Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 29/07/2025

Giải pháp quản lý dòng thải từ hoạt động nuôi và chế biến cá lóc của nông hộ theo mô hình sinh thái khép kín

24/07/2025

    Tóm tắt:

    Mặc dù sinh kế của các hộ tại các vùng nông thôn hiện nay được cải thiện, việc quản lý chất thải từ các hoạt động sinh kế của các nông hộ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bài báo này giới thiệu mô hình sinh thái khép kín cho hoạt động sinh kế của hộ nuôi và chế biến cá lóc nhằm quản lý dòng thải phát sinh từ hoạt động sinh kế của hộ và tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ trên nền tảng tích hợp các mô hình sinh thái khác nhau. Bài báo đã cho thấy, thiết kế của mô hình cùng với các thông số kỹ thuật của các hạng mục trong mô hình phù hợp với sinh kế của hộ. Đồng thời, các giải pháp được đề xuất để khuyến khích xây dựng và duy trì mô hình sinh thái khép kín.

    Từ khóa: Quản lý dòng thải, mô hình sinh thái khép kín, chế biến cá lóc.

    Ngày nhận bài: 30/5/2025; Ngày sửa chữa: 19/6/2025; Ngày duyệt đăng: 25/6/2025.

WASTE MANAGEMENT CLOSED-ECO-MODEL-BASED METHODS FOR SNAKEHEAD FISH FARMING AND PROCESSING ACTIVITIES OF A HOUSEHOLD

    Abstract:

    Although the livelihoods of rural households has improved, the issue of waste management from their livelihoods has not yet received adequate attention. This paper introduced a closed eco-model for the livelihood activities of a snakehead fish farming and processing household based on the integration of various eco-models. The aim is to manage waste streams in a way that utilizes local resources. The paper showed that the model and the technical specifications of its components are well-suited to household livelihoods. In addition, methods are proposed to encourage the development and maintenance of sustainable closed-loop ecological systems.

    Keywords: Waste streams management, closed eco-model, snakehead fish processing.

    JEL Classifications: Q55, Q56, O13.

    1. Giới thiệu

    Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, việc chuyển đổi từ mô hình canh tác thuần nông nghiệp sang mô hình hoạt động sản xuất dựa trên thương mại, dịch vụ và các hoạt động chế biến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đã góp phần cải thiện sinh kế của hộ gia đình ở nông thôn hiện nay (Deininger and Olinto, 2001; Peng et al., 2020; Reardon, 1997; Tran, 2013). Việc chuyển đổi này xuất phát từ mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc của hoạt động sinh kế vào quá trình canh tác nông nghiệp trước các biến động về thời tiết và khí hậu, cũng như trước các biến động của thị trường (Hùng, 2019). Nhờ đó, các hộ có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập và thoát nghèo. Quá trình này đặc biệt có ý nghĩa trong việc giảm nghèo tại các nước ở Châu Á và Châu Phi (Otsuka and Yamano, 2006; Rantšo, 2016).

    Tại Việt Nam, việc kết hợp hoạt động canh tác nông nghiệp với hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ ở các hộ gia đình tại các vùng nông thôn hiện nay đã tạo ra thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện sinh kế của các hộ này. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất thải từ các hoạt động sinh kế của các nông hộ vẫn chưa được các hộ này quan tâm đúng mức. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo và cộng sự cho thấy đối với hộ chăn nuôi kết hợp với sản xuất bánh tráng, dòng thải phát sinh từ hoạt động sinh kế của hộ bao gồm nước thải, chất thải rắn, bụi và CO2 (Nguyễn Thị Phương Thảo, 2017). Do đó, việc áp dụng mô hình quản lý chất thải theo hướng sinh kế khép kín là cần thiết để nhằm tạo ra sinh kế bền vững cho hộ dân. Vì vậy, bài báo giới thiệu mô hình sinh thái khép kín được xây dựng cho sinh kế của hộ nuôi và chế biến cá lóc cùng các giải pháp để nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia xây dựng mô hình sinh thái khép kín để duy trì sinh kế của hộ, giảm thiểu quá trình xả thải ra đến môi trường.

    ​2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Hộ kinh doanh khô cá lóc tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với sinh kế chính là nuôi và chế biến cá lóc (Hình 1).

Hình 1. Ao nuôi cá lóc

    Sản lượng cá tươi khoảng 600 kg/ngày, tương đương với khoảng 150 kg khô cá lóc/ngày. Hộ gia đình có 3 ao nuôi cá chính, mỗi ao diện tích 1.000 m², và các ao nuôi dự phòng (Hình 2).

