Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu đề xuất lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước

26/04/2021

TÓM TẮT

     Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho tỉnh Bình Phước đã xây dựng lần đầu vào năm 2012, đến năm 2020, kịch bản tiếp tục được cập nhật trên cơ sở Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, công bố năm 2016. Dựa vào kịch bản cập nhật mới, các tác động cũng như tổn thương đến đối tượng kinh tế - xã hội (KT - XH) đã được nhận diện theo 2 kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5. Theo đó, KT - XH của tỉnh Bình Phước sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian sắp tới nếu không có giải pháp thích ứng kịp thời. Do đó, điều cần thiết ngay bây giờ là phải xây dựng và có lộ trình lồng ghép BĐKH vào quy hoạch (QH), kế hoạch (KH) phát triển KT - XH. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất các nhóm tiêu chí, bước lồng ghép và đánh gía việc lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT - XH của tỉnh. Tùy theo đặc điểm của địa phương, có thể phát triển các bước hoặc thu hẹp cho phù hợp nhằm đảm bảo quá trình lồng ghép được thành công và triển khai hiệu quả, góp phần giúp địa phương phát triển KT - XH một cách bền vững.

Từ khóa: KT - XH của tỉnh Bình Phước, BĐKH, tổn thương do BĐKH.

Nhận bài: 15/3/2021; Sửa chữa: 26/3/2021; Duyệt đăng: 29/3/2021.

  1. Đặt vấn đề

     BĐKH hiện nay đang là một trong những hiểm họa và thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp phát triển bền vững. Biểu hiện chủ yếu của BĐKH là sự nóng lên toàn cầu, băng tan, sự biến động thất thường của lượng mưa và hiện tượng thời tiết cực đoan (ENSO) như siêu bão, lũ lụt, hạn hán...

      Bình Phước tuy là một tỉnh miền núi của vùng Đông Nam bộ, vốn có nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhưng trong những năm gần đây cũng đã ghi nhận được các biểu hiện của BĐKH như lưu lượng nước tăng vào mùa mưa và suy giảm vào mùa khô, gây trượt lở đất, sụt lún, xói mòn, hoang hóa đất, gia tăng lũ quét, hạn hán… làm thiệt hại tới đời sống kinh tế của địa phương. Thời điểm tháng 12/2012, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước ghi nhận đợt nắng nóng kéo dài và hầu như không có mưa lớn, chỉ có vài cơn mưa nhỏ kèm lốc xoáy, nhiệt độ ở mức khá cao, ghi nhận tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bình Phước là khá lớn. Đầu năm 2017, BĐKH cũng gây ra những cơn mưa trái mùa trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến năng suất hạt điều (thống kê sơ bộ năng suất điều của Bình Phước giảm gần 2,1 tạ/ha)…

     Năm 2012, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2020 tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 26/7/2012. Nội dung kế hoạch này cho thấy, trước năm 2060, BĐKH trên địa bàn tỉnh sẽ thể hiện ở vai trò chính của hiện tượng ENSO gia tăng các tác động thất thường với mức thiệt hại khó lường, còn sau năm 2060, BĐKH sẽ trở thành hiện tượng phổ biến trong năm, tạo nên một chế độ khí hậu mới khác thường so với các thời kỳ quá khứ, với mức độ khắc nghiệt cao và ít thích hợp cho sự sống nói chung.

     Việt Nam đã có Kịch bản BĐKH mới nhất được ban hành bởi Bộ TN&MT vào năm 2016 với những diễn biến về thay đổi khí hậu, nhiệt trị, khí hậu cực đoan mới. Theo Kịch bản mới được cập nhật có thể thấy rằng, yếu tố lượng mưa của tỉnh Bình Phước được dự báo tăng nhiều so với các tỉnh thành khác trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, kết quả trên được dự đoán căn cứ trên số liệu thống kê trên diện rộng (150 trạm quan trắc trên cả nước), đồng thời, sử dụng các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực chưa được hiệu chỉnh thống kê sản phẩm mô hình phù hợp cho tỉnh Bình Phước nên kết quả dự báo chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh cũng như chưa có những đề xuất cần thiết để tỉnh có thể ứng phó và thích ứng với BĐKH trong tương lai.

     Trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến biến động diện tích và cơ cấu sử dụng đất, tiềm năng phát triển KT - XH, tiềm năng khai thác các loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, thực hiện từ năm 2018 - 2020, tỉnh đã tiến hành cập nhật lại các kịch bản BĐKH theo Kịch bản BĐKH cho Việt Nam, cập nhật mới vào năm 2016. Song song với đó, Đề tài cũng đã tiến hành mô hình hóa, xác định biến động và những tổn thương do BĐKH đến hoạt động phát triển KT - XH đến năm 2100. Những tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH đến KT - XH là đáng ghi nhận. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả trình bày những tác động đã được nhận diện và trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT - XH của địa phương trong những năm tới, nhằm thích ứng với BĐKH, đảm bảo phát triển KT - XH một cách bền vững.

     2. Phương pháp nghiên cứu

     Rà soát giải pháp lồng ghép, thích ứng với BĐKH là cả một quá trình, đòi hỏi nghiên cứu từ hiện trạng cho đến nguyên nhân, đặc trưng, giải pháp. Trước khi thiết lập giải pháp lồng ghép, tính dễ bị tổn thương và những tác động chính đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh Bình Phước đã được xác định. Do vậy, từ nghiên cứu đến giải pháp phải đi theo từng bước, đáp ứng với các nội dung như trong Hình 1.

 

     Để thực hiện được công tác này, chúng ta cần phải có một số phương pháp và cách thức thực hiện. Một số phương pháp chính như sau:

     2. 1. Phương pháp xây dựng kịch bản BĐKH cho từng khu vực của tỉnh Bình Phước:

     Phương pháp xây dựng kịch bản BĐKH trên cơ sở số liệu thực đo về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng, thủy văn, số liệu quan trắc về bão, các đợt nắng nóng, rét... sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính để xác định xu thế và mức độ biến đổi của các biến khí hậu trong quá khứ.

     Phương pháp chi tiết hóa động lực: Được sử dụng để tính toán xây dựng kịch bản BĐKH cho tỉnh Bình Phước thông qua các kịch bản BĐKH của Việt Nam đã được công bố (phiên bản năm 2016).

     2.2. Phương pháp đánh giá mức độ tổn thương các đối tượng do BĐKH: Phương pháp xây dựng bản đồ tác động và tổn thương do BĐKH: Sử dụng các mô hình kết hợp với công nghệ GIS để xây dựng các bản đồ tác động và tổn thương do BĐKH cho các đối tượng, lĩnh vực nghiên cứu.

     2.3. Phương pháp điều tra xã hội học: Phương pháp này nhằm thu thập thông tin, những phản hồi cũng như năng lực thích ứng của cộng đồng hoặc đối tượng bị ảnh hưởng nhằm có một sự chuẩn bị cho việc xác định các giải pháp thích ứng phù hợp.

     2.4. Phương pháp kế thừa: Sử dụng để kế thừa, áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới về ảnh hưởng của BĐKH đến biến động diện tích và cơ cấu sử dụng đất, tiềm năng phát triển KT - XH, tiềm năng khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước với biên độ thời gian đưa ra các dự báo đến năm 2100;

     2.5. Phương pháp nghiên cứu sử dụng các trường hợp tương tự: Phương pháp này sử dụng số liệu của các trường hợp tương tự ở một khu vực khác để đánh giác tác động của BĐKH lên đối tượng đang xem xét. Có 4 loại nghiên cứu tương tự thường được dùng là: Sự kiện lịch sử tương tự; Xu hướng lịch sử tương tự; Khu vực khí hậu hiện tại tương tự và Khu vực khí hậu tương lai tương tự.

     2.6. Phương pháp chuyên gia: Phương pháp này tập hợp ý kiến và đánh giá của các chuyên gia về tác động của BĐKH lên đối tượng đang xem xét. Ý kiến và đánh giá của các chuyên gia được tập hợp từ nguồn tài liệu nghiên cứu, các báo cáo đánh giá hoặc cuộc họp chuyên gia.

