Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương và những khó khăn trong công tác quản lý

26/04/2021

Tóm tắt                                           

    Hải Dương là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng Bắc Bộ nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã. Những năm gần đây, Hải Dương có tốc độ phát triển nhanh, vì vậy lượng nước thải ra môi trường cũng gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả điều tra, khảo sát, tổng lượng nước thải từ nhiều nguồn của Hải Dương khoảng 69 triệu m3/năm, tương đương với lưu lượng trung bình khoảng 190 nghìn m3/ngày đêm. Toàn bộ lượng nước thải sau khi thu gom và xử lý đều xả ra hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn và một số hồ, mương, kênh, rạch… đây là nguồn nước chính sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các thủ tục quản lý tài nguyên nước còn gặp nhiều khó khăn và chồng chéo do việc thẩm định cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là thẩm quyền của Sở Tài nguyên và môi trường (tuân theo Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13); còn việc thẩm định cấp phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi lại thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thực hiện theo Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14). Vì vậy, đánh giá hiện trạng xả thải và quản lý xả thải nhằm chỉ ra những hạn chế, khó khăn có ý nghĩa quan trọng cho quản lý và bảo vệ môi trường.

Từ khóa: Hải Dương, nước thải, xả thải, quản lý, cấp phép

1. Tổng quan vùng nghiên cứu

    Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí địa lý tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội: phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông và Đông Nam giáp thành phố Hải Phòng, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hưng Yên, Tổng diện tích tự nhiên 165.476,86 ha. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía đông, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía Tây. Theo quy hoạch năm 2007, Hải Dương nằm trong vùng Thủ đô với vai trò là một trung tâm công nghiệp của toàn vùng [6].

2. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt

 

    Toàn tỉnh Hải Dương có 94 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt các loại, trong đó có 4giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cấp cho các Trạm cấp nước tập trung phục vụ sản xuất nước sạch dùng trong sinh hoạt cho nhân dân, 958 trạm bơm tưới, tổng năng lực tưới của các trạm bơm là 27.112 ha với lưu lượng tưới 646 m3/s. Các hồ chứa trong tỉnh chủ yếu là các hồ đập nhỏ [1,8] .

    Theo kết quả điều tra, thu thập hiện trạng các công trình khai thác tài nguyên nước mặt thuộc các trạm cấp nước tập trung (công suất >10.000 m3/ngày) trên địa bàn tỉnh Hải Dương được kê chi tiết ở bảng 1 sau:

Bảng 1. Tổng hợp các công ty cấp nước tập trung từ các nguồn nước mặt [8]

TT

Tên công ty cấp nước

Số giấy phép

Ngày, tháng, năm cấp

Ngày, tháng, năm hết hạn

Nguồn nước

Vị trí khai thác

Quy mô khai thác

(m3/ng)

