Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đề xuất các giải pháp cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí từ kinh nghiệm của một số quốc gia

12/04/2022

TÓM TẮT

    Bài viết phân tích các biện pháp giảm thiểu sự phát thải của các chất độc hại vào khí quyển từ kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển. Đồng thời, sử dụng các phương pháp nguyên cứu như phân tích, tổng hợp lý thuyết kết hợp với kết quả quan sát thực nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy rằng, việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các chính sách nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) không khí đặc biệt được chú trọng tại các nước phát triển. Ngoài ra, khi thực hiện các kế hoạch về quản lý giám sát chất lượng không khí, các quốc gia luôn quan tâm đến việc thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp (từ cấp nhà nước đến các cấp địa phương), các tiêu chuẩn về chất lượng không khí được xây dựng đầy đủ và chi tiết, các tiêu chuẩn về giám sát và đánh giá lượng khí thải được công bố công khai và rộng rãi, hàng năm các báo cáo đánh giá chất lượng không khí được xuất bản thường xuyên, các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu mức độ ô nhiễm được triển khai trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (nông nghiệp, giao thông, hạ tầng đô thị,…). Bài viết cũng đề cập đến các chính sách nhà nước trong lĩnh vực giảm phát thải các chất ô nhiễm vào không khí tại các nước phát triển. Do đó, các kết luận của bài báo được đề xuất có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho cơ quan ban hành Luật BVMT năm 2020 và xây dựng các biện pháp phù hợp trong quá trình cải thiện hệ thống BVMT không khí tại Việt Nam.

Từ khóa: Bảo vệ môi trường, kinh nghiệm nước ngoài, phát thải các chất ô nhiễm, tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí quốc gia.

Nhận bài: 5/3/2022; Sửa chữa: 15/3/2022; Duyệt đăng: 22/3/2022.

1. Đặt vấn đề

    Theo đánh giá của Liên hợp quốc và dự đoán của giới khoa học, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới, nhiệt độ bình quân trên thế giới có thể sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới. Theo cảnh báo này, nếu các Chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức thì phần lớn Trái Đất sẽ hững chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Xu hướng chính hiện nay là cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước trong việc quản lý thiên nhiên và BVMT. Năm 2018 chi tiêu quốc gia cho việc BVMT tại các nước Quốc gia là thành viên Châu Âu (EU) lên tới 297 tỷ Euro, trong đó các nước EU đầu tư 64 tỷ Euro (chiếm 21% tổng chi tiêu cho môi trường) vào các hoạt động để BVMT[4].

    Chính sách về vấn đề cắt giảm khí thải các chất ô nhiễm vào khí quyển của các nước thành viên EU được xây dựng dựa trên các cơ sở sau: (1) Về tiêu chuẩn về chất lượng môi trường không khí được quy định trong văn bản Chỉ thị chung; (2) Các cam kết quốc gia về việc cắt giảm khí thải được nêu trong văn bản Chỉ thị về giới hạn phát thải (NEC); (3) Về tiêu chuẩn phát thải và tiêu hao năng lượng đối với các nguồn chính gây ô nhiễm không khí.

    Ở cấp độ quốc gia, các quốc gia thành viên EU đang phát triển các chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí quốc gia (National Air Pollution Control Programme - NAPCP), là công cụ quản lý chính mà các quốc gia thành viên phải đảm bảo đáp ứng các cam kết cắt giảm khí thải vào năm 2030, bao gồm các biện pháp nhằm giảm phát thải các chất ô nhiễm vào khí quyển và cái thiện chất lượng không khí [6, 1,10,11].