  1. Kết quả và thảo  luận

     3.1. Đặc điểm tổn thương KT - XH tỉnh Bình Phước do BĐKH

     Chỉ số tổn thương (V) do BĐKH được tính bằng việc cộng chỉ số nhạy cảm của KT - XH  (S) (dân số, dân cư, mật độ dân số, lao động, giới tính,diện tích sản xuất) và chỉ số phơi nhiễm (E) (khả năng hứng chịu trước BĐKH như tăng mưa, nhiệt, hạn hán, ngập lũ), mức độ tác động đến các thành phần KT - XH (I). Kết quả tính toán chỉ số tổn thương (V) đối với KT - XH do BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Phước thể hiện trong Bảng 1.

     Bảng 1: Bảng chỉ số tổn thương (V) do BĐKH đối với KT - XH tỉnh Bình Phước

Huyện thành

Chỉ số E

Chỉ số S

V 45-2025

V 45-2030

V 45-2050

V 45-2070

V 45-2100

V 85-2025

V 85-2030

V 85-2050

V 85-2070

V 85-2100

Đồng Xoài

0.33

0.21

0.56

0.57

0.56

0.58

0.57

0.57

0.57

0.57

0.58

0.58

Phước Long

0.37

0.24

0.69

0.71

0.70

0.73

0.72

0.66

0.68

0.72

0.73

0.73

Bình Long

0.37

0.24

0.69

0.67

0.67

0.67

0.68

0.68

0.66

0.67

0.67

0.67

Chơn Thành

0.35

0.25

0.69

0.69

0.68

0.68

0.69

0.69

0.69

0.68

0.68

0.68

Hớn Quản

0.37

0.25

0.74

0.72

0.72

0.71

0.73

0.74

0.72

0.72

0.71

0.71

Đồng Phú

0.32

0.26

0.67

0.70

0.68

0.69

0.69

0.68

0.71

0.69

0.69

0.70

Lộc Ninh

0.38

0.19

0.65

0.64

0.64

0.63

0.65

0.63

0.63

0.64

0.63

0.63

Phú Riềng

0.36

0.25

0.74

0.76

0.75

0.76

0.77

0.72

0.73

0.75

0.76

0.74

Bù Đăng

0.36

0.21

0.67

0.67

0.66

0.68

0.67

0.67

0.66

0.68

0.68

0.69

Bù Đốp

0.41

0.23

0.72

0.71

0.72

0.73

0.74

0.70

0.69

0.74

0.73

0.71

Bù Gia Mập

0.43

0.17

0.76

0.76

0.75

0.76

0.76

0.72

0.73

0.77

0.76

0.74

 

Hình 2: Bản đồ chỉ số tổn thương do BĐKH tỉnh Bình Phước - RCP4.5-2100

Hình 3: Bản đồ chỉ số tổn thương do BĐKH tỉnh Bình Phước - RCP8.5-2100

     Ở Bảng 1 trình bày chỉ số dễ bị tổn thương (DBTT) do BĐKH tại tỉnh Bình Phước đối với KT - XH được tính toán cấu phần từ (E, S, I). Trong đó có thể thấy, các huyện, thành, thị như Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phú Riềng, Bù Đăng hứng chịu trước BĐKH thấp (chỉ số E từ 0.32 - 0.38), còn huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập hứng chịu trước BĐKH vừa (E từ 0.41 - 0.43). Trong khi đó, tiềm năng KT - XH có mức nhạy cảm với BĐKH thấp, thấp nhất là huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập, các huyện, thành còn lại có mức độ nhạy cảm thấp. Tuy nhiên, vì mức độ hứng chịu trước thiên tai của huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập là mức vừa, kết hợp khả năng thích ứng tương đối thấp, do vậy, mức độ tổn thương là cao (trên 0.70).