1

Công ty CP cấp nước Phúc Hưng Hải Dương

Số 633/GP-UBND

23/02/2017

23/02/2022

Sông Thái Bình

Xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ

15.000

2

Công ty cổ phần cấp nước Phúc Hưng Hải Dương

Số 634/GP-UBND

23/02/2017

23/02/2022

Sông Kinh Thầy

Phường Văn An, thị xã Chí Linh

20.000

3

Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Thanh Sơn

Số 1810/GP-UBND

20/6/2017

20/6/2022

Sông Thái Bình

Xã Nam Đồng, TP. Hải Dương

10.000

4

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương

Số 4130/GP - UBND

25/12/2017

25/12/2022

Sông Thái Bình

Phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương

30.000

5

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương

Số 4132/GP - UBND

25/12/2017

25/12/2022

Sông Luộc

Xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện

12.000

6

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương

Số 4134/GP - UBND

25/12/2017

25/12/2022

Sông Thái Bình

Phường Việt Hòa, TP. Hải Dương

49.500

7

Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Nam Sơn

Số 127/GP- UBND

16/01/2018

16/01/2023

Sông Kinh Thầy

Xã An Bình, huyện Nam Sách

12.000

8

Công ty TNHH nước sạch An Bình

Số 74/GP- UBND

09/01/2020

09/01/2025

Sông Luộc

Xã Đức Xương, huyện Gia Lộc

10.000

     Theo thiết kế, các hệ thống trạm bơm tưới có khả năng cung cấp đủ nước cho nông nghiệp không chỉ ở tỉnh Hải Dương mà còn cho các tỉnh ở lân cận. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu nên đến nay một số công trình đã bị xuống cấp, thêm vào đó nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp ngày càng tăng cao (do thâm canh, tăng vụ...) nên tạo áp lực cho các hệ thống với mức độ ngày càng nhiều. Chính vì vậy cần nâng cấp các công trình đầu mối, các hệ thống kênh chính (tưới, tiêu) và bổ sung thêm một số công trình tưới tiêu kết hợp vào hệ thống.

    Hiện nay, tất cả các hồ chứa nội thành đều do Xí nghiệp thủy lợi Hải Dương quản lý, còn các hồ chứa, cống và trạm bơm của các huyện ngoại thành đều do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, ngoài ra còn nhiều các công trình do xã quản lý. Tuy nhiên, các công trình này hầu như không có hồ sơ thiết kế cũng như các văn bản, báo cáo liên quan. Công tác quản lý các công trình đều do các cá nhân kiêm nhiệm ở xã nên không có quy trình cũng như hồ sơ quản lý. Đối với các công trình phục vụ tưới, xét theo diện tích được tưới so với diện tích thiết kế của các công trình thì hiệu quả đạt khoảng 70%.

     Do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang diễn ra ở các huyện ven đô, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp nhường chỗ cho khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp…, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước nông nghiệp ở Hải Dương có thiên hướng giảm trong những năm gần đây, vì vậy các công trình khai thác nước phục vụ tưới, tiêu phần lớn đều không hoạt động hết công suất thiết kế.

    Như vậy ta thấy, hầu hết nguồn nước được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh, ăn uống sinh hoạt, nông nghiệp… chủ yếu liên quan đến nguồn nước mặt. Do vậy nếu chất lượng xả nước thải không đạt tiêu chuẩn xả vào nguồn nước sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến tính chất nguồn nước và môi trường. Vì thế, các nhà quản lý cần có những chính sách, giải pháp để quản lý đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao khả năng quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước này.

3. Hiện trạng xả nước thải vào nguồn

3.1. Lượng nước xả thải vào nguồn

     Tổng lượng nước thải của các loại hình sản xuất trên địa bàn tỉnh vào khoảng 69 triệu m3/năm, tương đương với lưu lượng trung bình khoảng 190 nghìn m3/ngày (không kể nước thải nông nghiệp) [2,7,8].

Bảng 2. Tổng hợp lượng nước thải trên phạm vi toàn tỉnh [2,7,8]

STT

Loại hình xả nước thải

Lưu lượng NT, m3/ngày

Lưu lượng NT, triệu m3/năm

Tỷ lệ NT%

I

Sản xuất công nghiệp

166.210

60.666.650

87,4

II

Sinh hoạt đô thị

23.625

8.623.125

12,4

III

Y tế

252

91.980

0,1

 

Tổng cộng

190,087

69,381,755

100,0

Hình 1. Cơ cấu tỷ lệ các loại hình nước thải

     Từ Bảng 2 và Hình 1 ta thấy, nước thải sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn gần 88%; tiếp đến là nước thải sinh hoạt đô thị khoảng 12 %; còn nước thải y tế, bệnh viện chỉchiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 0,1%. Hầu hết lượng nước thải nêu trên đều xả vào các sông Thái Bình, Kinh Môn, Kinh Thầy, Ghẽ, Luộc và các sông khác.

