính: theo điều 18, chương IV trong Quy chế hoạt động Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) (ban hành kèm theo quyết định số 173/QĐ-HĐTS ngày 05/9/2018 của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì nguồn cấu thành tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm: Công đức phí do thành viên đóng góp; Tài vật hiến cúng hợp pháp; Tài vật do Giáo hội tự tạo hợp pháp.

     - Nhân lực:  Phật giáo Việt Nam có tổ chức lãnh đạo cao nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). GHPGVN đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, là thành viên các tổ chức Phật giáo Quốc tế mà Giáo hội tham gia và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

     * Phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

     * Tôn chỉ, mục đích: Giáo hội có mục đích hoằng dương Phật pháp, phát triển GHPGVN trong nước và ở nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới. Giáo hội cam kết hoạt động đúng với Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

     * Về mặt thể chế: Phật giáo Việt Nam hoạt động theo những quy tắc, quy định được tạo ra bởi 3 đối tượng: Phật giáo, Nhà nước, Giáo hội.

     3. Tìm hiểu về chùa Long Tiên và điều tra khảo sát văn hóa ứng xử của người dân khi đến chùa Long Tiên để thấy vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo đến người dân

     3.1 Giới thiệu về chùa Long Tiên

     Chùa Long Tiên chính thức được xây dựng vào năm 1941, thuộc phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Long Tiên là một điểm đến du lịch hấp dẫn nhân dân và du khách thập phương khi đến với Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. 

     Về kiến trúc, chùa Long Tiên xây theo kiểu chữ Nhị (二) gồm ba gian Tiền đường và ba gian Hậu cung theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái có các đầu đao vút lên mềm mại. Hệ thống vỉ kèo cột gỗ kiểu giá chiêng chồng rường tứ hàng chân. Phía trước tiền đường đắp nổi bức tranh diễn tả việc thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Mái lợp ngói âm dương. Tam quan chùa có một nét khác lạ so với các chùa khác, đó là trên đỉnh Tam quan là tượng phật A di đà ngồi tọa thiền trên đài sen, kết an ủy ấn, phía dưới là Tháp chuông với ba chữ đắp nổi “Long Tiên tự”. Chùa Long Tiên thể hiện rất rõ đặc trưng, phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn và có nhiều nét rất giống kiểu kiến trúc cung đình Huế. Đó là kiến trúc kiểu chồng giường giá chiêng mà trên cỗ điềm lại được trang trí bằng các bước thi họa, cũng như kiến trúc kiểu trùng điệp đã bao gồm các dãy nhà kép mà các mái có chung một mang sồi gọi là trần thừa lực. Đặc biệt các họa tiết họa văn trang trí dù là hình rồng phượng hay hoa lá cách điệu vẫn thể hiện rõ đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

     Về thực hiện chức năng thiết chế tôn giáo- tín ngưỡng, Chùa Long Tiên được xây dựng với mục đích kết hợp thờ 3 tôn giáo, tín ngưỡng là Phật - Thánh - Mẫu nên hậu cung của chùa Long Tiên không phải chỉ có 1 gian kiểu chuôi vồ như các chùa khác mà là 3 gian song song thành kiểu “chữ tam” nằm ngang. Và vì thế bố cục mặt bằng chùa Long Tiên theo kiểu “Tiền tam – Hậu tam”. Đây là kiểu bố cục mặt bằng rất độc đáo khác hẳn những ngôi chùa khác. Cụ thể là: Ở giữa là điện thờ Phật; Bên phải là cung Trần triều; Bên trái là cung Tam phủ Thánh Mẫu.

     Cơ quan chủ quản: Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các hoạt động tôn giáo. Về quản lý nhà nước, Chùa  Long Tiên chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

     Tổ chức các hoạt động tôn giáo:  Lễ hàng tháng (mỗi tháng chùa đều tổ chức 3 nghi lễ: Mồng 1 và 15 âm lịch và lễ Sám hối (tổ chức tối ngày 30 cuối tháng); Lễ hàng năm (Thượng Nguyên, Cầu An (trước dây gọi là lễ Dâng sao giải hạn), Phật Đản, Vu Lan, Tất Niên,  Giỗ Tổ).

     3.2 Tìm hiểu văn hóa ứng xử của người dân khi đến chùa Long Tiên thông qua phiếu điều tra khảo sát

     Phiếu khảo sát được thiết kế để phục vụ việc tìm hiểu thông tin đối với người dân đến thiết chế văn hoá (Chùa Long Tiên) vào ngày mồng 1 và ngày rằm. Sau khi tổ chức phát phiếu điều tra và quan sát trực tiếp hoạt động tại chùa tại một số thời điểm và tiến hành xử lý thông tin của phiếu khảo sát, kết quả thu được như sau:

