Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu hiện trạng hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý phân bùn tự hoại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường

29/12/2021

TÓM TẮT

    Bài viết này nghiên cứu hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý phân bùn tự hoại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Kết quả điều tra cho thấy, gần 100% các hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học sử dụng bể tự hoại. Tỷ lệ các đơn vị này thực hiện hút bùn định kỳ trong bể tự hoại là rất thấp (từ 10 - 15%). Hoạt động quản lý, giám sát việc thực hiện thu gom, xử lý phân bùn tự hoại còn hạn chế. Việc cấp phép đăng ký đối với các đơn vị thu gom chưa đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp quản lý và công nghệ cho các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom và xử lý phân bùn tự hoại, BVMT tại địa phương.

Từ khóa: Phân bùn tự hoại, Hưng Yên, thu gom, quản lý.

Nhận bài: 10/10/2021; Chỉnh sửa: 28/10/2021; Duyệt đăng: 30/10/2021.

1. Đặt vấn đề

    Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có các đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên diễn ra với tốc độ nhanh, tỷ lệ dân số sống tại các khu vực đô thị liên tục tăng nhanh, mức sống và thu nhập của người dân khu vực đô thị theo đó cũng tăng theo [1, 2]. Cùng với đó, áp lực về vấn đề ô nhiễm môi trường, phát sinh, thu gom và xử lý chất thải ngày càng lớn, yêu cầu các đô thị cần có nhiều giải pháp tổng thể, kế hoạch cụ thể trong quản lý và BVMT.

    Trong những vấn đề môi trường tại địa phương, ô nhiễm phân bùn từ các bể tự hoại trong các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, trường học và cơ quan nhà nước được đặc biệt quan tâm [3]. Từ đặc tính ô nhiễm của phân bùn tự hoại, vấn đề quản lý các giải pháp thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật… đòi hỏi các giải pháp tổng thể cần được nghiên cứu, đề xuất áp dụng nhằm xử lý ô nhiễm và BVMT. Tuy nhiên, hiện tại nguồn chất thải từ phân bùn tự hoại vẫn chưa tìm được nơi xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng phân bùn thải từ hệ thống tự hoại đang trở thành bài toán khó đối với các nhà quản lý.

    Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý phân bùn tự hoại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mục tiêu nghiên cứu nhằm giúp cho các cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin về thực trạng phát sinh phân bùn tự hoại ở địa phương, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý nhằm quản lý và xử lý chất thải hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển và BVMT của tỉnh.

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

 2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Hoạt động khảo sát, điều tra được tiến hành trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong năm 2020. 4 đối tượng nghiên cứu bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; Cơ quan cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý bùn thải; Cơ quan đơn vị phát sinh bùn thải: trường học, bệnh viện, trạm y tế; và Hộ gia đình.

- Đối tượng các cơ quan quản lý nhà nước:

  + Sở TN&MT

  + Các Phòng TN&MT tại 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố (TP) của tỉnh

  + UBND các phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, TP của tỉnh

    Tổng số các cơ quan quản lý nhà nước được khảo sát là 31 đơn vị.

- Đối tượng các đơn vị cung cấp dịch vụ:

 + Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên

  + Công ty TNHH Môi trường Tân Hưng Phát

 + Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 11- URENCO 11

- Cơ quan đơn vị trên địa bàn:

  + Các trường học tại các phường, thị trấn trên địa bàn đô thị

 + Các cơ sở y tế

  + Các cơ sở kinh doanh: Khách sạn, nhà hàng

    Tổng số 48 đơn vị tham gia khảo sát.

- Các hộ gia đình:

    Các hộ gia đình sinh sống tại các thị trấn, các phường tại các huyện, thị xã và TP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được khảo sát ngẫu nhiên trong phạm vi địa giới hành chính của các phường, thị trấn. Tổng số 322 hộ gia đình tham gia khảo sát.