    Tuy nhiên, vẫn còn đó các vấn đề tồn tại liên quan đến sự tham gia của cộng đồng về vấn đề chất lượng không khí, cũng như việc áp dụng các biện pháp mới để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm: việc tuyên truyền đến cộng đồng về lợi ích sức khỏe từ các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH đang diễn ra; sự thiếu nhất quán của các chính sách theo đuổi ở các cấp quản lý hành chính; thiếu sự ủng hộ đầy đủ về chính trị và cộng đồng đối với các biện pháp cải thiện chất lượng không khí. Vấn đề này không chỉ cần nghiên cứu ở phạm vi lĩnh vực BVMT mà còn là điều kiện để chinh quyền xây dựng các chính sách riêng cho từng khu vực. Đồng thời, cần nghiên cứu các kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực cắt giảm khí thải vào môi trường.

2. Kinh nghiệm của một số quốc gia trong lĩnh vực cắt giảm khí thải các chất ô nhiễm vào không khí

2.1. Cộng hòa Áo

    Trong năm 2018 giá trị tài trợ cho các dự án về môi trường ở Áo lên tới 135,2 triệu Euro, tăng so với năm 2017 là 12,9 triệu euro [12]. Các dự án môi trường đầu tư năm 2018 đã tạo ra 16.000 việc làm (tăng 6,2 nghìn người so với năm 2017). Trong năm 2017 khối lượng chi tiêu công về cắt giảm khí thải vào khí quyển và các vấn đề BĐKH lên tới 2,294 triệu euro.

    Các quy định pháp lý được thực hiện trên cơ sở Luật Liên Bang nêu rõ nghĩ vụ quốc gia về việc giảm thiểu phát thải một số chất gây ô nhiễm không khí và đạo luật về khí thải 2018, mục tiêu chính là duy trì và cải thiện chất lượng không khí là một phần trong Chương trình của Chính phủ cho giai đoạn năm 2017 - 2022.

    Tháng 5/2018, Chính phủ Liên Bang đã thông qua Chiến lược Khí hậu và năng lượng với các hành động cụ thể, bao gồm một số dự án trọng điểm sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn hạn, gồm các lĩnh vực như: giao thông (hỗ trợ vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tăng cường vai trò của vận tải đường sắt công cộng, phát triển giao thông điện); xây dựng (sử dụng nhiệt tái tạo) và cung cấp năng lượng (chương trình quang điện trên 100.000 mái nhà, tái tạo hydro và biomethane) đến các công cụ tài chính (tài chính xanh) và các chương trình nghiên cứu.

    Chính phủ Liên Bang đưa ra các quy định và kiểm soát lập pháp trong lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cơ quan môi trường Liên Bang (Umweltbundesamt) chịu trách nhiệm phát triển và quản lý nguồn phát thải cũng như đo đạc và quan trắc lượng khí thải.

    Ngoài các biện pháp do Chính phủ thực hiện, ở cấp tỉnh, các chương trình về BVMT không khí cũng được phát triển phù hợp theo từng địa phương. Các chương trình này có thể được biên soạn dưới dạng sắc lệnh do Chủ tịch tỉnh ban hành đối với từng lĩnh vực cụ thể. Phạm vi của các biện pháp được thiết lập trong lĩnh vực áp dụng chúng. Ví dụ, các hoạt động như vận tải, sưởi ấm không gian, công nghiệp, sản xuất năng lượng, nông nghiệp, xây dựng dân dụng…

2.2. Vương quốc Anh

    Tại Vương quốc Anh, để giảm thiểu sự phát thải các chất ô nhiễm vào không khí, thuế môi trường, các biện pháp khuyến khích đối với các doanh nghiệp được thiết lập trong Chương trình Climate Change Levy - CCL.

    Phí được trả theo mức thuế cơ bản và thuế hỗ trợ giá cho khí cacbon (CPS). Theo mức cơ bản, lệ phí được trả cho các lĩnh vực hoạt động sau: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ. Ở mức cơ bản, thuế sẽ được miễn đối với các đối tượng sau: (1) doanh nghiệp tiêu thụ một lượng nhỏ năng lượng; (2) năng lượng được sử dụng bởi người tiêu dùng trong nước; (3) người tiêu dùng năng lượng là các tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào hoạt động từ thiện [3].