3.2. Tình hình xử lý nước thải

- Nước thải sinh hoạt: Hầu hết nước thải sinh hoạt ở thành phố Hải Dương đều được xử lý sơ bộ ở các hộ gia đình bằng bể phốt trước khi đưa vào hệ thống kênh thải chung của khu vực. Ở khu dân cư thuộc các thị trấn, thị tứ của các huyện lỵ trong tỉnh thì tỷ lệ cũng như mức độ xử lý sơ bộ nhất là ở các hộ gia đình lẻ sẽ kém hơn. Nhìn chung, đến nay cả ở khu vực thành phố, thị trấn đều chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung [2,8].

- Nước thải công nghiệp: Đối với các khu công nghiệp tập trung: trong số 11 KCN đã hoạt động như KCN Nam Sách, KCN Đại An, KCN Phúc Điền, KCN Phú Thái, KCN Cộng Hòa, KCN Lai Vụ… hầu hết các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất trong KCN thường tự xử lý nước thải trước khi thải vào kênh thải chung của KCN. Một số KCN có hệ thống xử lý nước thải khá đơn giản và lạc hậu nên chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt chất lượng theo quy định QCVN 40: 2011/BTTNMT [2,8,9]. Đối với các cơ sở sản xuất ở ngoài KCN tập trung thì hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải.

- Nước thải y tế, bệnh viện: theo kết quả tổng hợp số liệu điều tra, thu thập, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 287 cơ sở y tế, bệnh viện. Trong số đó, có 20 bệnh viện, 6 phòng khám khu vực và 263 trạm y tế xã phường. Mới có một số bệnh viện, Trung tâm y tế được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, còn lại các cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng chưa đạt chuẩn [2,8].

3.3. Chất lượng nước xả thải                             

     Trong quá trình thực nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy mẫu, phân tích chất lượng tại 24 điểm xả thải trên địa bàn tỉnh [2,8]. Chất lượng nước thải được thống kê trong bảng 3 dưới đây:

Bảng 3. Chất lượng nước xả thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương [2,8]

TT

Chỉ tiêu phân tích

Hàm lượng

(mg/l)

Giá trị TB

(mg/l)

Số lượng mẫu

vượt QCVN 40: 2011/BT

Cột A

Cột B

1

BOD5

44-364

126

14

6

2

COD

66-542,2

200

12

6

3

As

0,00214-0,00428

0,00312

0

0

4

Hg

0,00028-0,00046

0,00037

0

0

5

Mn

0,25-074

0,157

15

4

6

Zn

0,027-0,372

0,11

10

4

7

Cu

0,00199-0,00607

0,00366

0

0

8

Cd

0,0018-9,00044

0,00328

0

0

9

Ni

0,00328-0,00648

0,00382

0

0

     Từ các chỉ tiêu phân tích trong bảng 3 ta thấy, nước thải xả vào nguồn trên địa bàn tỉnh Hải Dương có dấu hiệu ô nhiễm về các chỉ tiêu BOD5, COD, Mn, Zn có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn tiếp nhận, đặc biệt nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Các chỉ tiêu kim loại nặng khác As, Hg, Cu, Cd, Ni đáp ứng QCVN 40: 2011/BTNMT trước khi xả ra môi trường [2,8,9].

4. Những khó khăn trong quản lý, cấp phép

     Hiện tại, công tác quản lý, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn gặp nhiều khó khăn do việc thẩm định hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy phép (thực hiện theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 số 17/2012/QH13) [3]. Tuy nhiên việc thẩm định hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy phép (thực hiện theo Luật Thủy lợi năm 2017 số 08/2017/QH14) [4]. Điều đó, dẫn tới việc quản lý các nguồn xả thải cũng như việc cấp giấy phép xả nước thải gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (ngày 17/11/2020) [5] đã đưa các quy định pháp luật về tài nguyên nước, phân chia cụ thể, rõ ràng các cấp thẩm quuyền cấp giấy phép môi trường, có sự thống nhất giữa các Bộ, Ban, Ngành trong cấp phép, quản lý tài nguyên nước nhằm khắc phục việc chồng chéo trong quản lý, thẩm định như hiện nay. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trong công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thực tế.

5. Kết luận

     Tài nguyên nước trên địa bàn Hải Dương rất đa dạng và phong phú, việc khai thác nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội chủ yếu từ nguồn nước mặt từ hệ thống các sông Thái Bình, Kinh Thày, Kinh môn, Luộc. Tổng lượng nước mặt sử dụng từ các nhà máy, trạm cấp nước trong toàn tỉnh khoảng 77.550 m3/ngày đêm. Tổng lượng nước thải từ nhiều nguồn của Hải Dương khoảng 69 triệu m3/năm, tương đương với lưu lượng trung bình khoảng 190 nghìn m3/ngày đêm. Các nguồn thải chính là nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải y tế, bệnh viện. Chất lượng nước xả thải còn một số thông số chưa đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Nguồn tiếp nhận nước thải nêu trên là các hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn và một số hồ, mương, kênh, rạch. Đây cũng chính là nguồn nước chính khai thác phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, ăn uống, sinh hoạt, nông nghiệp. Vì vậy cần đồng bộ và liên kết trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước nằm khắc phục những khó khăn trong việc kiểm soát và thực hiện quản lý xả nước thải vào nguồn.

Đỗ Thị Hải1, Ngô Thị Thảo2, Đỗ Văn Bình1, Trần Thị Kim Hà1

Đỗ Cao Cường1, Hoàng Thu Trang1

                                                1Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất

2Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hải Dương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Quản lý Tài nguyên nước, 2006, Báo cáo Dự án “Điều tra tài nguyên nước, tình hình khai thác và xả nước thải vào nguồn nước ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”.

  2. Cục quản lý Tài nguyên nước, 2006, Báo cáo chuyên đề “Hiện trạng xả thải vào nguồn nước và ô nhiễm nguồn nước ở các khu vực trọng điểm”.

  3. Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 năm 2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  4. Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  5. Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14 năm 2020 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  6. Sở Tài nguyên và môi trường Hải Dương, 2013, Báo cáo tổng hợp quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hải Dương.

  7. Sở tài nguyên và môi trường Hải Dương, 2015, Báo cáo Điều tra, khảo sát thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

  8. Sở tài nguyên và môi trường Hải Dương, 2021, Báo cáo công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

  9. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN40: 2011/BTNMT năm 2011 của Bộ tài nguyên và môi trường.

 

Current status of wastewater discharge in Hai Duong and difficulties in management

Do Thi Hai1, Ngo Thi Thao2, Do Van Binh1, Tran Thi Kim Ha 1, Do Cao Cuong1, Hoang Thu Trang1

1Faculy of Environment, Hanoi university of mining and geology (HUMG)

 2Haiduong Environement and Natural Resources Department

Abstract

     Hai Duong is an important economic area of ​​the Northern Delta, with a very favorable position for socio-economic development. In recent years, Hai Duong has a fast development rate and therefore the amount of wastewater discharged into the environment has also increased. According to the survey and survey results, the total volume of wastewater from many sources in Hai Duong is about 69 million m3/year, equivalent to an average flow of about 190 trillion m3/year. The entire amount of water, after being collected and treated, goes to the system of Thai Binh, Luoc, Kinh Thay, Kinh Mon and a number of lakes, canals, canals and ditches. In fact, due to the many difficulties and overlaps in management procedures, the appraisal of wastewater discharge permit is the authority of the Department of Natural Resources and Environment (in accordance with the Law on Water Resources No. 17/2012/QH13) while the licensing and approval of this document are under the control of the Department of Agriculture and Rural Development (comply with the Law on Irrigation No. 08/2017/QH14). Therefore, assessing the current status of waste discharge and waste discharge management to point out the limitations and shortcomings that have important implications for environmental management and protection.
Keywords: Hai Duong, wastewater, wastewater discharge, management, licensing

 

Ý kiến của bạn