Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đánh giá tác động đến đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật khi thực hiện Dự án: Đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị

26/10/2020

1. Giới thiệu 

    Dự án Đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị được thực hiện để xây dựng các công trình trên 2 khu đất với tổng diện tích 97,54ha trong đó khu 1 có 47,7ha; khu 2: 49,84ha. Khu 1 (khu dịch vụ hầu cần logistics hỗ trợ cảng biển - cảng Mỹ Thủy) sẽ có các công trình như: bãi chứa hàng, kho, xưởng, văn phòng, dịch vụ, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, nước, thoát nước, vệ sinh môi trường…), các công trình phụ trợ…

    Khu 2 gồm 4 lô đất sẽ xây dựng công trình kho bảo thuế, kho ngoại quan, các công trình phụ trợ cho hoạt động của khu trong khu phi thuế quan.

    Vùng dự án thuộc tỉnh Quảng Trị, một trong những địa danh trên lãnh thổ nước ta chịu ảnh hưởng khá nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan mang tính chất thiên tai như bão, mưa lớn gây lũ lụt, gió khô nóng gây cháy rừng, hỏa hoạn… Toàn bộ dự án nằm trên vùng cát bờ biển, một trong ba thành tạo cát chủ yếu (cát vàng, cát trắng và cát đỏ) của bãi cát bờ biển nước ta. Tại một số khu vực, trên cát trắng còn có một số loài cây gỗ tự nhiên. Tuy nhiên, trong vùng Dự án, qua khảo sát không phát hiện được sự có mặt của cây gỗ tự nhiên mà chỉ có cây bụi như niệt gió Ấn Độ (Wikstroemia indica), còn lại chủ yếu là cây thân thảo.

2. Hiện trạng đa dạng sinh học vùng Dự án

    Đa dạng sinh học (ĐDSH) vùng Dự án gồm ba hợp phần: hệ sinh thái, thành phần loài và nguồn gen.

2.1. Hệ sinh thái

    Vùng Dự án có các hệ sinh thái (HST) sau: Rừng phòng hộ, trảng cây bụi, trảng cỏ, thủy vực nước chảy (mương, lạch nước), thủy vực nước đứng (ao, đầm), nông nghiệp và khu dân cư.

2.1.1. HST rừng phòng hộ: Trong 7 HST thì HST rừng phòng hộ có diện tích lớn nhất, là thành phần cơ bản tạo nên thảm thực vật với độ che phủ tới 70% có tác dụng phòng hộ chống cát bay, bảo vệ khu dân cư vùng Dự án.Tham gia vào thành phần rừng phòng hộ ngoài keo lá tràm (Acacia auriculiformes) còn có keo tai tượng (Acicia mangium), phi lao (Casuarinaequisetifolia), bạch đàn trắng (Eucalyptus camaldulensis).

    HST rừng phòng hộ có độ tuổi khoảng 20 năm, trữ lượng gỗ ước tính 30 m3/ha.

    Ngoài thực vật, HST rừng phòng hộ được đặc trưng bởi một số loài động vật gồm một số loài thú nhỏ như chuột nhắt đồng (Mus caroli), chuột nhắt nhà (Mus musculus), chồn vàng (Mates flavigula)…

    Một số loài chim sống gần người như: chèo bẻo đen (Dicrurus macrocercus), chèo bẻo xám (Dicrurus leucophaeus), chích nâu (Phylliscopus fuscatus), chào mào (Pycnonotus), rẻ quạt họng trắng (Rhiphidura albicollis).

    Một số loài bò sát như thằn lằn bóng đuôi dài (Mabuya longicaudata), thằn lằn bóng đốm (Mabuya macularia), nhông emma (Calotes emma), nhông cát (Leislepis   sp.).

    Rừng phòng hộ không chỉ đảm nhiệm chức năng phòng hộ mà còn là HST có ĐDSH cao và tài nguyên sinh vật giá trị nhất vùng Dự án.

2.1.2. HST trảng cây bụi: Đặc trưng bởi những loài chỉ xuất hiện ở bãi biển như hếp (Scaevola taccata), niệt dó còn gọi là niệt Ấn Độ (Wiktroemia indica). Đáng chú ý, HST này của vùng Dự án còn xuất hiện 2 loài ngoại lai xâm hại là trinh nữ thân gỗ hay cây mai dương (Mimosa pigra), trinh nữ móc (Mimosa diplotrica).Hai loài này xuất hiện dọc bờ mương thủy lợi hoặc máng thoát nước do phát tán nhờ nước.

    HST có một số loài chim như cu gáy (Strepplia chinensis), cu xanh  (Treron curirostra). Một số loài thú nhỏ như chuột, một số loài bò sát, ếch nhái.

2.1.3. HST trảng cỏ:  Đặc trưng bởi một số loài chỉ có ở bãi cát ven biển như cỏ chông (Spinifex   littereus), rau muống biển (Ipomoea pes - caprae), vợt gai (Opuntia  dillenia)… Động vật có thằn lằn bóng đuôi dài, nhông cát.

2.1.4. HST thủy vực nước chảy: Vùng Dự án có kênh thoát nước thủy lợi để tiêu nước mỗi khi có mưa. Có một số loài thực vật thủy sinh sống trôi nổi như bèo ong (Salvinia natans), lục bình (Eichhornia crassipes). Một số loài thủy sinh sống nổi, thân xốp, rễ bám vào đất, lá nổi trên mặt nước như rau mác lam (Monochoria cyanea), rau mác cao (Monochorea elata).

    HST thủy vực nước chảy là nơi sinh sống của một số loài chim ăn côn trùng hoặc cá nhỏ, tôm, cua… như cò trắng (Egretta garzetta), cò xanh (Butorides striatus), cuốc  (Amancornis phoenicurus)…

2.1.5. HST thủy vực nước đứng (ao, lạch, đầm): Thực vật thủy sinh gồm một số loài như súng (Nymphea pubescens), bèo cái (Pistia stratiotes  auratus). Một số loài cá như cá rô đồng (Anabas testudineus), cá diếc (Carassius), cá đuôi cờ (Macropodus opercularis)…

2.1.6. HST nông nghiệp: Bao gồm một số cây lương thực như lúa, ngô, khoai … Cây thực phẩm có đậu các loại rau… Cây công nghiệp có mía, lạc. HST nông nghiệp thu hút nhiều loài chim ăn hạt côn trùng, ăn động vật cỡ nhỏ như các loài cò họ Diệc (Ardeidae), rất nhiều loài thuộc bộ Sẻ (Passeriformes). Một số loài bò sát như rắn nước (Xenchrophis piscator), thằn lằn bóng đuôi dài (Mabuya longicaudata), thằn lằn bóng hoa (Mabuya multifasciata)… Còn có ngóe (Rana limnocharis), chuột đồng (Mus caroli).

2.1.7. HST khu dân cư: Có một số loài cây trồng lấy quả như: chuối, na, mít, đu đủ, xoài… và các loài rau thực phẩm. Động vật tự nhiên có thạch sùng, cóc nhà; động vật nuôi có một số loài gia súc, gia cầm,

2.2. Thành phần loài

2.2.1. Thành phần loài thực vật: Đã thống kê được 102 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 2 ngành: ngành Dương xỉ có 2 họ với 3 loài. Ngành Hạt kín có 99 loài thuộc 43 họ, trong đó lớp Hai lá mầm có 34 họ với 76 loài, lớp Một lá mầm có 26 loài thuộc 9 họ.

2.2.2. Thành phần loài động vật (gồm 4 lớp): Lớp Thú có 4 loài thuộc 2 họ và 1 bộ. Lớp Chim có 23 loài thuộc 12 họ và 6 bộ. Lớp Bò sát có 13 loài thuộc 5 họ và 1 bộ. Lớp Ếch nhái 5 loài thuộc 2 họ và 1 bộ. Lớp Cá có 9 loài thuộc 7 họ và 2 bộ. Như vậy, tổng cộng thành phần  động vật toàn vùng dự án có 54 loài thuộc 28 họ, 11 bộ của 4 lớp động vật có xương sống trên cạn và 1 lớp động vật có xương sống dưới nước.

2.3. Nguồn gen

    Vùng Dự án không có các nguồn gen quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP, nhưng lại có 4 loài sinh vật ngoại lai theo Thông tư số 35/2018/TTBTNMT là: (1) Bèo tây (bèo Lục bình, bèo Nhật Bản) - Eichhor - crassipes; (2) Cỏ lào - Chromolaenaodorata; (3) Trinh nữ móc - Mimosa  diplotricha; (4) Trinh nữ thân gỗ - Mimosa  pigra.

    Đánh giá tác động của dự án đến ĐDSH và tài nguyên sinh vật

+ Những tác động tích cực: Việc thực hiện dự án ngẫu nhiên dẫn đến tác động tích cực là tiêu diệt 4 loài thực vật ngoại lai xâm hại là: Bèo tây, cỏ lào, trinh nữ móc, trinh nữ thân gỗ.

+ Những tác động tiêu cực: Việc thực hiện "Dự án đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị" sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến ĐDSH và tài nguyên sinh vật sau:

- Mất 71,77ha rừng phòng hộ để phục vụ giải phóng mặt bằng. Theo tính toán sơ bộ, có khoảng 2153,10 m3 gỗ phải khai thác ngoài ý muốn.

- Mất 6 HST là nơi sống của 102 loài thực vật thuộc 45 họ của 2 ngành Thực vật bậc cao có mạch và 54 loài động vật thuộc 28 họ, 11 bộ của 4 lớp động vật có xương sống trên cạn và 1 lớp động vật có xương sống dưới nước.

- Diện tích rừng phòng hộ bị mất sẽ gây ra những tác động tiêu cực về môi trường, giảm khả năng phòng chống bão ở vùng ven biển khu vực Dự án, mất nguồn hấp thụ CO2 và cung cấp oxy của 71,77 ha rừng phòng hộ.

3. Đề xuất các biện pháp giảm thiểu

- Cố gắng đến mức tối đa việc giữ lại diện tích rừng nếu không ảnh hưởng đến nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.

- Trồng cây tạo bóng mát, cây cảnh trên phạm vi Dự án.

Nhận xét:

- Vùng Dự án không có các loài động vật, thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP, do đó, việc thực hiệnDự án không làm suy giảm ĐDSH.

- Một số loài động, thực vật trong vùng dự án có thể bị tiêu diệt do quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phục vụ yêu cầu của Dự án…

- Tất cả đều là những loài phân bố rộng, phát triển nhanh nên không gây suy giảm ĐDSH.

 

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt III/2020)

Ý kiến của bạn