2.2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

- Điều tra thông tin về hiện trạng về lượng phát sinh và nhu cầu về thu gom và công nghệ xử lý phân bùn tự hoại tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

+ Xây dựng 4 mẫu phiếu cho 4 đối tượng điều tra, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; Cơ quan cung cấp dịch vụ; Cơ quan đơn vị: Trường học, bệnh viện, trạm y tế; Hộ gia đình.

+ Phạm vi điều tra: TP. Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 thị trấn thuộc 8 huyện của tỉnh Hưng Yên.

- Dựa trên các kết quả điều tra, khảo sát, nhóm tác giả tiến hành phân tích và đưa ra đề xuất các biện pháp xử lý phân bùn tự hoại và các phương pháp quản lý nhằm BVMT địa phương.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạng sử dụng và phát sinh phân bùn tự hoại

Hộ gia đình

    Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng bể tự hoại của 322 hộ gia định (được nhóm theo 10 khu vực) được thể hiện ở bảng 1. Theo đó, hầu hết các hộ gia đình tại các hộ gia đình ở các đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đều sử dụng bể tự hoại cho các công trình vệ sinh hộ gia đình (Bảng 1).

Bảng 1. Thống kê hiện trạng sử dụng bể tự hoại các hộ gia đình

TT

Phường/ TT

Thời gian sử dụng (năm)

Dung tích bể tự hoại (m3)

Tỷ lệ đã thực hiện hút bể tự hoại

1

TP. Hưng Yên

9,2-14,2

2,8-3,2

19/125

2

TX. Mỹ Hào

11-16

2,6-3,2

6/56

3

Huyện Văn Giang

12,5

2,5

0/18

4

Huyện Văn Lâm

12

3,3

2/18

5

Huyện Khoái Châu

13

3

1/15

6

Huyện Tiên Lữ

13,6

2,5

0/20

7

Huyện Yên Mỹ

14

3,3

2/11

8

Huyện Kim Động

8,7

3,7

5/16

9

Huyện Ân Thi

12,5

3,3

0/18

10

Huyện Phù Cừ

9,1

4

6/18

    Kết quả thống kê cho thấy, phần lớn các bệ tự hoại của các hộ gia đình ở tỉnh Hưng Yên được xây ngay dưới bệ xí, nằm trong nền nhà. Bể thường xây bằng gạch và có nắp bê tông. Bể tự hoại thường được xây dựng với hai hoặc ba ngăn và hiện chưa có một quy định nào về kích thước nhất định đối với bể do các hộ gia đình tự xây. Số năm sử dụng bể tự hoại của các hộ gia đình trong khoảng từ 2 đến 25 năm. Trong đó, trên 70% số hộ được khoản sát có thời gian sử dụng bể tự hoại trên 10 năm. Đặc biệt, các hộ gia đình tại TP.Hưng Yên, trên 90% sử dụng bể tự hoại với thời gian trên 10 năm. Thể tích bể tự hoại sử dụng tại các hộ gia đình dao động từ 2 m3 đến 5 m3. Có một số hộ khu vực thị trấn các huyện xây bể tự hoại 7 - 10 m3 (hoặc sử dụng dẫn chung vào hầm Biogas)

    Liên quan đến kết quả khảo sát hiện trạng hút phân bùn bể tự hoại, có 42/322 hộ (chiếm 13%) số hộ đã từng thực hiện việc này. Trong đó, số hộ thực hiện hút định kỳ/bể đầy chiếm rất thấp. Đa số các hộ thực hiện việc hút bùn bể tự hoại là do bể bị tắc, sự cố hoặc phá cũ xây mới. Còn lại 87% số hộ được khảo sát chưa từng thực hiện việc hút bể tự hoại. Một số phường, thị trấn được khảo sát không có hộ nào từng thực hiện việc hút bùn bể tự hoại: phường Bạch Sam, thị trấn Vương, Văn Giang, Khoái Châu...). TP. Hưng Yên có tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện hút bể tự hoại nhiều nhất với 20/131, tiếp đến là huyện Phù Cừ (6/18), Kim Động (5/15) và thị xã Mỹ Hào (6/56). Toàn bộ 22 hộ đã hút bùn tại các thị trấn của các huyện và thị xã Mỹ Hào liên hệ với đơn vị tư nhân thực hiện. Kinh phi chi trả cho hoạt động hút bùn thường được tính theo mét khối (m3) của xe hút. Trung bình kinh phí các hộ chi trả dao động trong khoảng 1-2,5 triệu đồng/lần hút.

    Dựa trên kết quả điều tra của 322 hộ gia đình/ dân số của 10 TP, thị xã và huyện của tỉnh Hưng Yên, chúng tôi tính toán và đưa ra bảng thống kê khối lượng phân bùn tự hoại phát sinh và nhu cầu thu gom (Bảng 2).

Bảng 2. Khối lượng phân bùn tự hoại phát sinh và nhu cầu thu gom phân bùn tự hoại tại các đô thị tỉnh Hưng Yên

TT

Phường/ TT

Dân số đô thị

Khối lượng phân bùn tự hoại phát sinh (m3/năm)

Nhu cầu thu gom phân bùn theo ngày (m3/ngày)

1

TP. Hưng Yên

60340

3.922

19,61

2

TX. Mỹ Hào

71550

4,.651

23,25

3

Huyện Văn Giang

11347

738

3,69

4

Huyện Văn Lâm

17792

1.156

5,78

5

Huyện Khoái Châu

8700

566

2.83

6

Huyện Tiên Lữ

5650

367

1,84

7

Huyện Yên Mỹ

14427

938

4,69

8

Huyện Kim Động

12600

819

4,10

9

Huyện Ân Thi

10850

705

3,53

10

Huyện Phù Cừ

6196

403

2,01

 

Tổng

219.452

14.264

71,32

    Kết quả tính toán từ bảng trên cho thấy, tổng nhu cầu thu gom phân bùn tự hoại phát sinh trên địa bàn các đô thị tỉnh Hưng Yên là 71,32 m3/ngày. Trong đó, lớn nhất tại 2 đô thị là TP. Hưng Yên (19,61 m3/ngày, chiếm 27,5%) và thị xã Mỹ Hào (23,25 m3/ngày, chiếm 32,5%), 8 huyện còn lại chiếm khoảng 40%. Tỉnh Hưng Yên dự kiến dân số đến năm 2025 khoảng 1.285 ngàn người nên khối lượng chất thải phát sinh đến năm 2025 trên toàn tỉnh khoảng 10.310 tấn/ngày trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1500 tấn/ngày, bùn thải khoảng 476 tấn/ngày. Điều này dẫn đến việc quản lý và xây dựng công nghệ xử lý phân bùn tự hoại là rất cấp bách và cần thiết trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Tại các cơ quan, đơn vị công lập và nhà hàng khách sạn

  • Tại các đơn vị trường học

    Tại các đơn vị trường học (trường mầm non, tiểu học và THCS), nơi sinh hoạt của số lượng đông học sinh và giáo viên và mật độ sử dụng nhà vệ sinh lớn. Kết quả khảo sát hiện trạng cho thấy 100% các đơn vị sử dụng bể tự hoại. Tuy nhiên, dung tích bể tại nhiều đơn vị không có thông tin cụ thể (do việc xây dựng bể theo thiết kế của đơn vị chủ đầu tư). Tỷ lệ có 10/26 đơn vị (chiếm 38%) được khảo sát có thực hiện việc hút bùn tự hoại trong thời gian hoạt động (theo định kỳ 1 – 3 năm/lần). Trong đó, có 5 đơn vị tại thị xã và TP; 5 đơn vị tại các huyện. Các đơn vị đã thực hiện hút bùn bể tự hoại ở các huyện đều thuê đơn vị tư nhân thực hiện. Tại thị xã Mỹ Hào và TP. Hưng Yên, việc này do Công ty Môi trường đô thị thực hiện. 

  • Tại các cơ sở y tế

    Nhìn chung, tại các cơ sở y tế, với số lượng nhân viên và số giường bệnh khá lớn, mật độ sử dụng nhà vệ sinh cao. Kết quả khảo sát cho thấy, có 4/10 trung tâm y tế của 10 huyện, thị xã và TP đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, qua đó, nước thải từ các hệ thống nhà vệ sinh và nước thải sinh hoạt tại các cơ sở y tế được thu gom và xử lý đảm bảo yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, còn 6/10 đơn vị chưa được đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, mặc dù đã có các nhà vệ sinh và bể tự hoại tại cơ sở.

    Tỷ lệ các đơn vị thực hiện hút bùn tự hoại định kỳ là rất ít, 5/21 đơn vị (chiếm gần 25%). Trong đó, hơn 50% đơn vị thực hiện hút phân bùn tự hoại do hệ thống nhà vệ sinh có sự cố, bị tắc. Còn lại, hơn 75% các đơn vị được khảo sát (16/21 đơn vị) chưa/không thực hiện hút phân bùn tự hoại trong suốt thời gian hoạt động. Điều này cho thấy, một lượng lớn phân bùn tự hoại tại các cơ sở y tế sẽ thải vào hệ thống thoát nước chung tại các đô thị, gây nguy cơ rủi ro phát tán ra môi trường xung quanh cao.

  • Tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn

    Kết quả khảo sát tại 3 nhà hàng, khách sạn quy mô lớn trên dịa bàn TP. Hưng Yên cho thấy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn đã đầu tư xây dựng hệ thống bể tự hoại tại cơ sở theo đúng quy định.

Bảng 3. Thông tin khảo sát bể tự hoại một số cơ sở kinh doanh

TT

Tên đơn vị

Số phòng/bàn ăn

Bể tự hoại

Hút bùn bể tự hoại

1

Công ty du lịch và khách sạn Phố Hiến, P. Quang Trung, TP. Hưng Yên

34 phòng

02 bể x 30m3

Hút định kỳ 2 năm/lần

2

Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Thế Hiển, P. Quang Trung, TP. Hưng Yên

14 phòng

02 bể x 10 m3

Định kỳ hút khoảng 3 năm/lần

3

Nhà hàng Lê Thị Kim Dung, Phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên

10 bàn ăn,

3 phòng ăn

01 bể x 12m3

Hút 1 lần 2018, mới sửa lại

 
    Kết quả cho thấy, các cơ sở có ý thức tốt về công tác BVMT, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, thu gom đúng quy định và ký hợp đồng với đơn vị thu gom chuyên trách. Ngoài ra, các cơ sở này còn thực hiện việc hút bùn bể tự hoại định kỳ, hợp đồng với công ty môi trường đô thị để thực hiện việc thu hút phân bùn tự hoại hàng năm.

3. 3. Hiện trạng hoạt động thu gom, quản lý, xử lý phân bùn tự hoại

    Kết quả khảo sát các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý phân bùn tự hoại trên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cho thấy hiện tại có 3 đơn vị có chức năng, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý phân bùn tự hoại, bao gồm:

  • Công ty Môi trường đô thị TP Hưng Yên
  • Công ty Môi trường đô thị số 11 (Urenco 11)
  • Công ty TNHH Tân Hưng Phát.

    Ngoài ra, có nhiều đơn vị tư nhân, cá nhân… có tham gia thu gom, hút phân bùn bể phốt thực hiện tại tỉnh Hưng Yên nhưng không có trụ sở, chi nhánh trên địa bàn. Thông tin về năng lực trong hoạt động thu gom, xử lý phân bùn tự hoại của đơn vị này được thể hiện ở Bảng 4.

Bảng 4. Thông tin 3 đơn vị thu gom phân bùn tự hoại tại các đô thị tỉnh Hưng Yên

TT

Đơn vị thu gom

Năng lực thu gom

Phạm vi/Cư ly vận chuyển

1

Công ty Môi trường đô thị TP.Hưng Yên

2 xe hút chuyên dụng

30 km

Trong khu vực TP.Hưng Yên và các huyện lân cận: Kim Động, Phù Cừ và Tiên Lữ

2

Công ty Môi trường đô thị số 11 (Urenco 11)

6 xe hút chuyên dụng

100 km

Thực hiện thu hút phân bùn tại các huyện Yên Mỹ, Văn Giang và Khoái Châu. Một số KCN trên địa bàn. 