Hình 2. Sơ đồ mặt bằng của hộ khảo sát

    2.2. Phương pháp nghiên cứu

    2.2.1. Phương pháp thu thập và tổng hợp tài liệu

    Phương pháp thu thập và tổng hợp tài liệu đóng vai trò quyết định trong việc thiết kế mô hình nuôi và chế biến thủy sản tích hợp theo hướng sinh thái bền vững. Tài liệu từ các nguồn khác nhau, cả sơ cấp lẫn thứ cấp, sẽ được sử dụng để tạo nền tảng lý thuyết và cơ sở thực tiễn cho các giải pháp kỹ thuật.

    2.2.2. Phương pháp khảo sát thực địa

    Khảo sát thực địa là phương pháp quan trọng nhằm đánh giá điều kiện thực tiễn của các hộ nuôi và cơ sở chế biến thủy sản tại An Giang. Các thông tin thu thập từ khảo sát sẽ giúp định hình các giải pháp kỹ thuật và các bước xây dựng mô hình sinh thái khép kín.

    2.2.3. Phương pháp đề xuất các giải pháp tích hợp

    Cách tiếp cận của mô hình là trên nền tảng mô hình VACBNXT do GS.TS Lê Thanh Hải và cộng sự đã phát triển (Viện Môi trường và Tài nguyên, 2015) và các mô hình sinh thái sẵn có mang lại hiệu quả kết hợp với cách tiếp cận sinh kế bền vững của DFID dựa trên điều kiện sinh kế và điều kiện tự nhiên sẵn có của các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh An Giang để hình thành nên một mô hình sinh thái mang tính tổng quát nhưng có thể áp dụng cho từng đối tượng cụ thể.

    2.2.3. Phương pháp phân tích dòng vật chất

    Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích dòng vật chất để nghiên cứu quá trình chế biến và sấy cá lóc trong mô hình sinh thái được đề xuất. Quá trình tính toán các thông số dòng lưu lượng (kg/ngày) của các quá trình trong mô hình được thực hiện bằng phần mềm STAN 2.7 và các giá trị được thể hiện trong Hình 3.

Hình 3. Sơ đồ mô tả dòng vật chất của quá trình chế biến và sấy cá lóc

  ​3. Kết quả và thảo luận

    ​3.1. Hiện trạng môi trường từ các hoạt động sinh kế của hộ

    Trung bình mỗi ngày, hộ thải ra 5 m3 nước thải cùng với 450 kg cá phế phẩm.  Nước thải từ quá trình rửa cá và các công đoạn chế biến khô cá lóc hiện nay được dẫn qua ao lắng trước khi thải ra môi trường (Hình 4). Tuy nhiên, hệ thống ao lắng này chưa được thiết kế và vận hành đúng tiêu chuẩn, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao. Dù nước thải đã qua ao lắng nhưng vẫn còn chứa nhiều chất hữu cơ, dầu mỡ và phế phẩm từ cá như nội tạng, máu, và da cá. Điều này có thể gây nguy cơ tích tụ ô nhiễm trong ao lắng, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và mùi hôi thối. Nếu nước thải từ ao lắng không được kiểm soát và xử lý đúng cách, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, đất đai và các dòng kênh xung quanh là rất cao. Đặc biệt, việc nước thải chứa các chất hữu cơ cao có thể làm gia tăng hiện tượng phú dưỡng, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe cộng đồng.

Hình 4. Khu vực ao chứa nước thải sản xuất và sinh hoạt

    Khí thải và mùi hôi phát sinh chủ yếu từ quá trình phơi cá ngoài trời và sự phân hủy phế phẩm cá trong ao lắng. Khi phơi cá trực tiếp dưới ánh nắng, sự phân hủy của các chất hữu cơ như mỡ và protein trên bề mặt cá có thể tạo ra mùi hôi thối khó chịu. Quá trình này không chỉ làm ô nhiễm không khí khu vực xung quanh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và các hộ gia đình sống gần khu sản xuất. Mùi hôi từ việc phơi cá ngoài trời, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng và thiếu gió, có thể lan xa và kéo dài, gây ra tình trạng ô nhiễm mùi hôi trong môi trường xung quanh.

    Ngoài ra, quá trình phân hủy phế phẩm cá trong ao lắng cũng sinh ra khí metan (CH4) và khí CO2, là các loại khí nhà kính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu (Li et al., 2025). Các chất hữu cơ trong phế phẩm phân hủy chậm trong môi trường nước ao lắng, kết hợp với sự thiếu oxy, làm tăng khả năng phát sinh khí thải có hại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí mà còn làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe và giảm chất lượng môi trường sống. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt từ các hoạt động sản xuất chủ yếu được xử lý thông qua chôn lấp hoặc đốt, không được quản lý chặt chẽ, gây phát thải khí độc hại như CO và CO2, làm gia tăng ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan.

    Mặc dù quy mô sản xuất chỉ ở mức trung bình, nhưng với việc thiếu các biện pháp giảm thiểu và kiểm soát khí thải, mùi hôi phát sinh từ quá trình phơi cá (Hình 5) và sự phân hủy chất thải có thể gây ra những tác động tích lũy, ảnh hưởng tiêu cực đến không khí trong khu vực. Để giảm thiểu tình trạng này, cần có các biện pháp quản lý mùi hôi, như sử dụng hệ thống phơi có che chắn hoặc các phương án xử lý phế phẩm trước khi phân hủy. Đồng thời, việc cải thiện hệ thống ao lắng để xử lý các chất thải hữu cơ cũng là giải pháp cần thiết để giảm lượng khí thải gây hại và duy trì chất lượng không khí tốt hơn.

Hình 5.  Khu vực phơi cá tại hộ dân

    ​3.2. Đề xuất mô hình sinh thái khép kín cho hoạt động sinh kế của hộ dân

    Dựa vào hiện trạng của hộ dân, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng khép kín, sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình này bao gồm các hạng mục chính như hệ thống năng lượng mặt trời, nhà kính kết hợp sàng phơi, hệ thống lắng, lọc nước thải 3 ngăn, ao lắng thủy sinh, và bãi lọc thực vật kiểu wetland (với dòng chảy ngang mặt) (Hình 6). Đây đều là những giải pháp kỹ thuật tiên tiến được áp dụng nhằm xử lý và tái sử dụng nước thải từ quá trình nuôi và chế biến thủy sản, đồng thời sản xuất năng lượng tái tạo để hỗ trợ các hoạt động trong trang trại.

    Sản phẩm cá sau khi chế biến sẽ được đưa vào nhà kính để sấy khô bằng năng lượng mặt trời. Hệ thống nhà kính được thiết kế để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sấy khô. Trong quá trình chế biến cá khô, nước thải từ các công đoạn rửa, ngâm sẽ được thu gom và xử lý thông qua hệ thống lắnglọc và ao sinh học. Hệ thống lọc với vật liệu than sinh học giúp hấp thụ các chất ô nhiễm, trong khi ao sinh học với thực vật thủy sinh giúp xử lý nước thải. Các ao trong trang trại sẽ được cải tạo thành ao sinh học, nơi thả lục bình có khả năng lọc nước tự nhiên. Nước thải phát sinh từ ao nuôi thủy sản sẽ được thu gom và xử lý qua hệ thống lọc sinh học và lục bình. Bùn đáy ao từ quá trình nuôi thủy sản sẽ được thu gom định kỳ và đưa vào khu vực ủ phân compost. Bùn sẽ được kết hợp với sinh khối từ hệ thống xử lý nước thải thủy sinh và các phế phẩm nông nghiệp để tạo ra phân compost giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện chất lượng đất trồng.

Hình 6.  Mô hình sinh thái khép kín đề xuất cho hoạt động sinh kế của hộ dân

    Các hạng mục trong mô hình nuôi và chế biến khô cá lóc theo hướng sinh thái khép kín được thực hiện với mục tiêu tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý chất thải hiệu quả. Các hạng mục chính bao gồm hệ thống ao nuôi cá, khu vực xử lý nước thải, thùng ủ phân đạm cá và nhà kính để sấy khô cá (Bảng 1). Tất cả các hạng mục này được thiết kế và thi công một cách đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của hộ nuôi, giúp tạo ra một chu trình sản xuất tuần hoàn.

    Bảng 1.  Thông số kỹ thuật các hạng mục triển khai cho mô hình của hộ

TT

Hạng mục

Mô tả

Đơn vị

Số lượng

1

Bể lắng – lọc – ozone

DxRxC: 3,4 x 1,6 x1,5 m

Vật liệu: Gạch, xi măng, sắt thép

 

Hệ thống

1

2

Bãi lọc sinh học

Diện tích 120 m2

Vật liệu: hệ thống ống nhựa cấp thoát nước

Hệ thống

1

3

Nhà kính sấy khô

DxRxC:

18 x 4,5 x 3,6 m

Vật liệu: Gạch, xi măng, sắt thép, lưới

Hệ thống

1

4

Pin năng lượng mặt trời

Công suất 580 W

Tấm

4

5

Thiết bị ủ phân đạm cá

Thùng 250 lít

Thùng

2

6

Ao thủy sinh

Diện tích 120 m2

Ao

1

7

Ao nuôi

Diện tích: 1000 m2

Ao

3

    Bể lắng, lọc và ozone có kích thước 3,4 x 1,6 x 1,5 m (Hình 7), được xây dựng bằng gạch, xi măng, và sắt thép, đảm bảo độ bền và khả năng chịu lực tốt. Đây là hệ thống xử lý nước thải từ quá trình sơ chế cá, với việc lắng cặn và lọc nước thông qua vật liệu than sinh học trước khi xử lý bằng ozone.

Hình 7. Thiết kế của bể lắng-lọc-ozone

    Ao thủy sinh có diện tích 120 m², được cải tạo từ ao nuôi hiện có trong trang trại (Hình 8). Đây là nơi xử lý nước thải từ ao nuôi và các hoạt động khác của trang trại bằng lục bình.

Hình 8. Thiết kế của ao thủy sinh

    Bãi lọc sinh học có diện tích 120 m², bao gồm hệ thống ống cấp thoát nước và lục bình. Hệ thống này được thiết kế để xử lý nước thải sau khi đã qua bể lắng, nhờ vào khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm của thực vật thủy sinh (Hình 9). Nước thải sẽ chảy qua bãi lọc sinh học và tiếp xúc với lục bình giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa và các chất ô nhiễm khác. Quy mô bãi lọc được lựa chọn dựa trên lượng nước thải cần xử lý mỗi ngày, giúp xử lý nước thải một cách tự nhiên mà không cần sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ phức tạp.

Hình 9. Thiết kế của bãi lọc sinh học

    Nhà kính sấy khô có kích thước 18 x 4,5 x 3,6 m, được xây dựng bằng gạch, xi măng và lưới, với mái lợp để kiểm soát nhiệt độ bên trong (Hình 10). Đây là khu vực để phơi cá dưới điều kiện kiểm soát, tận dụng ánh nắng mặt trời mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài. Cá sau khi sơ chế sẽ được phơi khô tự nhiên trong nhà kính, giúp tiết kiệm thời gian phơi và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hình 10. Thiết kế của nhà kính sấy khô

    Ngoài ra, hệ thống còn được kết hợp với pin năng lượng mặt trời (Hình 11) để cung cấp điện cho quá trình làm khô cá lóc, giúp duy trì quá trình sản xuất khi không có đủ điện để sản xuất, đồng thời tiết kiệm thời gian phơi. Có thể nói, nhà kính không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Hình 11.  (a) Tấm pin năng lượng mặt trời và (b) quá trình lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời

    Thùng ủ phân đạm cá có dung tích 250 lít, được làm từ nhựa bền chắc và an toàn, là nơi ủ xác cá chết từ ao nuôi với dung dịch vi sinh EM và vỏ đu đủ để sản xuất phân đạm cá (Hình 12). Quá trình ủ xác cá giúp chuyển đổi các chất hữu cơ thành phân bón giàu dinh dưỡng, có thể sử dụng cho cây trồng trong trang trại.

Hình 12. Thùng ủ phân đạm cá

    Mô hình khi đưa vào vận hành giúp rút ngắn 1 giờ thời gian sấy cá và tạo ra được 2,4 kWh phục vụ cho quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, hộ có thể tái sử dụng 5 m3 nước thải mỗi ngày và 5 lít dịch đạm cá/ ha hoa màu để tưới hoa màu.

    3.4. Đề xuất giải pháp khuyến khích xây dựng và duy trì mô hình sinh thái khép kín

    * Đối với hộ dân

    + Tuân thủ quy trình vận hành mô hình đã được hướng dẫn cũng như sổ tay hướng dẫn vận hành được chuyển giao cho hộ;

    + Định kỳ nạo vét, vệ sinh các bồn, bể, khu ủ phân, khu sơ chế để đảm bảo hiệu quả hoạt động của mô hình. Nếu thực vật thủy sinh phát triển quá nhiều thì lấy bớt ra khỏi ao;

    + Tham gia các buổi tập huấn ở địa phương để trang bị các kiến thức về kinh tế tuần hoàn, về nông nghiệp sinh thái.

