Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đề xuất phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

07/01/2021

     Tóm tắt

     Quy hoạch BVMT (QHBVMT) là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển bền vững lãnh thổ, là một phần của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thân thiện với môi trường. QHBVMT nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa BVMT và phát triển kinh tế. Bài viết nghiên cứu phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh dựa trên việc phân tích tổng hợp các yếu tố tự nhiên, môi trường và KT-XH, qua đó phân chia lãnh thổ huyện thành 3 vùng và 13 tiểu vùng chức năng môi trường. Các vùng và tiểu vùng được xác lập trên cơ sở phân vùng lãnh thổ theo 3 chức năng cơ bản: Không gian sống của con người và sinh vật; nơi cung cấp nguyên vật liệu và nơi chứa đựng; phân hủy các chất thải do hoạt động của con người.

Từ khóa: Phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng môi trường, QHBVMT, huyện Củ Chi.

Nhận bài: Ngày 9/8/2020; Sửa chữa:21/8/2020; Duyêt đăng: 24/8/2020

 

     1. Đặt vấn đề

     Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển về đô thị, công nghiệp không chỉ diễn ra tại các quận nội thành, mà còn diễn ra nhanh tại các quận huyện ngoại thành, trong đó có huyện Củ Chi. Nằm về phía Tây Bắc của TP. Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi có diện tích tự nhiên 43.496ha [1], phía Bắc giáp huyện Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh, phía Đông - Đông Bắc giáp huyện Bến Cát - tỉnh Bình Dương, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Đức Hòa - tỉnh Long An, phía Nam giáp huyện Hóc Môn. Trong những năm qua, huyện Củ Chi phát triển rất mạnh về hạ tầng kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện. Hệ thống giao thông phát triển, nhiều khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, cơ sở y tế, giáo dục được đầu tư... Nhiều dự án quy mô lớn của thành phố được quy hoạch trên địa bàn huyện, bao gồm dự án Khu đô thị Tây - Bắc, dự án phát triển du lịch sinh thái - nhà vườn ven sông Sài Gòn, dự án Sài Gòn Safari, đề án quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025...[1]. Dự báo huyện Củ Chi sẽ có những bước phát triển mang tính đột phá về KT-XH trong tương lai. Chính vì vậy việc xây dựng phân vùng chức năng môi trường làm cơ sở cho hoạch định không gian vừa phát triển KT-XH, vừa BVMT đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai là hết sức cấp thiết.

     2. Phương pháp nghiên cứu

     2.1. Cơ sở lý luận phân vùng chức năng môi trường

     - Khái niệm về vùng và phân vùng: Theo Lê Bá Thảo “Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia có một sắc thái đặc thù nhất định, hoạt động như một hệ thống do có những mối quan hệ tương đối chặt chẽ giữa các thành phần cấu tạo nên, cũng như mối quan hệ có chọn lọc với không gian các cấp bên ngoài” [2].

     Theo quan điểm sinh thái cảnh quan, vùng sinh thái được hiểu là một bộ phận lãnh thổ cụ thể có chung nguồn gốc phát sinh và phát triển, đặc trưng bởi sự đồng nhất tương đối về các điều kiện tự nhiên (địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng) và trên đó phát triển một phức hợp sinh quần lạc điển  hình[3].

     Như vậy, có thể hiểu vùng là một hệ thống bao gồm các mối liên hệ của các bộ phận cấu thành với các dạng liên hệ địa lý, kỹ thuật, kinh tế, xã hội bên trong hệ thống, cũng như bên ngoài hệ thống. Vùng có quy mô rất khác nhau, song dù quy mô vùng thế nào, lớn hay nhỏ đều có điểm chung, đó là một lãnh thổ có ranh giới nhất định, trong đó có sự tác động tương hỗ giữa các yếu tố tự nhiên, môi trường và con người.

     - Phân vùng: Là phân chia lãnh thổ ra thành các vùng hay các phần, được phân biệt bởi mức độ đồng nhất bên trong của nó. Những dấu hiệu được sử dụng để phân vùng có thể khác nhau về đặc điểm, theo mức độ rộng hẹp của dấu hiệu nào đó về phân bố hoặc theo mục đích phân vùng, trong nghiên cứu lãnh thổ thường phải phân vùng, từ đó cho phép sử dụng hợp lý tài nguyên và lao động [3, 4, 5].