3

Công ty TNHH Tân Hưng Phát.

2 xe chuyên dụng

100 km

Thực hiện thu hút phân bùn tại TX. Mỹ Hào, huyện Văn Lâm và Ân Thi. Ngoài ra tại một số khu vực từ Hà Nội và các KCN.

 

    Ngoài ra, trên địa bàn các đô thị của tỉnh Hưng Yên có nhiều đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ tới từ các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương… Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý trong tỉnh thì khó quản lý các đơn vị này hoạt động cũng như kiểm soát quá trình xử lý sau khi hút phân bùn tự hoại.

    Theo khảo sát, năng lực thu gom đáp ứng nhu cầu hút phân bùn tự hoại trên địa bàn hiện nay của các đơn vị đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Đặc biệt, có đơn vị trên địa bàn có thể cung cấp dịch vụ thu gom phân bùn tại các tỉnh lân cận và đưa về khu vực xử lý. Trước nhu cầu ngày càng tăng trong việc hút phân bùn tự hoại, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý có kế hoạch mở rộng công suất, năng lực thu gom, đối tượng thu gom và triển khai các hệ thống xử lý

3.4. Hiện trạng hoạt động quản lý nhà nước và chính quyền địa phương

- Về chính sách, văn bản quy định:

    100% các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT cấp huyện/thị xã/TP (Phòng TN&MT) trên địa bàn tỉnh đều đang vận dụng, áp dụng các văn bản, quy định hiện hành của nhà nước và của tỉnh. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào trong tỉnh có những văn bản, quy định cụ thể riêng trong lĩnh vực quản lý phân bùn tự hoại. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện/thị xã/TP đều triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực BVMT hàng năm và giai đoạn 5 năm theo hướng dẫn, kế hoạch của UBND tỉnh. Chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản lý rác thải, xử lý nước thải và các hoạt động BVMT chung trên địa bàn. Hầu như không có các nội dung liên quan đến vấn đề thu gom, quản lý, xử lý phân bùn tự hoại.

- Về các chương trình, kế hoạch hành động:

    Hầu hết tại các huyện/thị xã/TP có triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn xuống các xã, phường cơ sở. Chủ yếu là triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, xử lý tạm thời các bãi chôn lấp, bãi tập kết và khu vực ùn ứ rác thải tại các xã/phường do việc thu gom, xử lý tập trung không đủ công suất. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cấp huyện/thị xã/TP và các thị trấn/phường cũng thực hiện việc rà soát vấn đề xây dựng bể tự hoại tại các hộ và nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tiêu đúng cách và tuyên truyền người dân, hộ gia đình sử dụng chế phẩm vi sinh cho vào bồn cầu, bể phốt.

- Về trách nhiệm quản lý:

    Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ cấp phép kinh doanh; Sở TN&MT và Cảnh sát Môi trường sẽ thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan tới các hoạt động gây ô nhiễm môi trường địa phương. Phòng Tài chính – Kế toán sẽ cấp đăng ký kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh cá thể, tư nhân... hoạt động trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, các phòng ban này không có sự kiểm tra hoặc xác định đủ điều kiện hoạt động về trang thiết bị, phương tiện và hoạt động xử lý phân bùn tự hoại sau thu gom. Cùng với đó, Phòng TN&MT chưa nắm được đầy đủ thông tin, danh sách các đơn vị hoạt động này để thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

    Hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh chưa có thông tin về các giải pháp công nghệ xử lý phân bùn tự hoại đúng quy định. Việc nắm bắt thông tin chủ yếu qua các đơn vị cung cấp dịch vụ: Công ty môi trường đô thị tại TP Hưng Yên và Công ty Urenco 11 đóng trên địa bàn huyện Văn Lâm. Bên cạnh đó, các cơ quan này thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể cho vấn đề bể tự hoại và hoạt động thu gom, quản lý, xử lý đối với phân bùn tự hoại. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ luật và chính sách của nhà nước chưa có định nghĩa, phân loại và phương pháp quản lý phân bùn tự hoại một cách rõ ràng [4]. Ngoài ra, 100% các cơ quản quản lý không có thông tin và quản lý các đơn vị tự nhân tham gia hút bùn tự hoại/bể phốt.

4. Kết luận và đề xuất

    Kết quả điều tra cho thấy hầu hết các hộ dân, cơ sở y tế, trường học tại đô thị ở Hưng Yên sử dụng bể tự hoại trong các công trình vệ sinh tại gia đình và trụ sở các cơ quan đơn vị. Tỷ lệ các hộ gia đình và các đơn vị này thực hiện hút bùn định kỳ trong bể tự hoại là rất thấp. Hoạt động quản lý, giám sát việc thực hiện thu gom, xử lý phân bùn tự hoại còn rất hạn chế. Việc cấp phép đăng ký đối với các đơn vị thu gom chưa đảm bảo. Các kênh thông tin, tuyên truyền tới người dân về hoạt động định kỳ hút phân bùn chưa được thực hiện. Các kế hoạch, chương trình về vấn đề vệ sinh, phân bùn tự hoại chưa được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ thực hiện tại các cấp quản lý trong tỉnh.

    Để giải quyết một cách hiệu quả vấn đề thu gom xử lý phân bùn tự hoại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

  • Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các luật, chính sách liên quan phân bùn tự hoại giúp chính quyền địa phương quản lý hoạt động thu gom, quản lý và xử lý bùn thải hiệu quả hơn;
  • Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp về mức độ ô nhiễm của phân bùn tự hoại, sự cần thiết phải hút bùn định kỳ là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và BVMT địa phương;
  • Việc thu gom bùn thải của các công ty nhà nước và tư nhân cần phải được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động được thực hiện đúng qui định, đảm bảo kinh tế cho doanh nghiệp và vê sinh môi trường cho cộng đồng;
  • Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các nhà khoa học là cần thiết nhằm đưa ra các giải pháp công nghệ xử lý bùn thải với chi phí hợp lý, thân thiện với môi trường, dễ vận hành và quản lý. Ngoài ra, việc nghiên cứu tái sử dụng bùn thải có thể mang lại hiệu quả kinh tế, tác động xã hội và BVMT tại các đô thị của tỉnh Hưng Yên.

Tài liệu tham khảo

[1] UBND tỉnh Hưng Yên, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 12 và cả năm 2020 tỉnh Hưng Yên. UBND tỉnh Hưng Yên, Số 228/BC-UBND, ngày 31/12, 2020.

[2] Cục Thống kê Hưng Yên, Báo cáo Niên giám thống kế tỉnh Hưng Yên, 2019.

[3] Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, Báo cáo Điều tra, đánh giá, phân loại và có biện pháp kiểm soát các nguồn thải trên tỉnh Hưng Yên, 2019.

[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 số 72/2020/QH14, 2020.

ThS. Nguyễn Quang Vinh1, TS. Trịnh Ngọc Tuấn2

1Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

2Trường Đại học Điện lực

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

A study on the status of releasing, collecting and treating septic sludge in Hung Yen province and solutions for protecting local environment 

MSc. Nguyen Quang Vinh1 and PhD. Trinh Ngoc Tuan2

1Institute For Water and Enviroment

2Electric Power University

ABSTRACT

    This study assesses the status of releasing, collecting and treating septic sludge in Hung Yen province. The results show that almost 100% households, health operations, anh schools have septic tanks. The rate of periodic sludge collection from septic tanks of those operations is low (10-15%). Besides, managing and inspecting activities of local government in collecting and treating sludge are rather limit. The license for sludge collecting companies is also not reasonable. In order to solve this problem, this study propose management and teachnology for local government and producers to help improving the effectiveness of sludge collect and treatment, protecting local environment.

Key words: Septic sludge, Hung Yen, Collection, Management.

Ý kiến của bạn