    Sử dụng các gói CCL khuyến khích ngành công nghiệp sử dụng các công nghệ tiên tiến làm giảm lượng khí thải cacbon từ sản xuất điện. Phí CCL do chủ sở hữu các trạm phát điện và nhiệt kết hợp trả.

    Vương quốc Anh sử dụng các công cụ quy định của nhà nước nhằm giảm thiểu sự phát thải của các chất ô nhiễm vào khí quyển; kinh doanh khí thải và hỗ trợ vốn cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

2.3. Liên Bang Đức

    Năm 2019, khối lượng chi tiêu của ngân sách Liên Bang Đức cho việc cắt giảm phát thải các chất ô nhiêm vào khí quyển cũng như các vấn đề về BĐKH lên tới 540,63 triệu euro (chiếm 23,64% tổng chi tiêu của Chính phủ cho các hoạt động môi trường) [4].

    Tại Đức, các chính sách của nhà nước về cắt giảm lượng phát thải chất ô nhiễm vào không khí dựa trên những quy định sau: (1) Tiêu chuẩn an toàn chất lượng không khí nhằm bảo vệ và ngăn ngừa các mối nguy hại được thực thi với sự trợ giúp của các công cụ thích hợp (kế hoạch không khí sạch được phê duyệt bằng hệ thống kiểm soát khí thải); (2) Các yêu cầu về việc kiểm soát phát thải (đối với nguồn phát thải tương ứng với công nghệ hiện đại và tốt nhất hiện có, trong một số trường hợp đặc biệt có cả các lệnh cấm sản xuất); (3) Xác định giá trị phát thải tối đa bằng cách giới hạn lượng phát thải quốc gia đối với các chất ô nhiễm tương ứng (giới hạn phát thải quốc gia được xác định từ tất cả các nguồn phát thải).

    Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí xem xét tất cả các nguồn gây ô nhiễm và chống ô nhiễm từ các nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau: (1) Chất lượng của nhiên liệu (ví dụ: hàm lượng lưu huỳnh trong xăng và dầu nhiên liệu) và nguyên liệu (ví dụ: sơn có dung môi thấp); (2) Giá trị giới hạn phát thải hiện đại đối với các nguồn riêng lẻ (từ xe máy đến các nhà máy điện); (3) Các thử nghiệm điển hình đối với các nguồn phát thải nhỏ (ô tô), thủ tục xét duyệt đối với các nhà máy lớn và các dự án xây dựng đường giao thông, các trạm giám sát khí thải cố định; (4) Xây dựng mạng lưới các trạm giám sát chất lượng không khí (nồng độ phát thải) trên toàn bộ lãnh thổ với các thiết bị đo lường, mô hình tính toán và quan sát vệ tinh; (5) Xác định các giá trị giới hạn phát thải và có cơ chế kiểm soát khi chúng vượt quá giới hạn cho phép (kế hoạch không khí sạch, chương trình hành động).

    Chương trình quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Đức lần đầu tiên được trình bày trước Ủy ban Châu Âu vào ngày 22/5/2019. Chương trình quốc gia đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí: (1) Giảm thiểu BĐKH (đặc biệt là ngừng sản xuất điện từ than đá); (2) Kiểm soát ô nhiễm không khí (duy trì các quy định về lò hơi đốt nhiên liệu rắn; các gói biện pháp đối với hoạt động giao thông vận tải - các giải thưởng cho các phương tiện vận tải đảm bảo về an toàn môi trường, hiện đại hóa thiết bị cho xe buýt; thúc đẩy giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ; tiếp tục các chính sách cắt giảm khí thải CO2 cho ô tô; các gói biện pháp trong lĩnh vực nông nghiệp - tối ưu hóa việc bón phân; các biện pháp giảm phát thải trong các khu chăn nuôi và kho chứa phân thải, bón phân chuổng và phân khoáng ít khí thải. (3) Các biện pháp bổ sung đối với các nhà máy đốt (chuyển sang sử dụng các nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp hoặc sử dụng công nghệ xử lý khí thải hiệu quả hơn).