     Trong kết quả tính toán tính dễ bị tổn thương thì TP. Đồng Xoài chịu mức độ tổn thương thấp nhất ở tất cả kịch bản, tuy nhiên, mức độ tổn thương cũng ở mức vừa theo 5 thang đánh giá, giá trị V là 0.56 - 0.58. Điều này cũng giải thích rằng vì mức độ hứng chịu (khoảng 0.33) và nhạy cảm (khoảng 0.21) trước BĐKH của TP. Đồng Xoài là thấp, bên cạnh đó, thành phố có khả năng thích ứng cao, do đây là trung tâm hành chính, trình độ dân trí cao, tỷ lệ giới tính cân bằng và khả năng hiểu biết tốt, do vậy, tính tổn thương thấp nhất trong 11 huyện, thành.

     Bốn huyện gồm Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản và Phú Riềng chịu tổn thương do BĐKH cao nhất trong các huyện, thị, ở mức cao trong thang thứ 4 (theo thang đánh giá), ở tất cả các kịch bản đều đỏ, huyện Bù Gia Mập là phải cẩn trọng nhất bởi mức tổn thương đã gần ở thang cuối cùng. Do vậy các tỉnh này phải nâng cao khả năng thích ứng thì mới giúp giảm tính DBTT, ít hứng chịu trước thiên tai, KT - XH cần phát triển mặc dù mức nhạy cảm là rất thấp.

     Do vậy khả năng thích ứng là rất quan trọng trong ứng phó với BĐKH, bởi tính nhạy cảm có thấp mà mức độ ứng chịu cao, khả năng thích ứng thấp thì sẽ dẫn đến mức độ tổn thương trước BĐKH là cao và nguy hại.

      3.2. Năng lực thích ứng với BĐKH của tỉnh Bình Phước

     Qua tiến trình tham vấn, lấy ý kiến của các cộng đồng dân cư và một số tổ chức tại đại phương về nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Phước thấy rằng:

     - Về các biểu hiện, tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Phước, theo đánh giá chung của nhân dân, các biểu hiện sau là phổ biến nhất: Mưa nhiều và bất thường hơn; Nắng nóng hơn; Chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhiều hơn; Các hiện tượng thời tiết bất thường (dông, sấm, sét, mưa đá, lốc xoáy, sương mù...) xảy ra nhiều.

     - Về các giải pháp thích ứng với BĐKH hiện nay, đa số ý kiến nhân dân đều tập trung vào các giải pháp phi công trình, các giải pháp công trình ít được kiến nghị hơn, nếu có thì chủ yếu liên quan đến vấn đề sử dụng tiết kiệm điện năng, nước và sử dụng các thiết bị điện bảo đảm vi khí khậu trong nơi ở vào mùa nóng nực.

     Qua ý kiến phỏng vấn có thể thấy rằng, nhận biết và năng lực thích ứng của người dân, các tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn rất hạn chế, cần được tăng cường bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, việc lồng ghép BĐKH vào QH, KH ngành và phát triển KT - XH là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

     3.3. Lồng ghép BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên và phát triển KT - XH của tỉnh Bình Phước

     Lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT- XH, trong đó khai thác khoáng sản và sử dụng đất ở địa phương là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển bền vững nhằm thích ứng với BĐKH. Dựa trên các kết quả nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, đã xác định được bộ tiêu chí lựa chọn các biện pháp thích ứng với BĐKH và các công cụ thực hiện lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT - XH cho tỉnh Bình Phước. Từ đó, xây dựng được quy trình lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT - XH cho địa phương, kể cả ở quá trình xây dựng mới và rà soát, bổ sung kế hoạch phát triển phát triển KT - XH. Đây có thể là những công cụ hữu hiệu nhằm nhanh chóng đưa vấn đề BĐKH vào thực tiễn sản xuất của tỉnh Bình Phước. Dựa trên quy trình lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển do Bộ TN&MT đề xuất, căn cứ vào những phân tích ở các phần trên, quy trình lồng ghép BĐKH vào quá trình xây dựng QH, KH phát triển KT - XH được đề xuất như sau:

