Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế biển vào tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam

10/07/2024

Tóm tắt

    Biển và các ngành kinh tế biển nói chung đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia thông qua việc cung cấp nguồn thực phẩm, việc làm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy thương mại thông qua đường biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển (KTB) là các hoạt động kinh tế diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp trên đại dương và sử dụng sản phẩm đầu ra từ đại dương, đồng thời cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vào các hoạt động kinh tế của đại dương. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về khái niệm, phạm vi của KTB nhưng vẫn còn thiếu các nghiên cứu về đóng góp giá trị tăng thêm của KTB vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nghiên cứu đã sử dụng nguồn thông tin từ Bảng cân đối liên ngành (IOT) để tính toán được đóng góp tổng giá trị tăng thêm (VA) của KTB theo giá hiện hành vào GDP của Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong năm 2020, tổng giá trị tăng thêm của KTB đóng góp vào GDP trong nước là 7,2%, trong đó, ngành khai thác dầu thô, khí đốt thiên nhiên có tỷ trọng đóng góp lớn nhất (21,5%); ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản biển (19,2%); hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (15%); chế biến dầu mỏ (14,9%); chế biến thủy sản biển (7,1%). Việc tính toán giá trị tăng thêm của KTB vào GDP có ý nghĩa trong việc xác định giá trị của tài nguyên biển và ven biển trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có những can thiệp phù hợp để phát huy giá trị của tài nguyên biển và ven biển, giảm tác động từ các ngành/lĩnh vực đến hệ sinh thái, môi trường biển và ven biển.

Từ khóa: GDP, KTB, Bảng cân đối liên ngành (IOT).

Ngày nhận bài: 19/3/2024. Ngày sửa chữa: 24/4/2024. Ngày duyệt đăng: 23/6/2024

Measuring the contribution of the ocean economy to Viet Nam’s economic growth

Abstract:

    The sea and marine economic sectors play an important role in national economy by providing food, generating jobs, minimizing the impact of climate change and promoting trade through sea routes. Resolution No. 36-NQ/TW dated October 22, 2018 on the strategy for sustainable development of Vietnam's marine economy to 2030, with a vision to 2045, clearly demonstrating the goal of making Vietnam a strong maritime nation; achieving the criteria for sustainable development of the marine economy. There have been a number of studies on the concept and scope of ocean economy in Viet Nam. However, there are lack of studies on contribution of value added of ocean economy to the gross domestic product (GDP) . The study has applied the Input-Output Tables (IOT) methodology to calculate the value added of ocean economic industries at current price to the GDP of Viet Nam. The study shows that the value-added of marine sectors to GDP  in 2020 contributed 7.2% to the total Viet Nam’s GDP, in which the crude oil and natural gas exploitation industry contributed the highest propotion with 21,5%; marine exploitation and aquaculture contributed 19,2%; shipping and shipping support services contributed 15%; crude oil processing contributed 14,9%; and marine seafood processing contributed 7,1%. Calculation of the value added of ocean economy to GDP is crutial in determining the values of marine and coastal resources for socio-economic development to implemente appropriateinterventions to promote the values of marine and coastal resources, and reduce impacts from different sectors on marine and coastal ecosystems and environment.

Key words: GDP, ocean economy, IOT.

JEL Classicfications: P48, Q56, Q57.

1. Đặt vấn đề

    Biển và các ngành kinh tế biển nói chung đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia thông qua việc cung cấp nguồn thực phẩm, việc làm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, góp phần hình thành các hiện tượng thời tiết trên bề mặt trái đất, cũng như thúc đẩy thương mại thông qua đường biển. Trong những năm qua, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế tại Việt Nam nhưng quy mô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và “nguồn vốn tự nhiên” của biển đang bị cạn kiệt ở mức báo động. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. PTBV KTB là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền, nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

    Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về khái niệm và phạm vi của KTB, tuy nhiên, việc tính toán đóng góp giá trị tăng thêm của KTB vào GDP tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện. Do đó, việc tính toán đóng góp giá trị tăng thêm của các ngành KTB đến tăng trưởng kinh tế sẽ cung cấp bức tranh về số liệu của các ngành KTB, giúp đánh giá được thực trạng phát triển của các ngành KTB trong thời gian qua và tỷ lệ đóng góp của ngành KTB cho phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo phát triển KTB một cách bền vững với việc duy trì và bảo tồn các hệ sinh thái và tài nguyên ven biển gắn với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các địa phương ven biển.

2. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng, phạm vi

    Mức đóng góp giá trị tăng thêm của các ngành KTB vào GDP của Việt Nam cho năm 2020. KTB là tất cả mọi hoạt động kinh tế diễn ra trong đại dương, nhận các sản phẩm đầu ra từ đại dương và cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho đại dương. Nói cách khác, KTB được định nghĩa là các hoạt động kinh tế diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp trên đại dương và sử dụng sản phẩm đầu ra từ đại dương, đồng thời cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vào các hoạt động kinh tế của đại dương.

    Theo đó, (i) hoạt động kinh tế trong đại dương bao gồm: Khai thác thủy sản biển; nuôi trồng thủy sản biển; khai thác dầu thô, khí tự nhiên và các khoáng sản khác; khai thác khoáng sản phi sống; phát triển năng lượng tái tạo đại dương; xây dựng công trình biển; dịch vụ du lịch và giải trí trên biển; dịch vụ vận tải biển… (ii) Các sản phẩm đầu ra từ đại dương bao gồm: Du lịch ven biển; chế biến thủy, hải sản biển; chế biến dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm khai khoáng khác; công nghiệp hóa chất biển… (iii) Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tác động vào các hoạt động kinh tế của đại dương bao gồm: Sản xuất tàu thuyền các loại; sản xuất máy móc, dụng cụ và trang thiết bị hàng hải; dịch vụ kinh doanh hàng hải; dịch vụ hỗ trợ vận tải, cảng biển (quản lý, khai thác, cho thuê cảng biển); xây dựng nhà máy ngoài khơi, dàn khoan; dịch vụ kỹ thuật hàng hải; dịch vụ bảo hiểm hàng hải; hoạt động nghiên cứu và phát triển; dịch vụ giáo dục và đào tạo; hoạt động quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng biển…

    Các ngành KTB được chia thành 12 nhóm ngành, bao gồm: (i) Khai thác, nuôi trồng thủy sản biển; (ii) khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác; (iii) hoạt động chế biến thủy sản biển và các sản phẩm chế biến khác; (iv) hoạt động chế biến dầu mỏ tinh chế và các sản phẩm khai khoáng khác; (v) sản xuất trang thiết bị hàng hải; (vi) đóng và sửa chữa tàu, thuyền biển; (vii) xây dựng công trình biển; (viii) dịch vụ vận tải đường biển và hoạt động hỗ trợ dịch vụ vận tải biển; (ix) du lịch và dịch vụ giải trí trên biển; (x) dịch vụ kinh doanh hàng hải; (xi) hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và dịch vụ giáo dục, đào tạo liên quan đến biển; (xii) quản lý nhà nước về biển và các hoạt động khác liên quan biển [1,2,7]

2.2. Phương pháp nghiên cứu

    Bảng cân đối liên ngành (IOT) là mô hình phản ánh bức tranh về toàn bộ hoạt động sản xuất của nền kinh tế, phản ánh mối quan hệ liên ngành/liên vùng trong quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn bộ nền kinh tế. Dựa trên lý thuyết tổng quát và lược đồ kinh tế của Francois Quensnay, năm 1941, Wassily Leontief đưa ra một cách khá hoàn chỉnh mô hình cân đối liên ngành (còn gọi là Bảng IOT) và công bố trong công trình nghiên cứu nổi tiếng “Cấu trúc của nền kinh tế Hoa kỳ”. Mô hình IOT của Wassily Leontief bắt nguồn từ những ý tưởng trong bộ “Tư bản” của K. Marx và Leon Waras (người đưa ra các phương trình về giá cả) khi tìm ra mối quan hệ trực tiếp theo quy luật kỹ thuật giữa các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất. Tư tưởng này của K. Marx sau đó được Wassily Leontief phát triển bằng cách toán học hoá toàn diện quan hệ cung - cầu trong toàn nền kinh tế. Wassily Leontief đã giả định đơn giản hóa rằng mỗi công nghệ sản xuất là một mối quan hệ tuyến tính giữa số lượng sản phẩm được sản xuất ra và các sản phẩm vật chất và dịch vụ được dùng làm chi phí đầu vào. Mối liên hệ này được biểu diễn bởi một hệ thống hàm tuyến tính với những hệ số được quyết định bởi quy trình công nghệ [3, 4, 5, 6, 8, 9] .

    Kết cấu của mô hình I/O có dạng:

    Quan hệ cơ bản của bảng I/O loại cạnh tranh có dạng

 X = (I - A)-1.Y                                    (1)

    Quan hệ (1) cần phải được đưa về dạng phi cạnh tranh

           X = (I - Ad)-1.Yd                                      (2)

    Với X là ma trận giá trị sản xuất được tạo ra bởi các nhân tố của cầu cuối cùng; I là ma trận đơn vị; A là ma trận hệ số chi phí trực tiếp; Ad là ma trận hệ số chi phí trực tiếp trong nước; Y là ma trận với các cột là nhân tố của cầu cuối cùng; Yd là ma trận với các cột là nhân tố của cầu cuối cùng trong nước.

    Quan hệ trên viết lại khi nghiên cứu mối quan hệ liên ngành:

    Hoặc:

    Từ (4):

A11. X1 + A12. X2 + Y1 = X1

    Trong trường hợp chỉ tính đến quan hệ giữa sản xuất của nhóm ngành này ảnh hưởng đến nhóm ngành khác ta có:

X1 – A11.X1 = A12X2

 X1(I - A) = A12.X2

                           X1 = (I – A11)-1. A12. X2              (5)

    Tương tự:

                              X2 = (I - A22)-1.A21. X1                 (6)

    Trong đó, X1 là giá trị sản xuất nhóm ngành KTB; X2 là giá trị sản xuất các ngành khác trong nền kinh tế; I là ma trận đơn vị; A11 là ma trận chi phí trung gian của nhóm ngành KTB; A21 là ma trận chi phí trung gian của nhóm ngành KTB sử dụng sản phẩm nhóm ngành khác; A22 là ma trận chi phí trung gian nhóm ngành ngoài KTB; A12 thể hiện các ngành khác trong nền kinh tế sử dụng các ngành KTB làm đầu vào; Y1 là nhu cầu cuối cùng của KTB và Y2 là cầu cuối cùng các ngành kinh tế khác.

    Quan hệ (5) và (6) cho thấy ảnh hưởng về sản lượng của nhóm ngành này lan tỏa đến sản lượng của nhóm ngành khác.

    (I - A11)-1. A12 thể hiện nhu cầu của nhóm ngành KTB cho 1 đơn vị tăng lên của nhóm ngành kinh tế khác hoặc nhóm ngành kinh tế khác lan tỏa (kích thích) đến nhóm ngành KTB.

    Tương tự (I - A22)-1. A21 thể hiện nhu cầu của nhóm ngành kinh tế khác cho 1 đơn vị tăng lên của nhóm ngành KTB hoặc nhóm ngành KTB lan tỏa (kích thích) đến nhóm ngành kinh tế khác.

    Đặt:

    Liên kết ngược (Backward linkage - BL của nhóm ngành KTB:

BL1= (B11 + B21) = (I - A11)-1 + (B11 - (I - A11)-1) + B21

    Như vậy, sử dụng cuối cùng của nhóm ngành KTB ảnh hưởng đến sản lượng của chính nó, bao gồm: Ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp (còn gọi là ảnh hưởng số nhân -Multiplier effects: (I - A11)-1); ảnh hưởng liên ngành (interregional feedback effects: (B11 - (I - A11)-1) và ảnh hưởng tràn (cầu cuối cùng sản phẩn của ngành KTB lan tỏa đến sản lượng các ngành khác của nền kinh tế: B21).

    Từ các quan hệ trên giá trị sản xuất của nhóm ngành KTB cơ bản (X1) và các ngành kinh tế khác (X2) được xác định như sau:

X1 = B11.Y1 + B12. Y2                                                                     (8)

X2 = B21. Y1 + B22. Y2                                                                    (9)

    Phương trình (8) và (9) hàm ý giá trị sản xuất của nhóm ngành kinh tế i được tạo bởi cầu cuối cùng của chính nó và từ sản xuất các ngành j (inter-setorial feedback effect), với Iij = 1,2.

    Giá trị tăng thêm của nhóm ngành KTB và ngành kinh tế khác được xác định:

GVA1 = v1.X1 = v1.(B11.Y1 + B12. Y2)                                           (10)

GVA2 = v2.X2 = v2.(B21. Y1 + B22. Y2)                                          (11)    

    Với v1 và v2 là véc tơ hệ số của giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất.

Bảng 1: Nội dung thu thập thông tin và nguồn số liệu biên soạn giá trị sản xuất các ngành kinh tế biển

STT

Nội dung

Dữ liệu

Nguồn số liệu

1

Bảng cân đối liên ngành

Bảng cân đối liên ngành năm 2020

- Điều tra thống kê ;
- Khai thác dữ liệu hành chính;
- Chế độ báo cáo thống kê

2

Khai thác và nuôi trồng thủy sản biển

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản biển

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
- Điều tra thủy sản 2020;

3

Khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD; sản lượng khai thác dầu thô

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
-  Chế độ báo cáo thống kê

4

Chế biến thủy sản biển

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cá thể 2020

5

Chế biến dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên các loại

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cá thể 2020

6

Đóng tàu, thuyền

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD

Điều tra doanh nghiệp 2021; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cá thể 2020

7

Vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cá thể 2020;
- Chế độ báo cáo thống kê

8

Các ngành kinh tế biển khác

Doanh thu thuần, giá trị tồn kho, các khoản chi phí (chi hàng hóa và dịch vụ, chi khấu hao tài sản cố định, thu nhập của người lao động) lợi nhuận thuần từ SXKD

- Điều tra doanh nghiệp 2021;
- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cá thể 2020;
- Chế độ báo cáo thống kê.

3. Kết quả và thảo luận

    Bảng 2 cho thấy, KTB có đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam. Năm 2020, tổng giá trị tăng thêm các ngành KTB là 576,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 24,9 tỷ USD), đóng góp 7,2% vào GDP. Trong đó, đóng góp trực tiếp giá trị tăng thêm các ngành KTB là 457 nghìn tỷ đồng (tương đương 19,7 tỷ USD), đóng góp 5,7% so với giá trị tổng sản phẩm trong nước, chiếm 79,2% tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB; đóng góp gián tiếp giá trị tăng thêm của các ngành KTB là 119,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD), đóng góp 1,5% so với giá trị GDP trong nước và chiếm 20,8% tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB.

Bảng 2: Đóng góp giá trị tăng thêm của KTB trong GDP

STT

Chỉ tiêu

Giá trị (Tỷ đồng)

Tỷ lệ đóng góp giá trị tăng thêm của KTB trong GDP (%)

Tỷ trọng đóng góp các ngành KTB (%)

I

GDP giá hiện hành

8,044,386

 

II

Tổng giá trị tăng thêm của KTB giá hiện hành (VA)

576,882

7,2

100

1

Đóng góp trực tiếp

457,021

5,7

79,2

2

Đóng góp gián tiếp

119,861

1,5

20,8

Nguồn số liệu: NGTK 2022 và tính toán của nhóm nghiên cứu từ Bảng IOT 2020 bằng cách gộp các ngành KTB thuần (khai thác, nuôi trồng thủy sản biển; khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên; chế biến thủy sản biển; chế biến dầu mỏ; đóng tàu, thuyền; vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải)

    Kết quả tính toán cho thấy một số ngành kinh tế biển có tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm cao trong tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế biển như: Ngành khai thác dầu thô, khí đốt thiên nhiên có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm các ngành KTB với giá trị tăng thêm là 123,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp 21,5% trong tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB và 1,5% vào GDP. Khi sản lượng ngành khai thác dầu thô, khí đốt thiên nhiên thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 135 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của khai thác dầu thô, khí đốt thiện nhiên tăng lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 159 nghìn đồng.

    Ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản biển có giá trị tăng thêm 111 nghìn tỷ đồng, đóng góp 19, 2% trong giá trị tăng thêm của toàn ngành KTB và 1,4% vào GDP. Khi sản lượng ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản biển tăng thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 395 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của khai thác, nuôi trồng thủy sản biển tăng lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 452 nghìn đồng.

    Giá trị tăng thêm của hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển là 86,3 nghìn tỷ đồng, đóng góp 15% trong tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB và 1,1% vào GDP. Khi sản lượng vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển tăng thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 302 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển biển tăng lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 322 nghìn đồng.

    Giá trị tăng thêm ngành chế biến dầu mỏ là 85,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp 14,9% trong tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB và 1,1% vào GDP. Khi sản lượng chế biến dầu mỏ tăng thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 79 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của chế biến dầu mỏ lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 131 nghìn đồng.

    Giá trị tăng thêm ngành chế biến thủy sản biển là 40,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 7,1% trong tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB và 0,5% vào GDP. Khi sản lượng chế biến thủy sản biển tăng thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 161 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của chế biến thủy sản biển lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 506 nghìn đồng.

    Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia. Tuy vậy, đóng góp giá trị tăng thêm của ngành đóng tàu, thuyền trong tổng sản phẩm trong nước còn khá hạn chế (9,2 nghìn tỷ đồng), đóng góp 1,6% so với tổng giá trị tăng thêm của các ngành KTB và 0,1% vào GDP. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của ngành đóng tàu, thuyền trong các ngành KTB là rất lớn. Khi sản lượng ngành đóng tàu, thuyền và dịch vụ sửa chữa tàu, thuyền biển tăng thêm 1 triệu đồng sẽ kích thích các ngành kinh tế khác tăng sản lượng 828 nghìn đồng và nhu cầu cuối cùng của ngành đóng tàu, thuyền, dịch vụ sửa chữa tàu, thuyền biển lên 1 triệu đồng sẽ lan tỏa đến sản lượng các ngành kinh tế khác là 834 nghìn đồng.

Bảng 3: Đóng góp giá trị tăng thêm các ngành KTB năm 2020

STT

Chỉ tiêu

Giá trị (Tỷ đồng)

Tỷ lệ đóng góp giá trị tăng thêm của KTB trong GDP (%)

Tỷ trọng đóng góp các ngành KTB (%)

 

Tổng số

576,882

 

100

1

Khai thác và nuôi trồng thủy sản biển

111,028

1,4

19,2

2

Khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên

123,900

1,5

21,5

3

Chế biến thủy sản biển

40,775

0,5

7,1

4

Chế biến dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên các loại

85,904

1,1

14,9

5

Đóng tàu, thuyền

9,159

0,1

1,6

6

Vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển

86,257

1,1

15,0

7

Các ngành kinh tế biển khác

119,861

1.5

20,8

Nguồn số liệu: Tính toán của nhóm nghiên cứu từ Bảng IOT 2020 và dữ liệu thu thập thông tin

    Việc tính toán đóng góp giá trị tăng thêm của các ngành KTB đến tăng trưởng kinh tế sẽ cung cấp bức tranh về số liệu của các ngành KTB, giúp đánh giá được thực trạng phát triển của các ngành KTB trong thời gian qua và tỷ lệ đóng góp của ngành KTB cho phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo phát triển KTB một cách bền vững với việc duy trì và bảo tồn các hệ sinh thái và tài nguyên ven biển gắn với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các địa phương ven biển

4. Kết luận

    Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương. Mục tiêu của Liên hợp quốc về bảo tồn, sử dụng bền vững biển, đại dương được xem là thước đo phát triển của các quốc gia. Bảo đảm đại dương bền vững là một trong những trụ cột chính để nhân loại đạt được các mục tiêu PTBV (SDG). Xây dựng khái niệm, phạm vi và đo lường giá trị tăng thêm của KTB trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng, đây được coi là khung lý thuyết cơ bản trong phân tích, đánh giá kết quả đạt được của nền KTB. Nghiên cứu đã xây dựng được danh mục các ngành KTB và tính toán được đóng góp giá trị tăng thêm của KTB trong GDP. Việc tính toán giá trị tăng thêm của KTB vào GDP có ý nghĩa trong việc xác định giá trị mang lại của tài nguyên biển và ven biển trong phát triển kinh tế xã hội, từ đó có những can thiệp thích hợp nhằm phát huy giá trị của tài nguyên biển và ven biển, giảm các tác động từ các ngành/lĩnh vực đến hệ sinh thái, môi trường biển và ven biển.

    Trong thời gian tới, cần hoàn thiện về nguồn thông tin, tính toán đóng góp KTB theo chuỗi năm, theo cả giá hiện hành và giá so sánh; tính toán mức độ đóng góp về lao động việc làm của các ngành KTB và đặc biệt, cần tính toán ảnh hưởng của phát triển KTB sẽ tác động như thế nào đến môi trường. Đồng thời, cần xem xét cả giá trị gián tiếp mang lại từ tài nguyên biển và ven biển đối với GDP thông qua việc thiết lập hệ thống tài khoản vệ tinh cho các ngành KTB để đảm bảo việc tích hợp dữ liệu vào hệ thống tài khoản quốc gia, đóng góp vào việc báo cáo các mục tiêu PTBV, đặc biệt là mục tiêu SDG 14 về bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV, góp phần thiết lập một hệ thống chung để đo lường KTB toàn cầu.

Nguyễn Đình Thọ1, Kim Thị Thúy Ngọc1, Lê Thị Lệ Quyên1, Ngô Như Vẻ2

1Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

2Tổng cục Thống kê

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Xây dựng lại hệ thống phân loại nền kinh tế đại dương, tháng 12/2014 của Tiến sĩ Kwang Seo Park, Viện Hàng hải Hàn Quốc; Tiến sĩ Judith T. Kildow, Chương trình Kinh tế Đại dương quốc gia.

2. Nền kinh tế đại dương của Hàn Quốc 2021, Phòng nghiên cứu kinh tế đại dương, Viện Hàng hải Hàn Quốc, Jeong-In Chang, Ph.D.

3. Bùi Trinh, NV. Phong “Đo lường kinh tế số của Việt Nam” năm 2022. Tạp chí Nghiên cứu Trường hợp ISSN (2305- 509X) - Tập 11, số 3.

4. Liên hợp quốc (1999). Sổ tay biên soạn và phân tích bảng đầu vào - đầu ra, phương pháp nghiên cứu, Sổ tay Tài khoản quốc gia. New York: Liên hợp quốc.

5. Liên hợp quốc (2009). Hệ thống tài khoản quốc gia 2008. New York: Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới (https://unstats.un.org/unsd/nationalaccount/docs/SNA2008.pdf).

6. W. Leontief (1936) “Quan hệ đầu vào và đầu ra định lượng trong hệ thống kinh tế Hoa Kỳ”, Tạp chí Kinh tế và thống kê, tập. 18, n0 3, tháng 8/1936, trang 105 - 125. W. Leontief (1936).

7. Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018), Tổng cục Thống kê.

8. Phương pháp biên soạn hệ thống tài khoản quốc gia ở Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê 2018.

9. G. Cella, “Phương pháp tiếp cận từ phía cung đối với phân tích đầu vào - đầu ra: Đánh giá,” Richerche Economiche, 17, 1988, tr.433 - 451.

10. Niên giám Thống kê Việt Nam 2022.

Ý kiến của bạn