    * Đối với chính quyền địa phương

    + Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các hộ trình diễn vận hành mô hình theo đúng quy trình;

    + Tuyên truyền, vận động các hộ xung quanh tham quan, học hỏi và triển khai, thực hiện như mô hình trình diễn;

    + Có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ trong khu/cụm dân cư, các doanh nghiệp đầu tư các thành phần có trong mô hình;

    + Hỗ trợ kinh phí hằng năm cho mỗi hộ trong việc thực hiện quá trình ủ phân như kinh phí mua chế phẩm vi sinh, kinh phí nạo vét bùn, kinh phí mua dụng cụ ủ phân theo Bảng 2. Nguồn kinh phí hỗ trợ có thể trích từ nguồn ngân sách Nhà nước căn cứ theo các thông tư và nghị định như: Thông tư 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Bảng 2. Kinh phí hỗ trợ được đề xuất

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng/năm

Đơn giá (VNĐ)

Thành tiền (VNĐ/năm)

1

Chế phẩm vi sinh bổ sung định kỳ

kg

20

150.000

3.000.000

2

Thùng phuy nhựa

cái

2

500.000

1.000.000

3

Vệ sinh, nạo vét bùn

lần

1

2.500.000

2.500.000

Tổng chi phí vận hành hàng năm

 

6.500.000

4. Kết luận

    Việc xây dựng mô hình sinh thái khép kín là cần thiết đối với hoạt động sinh kế của hộ nuôi và chế biến cá lóc được khảo sát. Các thành phần hạng mục trong mô hình được thiết kế nhằm quản lý dòng thải phát sinh từ hoạt động sinh kế của hộ theo hướng tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ. Bên cạnh đó, các giải pháp được đề xuất để nhằm phát huy vai trò của các chủ thể trong quá trình vận hành mô hình cũng như trong việc khuyến khích các hộ dân tham gia xây dựng mô hình sinh thái khép kín phục vụ cho hoạt động sinh kế ở mỗi hộ dân. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến quá trình trao đổi của các dòng dưỡng chất N và P trong quá trình chế biến và sấy cá lóc khô trong mô hình được nghiên cứu. Do đó, cần các nghiên cứu tiếp theo để phân tích quá trình trao đổi của các dòng dưỡng chất N và P với môi trường xung quanh.

    Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Quốc gia mã số ĐTĐL.CN-71/21 với tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư nông thôn tỉnh An Giang, gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường”.

Dương Mai Linh1, Nguyễn Thị Phương Thảo2, Trần Trung Kiên2, Nguyễn Việt Thắng2, Đỗ Thị Thu Huyền2, Nguyễn Lê Minh Trí2,*

1 Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh

2 Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt II/2025)

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Deininger, K. and Olinto, P.  2001.  Rural Nonfarm Employment and Income Diversification in Colombia. World Development 29(3), 455-465.

  2. Hùng, V.V.  2019.  Việc làm phi nông nghiệp và tăng trưởng thu nhập hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Kinh tế và Phát triển (Số 261 ), 91-98.

  3. Li, Y., Wang, H., Zeng, Q., Jeppesen, E., Gu, X. and Yan, J.  2025.  Insight into greenhouse gas emission in freshwater aquaculture ponds in Jiangsu Province: Variation due to species used and ponds management practice. Journal of Environmental Sciences.

  4. Nguyễn Thị Phương Thảo, L.T.H.  2017.  Đề xuất mô hình cộng sinh công - nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững áp dụng điển hình cho cơ sở sản xuất bánh tráng tại củ chi tp.Hồ Chí Minh. Tạp chí Môi trường (Tháng 4), 23-27.

  5. Otsuka, K. and Yamano, T.  2006.  Introduction to the special issue on the role of nonfarm income in poverty reduction: evidence from Asia and East Africa. Agricultural Economics 35(s3), 393-397.

  6. Peng, K., Chen, Y. and and Chen, Y.  2020.  Land transfer in rural China: incentives, influencing factors and income effects. Applied Economics 52(50), 5477-5490.

  7. Rantšo, T.A.  2016.  The role of the non-farm sector in rural development in Lesotho. The Journal of Modern African Studies 54(2), 317-338.

  8. Reardon, T.  1997.  Using evidence of household income diversification to inform study of the rural nonfarm labor market in Africa. World Development 25(5), 735-747.

  9. Tran, T. 2013  A review on the link between nonfarm activities, land and rural livelihoods in Vietnam and developing countries, University Library of Munich, Germany.

  10. Viện Môi trường và Tài nguyên (2015) Nghiên cứu phát triển công nghệ và giải pháp quản lý môi trường, ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ý kiến của bạn