     - Bước 1: Lồng ghép nội dung bước T1 (sàng lọc) của quy trình tích hợp BĐKH vào quy hoạch (QH), kế hoạch (KH) phát triển KT - XH vào bước 1, bước 2 của quá trình xây dựng QH, KH. Nội dung của bước này là cùng với việc thu thập số liệu, nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự phát triển KT - XH tại địa phương thì cần phải đồng thời thu thập luôn cả các số liệu liên quan đến diễn biến khí hậu, xác định kịch bản BĐKH có ảnh hưởng rõ nét và gần nhất với điều kiện của địa phương, từ đó đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của BĐKH đến QH, KH đang được xây dựng.

     - Bước 2: Lồng ghép bước T2 của quy trình tích hợp BĐKH và QH, KH phát triển KT - XH vào bước 3, bước 4 của quy trình xây dựng QH, KH. Nội dung của bước này là xác định đồng thời quan điểm, mục tiêu phát triển của từng giai đoạn cụ thể của tỉnh Bình Phước với mục tiêu thích ứng với BĐKH và đặt ra các chỉ tiêu thích ứng làm cơ sở cho việc đánh giá việc thực hiện hoạt động của QH, KH sau này, từ đó đưa ra chỉnh sửa phù hợp hơn. Dựa trên các mục tiêu thích ứng đã được xác định, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn đã được xác định từ trước, lựa chọn biện pháp thích ứng trong phạm vi QH, KH được xây dựng. Việc lựa chọn các biện pháp thích ứng theo cách lập Hội đồng chuyên gia đánh giá bằng cách cho điểm đối với từng biện pháp thích ứng, từng tiêu chí lựa chọn. Hội đồng chuyên gia có đầy đủ các nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển KT - XH và BĐKH, các ngành, lĩnh vực đại diện.

     - Bước 3: Lồng ghép bước T3 của quy trình vào bước 5 của quy trình xây dựng QH, KH phát triển KT - XH. Nội dung của bước này là các vấn đề BĐKH phải được thể hiện trong nội dung của văn bản QH, KH phát triển KT - XH được xây dựng. Nội dung ứng phó với BĐKH cần được thể hiện ngay từ phần quan điểm phát triển và mục tiêu tổng quát. Các biện pháp thích ứng được lựa chọn cũng cần được thể hiện trong phần giải pháp thực hiện QH, KH phát triển KT - XH được xây dựng. Sau khi thông qua kế hoạch phát triển KT - XH phải được thông báo đến các đơn vị liên quan trong tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các Bộ liên quan… trong thời hạn 45 ngày theo quy định để lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện QH, KH.

     - Bước 4 (Bước T4): Triển khai thực hiện QH, KH phát triển KT - XH đã được lồng ghép BĐKH. Sau khi QH, KH đã được phê duyệt, ban hành, UBND tỉnh Bình Phước sẽ chủ động tổ chức phân công thực hiện các nội dung của QH, KH nhằm đạt được mục tiêu đề ra, nhất là các mục tiêu BĐKH đã được lồng ghép. Trong quá trình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TN&MT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ UBND huyện, thị và các ngành liên quan thực hiện biện pháp thích ứng đã được lồng ghép trong QH, KH vào ngành và địa phương của mình.

     - Bước 5 (Bước T5): Giám sát và đánh giá. Trong giai đoạn này, bên cạnh đánh giá việc thực hiện các hoạt động phát triển KT - XH, cần đánh giá được việc thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH đã đặt ra. Sử dụng các tiêu chí giám sát và đánh giá được xây dựng từ trước để đánh giá một cách khách quan kết quả lồng ghép. Dựa trên kết quả đánh giá, có thể đưa ra những điều chỉnh về mặt chỉ tiêu, cũng như các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hợp lý để sát hơn với tình hình thực tế nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

     Bảng 2: Quy trình lồng ghép BĐKH vào quá trình xây dựng mới quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh Bình Phước

Quy trình xây dựng mới QH, KH phát triển KT-XH

Qui trình tích hợp BĐKH vào QH, KH phát triển

Quy trình xây dựng QH, KH phát triển KT-XH có lồng ghép BĐKH

Lý do của việc hình thành nội dung quy trình lồng ghép BĐKH

Bước 1: Xử lý các kết quả điều tra cơ bản đã có, điều tra bổ sung thu thập số liệu, nghiên cứu tác động của các yếu tố bên ngoài. Đánh giá và dự báo các yếu tố về nguồn lực PT, yếu tố KHCN và các yếu tố phát triển KT - XH khác.