     - Phân vùng chức năng môi trường về bản chất là tổ chức không gian lãnh thổ dựa trên sự đồng nhất về sự phát sinh, cấu trúc hình thái và tính thống nhất nội tại của vùng cho mục đích khai thác, sử dụng, bảo vệ và bảo tồn sao cho phù hợp với sự phân hóa tự nhiên của các điều kiện tự nhiên, đặc điểm môi trường, sinh thái và hoàn cảnh KT-XH của vùng [6, 7, 8, 9].

     - Nguyên tắc phân vùng chức năng môi trường: Cũng như trong phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng môi trường dựa trên các nguyên tắc chính như sau: (1) về  tính đồng  nhất tương đối; (2) tính khách quan; (3) phù hợp với chức năng sinh thái; (4) trình độ phát triển KT-XH; (5) tính hữu hiệu của các điều kiện đảm bảo sự quản lý lãnh thổ [5, 6, 7, 8, 9].

     2.2. Phương pháp nghiên cứu

     Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu: Phương pháp này được sử dụng để phân tích các nguồn tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Các nguồn tài liệu trên sẽ được sử dụng như một cơ sở khoa học tin cậy trọng quá trình nghiên cứu đề xuất phân vùng, đề xuất không gian phát triển KT-XH và BVMT của lãnh thổ.

     Phương pháp bản đồ, ứng dụng GIS và viễn thám: Đây là bộ phương pháp quan trọng và mang lại hiệu quả cao trong quá trình nghiên cứu phân vùng chức năng môi trường. Trong nghiên cứu này, phương pháp GIS được xem là phương pháp chủ đạo để biên tập, tổng hợp, xây dựng, chồng xếp các bản đồ thành phần... nhằm xây dựng bản đồ chuyên đề phân vùng chức năng môi trường vùng nghiên cứu.

     Phương pháp phân vùng lãnh thổ: Có thể hiểu đơn giản phân vùng lãnh thổ là phân chia lãnh thổ thành những đơn vị lãnh thổ nhỏ hơn. Phân vùng lãnh thổ ở huyện Củ Chi thực chất là phân chia lãnh thổ này thành các vùng và tiểu vùng với những đặc trưng riêng về tự nhiên. Từ các đơn vị tiểu vùng sẽ tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định không gian phát triển kinh tế gắn với việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT theo hướng phát triển bền vững (Hình 5).

 

        

Hình 1. Phân vùng lãnh thổ huyện Củ Chi                                                                        Hình 2. Mạng lưới sông suối

 

     2.3. Dữ liệu nghiên cứu

     - Dữ liệu ảnh vệ tinh: Nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 (NASA) với độ phân giải 30 m được lấy từ trang web https://earthexplorer.usgs.gov/ với Path/Row: 125/49. Ảnh được chụp ngày 12/02/2017 với 11 kênh phổ, có mã ảnh là LC81250522017045LGN00, chất lượng ảnh tốt (9/10), độ mây che phủ 0,51%. Kết quả phân tích ảnh hỗ trợ cập nhật bản đồ hiện trạng lớp phủ thực vật huyện Củ Chi.

     - Dữ liệu bản đồ: Bản đồ được sử dụng trong bài là:

     + Bản đồ nền tỷ lệ 1: 25.000 TP. Hồ Chí Minh, hệ tọa độ VN2000.

     + Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2015, tỷ lệ 1: 25.000, hệ tọa độ VN2000

     + Bản đồ thổ nhưỡng TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ 1: 50.000, hệ tọa độ VN2000.

     Tất cả bản đồ được hiệu chỉnh, đưa về cùng hệ tọa độ và định dạng dữ liệu để sử dụng cho các phần mềm GIS trong phân tích và xây dựng các bản đồ chuyên đề phục vụ cho nghiên cứu.