2.4. Canađa

    Chiến lược Giảm phát thải cacbon trên toàn quốc là đưa ra mức giá “cơ sở” toàn Liên Bang cho lượng khí thải là 10 đô la Canađa trên 1 tấn CO2 (tính đến năm 2018) [7]. Chính sách tài khóa về thuế môi trường của Canađa nhằm mục đích tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và công nghệ sạch, cũng như tài trợ cho việc cải thiện đáng kể các điều kiện kinh tế - xã hội không đạt chuẩn mà người dân bản địa phải đối mặt.

    Tại các tỉnh và vùng lãnh thổ cũng đưa ra các quy định và biện pháp bổ sung nhằm giảm phát thải chất ô nhiễm vào khí quyển trong phạm vi quyền hành của địa phương. Chương trình “Chỉ số bền vững môi trường” của Canađa (CESI) cung cấp dữ liệu và thông tin theo dõi các vấn đề về bền vững môi trường. Ngoài ra, Chương trình Chỉ số bền vững môi trường của Canađa cung cấp dữ liệu và thông tin để theo dõi các hoạt động của Chính phủ Canađa về các vấn đề bền vững môi trường, bao gồm BĐKH và chất lượng không khí, chất lượng nước và bảo vệ sinh thái. Các thông tin được đăng công khai trên trang web CESI.

 2.5. Phần Lan

    Luật quy định về việc cắt giảm phát thải các chất ô nhiễm vào không khí tại Phần Lan bao gồm:

- Luật BVMT, áp dụng cho tất cả các hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường. Theo quy định của Luật này, Chính phủ có thể ban hành các nghị định cần thiết nhằm mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính phủ có thể đưa ra một số quy định, như quy định về lượng khí thải môi trường, giới hạn phát thải. Các quy định của Chính phủ nhằm giảm lượng khí thải giao thông được ban hành phù hợp phù hợp với Luật Giao thông;

- Nghị định của Chính phủ về chất lượng không khí (711/2001) và Nghị định của Chính phủ về khí Ozone trong không khí (783/2003).

    Chất lượng không khí trong các tòa nhà được quy định theo Luật Bảo vệ sức khỏe (763/1994) và được giám sát bởi Bộ Y tế và xã hội [2].

    Hệ thống quản lý chất lượng không khí trong nước được xây dựng như sau:

- Bộ Môi trường phê duyệt Chiến lược quốc gia với các mục tiêu trong lĩnh BVMT không khí có sự tham gia hợp tác quốc tế, cũng như chuẩn bị và xây dựng pháp luật về bảo vệ không khí trong khí quyển;

- Các trung tâm phát triển kinh tế, giao thông và BVMT thực hiện việc kiểm soát và hỗ trợ vấn đề BVMT không khí trong khu vực của mình, cũng như kiểm soát việc tuân thủ quy định về BVMT không khí;

- Các cơ quan hành chính nhà nước của từng vùng lãnh thổ tham gia cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương;

- Các thành phố tự kiểm soát và thúc đẩy các kế hoạch BVMT không khí của địa phương và cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ;

- Viện Môi trường Phần Lan đo lường, đánh giá và tổng hợp dữ liệu về ô nhiễm không khí, báo cáo những dữ liệu này nhằm tuân thủ các thỏa thuận quốc tế và chỉ thị của EU. Ngoài ra, cung cấp các dịnh vụ nghiên cứu cho các chuyên gia để hỗ trợ việc chuẩn bị và thực hiện luật pháp quốc tế trong lĩnh vực BVMT không khí;

- Các cơ quan chuyên ngành: Kiểm soát ô nhiễm không khí sử dụng chuyên môn của các tổ chức khác nhau, bao gồm (Viện Tài nguyên thiên nhiên Phần Lan, Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Phần Lan, Viện Đảm bảo sức khỏe và phúc lợi quốc gia);

- Viên Khí tượng Phần Lan cung cấp các dịch vụ chuyên gia liên quan đến chất lượng không khí và các hoạt động như một phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia về chất lượng không khí.

    Phần Lan đã phát triển chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí quốc gia đến năm 2030 để ngăn chặn tác hại của các chất ô nhiễm không khí và bao gồm các biện pháp cần thiết để thực hiện Chỉ thị giới hạn phát thải quốc gia của Liên minh châu Âu cũng như các biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng không khí.

    Nhờ việc kiểm soát ô nhiễm không khí, chất lượng không khí tại Phần Lan đã được cải thiện đáng kể trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, khí thải ô nhiễm vẫn được tạo ra bởi các hoạt động sản xuất năng lượng, công nghiệp và giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn.

    Chất lượng không khí được giám sát tại hàng chục điểm đo ở nhiều địa điểm khác nhau tại Phần Lan. Dữ liệu đo đạc tại các thời điểm cho từng thành phố, khu công nghiệp được Viện Khí tượng Phần Lan cung cấp có sẵn trên Cổng thông tin về chất lượng không khí.

    Viện Môi trường Phần Lan chịu trách nhiệm báo cáo về ô nhiễm không khí, không bao gồm phát thải khí nhà kính, cung cấp thông tin về lượng khí thải và phương pháp tính toán cũng như các nghiên cứu khoa học có liên quan được cung cấp miễn phí trên trang web của Viện.

2.6. Pháp

    Pháp cung cấp một loạt các chương trình hỗ trợ cho các công ty đầu tư vào sáng kiến BVMT. Sự hỗ trợ có thể được cung cấp bởi nhiều cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường của Pháp (ADEME) chịu trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động năng lượng và môi trường, đưa ra các chương trình hỗ trợ trong các lĩnh vực năng lượng, chất thải, giao thông và chất lượng không khí. Phần lớn sự hỗ trợ của ADEME được cung cấp thông qua các văn phòng tại địa phương.

    Các cơ quan hành chính địa phương có thể đưa ra một loạt cơ chế hỗ trợ để giúp giảm tác động môi trường của các doanh nghiệp, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và cải thiện việc quản lý năng lượng.

    Pháp đã thiết lập hệ thống giám sát chất lượng không khí quốc gia, bao gồm:

- Bộ BVMT, xác định các quy tắc liên quan đến giám sát khí thải ô nhiễm khí quyển, cũng như chịu trách nhiệm điều phối việc giám sát các chất ô nhiễm không khí (báo cáo hàng năm và kế hoạch 5 năm quốc gia).

- Phòng thí nghiệm trung tâm về giám sát chất lượng không khí chịu trách nhiệm điều phối khoa học và kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng không khí, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ sau: Phối hợp kỹ thuật hệ thống giám sát quốc gia để đảm bảo chất lượng của dữ liệu đánh giá môi trường và kiểm tra sự tuân thủ của hệ thống giám sát với các yêu cầu của châu Âu; Hỗ trợ việc đệ trình dữ liệu chất lượng không khí lên Ủy ban Châu Âu và cung cấp dữ liệu đo lường chất lượng không khí cho công chúng; Phát triển nghiên cứu chuyên sâu; Giám sát chi phí cho việc thực hiện công tác quản lý của hệ thống giám sát quốc gia.