     - Số lượng: Dựa theo quan sát và căn cứ vào việc phát phiếu, căn cứ vào sổ điền thông tin cá nhân (sau khi đo thân nhiệt) thì ngày phát phiểu điều tra là ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch và cũng là vào ngày thứ 7 cuối tuần, đồng thời ngày hôm đó chùa tổ chức lễ tụng kinh Dược sư nên số lượng người đến chùa rất đông, khoảng 4000 người. Ngày bình thường (không phải ngày cuối tuần hay ngày lễ), theo quan sát, lượng khách đến chùa khoảng 200 - 500 người. Trong đó, chiếm khoảng 23% người được khảo sát thường xuyên đến chùa, 12% đến chùa khi có việc và 65% đến chùa vào dịp lễ, Tết. Thời gian lưu lại Chùa là 15% người được khảo sát đến chùa thắp hương xong về luôn; 31,5% thắp hương xong ở lại vãn cảnh một lúc; 53,5% tùy theo thời gian có thể bố trí thu xếp. Điều này cho thấy nhu cầu đi chùa của người dân rất lớn, đến chùa vào ngày Sóc & Vọng như một thói quen, một nhu cầu tinh thần thiết yếu. Việc đa số họ đến chùa vào dịp lễ, Tết phản ánh đúng thói quen, phong tục tập quán của dân tộc và dù khá bận rộn cũng đều thu xếp thời gian để tranh thủ đi lễ chùa để lòng an nhiên, thanh tịnh giữa bộn bề cuộc sống.

     - Giới tính: Nữ giới chiếm 69,5% và Nam giới là 30,5%. Tỷ lệ này phần nào cho thấy vẫn là phụ nữ đến với Phật giáo nhiều hơn kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Nếu ở chế độ cũ họ tiếp cận Phật giáo bởi họ là đối tượng chịu nhiều đau khổ, bất hạnh trong xã hội thì ngày nay họ đến chùa do nếp sống quen thuộc từ thế hệ trước truyền lại hay bởi họ vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công?

     - Độ tuổi: Qua kết quả khảo sát, độ tuổi người dân đến Chùa từ dười 20 tuổi đến trên 80 tuổi, tuy nhiên độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 60,5 %. Phản ánh đúng về sự ảnh hưởng của tôn giáo, phong tục tập quán đến mọi tầng lớp trong xã hội.

      - Nơi cư trú: Chiếm đến 93% là người dân ở tại các phường thuộc thành phố Hạ Long, số còn lại là ngoại tỉnh (Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên..) thường là khách du lịch ghé thăm Chùa. Thời điểm khảo sát cũng đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

     - Nghề nghiệp: Chiếm đến 32% là công chức, viên chức; 27 % là kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, còn lại là sinh viên, học sinh, hưu trí và ngành nghề tự do, nội trợ gia đình. Thành phần nghề nghiệp đa dạng đến lễ Chùa chứng minh  ảnh hưởng của thói quen đi chùa có sự tác động đến mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, lĩnh vực. Điều này cũng có thể lí giải phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của Phật Giáo ở Việt Nam.

     Mong muốn của người dân khi đến lễ tại Chùa: Kết quả khảo sát cho thấy 95,5% người dân đến chùa đều cầu xin “thần, Phật” che chở, bảo vệ, phù hộ, độ trì về sức khoẻ, sự bình an trong cuộc sống, điều may mắn, công thành danh toại. Những vấn đề được cầu xin nhiều phán ánh nhu cầu của người dân vì thiếu thốn, vì chưa có, chưa thoả mãn nên mới cầu xin đấng tối cao. Bên cạnh đó,  cũng phần nào phản ánh hiểu biết về triết lí Phật giáo của người dân, họ hiểu đơn giản là đạo Phật dạy không “tham, sân, si” nên chủ yếu xin tránh được những rủi ro về sức khỏe, tránh gặp điều xui xẻo, thật bình an. Số phiếu còn lại đến Chùa như thói quen, thnahf tâm dâng lễ mà không cầu xin điều gì.

            Một số biểu hiện về văn hoá ứng xử của người dân khi đến Chùa được thống kê tại bảng dưới đây:

Nội dung câu hỏi phiếu khảo sát

Kết quả trả lời phiếu

Số phiếu/ (%)

Sự hiểu biết lễ nghi khi đến chùa như thế nào?

 

Không biết những quy tắc lễ nghi khi đến chùa

14.5 %

Biết nhưng thường quên làm theo

11.5 %

Có biết và thực hiện đúng những lễ nghi đó.

74%

Việc thực hiện những quy định của Chùa

Bỏ giày dép bên ngoài

 116 phiếu

 Chỉ thắp 1 nén nhang

105 phiếu

Không quay phim, chụp ảnh

112 phiếu

Đứng thắp hương đúng vị trí

118 phiếu

Trang phục phù hợp

123 phiếu

Hạn chế đốt vàng mã

105 phiếu

Việc mua lễ, mang lễ đến chùa của người dân

Không mang đồ lễ chuẩn bị sẵn đến chùa;

40,5 %

Mang đồ lễ chuẩn bị ở nhà đến Chùa

23 %

Có lần mang lễ, lần không mang.

36,5%

Thói quen đặt tiền công đức của người dân

 

Số người thường bỏ tiền vào hòm công đức

58,5%

Ghi phiếu công đức

 14,5%

 Đặt tiền lễ tại các ban và tượng thờ

23,5%

Vừa đặt tiền các ban thờ, vừa bỏ hòm công đức.

3.5%

Kết quả tự đánh giá mức độ hiểu biết về Tôn giáo – tín ngưỡng của người dân

Hiểu chút ít

47%

Hiểu khá rõ

33,5%

Hiểu rất rõ

19,5%

[Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả phiếu khảo sát, năm 2021]

     3. 3 Đề xuất một số giải pháp nâng cao văn hoá ứng xử tại thiết chế văn hoá góp phần  vào mục tiêu phát triển bền vững

     * Căn cứ pháp lý: Hiện nay chúng ta đã có gần như đầy đủ các công cụ pháp lý quy định về lĩnh vực này như: Luật Di sản (2013), các Luật có liên quan và hàng loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn khác. Riêng tại Quảng Ninh, ngày 20/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1310/2020/QĐ-UBND, ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên đại bàn Tỉnh Quảng Ninh, trong đó đã xác định 3 phạm vi thực hiện văn hoá ứng xử, đặc biệt quy định rõ ràng ứng xử văn hoá tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong toàn Tỉnh Quảng Ninh.

     * Nâng cao nhận thức của người dân khi đến với thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng: Khi ngành du lịch đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các di tích lịch sử văn hóa địa phương, thì sẽ tác động và làm cho chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương mình. Một phần nguồn thu từ các hoạt động du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương sẽ được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Nhận thức được điều đó, cộng đồng địa phương sẽ hứng khởi, hợp tác và giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá ứng xử của mình.

     * Đầu tư đúng mức cho công tác thuyết minh hướng dẫn tham quan tại di tích lịch sử - văn hoá chùa Long Tiên, xây dựng nội dung và tạo sự kết nối cho các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương theo hình thức đa ngôn ngữ để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng du khách khác nhau nhằm thu hút và tránh sự nhàm chán cho du khách trong những lần đến tiếp theo.

     * Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ nói riêng và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế để người dân và du khách biết và hiểu thêm về các giá trị hiện có của địa phương và từ đó sẽ nảy sinh các nhu cầu được đến để tham quan và tìm hiểu về các di tích này.  Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa - Du lịch để xác định được phạm vi và trách nhiệm của từng ngành trong việc chung tay xây dựng và phát huy các giá trị của di tích phục vụ cho hoạt động du lịch. Vì công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của ngành văn hóa nhưng đối tượng tiếp cận, thụ hưởng lại thuộc lĩnh vực du lịch. Do đó, cần phải có sự phối kết hợp thật sự chặt chẽ giữa 2 ngành để cùng phát huy và mang lại những hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó phải kể đến sự phối hợp của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có di tích lịch sử văn hoá.

     4. Kết luận

     Với việc tìm hiểu khảo sát thực trạng văn hoá ứng xử của người dân tại thiết chế tôn giáo tín ngưỡng (trường hợp chùa Long Tiên, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chưa thật đầy đủ và còn nhiều hạn chế do tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhưng với mong muốn để phát triển bền vững đối với trụ cột văn hóa - xã hội, trước hết cần có những cách tiếp cận để nghiên cứu cụ thể là văn hoá ứng xử, tiếp đó đề xuất được những giải pháp hiệu quả đáp ứng được mục tiêu vừa phát triển vừa bản tồn, gìn giữ tại khu vực cụ thể là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Góp phần khẳng định thương hiệu của một “Miền di sản” đáng đến và đáng sống và phát triển bền vững.

Ngô Hải Ninh1

                                                                                Đoàn Thị HuyềnTrang1

                                                                           1Khoa Văn hóa - Trường Đại học Hạ Long

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2021)

Tài liệu tham khảo

     1. Phan Thanh Tá (2010), Tập bài giảng “Quản lý các thiết chế văn hoá” dùng trong giảng dạy đối với cử nhân Quản lý văn hoá, trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

     2. Nguyễn Quý Thanh (2011), “Một số quan điểm xã hội học của Dur Kheim”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

     3. Nguyễn Thanh Tuấn: Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Nxb. Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008, tr. 36

     4. Nguyễn Thanh Xuân (2020) “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

     5. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

     6. Quyết định 1310-QĐ/UBND ngày 20/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về “Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh”.

      7. Thông tư liên tịch số: 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV “Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo”.

 

BEHAVIOR CULTURE AT LONG TIEN POGODA OF QUANG NINH PROVINCE UNDER THE PERSONALITY OF SUSTAINABLE DEVELOPMENT

Ngô Hai Ninh

Doan Thi Huyen Trang

Faculty of Culture, Ha Long University

     ABSTRACTS

     In the current context, the sustainable development orientation is consistent with the economic, cultural - social and natural resources - environment pillars. Sustainable development is an inevitable trend in which development meets the needs of the present without compromising the ability of the pillars to meet development needs in the future. Understanding behavioral culture at cultural institutions in the case study of Long Tien pagoda, Ha Long city from the perspective of sustainable development also aims to help managers of tourism culture and community have a better attitude and correct behavior, contributing to conservation for sustainable development.

     Keywords: Behavioral culture, sustainable development, Long Tien pagoda.

 

 

 

Ý kiến của bạn