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Khu vực nghiên cứu

     a. Vị trí: Huyện Củ Chi nằm ở phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, tọa độ địa lý từ 10053’00” đến 10010’00” vĩ độ Bắc và từ 106021’00” đến 106040’00” kinh độ Đông, với 20 xã và 1 thị trấn. Địa giới hành chính của huyện được xác định: Phía Bắc giáp huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương; Phía Nam giáp huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh; Phía Tây giáp tỉnh Long An.

     b. Cấu trúc địa hình có 3 dạng chính:

     - Vùng đồi gò: Cao độ 10m - 15m tập trung ở phía Bắc huyện, gồm các xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức.

     - Vùng chuyển tiếp: Chuyển tiếp giữa các vùng đồi gò và vùng bưng trũng có độ cao từ 5m – 10m phân bốhầu hết các xã (Hình 4).

     - Vùng bưng trũng: Cao độ từ 0,5 – 2m, tập trung ở các xã phía Nam, Tây Nam và ven sông Sài Gòn (xã Bình Mỹ, xã Trung An...).

     c. Khí hậu: Củ Chi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất cận xích đạo. Trong năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, với đặc điểm chính:

     - Nhiệt độ tương đối ổn định, cao đều trong năm, trung bình năm khoảng 26,60C. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28,80C (tháng 4), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 24,80C (tháng 12). Tuy nhiên, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, vào mùa khô có trị số 8 - 100C [1].

     - Độ ẩm không khí trung bình năm khá cao 79,5%, cao nhất vào các tháng 7, 8, 9 là 80% - 90%, thấp nhất vào tháng 12, là 70% [1].

     d. Thủy văn: Đặc điểm chính thủy văn ở địa bàn huyện Củ Chi:Sông Sài Gòn là sông lớn nhất trong địa bàn huyện, chảy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương với chiều dài qua huyện là 45km. Chiều rộng trung bình của sông (đoạn trung lưu): 200m, độ sâu 16m. Lưu lượng sông Sài Gòn thay đổi theo mùa, thường mùa mưa lớn hơn 1 - 5 lần mùa khô. Ngoài ra còn có các kênh như: kênh Bến Mương-Láng Thé, kênh Thầy Cai... (Hình 2)

     e. Đặc điểm lớp phủ thực vật

     Trên cơ sở phân tích ảnh vệ tinh Landsat 8 (2017) kết hợp với bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2015, nghiên cứu đã phân chia địa bàn huyện Củ Chi thành 9 loại lớp phủ thực vật chính là rừng tự nhiên, cao su, khu dân cư, lúa và hoa màu, đồng cỏ và thảm cây bụi thứ sinh, rừng trồng, mặt nước, khu công nghiệp và đất trống. Trong đó đất khu dân cư có diện tích lớn nhất 10.025,28ha chiếm 23,06%, tiếp đến là kiểu lớp phủ là đồng cỏ - trảng cây bụi diện tích 8.825,38% chiếm 20,3%, rừng tự nhiên phân bố chủ yếu ở khu vực địa đạo Củ Chi và có diện tích nhỏ nhất 143,45ha chiếm 0,32% (Hình 4).

 

    

Hình 3. Độ cao địa hình huyện Củ Chi                                                          Hình 4. Hiện trạng lớp phủ

 

     3.2. Phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi

     3.2.1. Cơ sở phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi

     Phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi thực chất là phân chia lãnh thổ này thành các tiểu vùng môi trường với những đặc trưng riêng về tự nhiên, kinh tế - xã hội và những vấn đề môi trường. Tiểu vùng chức năng môi trường là đơn vị lãnh thổ cụ thể, được xem như một địa hệ thống bao gồm các điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội và có tác động qua lại lẫn nhau tạo nên đặc trưng riêng cho phép định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT

 

Hình 5. Quá trình phân vùng chức năng môi trường

 

     a. Cấp phân vị

     Từ phân tích sự phân hóa lãnh thổ Củ Chi theo các yếu tố tự nhiên và nhân sinh cho  thấy, địa bàn bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống sông, kênh rạch và độ cao địa hình, nên việc phân vùng được tiến hành theo 2 cấp phân vị: cấp lưu vực sông - gọi là cấp vùng môi trường (cấp I), cấp tiểu vùng môi trường (cấp II). Ở mỗi cấp, yếu tố trội đặc trưng được lựa chọn để làm cơ sở cho việc phân vùng.

     Cấp vùng chức năng môi trường: được xác định dựa vào sự phân hóa lãnh thổ theo lưu vực. Theo đó, mặc dù lãnh thổ huyện Củ Chi được phân hóa khá đa dạng, nhưng xét về tổng thể về địa hình, thảm thực vật, sự chi phối của hệ thống thủy văn. Căn cứ vào sự phân hóa lãnh thổ và nguyên tắc phân vùng được trình bày ở trên, với cách tiếp cận theo lưu vực đã chia lãnh thổ huyện Củ Chi thành 3 vùng chức năng môi trường chính: Vùng chức năng môi trường Đông Bắc (A); Vùng chức năng môi trường trung tâm (B); Vùng chức năng môi trường Tây Nam (C) (Bảng 1).

     Bảng 1.Hệ thống phân vùng chức năng huyện Củ Chi

Vùng CNMT

Tiểu vùng chức năng môi trường

Diệntích

(ha)

Tên gọi

Ký hiệu

Tên gọi

Ký hiệu

Vùng CN môi trường phía Đông Bắc

A

Tiểu vùng CNMT gò đồi Phú Mỹ Hưng

AI

951,8

Tiểu vùng CNMT An Nhơn Tây

A.II

1516,18

Tiểu vùng CNMT An Phú

A.III

1889,21

Tiểu vùng CNMT Phạm Văn Cội

A.IV

3.263,69

Tiểu vùng CNMT Phú Hòa Đông

A.V

1.348,50

Vùng CN môi trường trung tâm Củ Chi

B

Tiểu vùng CNMT trung tâm Củ Chi

B.I

13.036,65

Tiểu vùng CNMT Trung An

B.II

1.005,50

Tiểu vùng CNMT Tân Thạnh Đông

B.III

1.928,27

Tiểu vùng CNMT Bình Mỹ

B.IV

2.249,28

Tiểu vùng CNMT đô thị hành chính thị trấn Củ Chi

B.V

3.230,21

Vùng CN môi trường Tây Nam

C

Tiểu vùng CNMT khu vực Thái Mỹ - Phước Hiệp

C.I

5.087,24

Tiểu vùng CNMT khu vực Phước Thạnh – Tân An Hội

C.II

4.744,49

Tiểu vùng CNMT khu vực Tân Phú Trung

C.III

3.273,58

 

      Cấp tiểu vùng chức năng môi trường: Về nguyên tắc phân vùng thì tiểu vùng là những phân vị nhỏ trong từng vùng, nó có đường ranh giới khép kín, có những đặc điểm, chức năng khác biệt so với tiểu vùng liền kề. Địa hình Củ Chi do các yếu tố kiến tạo địa chất chi phối nên có sự phân bậc địa hình khá rõ rệt: đồng bằng thấp à chuyển tiếp à gò đồi (thấp). Vì vậy, yếu tố địa hình được xem là yếu tố trội để chia ra các đơn vị lãnh thổ có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, trong mỗi lưu vực, căn cứ vào các tiêu chí địa hình (bậc địa hình) mang tính trội đã lựa chọn để tiếp tục chia ra các đơn vị lãnh thổ quy mô nhỏ, đó là các tiểu vùng.

     b. Ký hiệu, tên gọi

     Đối với đơn vị cấp cấp vùng được ký hiệu theo chữ cái A, B, C và tên gọi các lưu vực theo tên các con sông, hoặc kênh, hay địa danh. Lãnh thổ huyện Củ Chi được phân hóa thành 3 vùng môi trường chính nên các ký hiệu được xác định như sau: A – Vùng chức năng môi trường Đông Bắc; B – Vùng chức năng môi trường trung tâm; C – Vùng chức năngmôi trường Tây Nam. Các tiểu vùng môi trường được ký hiệu bằng chữ số la mã I, II, III.... Tên gọi được kết hợp giữa tên tiểu lưu vực, bậc địa hình và địa danh.

     c. Bản đồ phân vùngđược xây dựng bằng phương pháp chồng xếp các bản đồ thành phần như: phân bố lưu vực, bậc địa hình, thổ nhưỡng, thảm thực vật, hiện trạng môi trường và hiện trạng sử dụng đất.

     3.2.2. Chức năng môi trường các tiểu vùng

     3.2.2.1. Vùng môi trường phía Đông Bắc Củ Chi

     a. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Phú Mỹ Hưng (A.I),

     - Đặc điểm: Tiểu vùng này nằm gọn trong ranh giới hành chính xã Phú Mỹ Hưng, là điểm cực bắc của huyện Củ Chi, giáp ranh với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, với diện tích 951,80 ha, chiếm 5,27% diện tích toàn huyện (Hình 6). Thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ vùng trên phù sa cổ (Fp), đất xám glây, đặc điểm địa chất là trầm tích tuổi đệ tứ, thuộc hệ tầng Thủ Đức, là vùng có độ cao, độ dốc lớn nhất trên địa bàn huyện, bề mặt địa hình dốc dần từ hướng Nam đến Bắc (thấp dần về phía sông Sài Gòn). Thảm thực vật rừng tự nhiên khu vực khá đa dạng và phong phú (trong khu vực địa đạo Củ Chi), khu vực đã phát hiện được 117 loài, 85 chi của 40 họ thuộc 23 bộ, nằm trong một ngành thực vật duy nhất là Ngọc Lan (Magnoliophyta). Trong đó, 92 loài có công dụng làm thuốc, làm cảnh, lấy gỗ, ăn quả, nhựa dầu, tanin… và 13 loài có giá trị bảo tồn theo tiêu chuẩn thế giới (IUCN, 2007) và Việt Nam (sách Đỏ Việt Nam, 2007).

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động du lịch ở khu di tích địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược, khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định.

     - Chức năng chính: Bảo vệ nguồn gen, đa dạng sinh vật (khu rừng tự nhiên còn sót lại), bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng để phòng hộ, cảnh quan và chống xói mòn, rửa trôi. Ngoài ra, tiểu vùng này có sự hiện diện của các di tích lịch sử quốc gia như Địa đạo Củ Chi, Đền tưởng niệm Bến Dược, Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định, nên chức năng bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, cung cấp thông tin đã được xác định cho tiểu vùng này. Trên cơ sở phân tích bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại khu vực cho thấy, chức năng chính của tiểu vùng này phù hợp với hiện trạng.

     b. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực An Nhơn Tây (A.II).

     - Đặc điểm: Diện tích tiểu vùng này là 1.516,18 ha, điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ vùng trên phù sa cổ, đất xám có tầng loang lổ; khu vực trầm tích tuổi đệ tứ, thuộc hệ tầng Thủ Đức và tuổi Neogen hệ tầng Bà Miêu. Địa hình dốc từ hướng Tây Nam – Đông Bắc.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Chất thải rắn nông nghiệp, nông thôn; Nguy cơ ô nhiễm đất do quá trình canh tác sản xuất nông nghiệp; quá trình xói mòn, rửa trôi trên khu vực đất dốc.

     - Chức năng: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Chức năng môi trường của tiểu vùng phù hợp với hiện trạng phát triển, hiện trạng sử dụng đất.

 

     Hình 6. Bản đồ phân vùng chức năng môi trường huyện Củ Chi

 

     c. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực An Phú (A.III)

     - Đặc điểm: Có diện tích 1.889,21 ha, đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ vùng trên phù sa cổ, đất phèn trung bình; khu vực trầm tích tuổi đệ tứ, thuộc hệ tầng Thủ Đức và tuổi Neogen hệ tầng Bà Miêu. Địa hình dốc từ hướng Tây Nam – Đông Bắc.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, nguy cơ ô nhiễm đất do quá trình canh tác, nhiễm mặn ở vùng ven sông.

     - Chức năng môi trường: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Hiện trạng sử dụng đất ở tiểu vùng này là đất nông nghiệp phù hợp với chức năng được xác định.

     d. Tiểu vùng môi trường khu vực Phạm Văn Cội (A.IV)

     - Đặc điểm: Tiểu vùng có diện tích 3.263,69 ha nằm trên địa bàn xã Phạm Văn Cội và Nhuận Đức. Thổ nhưỡng ở đây chủ yếu là đất xám có tầng loang lổ, đất phèn trung bình (phân bố dọc sông Sài Gòn); là khu vực trầm tích tuổi đệ tứ, thuộc hệ tầng Thủ Đức, địa hình dốc từ hướng Tây – Đông, độ cao địa hình từ 3-5m.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt.

     - Chức năng môi trường: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Hiện trạng sử dụng đất ở tiểu vùng này là đất nông nghiệp nên phù hợp với chức năng được xác định.

     e. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Phú Hòa Đông (A.V)

     - Đặc điểm: Tiểu vùng này nằm một phần ở xã Phạm Văn Cội và một phần xã Phú Hòa Đông, giáp ranh với tỉnh Bình Dương, với diện tích 1.348,5 ha chiếm 3,1% diện tích toàn huyện. Là khu vực trầm tích tuổi đệ tứ, điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ vùng trên phù sa cổ, địa hình dốc từ hướng Tây sang Đông, độ cao địa hình < 10 m. Đây cũng là tiểu vùng có thảm rừng tự nhiên nằm trong khuôn viên khu di tích địa đạo Bến Đình. Mặt khác, tiểu vùng này đang được xác định là địa bàn bảo tồn cây Củ Chi (một loại cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng) mà người dân ở đây hay gọi là “cây tử thần”. Về đặc điểm KT-XH ở tiểu vùng này có khu nông nhiệp công nghệ cao, Vườn thực vật Củ Chi - bảo tồn các loài thực vật bản địa, quý hiếm ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, phục vụ du lịch và bảo vệ nguồn gen, khu rừng cảnh quan Lịch sử Bến Đình, Công viên nghĩa trang, di tích lịch sử địa đạo Bến Đình, Bảo tàng chiến tranh.

     - Chức năng chính: Bảo vệ nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng để phòng hộ, cảnh quan và chống xói mòn, rửa trôi. Ngoài ra, tiểu vùng này có sự hiện diện của các di tích lịch sử như Địa đạo bến Đình, Bảo tàng chiến tranh, vườn thực vật.

     3.2.2.2. Vùng chức năng môi trường Trung tâm

     a. Tiểu vùng chức năng môi trường thung lũng trung tâm Củ Chi (B.I)

     - Đặc điểm: Đây là tiểu vùng có diện tích lớn nhất, kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam bao gồm các xã Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, TT. Củ Chi, Phước Vĩnh An với diện tích lên đến 13.036,65 ha. Điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất xám và đất xám có tầng loang lổ, đặc điểm địa chất là thuộc trầm tíchtuổi đệ tứ, hệ tầng Củ Chi. Địa hình dốc từ hướng Tây Bắc - Đông Nam, độ cao địa hình nhỏ hơn6m.Kinh tế ở tiểu vùng này chủ yếu là phát triển nông nghiệp với các nhóm cây trồng chính là lúa, hoa màu.

      - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Ô nhiễm trong nông nghiệp do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thoái hóa đất, chất thải rắn nông thôn, ngập úng.

     - Chức năng môi trường: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Hiện trạng sử dụng đất ở tiểu vùng này là đất nông nghiệp nên phù hợp với chức năng được xác định.

     b. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Trung An (B.II)

      - Đặc điểm: Diện tích 1.005,50ha, nằm trên địa bàn xã Trung An, ven sông Sài Gòn. Điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất xám và đất phèn trung bình, địa hình thấp dần về phía sông Sài Gòn.Đặc điểm phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với các nhóm cây trồng chính là cây ăn quả, hoa màu.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Nhiễm phèn, xói lở bờ sông, chất thải rắn nông thôn, xâm nhập mặn.

     - Chức năng: Là không gian sống, sản xuất.

     c. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Tân Thạnh Đông (B.III)

     - Đặc điểm: Thuộc xã Tân Thạnh Đông, có diện tích 1.928,27 ha, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phèn trung bình, địa hình thấp trũng nhất huyện, tiểu vùng này thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Thảm thực vật chủ yếu là lúa và trảng cỏ cây bụi. Là khu vực có mạng lưới kênh rạch dày đặc. Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp với các nhóm cây trồng chính là lúa, hoa màu.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Nhiễm phèn, xói lở bờ sông, chất thải rắn nông thôn, ngập úng ở vùng ven sông.

     - Chức năng môi trường: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Hiện trạng sử dụng đất ở tiểu vùng này là đất nông nghiệp nên phù hợp với chức năng được xác định.

      d. Tiểu vùng môi trường khu vực Bình Mỹ (B.IV)

     - Đặc điểm: Nằm chủ yếu trên địa bàn xã Bình Mỹ, có diện tích 2.249,28 ha, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phèn trung bình; là khu vực trầm tích tuổi đệ tứ. Địa hình thấp, thảm thực vật chủ yếu là hoa màu và trảng cỏ cây bụi, cây ăn quả.Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp với các nhóm cây trồng chính là cây ăn quả, hoa màu

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Nhiễm phèn, chất thải rắn nông thôn, ngập úng ở vùng ven sông.

      - Chức năng môi trường: Cung cấp không gian sống, sản xuất. Hiện trạng sử dụng đất ở tiểu vùng này là đất nông nghiệp nên phù hợp với chức năng được xác định. Tuy nhiên, trong tương lai, khu vực này có định hướng phát triển thành khu dân cư đô thị.

      e. Tiểu vùng chức năng môi trường đô thị hành chính Củ Chi (B.V)

     - Đặc điểm: Thuộc thị trấn Củ Chi với diện tích 3.230,21ha. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ vùng trên phù sa cổ, đất phèn trung bình, địa hình dốc từ hướng Tây sang Đông. Thảm thực vật chủ yếu là hoa màu và cây trồng cạn. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của huyện.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Ô nhiễm môi trường đô thị, chất thải rắn sinh hoạt, ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông và khu công nghiệp phía Bắc thị trấn.

     - Các chức năng chính: Thị trấn Củ Chi là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện; phát triển mạnh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, hạ tầng đô thịđồng bộ. Cung cấp không gian sinh sống và sản xuất cho người dân.

     3.2.2.3. Vùng môi trường Tây Nam

     a. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Thái Mỹ - Phước Hiệp(C.I)

     - Đặc điểm: Nằm chủ yếu trên địa bàn xã Thái Mỹ - Phước Hiệp có diện tích 5.087,24 ha, đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu là đất xám có tầng loang lổ, đất phèn. Tiểu vùng nằm trên khu vực trầm tích tuổi đệ tứ. Địa hình thấp, dốc dần về phía Bắc, có độ cao trung bình từ 3-6m, thảm thực vật chủ yếu là lúa, hoa màu và trảng cỏ cây bụi. Khu vực đã được xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm:Ô nhiễm môi trường do hoạt động của bãi rác Phước Hiệp, ô nhiễm đất và không khí.

     - Chức năng chính: Chứa đựng và xử lýchất thải. Cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở khu vực này cho phù hợp với chức năng môi trường của tiểu vùng.

     b. Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Phước Thạnh -Tân An Hội(C.II)

     - Đặc điểm: Tiểu vùng thuộc địa bàn xã Tân An Hội, Phước Thạnh có diện tích 4.744,49 ha, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phèn, cấu tạo bởi trầm tích tuổi đệ tứ. Địa hình thấp, dốc dần về phía Bắc, có độ cao trung bình từ 0 - 6m, thảm thực vật chủ yếu là trảng cỏ cây bụi. Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp. Khu vực đã được quy hoạch xây dựng khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất nông nghiệp, thoái hóa đất, nhiễm phèn, ngập úng; chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt và sản xuất.

     - Chức năng chính: Không gian sống và sản xuất, phát triển khu đô thị cao cấp. Cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với chức năng của tiểu vùng.

     c. Tiểu vùng môi trường khu vực Tân Phú Trung (C.III)

     - Đặc điểm: Nằm chủ yếu trên địa bàn xã Tân Phú Trung có diện tích 3.273,58 ha, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phèn, địa hình thấp và dốc dần về phía Nam, có độ cao trung bình từ 0- 6 m, thảm thực vật chủ yếu là trảng cỏ cây bụi.Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp với các nhóm cây trồng chính là lúa và hoa màu.

     - Các vấn đề môi trường nổi cộm: Ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, sân golf.

     - Chức năng chính: Không gian sống và sản xuất, phát triển khu đô thị cao cấp, khu vui chơi giải trí cao cấp sân goft, villa. Cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với chức năng của tiểu vùng.