    Ở mỗi địa phương, Chính phủ giao cho Văn phòng thí nghiệm các chức năng sau: (1) Giám sát, đánh giá chất lượng không khí với việc sử dụng mạng lưới trạm đo (cả nước có khoảng 650 trạm) và các công cụ mô hình hóa các chất ô nhiễm được quy định; (2) Phổ biến cho cộng đồng các thông tin và dự báo liên quan đến công tác giám sát chất lượng không khí; (3) Thông báo thông tin liên quan đến nồng độ vượt mức cho phép tới các cơ quan chính quyền địa phương hoặc dự báo về mức vượt ngưỡng và các khuyến nghị về ngưỡng cảnh báo ô nhiễm không khí; (4) Báo cáo tình hình phát thải các chất ô nhiễm không khí và tiền chất của chúng đối với từng khu vực trong địa phương; (5) Đánh giá tác động của chương trình bảo vệ không khí đến chất lượng không khí xung quanh.

    Hệ thống giám sát quốc gia về lượng phát thải các chất ô nhiễm vào khí quyển giúp ước tính lượng phát thải các chất ô nhiễm chính và khí nhà kính từ các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Nhà nước thực hiện chính sách BVMT không khí ở cấp độ quốc gia nhằm giảm thiểu quá trình ô nhiễm về lâu dài. Bộ BVMT cung cấp hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và tài chính bằng cách tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và các biện pháp xử lý ô nhiễm.

    Kế hoạch quốc gia về cắt giảm lượng khí thải ô nhiễm vào khí quyển bao gồm Chiến lược của nhà nước về việc giảm phát thải các chất ô nhiễm vào khí quyển ở cấp quốc gia và tuân thủ các yêu cầu của Châu Âu. Đây là một trong những công cụ cần thiết để thực hiện chính sách về khí hậu - không khí - năng lượng, kết hợp nhiều công cụ cụ khác của nhà nước như: quy định ngành, biện pháp thuế, chính sách khuyến khích, nâng cao nhận thức và sự tham gia của các bên liên quan, các hoạt động nâng cao kiến thức. Kế hoạch được đánh giá và xem xét lại ít nhất 5 năm một lần.

    Các quy định nhằm mục đích giảm thiểu các nguồn ô nhiễm trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau - đó là một phần được đưa vào văn bản của Châu Âu; các quy tắc liên quan đến việc lắp đặt thiết bị chuyên dụng BVMT; tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông; thành phần nhiên liệu; lệnh cấm đốt rác thải; phân loại lượng phương tiện giao thông dựa trên lượng phát thải các chất ô nhiễm của chúng vào bầu khí quyển.

    Các quy tắc cũng đặt trên năng lực của từng thành phần khác nhau, các công cụ để lập kế hoạch hoặc hành động ở cấp độ địa phương.

    Các công cụ thuế: Một số loại thuế có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí, bao gồm (thuế chung đánh vào hoạt động gây ô nhiễm nhằm mục đích giảm lượng khí thải công nghiệp, thuế nhiên liệu, thuế đánh vào các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa,…).

    Chính sách hỗ trợ của nhà nước (khuyến khích tài chính) được thực hiện nhằm cải thiện chất lượng không khí: Khoản khấu trừ thuế “Chuyển đổi năng lượng” dành cho các thiết bị lắp đặt tại các trạm sạc xe điện; Đặc quyền khi sở hữu một chiếc ô tô điện; Phạt tiền đối với các phương tiện có lượng khí thải cao; Đặc quyền cho việc chuyển đổi các phương tiện cũ chạy dầu diesel; Các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; Trợ cấp cho việc sử dụng xe đạp.

    Ở cấp độ địa phương, các kế hoạch BVMT không khí xác định các mục tiêu và biện pháp cho phép bao phủ với các khu dân cư lớn hơn 250.000 dân cư và các khu vực, trong đó vượt qua nồng độ ô nhiễm không khí cho phép. Ví dụ về các biện pháp quản lý trong kế hoạch được phê duyệt bởi sắc lệnh của địa phương: (Giảm tốc độ trên các đoạn đường cao tốc; Cấm đốt rừng; Giảm giá trị giới hạn phát thải áp dụng cho các thiết bị sử dụng sinh khối (đốt); Tạo và phát triển các bãi đỗ xe; Tạo quỹ để đối mới các thiết bị sưởi không hiệu quả…).