Bước T1: Sàng lọc

Bước 1: Thực hiện như bước 1 cũ, nhưng bổ sung thêm việc nghiên cứu tác động của BĐKH đến phát triển KT - XH và một số ngành đặc thù của tỉnh như khoáng sản, và sử dụng đất (bước T1).

Các tác động của BĐKH cần được xem xét ngay từ bước đầu của quy trình lập QH, KH mới bảo đảm hiệu quả của việc lồng ghép.

Bước 2: Nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát.

Bước T1: Sàng lọc

Bước 2: Nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát trong điều kiện BĐKH.

Mục tiêu ứng phó với BĐKH phải trở thành một trong những mục tiêu của QH, KH. Việc lồng ghép không có ý nghĩa khi việc ứng phó với BĐKH không trở thành một trong những mục tiêu của QH, KH.

Bước 3: Xác định quan điểm và mục tiêu cụ thể của sản xuất, định hướng phát triển và tổ chức thực hiện.

Bước T2: Lựa chọn biện pháp ứng phó

Bước 3: Xác định quan điểm và mục tiêu cụ thể của sản xuất cùng với mục tiêu thích ứng với BĐKH, định hướng phát triển và tổ chức thực hiện.

Việc lựa chọn các biện pháp ứng phó cần dựa trên quan điểm, mục tiêu phát triển nhằm đạt được sự hài hòa giữa ứng phó với BĐKH và phát triển KT - XH.

Bước 4: Lập báo cáo QH, KH phát triển KT - XH trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bước T3: Thực hiện lồng ghép

Bước 4: Lập báo cáo QH, KH phát triển KT - XH có lồng ghép vấn đề BĐKH, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện lồng ghép vấn đề BĐKH vào nội dung QH, KH phát triển KT - XH trong quá trình dự thảo.

Bước 5: Thông báo QH, KH phát triển KT - XH trong thời hạn 45 ngày sau khi được thông qua

 

Bước 5: Thông báo QH, KH phát triển KT - XH đã lồng ghép nội dung BĐKH trong thời hạn 45 ngày sau khi được thông qua.

 

Giai đoạn thực hiện

Bước T4: Thực hiện QH, KH đã tích hợp vấn đề BĐKH

Thực hiện QH, KH đã được lồng ghép vấn đề BĐKH.

Đây là bước nằm ngoài quy trình lập mới QH, KH phát triển KT - XH, nhưng là bước thực hiện quan trọng để kiểm tra tính xác thực của việc lồng ghép BĐKH vào QH, KH.

Giai đoạn giám sát và đánh giá

Bước T5: Giám sát và đánh giá

Giám sát và đánh giá cả mục tiêu phát triển KT - XH lẫn mục tiêu thích ứng với BĐKH.

Khẳng định việc lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững. Phát hiện và sửa chữa những mặt còn thiếu sót, hạn chế để sửa đổi, bổ sung QH, KH nâng cao tính hiệu quả, thiết thực của QH, KH.

Nguồn: Nguyễn Mạnh Dũng [7], có bổ sung, chỉnh sửa

  1. Kết luận

     BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian qua rất rõ nét, đang dần đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động phát triển KT - XH và những lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình phân tích, đánh giá mức độ tổn thương đến tiềm năng KT - XH dựa trên mức độ nhạy cảm, khả năng hứng chịu và khả năng thích ứng có thể nhận thấy tình hình phát triển KT - XH của tỉnh Bình Phước chịu tổn thương rất đáng kế của BĐKH.

     Nguyên nhân dẫn đến mức độ phơi nhiễm của tỉnh có nguy cơ tăng cao chủ yếu do các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa gió thất thường, nhiệt, ngập, hạn hán…). Bên cạnh đó, tính nhạy cảm của địa phương cũng khá cao, vì các loại tài nguyên thiên nhiên, lĩnh vực kinh tế còn phụ thuộc vào thời tiết như nông nghiệp, khai thác khoáng sản và sức ép gia tăng dân số, lao động có trình độ, hiểu biết còn thấp.

     Trong thời gian sắp tới, nhằm nâng cao nhận thức người dân, các cấp chính quyền cần thiết lập hành lang chính sách để BĐKH được lồng ghép tốt nhất vào quá trình phân tích, đánh giá và hoạt động của từng lĩnh vực. Đây chính là một bước giúp cho những hiểu biết về tác động, tổn thương do BĐKH đến gần nhất với các đối tượng cần tiếp nhận.

     Việc tích hợp (lồng ghép) được vấn đề BĐKH vào trong QH, KH phát triển KT - XH, cũng như phát triển ngành của địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì chỉ có vậy mới có thể định hướng các hoạt động này trong một thể thống nhất, hoàn chỉnh và tác động hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện. Trước hết cần xác định được đầy đủ, đúng đắn các tiêu chí lồng ghép BĐKH trong QH, KH phát triển KT - XH một cách cụ thể.

     Trong nghiên cứu này, bước đầu nhóm tác giả đã đưa ra được bộ tiêu chí, các bước khung để lồng ghép BĐKH vào QH, KH phát triển KT - XH của tỉnh Bình Phước và lộ trình lồng ghép cần được thực hiện ngay, cập nhật, đánh giá một cách liên tục, giúp cho KT - XH của tỉnh phát triển hài hòa, ổn định, bền vững.

Lê Hoài Nam

Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam

Nguyễn Vũ Luân

Trung tâm Tư vấn và Kỹ thuật Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ TN&MT, 2012. Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam.
  2. Bộ TN&MT, 2016. Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam.
  3. UBND tỉnh Bình Phước, 2012. Quyết định 1485/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2020.
  4. Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam, 2010, Phương pháp tiến hành đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng ở cấp tỉnh.
  5. Mai Hạnh Nguyên và cộng sự, 2015. Giải pháp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ứng phó với BĐKH, nước biển dâng cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 31, Số 3 (2015), p. 38-49.
  6. Nguyễn Mạnh Dũng, Lồng ghép BĐKH với QH, KH sản xuất diêm nghiệp.
  7. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, 2020. Báo cáo Tổng hợp Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh: Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến biến động diện tích và cơ cấu sử dụng đất, tiềm năng phát triển KT - XH, tiềm năng khai thác các loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

STUDYING AND PROPOSING OF INTEGRATING CLIMATE CHANGE INTO THE SOCIO - ECONOMIC DEVELOPMENT PLANNINGS OF BINH PHUOC PROVINCE

Lê Hoài Nam

 South Center of Environmental Monitoring

Nguyễn Vũ Luân

 Center of Environmental Technology and Consultancy

 

ABSTRACT

The Climate Change Scenario of Binh Phuoc Province was developed in 2012 and until 2020, the scenario will continue to be updated on the basis of the Climate Change and Sea Level Rise Scenario for Vietnam announced in 2016. Based on the new update scenario, the impacts and vulnerabilities to socio-economic target have been identified under 2 scenarios RCP 4.5 and RCP 8.5. Accordingly, the socio-economy of Binh Phuoc province will have a great impact in the coming time if there is no timely adaptation. It is necessary to immediately develop and have a specifc route for integrating climate change into socio-economic development plans. In this study, the authors established the groups of criteria, steps for integrating and evaluating the integration of climate change into the provincial socio-economic development plans. Depending on the characteristics of the locality, steps can be developed or narrowed down to ensure that the integration of climate change into plans successfully and effectively implemented, contributing to development socio-economic of Binh Phuoc province to be sustainable.

Key world: Socio-economic of Binh Phuoc province, climate change, vulnerability by climate change.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn