Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thành phần loài và sự phân bố của mối (isoptera) ở Việt Nam

05/08/2021

     TÓM TẮT

     Mối (Isoptera) khá đa dạng về loài và có vai trò quan trọng trong tự nhiên nhưng một số loài lại là đối tượng gây hại kinh tế nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp gần 40 tài liệu nghiên cứu về đa dạng mối ở Việt Nam từ khi bắt đầu cho đến năm 2020 cho thấy, có 251 loài, 45 giống, 9 phân họ và 4 họ đã được ghi nhận ở Việt Nam. Mối có đặc trưng phân bố riêng theo từng nhóm và mức độ đa dạng về loài là khác nhau ở các vùng khí hậu của Việt Nam. Số lượng loài mối được ghi nhận nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ (168 loài), tiếp đến là Đông Bắc bộ (129 loài), Nam Trung bộ (98 loài), Tây Nguyên (84 loài), Đông Nam bộ (72 loài), Tây Bắc bộ (39 loài) và cuối cùng là vùng Tây Nam bộ (11 loài). Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng cập nhật các tài liệu hệ thống phân loại học về mối trên thế giới, chuẩn hóa vị trí phân loại của một số loài, giống, phân họ, họ mối ở Việt Nam và đưa ra một danh sách thành phần loài mối đầy đủ nhất từ trước đến nay.

     Từ khóa: Mối, phân bố, Việt Nam, phân loại học.

     Nhận bài: 10/6/2021; Sửa chữa: 15/6/2021; Duyệt đăng: 21/6/2021.

     1. Mở đầu

     Mối (Isoptera) thuộc nhóm côn trùng xã hội xuất hiện vào cuối kỳ Jura (Engel et al., 2009), trước kiến khoảng 30 triệu năm và được xếp vào phân bộ Cánh đều thuộc bộ gián (Blattaria) (Krishna et al. 2013)[1]. Chúng có sự phân chia đẳng cấp cũng như phân công chức năng công việc rõ ràng trong quần tộc. Trong tự nhiên, mối là sinh vật có lợi do khi chúng tham gia vào quá trình phân giải vật chất hữu cơ có nguồn gốc từ xenlulô để tạo thành đường và các chất đơn giản hơn trong chu trình chuyển hóa vật chất (Abe, 1979)[2], tuy nhiên, một số loài là đối tượng gây hại đối với cây trồng, đê đập và nhà cửa (Roonwal & Chhotani, 1989)[3]. Mối khá đa dạng về loài, trên thế giới có 3.106 loài thuộc 330 giống, 12 họ đã được ghi nhận (bao gồm cả những loài hóa thạch) (Krishna et al. 2013) [1]. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nơi có điều kiện thuận lợi cho mối phát triển. Nghiên cứu về mối ở Việt Nam đã được thực hiện từ đầu thế kỷ XX, Bathellier (1927) [4] tiến hành nghiên cứu mối ở Đông Dương và đã ghi nhận 19 loài ở Việt Nam. Harris (1968)[5] ghi nhận 27 loài, Nguyễn Đức Khảm và cộng sự (2007)[6] đã cho ra đời một cuốn sách về khu hệ mối Việt Nam, với tổng số 101 loài. Trinh Van Hanh và cộng sự (2010)[7] đã phân tích các mẫu mối lưu trữ tại Viện Phòng trừ mối và bảo vệ công trình (nay là Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình) đã ghi nhận 132 loài mối ở Việt Nam. Cho đến nay, có khá nhiều nghiên cứu về thành phần mối ở Việt Nam được thực hiện, nhiều loài mới cho Việt Nam được ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu hệ thống đầy đủ về khu hệ mối của Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc tổng hợp các tài liệu đã công bố về thành phần mối ở Việt Nam từ năm 1927 cho đến tháng 1/2020 nhằm có được cái nhìn tổng quát về khu hệ mối, cũng như làm cơ sở định hướng cho các nghiên cứu về phân loại học, nghiên cứu về sinh học, sinh thái học của mối ở Việt Nam trong tương lai.

     2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

     Thu thập các tài liệu nghiên cứu về đa dạng mối ở Việt Nam từ trước năm 2020, bao gồm các luận án, bài báo đã được công bố tại các hội nghị, tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

     Lập danh sách các loài mối đã được công bố ở Việt Nam và dựa vào danh mục taxon về mối trên thế giới gần đây nhất của Krishna et al. (2013) [1] để chuẩn lại taxon của mối ở Việt Nam.

     Phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu, cũng như số lượng loài mối ghi nhận về phân bố của mối theo các vùng khí hậu ở Việt Nam (gồm: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1.Thành phần loài mối phân bố ở Việt Nam

     Dựa vào hệ thống phân loại mối của Krishna et al. (2013) và kết quả tổng quan từ hơn 40 tài liệu trong và ngoài nước nghiên cứu về đa dạng mối ở Việt Nam, đã lập được danh sách với 265 loài (bao gồm cả 2 loài được xác định đến giống, loài sp.) thuộc 45 giống, 9 phân họ, 4 họ mối được ghi nhận cho khu hệ mối Việt Nam (Bảng 1).

     Bảng 1. Danh sách các loài mối đã ghi nhận ở Việt Nam

Ghi chú: *: là loài đồng danh (synonym)

     Kết quả Bảng 1 cho thấy, trong số các họ mối được ghi nhận ở Việt Nam, họ Termitidae có số loài nhiều nhất, tiếp đến lần lượt là họ Rhinotermitidae, Kalotermitidae và cuối cùng là họ Archotermitidae.

     Họ Archotermitidae là họ mối cổ, có 3 loài thuộc hai giống Archotermopsis Hodotermopsis. Theo Nguyễn Đức Khảm và cộng sự (2007), hai giống này đều xếp vào họ Termopsidae. Tuy nhiên, theo nghiên cứu phát sinh chủng loại của Engel et al., (2009), hai giống này được xếp vào họ mới Archotermitidae. Trên thế giới, họ Termopsidae chỉ gồm 5 loài thuộc 1 giống hóa thạch (Krishna et al., 2013) [1].

     Họ Kalotermitidae đã có 16 loài mối thuộc 3 giống được ghi nhận ở Việt Nam. Trong đó, 9 loài thuộc giống Glyptotermes, 3 loài thuộc giống Neotermes và 3 loài thuộc giống mối Cryptotermes. Neotermes Cryptotermes thường được tìm thấy trong các cành khô ở các vùng thấp, trong khi Glyptotermes thường được tìm thấy trong gỗ ẩm và ở trên các vùng cao.

     Họ Rhinotermitidae  gồm  48 loài  thuộc  7 giống, mes là mối lính có 2 dạng đầu (Nguyễn Đức Khảm và cộng sự 2007). Phân họ Prorhinotermitinae chỉ có 1 loài thuộc giống Prorhinotermes được ghi nhận ở Việt Nam (Prorhinotermes tibiaoensiformis). Phân họ Rhinotermitinae gồm 14 loài thuộc 2 giống, trong đó giống Parrhinotermes có 1 loài và giống Schedorhi- notermes có 13 loài). Phân họ Heterotermitinae gồm 24 loài thuộc hai giống (Reticulitermes Heteroter- mes). Phân họ này được ghi nhận phân bố ở độ cao trên 300 m. Mối lính của Heterotermes có đỉnh mỡ sắc nhọn ở môi trên, trong khi đó Reticulitermes không có (Roonwall, M. L and Chhotani, O. B. (1989) [3].

     Họ Termitidae gồm 198 loài thuộc 29 giống, 4 phân họ (Macrotermitinae, Apicotermitinae, Nasutermitinae và Termitinae). Đây là giống có nhiều sự thay đổi vị trí sắp xếp ở cấp độ giống và phân họ. Trong số 6 giống thuộc phân họ Amitermitinae, ba giống Euhamitermes, Indotermes Speculitermes chuyển vào phân họ Apicotermitinae, ba giống Amitermes, Globitermes Microcerotermes được chuyển sang phân họ Termitinae.

     Đây là danh sách thành phần loài mối được tổng hợp đầy đủ nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, do việc sử dụng tài liệu định loại khác nhau nên có nhiều loài đồng danh (synonym). Ví dụ như, Hodotermopsis japonicus là synonym của Hodotermopsis sjostedti; Microtermes dimorphus, Microtermes pakistanicus Ancistotermes dimorphus đều cùng là synonym của loài Acistrotermes pakistanicus (Huang et al.,2000; Krishna et al., 2013) [9][1]. Kết quả Bảng 1 cho thấy, có 14 loài (loài có dấu *) là synonym của loài có trong danh sách. Chính vì vậy, số loài chính thức được ghi nhận ở Việt Nam thấp hơn số lượng loài đã thống kê tại Bảng 1, cụ thể là 251 loài thuộc 45 giống, 9 phân

họ, 3 họ.

     3.2. Phân bố của mối theo các vùng khí hậu Việt Nam

     Kết quả tổng quan từ các tài liệu cho thấy, số lượng loài mối được ghi nhận tại các vùng khí hậu ở Việt Nam là khác nhau. Số lượng loài mối được ghi nhận cao nhất ở vùng Bắc Trung bộ (168 loài), tiếp đến lần lượt là vùng Đông Bắc bộ (129 loài), Nam Trung bộ (98 loài), Tây Nguyên (84 loài), Đông Nam bộ (72 loài), Tây Bắc bộ (39 loài) và cuối cùng là vùng Tây Nam bộ (11 loài) (Bảng 2). Số liệu trên chưa kể những loài dạng sp. trong những giống đã có loài xác định được tên khoa học.

     Kết quả ở Bảng 2 cho thấy, họ Archotermopsidae được tìm thấy ở các vùng phía Bắc của Việt Nam. Số lượng loài thuộc họ này được tìm thấy ở các vùng Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ mới chỉ tìm thấy có 1 loài. Trong họ Kalotermitidae, số loài tìm thấy nhiều nhất ở vùng Đông Bắc bộ (15 loài), tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ (6 loài), các vùng còn lại chỉ có 1 đến 2 loài. Hai họ còn lại đều có nhiều loài ở tất cả các vùng. Trong họ Rhinotermitidae, chưa tìm thấy loài nào thuộc phân họ Heterotermitinae ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, chỉ tìm thấy có 1 loài thuộc phân họ Prorhinotermitinae ở vùng Tây Nguyên. Trong họ Termitidae, số lượng loài chiếm ưu thế thuộc phân họ Macrotermitinae và số loài thuộc phân họ Apicotermitinae thấp hơn ở tất cả các vùng. Điều này cho thấy, mối có tính đặc trưng phân bố ở các vùng khí hậu khác nhau. Tuy nhiên, để hiểu rõ về đặc trưng phân bố của từng nhóm mối cần phải có các nghiên cứu chuyên sâu hơn cho từng nhóm, cũng như tại từng vùng khí hậu của Việt Nam.

     Bảng 2. Phân bố của mối tại mỗi vùng khí hậu ở Việt Nam

TT

Họ, phân họ

Số loài mối được ghi nhận tại mỗi vùng

TBB

ĐBB

BTB

NTB

TN

ĐNB

TNB

1

ARCHOTERMOPSIDAE

2

2

1

0

0

0

0

2

KALOTERMITIDAE

1

15

6

2

1

1

1

 

KALOTERMITINAE

1

15

6

2

1

1

1

3

RHINOTERMITIDAE

10

26

33

24

18

10

2

3.1

COPTOTERMITINAE

3

10

8

6

7

5

1

3.2

HETEROTERMITINAE

5

12

16

7

2

0

0

3.3

PRORHINOTERMITINAE

 

 

 

1

 

 

 

3.4

RHINOTERMITINAE

2

4

9

10

9

5

1

4

TERMITIDAE

26

86

128

72

65

61

8

4.1

MACROTERMITINAE

17

40

63

32

34

32

4

4.2

APICOTERMITINAE

0

3

2

1

3

2

0

4.3

TERMITINAE

4

13

30

14

15

21

2

4.4

NASUTITERMITINAE

5

30

33

25

13

6

2

Tổng số loài

39

129

168

98

84

72

11

Ghi chú: TBB: Tây Bắc bộ (nguồn: [6][10][11][12][13][14]); ĐBB: Đông Bắc bộ (nguồn: [6][10][12] [14][15] [16] [17] [18]

[19][20][21][22] ); BTB: Bắc Trung bộ (nguồn: [6] [10] [20] [23][24][25] [26][27] [28] [29][30]); NTB: Nam Trung bộ

(nguồn: [19] [29] [31][32] [33][34][35]); TN: Tây Nguyên (nguồn: [6][35][37][38]; ĐNB: Đông Nam bộ (nguồn: [6] [32]

[35][38][39] [[40]), TNB: Tây Nam bộ (nguồn: [35] [40])

     4. Kết luận

     Tính đến tháng 1/2020, 251 loài mối thuộc 45 giống, 9 phân họ, 4 họ được ghi nhận ở Việt Nam. Số lượng loài mối được ghi nhận nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ (168 loài), tiếp đến Đông Bắc bộ (129 loài), Nam Trung bộ (98 loài), Tây Nguyên (84 loài), Đông Nam bộ (72 loài), Tây Bắc bộ (39 loài) và cuối cùng là vùng Tây Nam bộ (11 loài).

Nguyễn Quốc Huy 1

Nguyễn Thị My1

Nguyễn Thúy Hiền2

1Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

2 Đại học Khoa học Tự nhiên,  Đại học Quốc gia Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Krishna, Kumar, Grimaldi, David A.,Krishna, Valerie, Engel, Michael S. (2013), Treatise on the Isoptera of the world. Bulletin of the American Museum of Natural History

  2. Abe, T. (1979), “Studies on the distribution and ecological role of termites in a low forest of West Malaisia”, Japanese Journal of Ecology (29), pp. 121-135.

  3. Roonwall, M. L and Chhotani, O. B. (1989), Fauna of India (Isoptera) ZSI (I), pp. 672-673.

  4. Bathellier, J. 1927. Contribution a l’etude systematique et biologique des termites de l’indochine. Faun. Colon. France 1(4): 125-165.

  5. Harris, V. W. (1968), Isoptera from Vietnam, Cambodia and Thailand, Opusucula Entomologica, 33: 143-154.

  6. Nguyễn Đức Khảm, Nguyễn Tân Vương, Trịnh Văn Hạnh, Nguyễn Văn Quảng, Lê Văn Triển, Nguyễn Thúy Hiền, Vũ Văn Nghiên, Ngô Trường Sơn, Võ Thu Hiền (2007), Động vật chí Việt Nam – Mối, Tập 15, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

  7. Trinh Van Hanh and Thu Huyen Trần and Thuy Hien Nguyen (2010), “Diversity of Termite Species in Vietnam”, The seventh conference of the Pacific Rim Termite Research Group, Singapore (7), pp. 73 – 78.

  8. Engel, M. S., Grimaldi, D. A., & Krishna, K. (2009), “Termites (Isoptera): their phylogeny, classification, and rise to ecological dominance”, American Museum Novitates 2009 (3650), pp. 1-27.

  1. Huang, F., Zhu, S., Ping, Z., He, X., Li, G., & Gao, D (2000), Fauna Sinica, Insecta, 17, Isoptera, Science Press, Beijing.

  2. Belyaeva, N.V. 2004. A new species of the termite genus Archotermopsis (Isoptera, Hodotermitidae, Termopsinae) from North Vietnam. Entomologicheskoe Obozrenie 83 (2): 369–377.

  3. Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thị Hồng Hà, Đoạn Chí Cường, Phan Thụy Ý (2012), "Thành phần loài mối ở rừng phòng hộ Nam Hải Vân và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà- Núi Chúa", Tạp chí Xã hội, Nhân văn và Giáo dục 2 (3), tr.22- 28.

  4. Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thị My, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Tùng Cương (2015), “Dẫn liệu về đa dạng sinh học của mối (Isoptera) tại KBTTN Bà Nà - Núi Chúa, Đà Nẵng”, Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 6, tr. 811 - 818.

  5. Nguyễn  Quốc  Huy  (2011),  Nghiên  cứu  mối  vùng  Tây Nguyên và đề xuất biện pháp phòng trừ loài hại chính, Luận án Tiến sĩ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

  6. Belyaeva, N. V., & Tiunov, A. V. (2010), “Termites (Isoptera) in forest ecosystems of Cat Tien national park (Southern Vietnam)”, Biology bulletin, 37 (4), pp. 374 - 381.

  7. Nguyễn Thị My, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Quảng (2019), “Dẫn liệu bước đầu về thành phần loài và phân bố của mối (Isoptera) ở khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau”, Tạp chí Sinh học 41 (2se1 và 2se2), tr. 79 - 85.

    COMPOSITION AND DISTRIBUTION OF TERMITES (ISOPTERA) IN VIETNAM

    Nguyen Quoc Huy, Nguyen Thi My

    Institute of Ecology and Works protection

    Nguyen Thuy Hien

    VNU University of Science

         ABSTRACT

    Termites (Isoptera) play an important role in ecosystem, however some species are serious economic pests. The reviews of nearly 40 publications on termite biodiversity in Vietnam from the early research stage to 2020 showed 251 species belong among 45 genera, 9 subfamilies and 4 families contributed to the termite fauna of Vietnam. The termite species richness diversifies towards the different regions of Vietnam. The largest species were in the North Central (168 species), followed by the Northeast (129 species), the South Central (98 species), Central Highlands (84 species), and the Southeast (72 species), the Northwest (39 species) and Southwest (11 species). In addition, this study updated the documents on taxonomy of termites, re- standardized the taxonomic rankings of some termite species, genera, subfamilies, families and provided the latest list of termite composition in Vietnam.

         Key word: Termites, distribution, Vietnam, taxonomy.

     

 

 

Ý kiến của bạn