    Hỗ trợ theo từng địa phương: Một cuộc thi về dự án “Nhịp thở của thành phố trong 5 năm” đã chọn ra 20 thành phố chiến thắng cam kết hành động để cải thiện chất lượng không khí. Chính chuyền địa phương nhận được khoản hỗ trợ lên tới 1 triệu euro.

    Dự án nhằm vào các vùng lãnh thổ và địa phương chủ yếu nằm ở một trong những khu vực nằm trong kế hoạch BVMT không khí.

    Bộ BVMT cũng tổ chức các cuộc thi dự án dành cho chính quyển, cụ thể: AACT’AIR (hỗ trợ chính quyền địa phương và khu vực) - một chương trình khuyến khích cộng đồng thực hiện các hành động sáng tạo để cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính; hỗ trợ tài chính và tư vấn cho chính quyền địa phương; Quỹ không khí - chương trình hỗ trợ cộng đồng hoặc các nhóm cộng đồng tự nguyện và được thực hiện ở các khu vực vượt quá giới hạn phát thải hạt mịn (hỗ trợ để cải tạo các lò sưởi đốt củi cùng các khoản tín dụng thuế để chuyển sang sử dụng các loại năng lượng khác.

3. Kết nối với tình hình Việt Nam hiện nay

    Dựa trên các kết quả phân tích từ kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực quản lý chất lượng không khí, cắt giảm khí thải chất gây ô nhiễm vào khí quyển và BĐKH cho thấy, Việt Nam nên xem xét các đề xuất sau:

1) Cần sử dụng các công cụ kinh tế khác nhau để quản lý và BVMT nhằm giảm phát thải các chất ô nhiễm vào không khí, ví dụ như thuế môi trường (bao gồm cả thuế giao thông và năng lượng), các khoản thanh toán và tiền phạt đối với việc phát thải các chất ô nhiễm vào bầu khí quyển, phí hành chính, phí môi trường, ưu đãi thuế,…

2) Trong lĩnh vực thực thi công cụ nhà nước, để cắt giảm khí thải các chất ô nhiễm vào không khí, yếu tố quan trọng là đổi mới và sử dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường.

3) Đặc biệt chú trọng việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan công quyền ở các cấp, cũng như việc mở rộng việc sử dụng các công cụ khuyến khích của nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động BVMT nhằm cắt giảm các chất khí ô nhiễm.

4) Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường toàn diện là rất quan trọng để theo dõi công việc nhằm đạt được các mục tiêu môi trường của đất nước về cắt giảm các chất phát thải ô nhiễm vào không khí.

5) Tại địa phương cần phát triển các chương trình cải thiện chất lượng không khí trong khí quyển có tính đến các đặc điểm của khu vực.

6) Cải thiện hệ thống quan sát tự động hiện có để theo dõi nồng độ các chất ô nhiễm trong khí quyển, hệ thống kiểm soát không khí cần tính đến tất cả các nguồn ô nhiễm và chất ô nhiễm hiện có và các biện pháp chống ô nhiễm không khí được thực hiện cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

7) Một kinh nghiệm quan trọng nữa mà Việt Nam có thể học hỏi là hệ thống kiểm soát chất lượng không khí ở Phần Lan, nơi giám sát được thực hiện tại hàng chục điểm đo ở các vùng khác nhau của cả đất nước, dữ liệu thu được (do chính quyển, các khu công nghiệp hay Viện Khí tượng Phần Lan cung cấp) trong điều kiện thời gian thực tế và được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử.

Nguyễn Phương Ngọc

Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Belik I. S., Alikberova T. T., Krivorotov V. V. [Economic aspects of improving the ecological and economic safety of vehicles]. In: Vestnik UrFU. Seriya: Ekonomika i upravlenie [Bulletin of UrFU. Series: Economics and Management], 2019, vol. 18, no. 6, pp. 930 – 943.

2. Climate and air// Environment: [сайт]. URL: https://www.environment.fi/en-US/Climate_and_air (06 .07 .2021).

3. Environmental protection expenditure, UK: 2017. Estimates of environmental protection expenditure by UK general government and industries for 2017 // Office for National Statistics: [сайт]. URL:https://www.ons.gov.uk/economy/ environmentalaccounts/bulletins/environmentalprotectionexpenditureuk/2017 (06 .07 .2021).

4. Luft. Lärm. Mobilität // Bundesministerium für Umwelt, Naturschutz und nukleare Sicherheit: [сайт].URL: https:// www.bmu .de/themen/luft-laerm-verkehr/ (06 .07 .2021).

5. Luật BVMT 2020 số 72/2020/QH14.

6. Mingaleva Zh. A., Deputatova L. N., Starkov Yu. V. [Application of the rating method for as- sessing the effectiveness of state environmental policy: a comparative analysis of Russia and foreign countries]. In: Ars Administrandi (Iskusstvo upravleniya) [Ars Administrandi], 2018, vol. 10, no. 3, pp. 419 – 438.

7. OECD.   Environmental   Performance   Reviews:   Canada   2017 [Электронный   ресурс].   URL: https://www.oecd. org/canada/oecd-environmental-performance-reviews-canada-2017-9789264279612-en .htm (06 .07 .2021).

8. Politiques publiques pour réduire la pollution de l’air // Ministère de la Transition écologique: [сайт]. URL: https:// www.ecologique-solidaire.gouv.fr/politiques-publiques-reduire-pollution-lair (06.07.2021).

9. Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủVề việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.

10. Troyanskaya M. A., Tyurina Yu. G. [Air emissions taxes: foreign experience]. In: Mezhdunarodnyi bukhgalterskii uchet [International Accounting], 2018, vol. 21, no. 6, pp. 670 – 682.

11. Zhuravleva T. A. [Greening taxation systems in Russia and abroad]. In: Ekonomika: vchera, segodnya, zavtra [Economy: yesterday, today, tomorrow], 2016, vol. 6, no. 10А, pp.181 – 191.

12. Организация Объединенных Наций . Совместная целевая группа по экологическим показателям . Показатель природоохранных расходов [Электронный ресурс] . URL: https://unece .org/fileadmin/DAM/stats/documents/ece/ ces/ge .33/2010/3r .pdf (04 .07 .2021).

13. Троянская М . А ., Тюрина Ю . Г . Налоги на выбросы в атмосферный воздух: зарубежный опыт // Международный бухгалтерский учёт . 2018. Т. 21. №6. С. 670 – 682.

 

PROPOSED SOLUTIONS TO CUT AWAY OUT OF AIR POLLUTION GAS FROM THE EXPERIENCE OF SOME COUNTRIES

Nguyen Phuong Ngoc

Faculty of Construction, Da Nang Architecture University

Abstract

    The article analyzes measures to reduce the emission of harmful substances into the atmosphere from the experience of some developed countries. The article uses research methods such as analysis, synthesis of theory combined with experimental observation results. The analysis results show that improving the efficiency and effectiveness of state policies in environmental protection activities is especially focused in developed countries. In addition, when implementing plans on air quality management and monitoring, countries are always interested in the synchronous implementation at all levels (from the state level to the local level), the standards of air quality standards are developed fully and in detail, standards for monitoring and evaluation of emissions are publicly and widely published, and annual air quality assessment reports are published. Regularly, measures to improve air quality and reduce pollution levels are implemented in all sectors of the economy (agriculture, transport, urban infrastructure, etc.). The article also mentions state policies in the field of reducing emissions of pollutants into the air in developed countries. Therefore, the conclusions of the proposed article can be used as a reference for the agency to promulgate the Environmental Law and develop appropriate measures in the process of improving the air environment protection system. in Viet Nam.

Keyworks: Environmental protection, foreign experience, emission of pollutants, quality standards, national air pollution control system.

Ý kiến của bạn