     4. Kết luận

     Kết quả nghiên cứu đã phân chia huyện Củ Chi thành 3 vùng chức năng là: vùng chức năng môi trường phía Đông Bắc (8.955,08 ha), vùng chức năng môi trường trung tâm Củ Chi (21.449,92 ha), vùng chức năngmôi trường phía Tây Nam (8.555,11 ha). Đồng thời phân chia thành 13 tiểu vùngvới 4 chức năng chính là: (1) Chức năng bảo vệ bảo tồn: có 2 tiểu vùng là Tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Phú Mỹ Hưng và Tiểu vùng môi trường khu vực Phú Hòa Đông, diện tích 2.300,20 ha;  (2) Không gian sinh sống và sản xuất phát triển kinh tế có 9 tiểu vùng với diện tích 32.906,85 ha; (3) Chức năng đô thị hành chính có tiểu vùng đô thị hành chính Củ Chi với diện tích 3.230,21 ha; (4) chức năng chứa và xử lý chất thải có tiểu vùng chức năng môi trường khu vực Thái Mỹ - Phước Hiệp với diện tích 5.087,24 ha. Đây là cơ sở quan trọng trong định hướng không gian phát triển KT-XH và BVMT ở huyện Củ Chi trong tương lai.

 

 

Nguyễn Vĩnh An1, Nguyễn Huy Anh1, Trần Văn Sơn1, Nguyễn Hoàng Phượng Ly1

1Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2020)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. UBND huyện Củ Chi, 2015. Báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. UBND huyện Củ Chi.

     2. Lê Bá Thảo, Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, NXB Thế giới, Hà Nội, 1998

     3. Phạm Hoàng Hải, Phân vùng cảnh quan Việt Nam - Nguyên tắc và hệ thống phân vị, Tạp chí khoa học ĐHQG Hà Nội, 2000.

     4. Trương Quang Hải, Cấp vùng trong hệ thống các đơn vị tổ chức lãnh thổ phát triển KT-XH ở Việt Nam. Cơ sở khoa học cho phát triển vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2011.

     5. Nguyễn Cao Huần và nnk, Quy hoạch BVMT tổng thể tỉnh Quảng Ninh và một số vùng trọng điểm đến năm 2020, Báo cáo tổng kết dự án, Quảng Ninh, 2009.

     6. Nguyễn Cao Huần, Trương Quang Hải và nnk, Quy hoạch BVMT thị xã Uông Bí đến năm 2020, Báo cáo tổng kết dự án, Quảng Ninh, 2006

     7. Đặng Trung Thuận, Phùng Chí Sỹ, Phương pháp luận quy hoạch BVMT lưu vực sông, Báo cáo hội thảo về lưu vực song Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, 2011.

     8. Nguyễn Huy Anh, Lê Văn Thăng, 2015. Quy hoạch BVMT ở cấp huyện - cơ sở lý luận và ứng dụng. Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên sanKhoa học Trái đất và Môi trường, ISSN 1859-1388, 111 (12), 17-27.

     9. Đặng Văn Lợi, Nghiên cứu, xây dựng phương pháp luận phân vùng chức năng môi truờng phục vụ công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch theo định hướng phát triển bền vững, Báo cáo tổng kết đề tài, Bộ TN&MT, Hà Nội, 2009.

 

ENVIRONMENTAL FUNCTION ZONING IN CU CHI DISTRICT, HO CHI MINH CITY

Nguyen Vinh An1, Nguyen Huy Anh1, Tran Van Son1, Nguyen Hoang Phuong Ly1

1University of Natural Resource and Environment, Ho Chi Minh City

 

     Abstract: Environmental protection planning is one of the important tasks for sustainable development of the territory, a part of environmentally friendly socio-economic development strategy. Environmental protection planning is to handle conflict between environmental protection and economic development. The paper studied for environmental function zoning for Cu Chi district, Ho Chi Minh City based on the analysis of the combination of natural, environment and socio-economic factors and it is divided into 3 environmental function zones and 13 sub-zones. Zones and sub-zones are established on the basis of territory zoning with by 3 basic functions: living space of human and animals; provider of raw materials and a place to contain and degrade waste generated by human activities.

     Keywords: Territory zoning, environmental function zoning, environmental protection planning, Cu Chi district.

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn