Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bằng quá trình xâm thực thủy động lực học kết hợp với fenton

17/07/2023

TÓM TẮT

    Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hiệu quả xử lý COD trong nước thải sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) trên mô hình xâm thực thủy động lực (HC) với các loại thiết bị tạo xâm thực khác nhau gồm tấm đục lổ: 1 lỗ, 3 lỗ và 5 lỗ. Kết quả cho thấy, hiệu quả xử lý COD cao nhất đạt được ở tấm lỗ số 2 (03 lỗ) với pH = 2,5; áp suất đầu vào 8 kg/cm2; áp suất đầu ra 1 kg/cm2 và thời gian vận hành 30 phút. Tiếp theo, các thí nghiệm được tiến hành trên mô hình H2O2 độc lập, Fenton độc lập, HC độc lập, HC + H2O2, HC + Fenton (HC+ Fe2+/H2O2). Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ HC kết hợp Fenton cho hiệu suất xử lý cao nhất, với hiệu suất xử lý BOD, COD đạt 91%, tổng N đạt 63,2% và TBVTV đạt 83,8%. Các số liệu thực nghiệm cũng chỉ ra hiệu quả xử lý 15 loại TBVTV gốc clo trong nước thải đạt 72 - 99%

Từ khóa: Xâm thực thủy động lực học (HC), nước thải, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV).

Ngày nhận bài: 9/5/2023. Ngày sửa chữa: 6/6/2023. Ngày duyệt đăng: 22/6/2023.

Evaluation of wastewater treatment for pesticide production using the electrokinetic-fenton process

    Abstract:

    This study was conducted to investigate the efficiency of COD treatment in wastewater due to the production of pesticides on a hydrodynamic (HC) model of cavitation with different types of cavitation devices, including hole plates: 1 hole, 3 holes, and 5 holes. The results showed that the highest COD removal efficiency was achieved in hole plate No. 2 (03 holes) with pH = 2.5; inlet pressure 8 kg/cm2; outlet pressure = 1 kg/cm2 and operating time = 30 minutes. The independent H2O2 model, independent Fenton model and independent HC model, HC + H2O2 model, HC + Fenton model (HC+ Fe2+/H2O2) were tested. The results of the HC system combined with Fenton gave the highest treatment efficiency, with BOD and COD removal efficiency reaching 91%, total N reaching 63.2%, and plant protection reaching 83.8%. The study also presented that the treatment efficiency of 15 types of chlorine-based pesticides in wastewater reached 72%-99%.

Key words: Hydrodynamic cavitation (HC), wastewater, pesticides.

JEL Classifications: Q51, Q52, Q53, Q57.

1. Đặt vấn đề

    Hiện nay, TBVTV rất đa dạng và phong phú, được sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng, nông lâm sản, giúp điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng. Các nhà máy sản xuất TBVTV chủ yếu là sản xuất thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ nấm bệnh...[1] 

    Đặc trưng của nước thải sản xuất TBVTV là chứa nhiều hợp chất hữu cơ mạch vòng khó phân hủy [1], nếu không được xử lý triệt để thì về lâu dài lượng nước thải này sẽ tích tụ, xâm nhập vào nguồn nước mặt, ngấm vào đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn ngước ngầm, làm suy thoái hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Do đó, nhiều phương pháp xử lý nước thải TBVTV đã được áp dụng như xử lý hóa lý kết hợp sinh học, hóa học kết hợp sinh học...

    Quá trình xâm thực là một trong những quá trình oxy hóa tiên tiến, có khả năng phân hủy các hợp chất hữu cơ bền trong nước thải TBVTV, đặc biệt mang lại hiệu quả cao khi kết hợp với các chất ôxy hóa như O3, H2O2, Fenton [2, 3, 4, 5], tuy nhiên, hiện nay chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Do đó, nghiên cứu quá trình xâm thực thủy động lực học (HC) kết hợp với H2O2 hoặc Fenton để phân hủy TBVTV gốc clo hữu cơ là một trong những công nghệ hứa hẹn đầy tiềm năng và hữu ích trong xử lý nước thải TBVTV, cũng như các hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học, bền nhiệt khác.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu: Nước thải TBVTV được lấy ở bể chứa nước thải sản xuất của Công ty TNHH Tấn Hưng Việt Nam, nước thải chứa dư lượng các hợp chất clo hữu cơ từ quá trình vệ sinh thiết bị sản xuất TBVTV, thuốc diệt côn trùng;

    Các hóa chất sử dụng trong nghiên cứu gồm NaOH 20%, H2SO4 98%, H2O2 50%, FeSO4 ­.7H2O 98%.

    Phương pháp phân tích mẫu: Phân tích COD theo SMEWW 5220B:2017; BOD theo TCVN 6001-1:2008, tổng Nitơ theo TCVN 6638:2000; tổng photpho theo SMEWW 4500-P.B&D: 2017; Cl- theo SMEWW 4500-Cl-B: 2017; các hợp chất BVTV gốc Clo hữu cơ theo US EPA Method 3520C, US EPA Method 3630C, US EPA Method 8270D và đo pH theo TCVN 6492:2011

    Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm

    Quá trình HC là quá trình hình thành các bọt khí trong dòng chất lỏng, các bọt khí có thể liên kết với nhau, hoặc bị phá vỡ phụ thuộc vào áp suất và vận tốc dòng chảy.

    Thí nghiệm được tiến hành với 3 dạng tấm lỗ, tấm lỗ số 1 (1 lỗ), tấm lỗ số 2 (3 lỗ) và tấm lỗ số 3 (5 lỗ); đường kính lỗ 2mm và độ dày tấm lỗ 10 mm với các thông số hoạt động gồm áp suất đầu vào (P1) từ 2 ÷ 10 kg/cm2, áp suất đầu ra (P2) từ 1 ÷ 3 kg/cm2, pH từ 2 ÷ 8, thời gian vận hành từ 15 - 60 phút. Đồng thời, sử dụng phần mềm Design Expert 11, thiết kế quy hoạch thực nghiệm để tối ưu hóa quá trình HC.

    Trên cơ sở số liệu tối ưu hóa thực nghiệm, tiến hành các thí nghiệm ở các nồng độ H2O2 và tỷ lệ Fe2+/H2O2 khác nhau để thu được hiệu quả xử lý cao nhất. Từ đó, so sánh kết quả xử lý dư lượng TBVTV trong nước thải bằng mô hình HC kết hợp H2O2 hoặc HC kết hợp Fenton với mô hình xử lý độc lập (chỉ xử lý H2O2; Fenton; HC)

Mô hình thiết bị

                                                                Dlỗ =2mm                                                           

                                                    Hình 1. Mô hình hệ thống thí nghiệm

    Mô hình thí nghiệm gồm có một bể chứa thể tích 50 L (có hệ thống tuần hoàn nước làm mát để ổn định nhiệt độ), một máy bơm áp cao có công suất 1,5 kW; 3 van điều khiển (V1, V2 và V3) và 2 đồng hồ đo áp suất (P1 và P2) để kiểm soát tốc độ dòng chảy và áp suất chất lỏng. Dòng hút của máy bơm được kết nối với đáy bể cấp liệu và chất lỏng khi ra khỏi đầu, đẩy máy bơm được phân thành hai dòng: Dòng chính qua thiết bị xâm thực Cavitation dạng tấm lỗ và dòng phụ (đường bypass) để kiểm soát dòng chảy. Khi nước thải theo dòng chính qua tấm đục lỗ, van V3 mở, van điều khiển V2 được đóng lại để đảm bảo không có dòng chảy phụ. Van V1 được bố trí phục vụ công tác thu mẫu và xả nước thải sau thí nghiệm.Toàn bộ thí nghiệm được thiết lập nhằm giúp tạo thành các bọt khí trong chất lỏng do sự thay đổi áp suất của chất lỏng trong thời gian ngắn, dưới áp lực cao, các bọt khí sẽ nổ tung và tạo ra sóng xung kích cực mạnh.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Xác định thông số vận hành tối ưu của mô hình HC

    Với áp suất đầu vào 5 kg/cm2, nhiệt độ dung dịch 30 ± 5oC, pH = 7,0 và thời gian vận hành 60 phút  cho thấy, khi tăng số lượng lỗ, vận tốc dòng chảy qua lỗ giảm từ 79,6 m/s (tấm lỗ số 1); 25,6 m/s (tấm lỗ số 2) và 11,32 m/s (tấm lỗ số 3), nhưng tổng lưu lượng dòng chảy qua tấm lỗ tăng, nên hệ số xâm thực tăng với k = 0,02 (tấm lỗ số 1); 0,29 (tấm lỗ số 2); 1,47 (tấm lỗ số 3) và sau quá trình xử lý dư lượng Cl-, COD trong nước thải giảm. Tuy nhiên, khi gia tăng số lượng lỗ cao (5 lỗ), áp lực dòng chảy giảm 86%, thời gian chu kỳ xử lý dài, nên hiệu suất phân hủy COD, Cl- giảm (Hình 2). Do vậy, hiệu quả phân hủy COD, Cl- cao nhất trong thí nghiệm ứng với tấm lỗ số 2. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của P. Thanekar và P.Gogate (2018) về ảnh hưởng của vận tốc dòng chảy qua tấm lỗ đến hiệu quả quá trình xâm thực [13], được tính toán như sau:

+ Vận tốc dòng chảy qua tấm lỗ: v (m/s)

    Trong đó: Q = lưu lượng dòng chảy qua lỗ (m3/s); Ao = tiết diện lỗ (m2)

   + Hệ số xâm thực k:

   Trong đó: p2 = áp suất dòng chảy sau khi qua tấm lỗ (Pa); pv = áp suất bay hơi của chất lỏng (Pa); r = khối lượng riêng của chất lỏng (kg/m3); v = vận tốc dòng chảy tại vị trí lỗ (m/s)

    Các khảo sát thay đổi pH từ 2 đến 8 đã được tiến hành để đánh giá hiệu quả xử lý COD, Cl- của hệ HC. Các kết quả nghiên cứu nhận được cho thấy, pH càng thấp thì hiệu quả xử lý COD, Cl- càng cao và đạt tối ưu ở pH khoảng 2 ÷ 3 (Hình 3). Điều này có thể giải thích là do trong môi trường axit gốc hydroxyl có khả năng oxy hóa mạnh hơn. Các số liệu trong nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu của Ravi. K. Joshi, P. R. Gogate (2012) về sự phân hủy dichlorvos đạt hiệu quả cao ở pH thấp [6];

Hình 2. Ảnh hưởng số lỗ trên tấm lỗ đến hiệu quả xử lý COD, Cl-

Hình 3. Ảnh hưởng pH đến hiệu quả xử lý COD, Cl- 

     Thay đổi áp suất đầu vào P1 lần lượt là 2, 4, 6, 8, 10 kg/cm2, kết quả cho thấy, khi P1 tăng thì khả năng phân hủy COD, Cl- tăng là do sự hình thành và phá vỡ mạnh các bọt khí, làm tăng hiệu quả xâm thực, tạo thành các gốc hydoxyl tự do OH, dẫn đến khả năng phân hủy COD, Cl- tăng. Thí nghiệm đạt hiệu quả tối ưu ở P1 = 8 kg/cm2 (Hình 4). Tuy nhiên, nếu tiếp tục tăng P1 sẽ làm gia tăng áp suất đầu ra P2 và tốc độ phục hồi áp suất dẫn đến làm giảm hiệu suất xâm thực [6,10] là do khi P2 cao thì áp suất phục hồi lớn, các bọt khí không bị phá vỡ dẫn đến các gốc hyroxyl OH không được tạo ra; ngược lại, nếu P2 quá thấp, sẽ gây ra hiện tượng siêu xâm thực, các bọt khí có xu hướng liên kết lại với nhau thành các bong bóng hơi lớn và không tạo ra các gốc OH [7]. Như vậy, thông số áp suất đầu vào và đầu ra đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất phân hủy các hợp chất hữu cơ, TBVTV gốc clo và diễn ra theo cơ chế sau: [8,9]

    Trong nước tại vị trí lân cận các bong bóng khí, ở nhiệt độ và áp suất cao cục bộ sẽ tạo ra gốc tự do hydroxyl: H2O ® OH + H (1); H + O2 ® OH + O (2); O + H2O ® 2OH (3). Khi có sự hiện diện của hợp chất hữu cơ gốc clo, sự tấn công của các gốc OH sẽ làm phân hủy, hoặc cắt mạch, hoặc gây dịch chuyển điện tích trong vòng thơm… tạo ra các clorohydrol và mở vòng, tạo thành các sản phẩm mới cùng với sự hình thành HCl trong môi trường axit, ion Cl- tạo ra sẽ nhanh chóng phản ứng với OH, bị kích hoạt và chuyển thành Cl2, ở điều kiện nhiệt độ rất cao cục bộ Cl2 sẽ nhanh chóng bay hơi. Vì vậy, hiệu quả phân hủy TBVTV gốc cho tăng đồng thời Cl- giảm, phản ứng diễn ra như sau:

  • OH + Cl-  ⇄  HOCl•- (4); HOCl•- + H+ ⇄  Cl+ H2O (5) ; Cl+ Cl® Cl2 (6)

Hình 4. Ảnh hưởng áp suất đến hiệu quả xử lý COD, Cl-

Hình 5. Ảnh hưởng thời gian đến hiệu quả xử lý COD, Cl-

    Thay đổi thời gian phản ứng, kết quả cho thấy, thời gian vận hành càng dài khả năng phân hủy COD, TBVTV gốc Clo càng cao. Đặc biệt, trong 30 phút đầu, tốc độ phản ứng phân hủy khá nhanh và đạt hiệu quả tối ưu từ 30 - 45 phút, sau đó tốc độ phản ứng giảm dần và tăng không đáng kể.

    Từ các khảo sát bên trên, thông số vận hành tối ưu của mô hình HC được xác định như sau: Tấm lỗ số 2 (-3 lỗ), pH trong khoảng 2 - 3, P1 = 8kg/cm2, thời gian từ 30 ÷ 60 phút;

Sự phù hợp của mô hình thực nghiệm

    Nghiên cứu này sử dụng phần mềm Design Expert 11, quy hoạch thực nghiệm với 17 thí nghiệm để khảo sát ảnh hưởng của thông số pH từ 2 ÷ 4, áp suất P1 từ 2 - 8 kg/cm2, thời gian từ 15 - 45 phút nhằm tối ưu hóa mô hình HC với 2 biến COD, Cl-. Sự phù hợp và có ý nghĩa của mô hình thực nghiệm được đánh giá qua phân tích ANOVA và chỉ số tương quan R2 của phương trình hồi quy tuyến tính.

    Kết quả phân tích ANOVA tại Bảng 1 cho thấy, sự tương thích của mô hình với thực nghiệm qua giá trị F = 69,52; độ tin cậy trên 99% (p < 0,0001); hệ số R2 = 0,9889 trong phương trình hồi quy tuyến tính Y1COD = 60,42- 9,73A + 15,5B + 12,76C - 8,74AB - 8AC + 8,59BC - 11,42A2 -11,38B2 - 11,16C2;

    Kết quả phân tích ANOVA tại Bảng 2 cho thấy, sự tương thích của mô hình với thực nghiệm qua giá trị F = 58,95; độ tin cậy trên 99% (p < 0,0001); hệ số R2 = 0,987 trong phương trình hồi quy tuyến tính Y2Cl- = 62,22- 16,63A + 16B + 13,39C - 10,21AB - 8,75AC + 8,96BC - 16,95A2 -11,56B2 - 9,87C2

Bảng 1: Kết quả phân tích ANOVA về hiệu suất xử lý COD trong nước thải TBVTV

Bảng 2: Kết quả phân tích ANOVA về hiệu suất xử lý Cl- trong nước thải TBVTV

    Ngoài ra, mối tương quan giữa hiệu suất xử lý COD, Cl- với các yếu tố pH, áp suất, thời gian còn được thể hiện qua các biểu đồ bề mặt đáp ứng tại Hình 6 và Hình 7; hiệu suất phân hủy COD, Cl- đạt tối đa khi pH= 2÷3, P1= 6÷8 kg/cm2, thời gian vận hành 30 phút.

Hình 6. Biểu đồ bề mặt 3D cho quá trình xử lý COD

Hình 7. Biểu đồ bề mặt 3D cho quá trình xử lý Cl-

Tối ưu hóa hiệu suất phân hủy COD, Cl- từ quá trình thực nghiệm

    Quá trình phân hủy COD, Cl- đạt hiệu suất tối ưu  ở điều kiện vận hành như sau: pH= 2,5; áp suất P1= 8kg/cm2, thời gian 30 phút.

3.2. Xác định nồng độ H2O2 tối ưu cho xử lý nước thải thuốc BVTV kết hợp HC

    Thực hiện thí nghiệm với các nồng độ H2O2 khác nhau; sử dụng tấm lỗ số 2, P1 = 8,0 kg/cm2, P2 = 1 kg/cm2, thời gian 30 phút. Kết quả cho thấy, khi tăng nồng độ H2O2, hàm lượng COD, Cl- trong nước thải giảm, hiệu quả xử lý tăng phù hợp với phương trình phản ứng (7) và (8) khi có H2O2 sẽ là nguồn phát sinh thêm gốc hydroxyl:

H2O2 + OH H2O + HO2 (7); HO2 + H2O2 HO + H2O + O2 (8)

    Tuy nhiên, khi nồng độ H2O2 vượt qua giá trị tối ưu (trên 100mg/l) thì mức độ phân hủy tăng không đáng kể (< 10%); khi đó, gốc OH sẽ phản ứng với các gốc tự do được tạo ra từ quá trình cắt mạch phân tử hữu cơ do sự hình thành và phân hủy HO2 [8, 10, 11], theo phương trình phản ứng sau:

H2O2 + OH ® H2O + HO2(9);  2 HO2 ® H2O2 + O2 (10)

Hình 8. Hiệu quả xử lý COD, Cl- trong mô hình HC kết hợp H2O2

3.3. Xác định tỷ lệ Fe2+/H2O2 (Fenton) tối ưu cho xử lý nước thải TBVTV kết hợp HC

    Thực hiện thí nghiệm với nồng độ Fe2+ lần lượt là 20, 25, 50, 100, 150mg/l, cố định  nồng độ H2O2 100mg/l; tấm lỗ số 2, P1 = 8 kg/cm2 P2 = 1,5 kg/cm2 và thời gian 30 phút. Kết quả cho thấy, khi tăng tỷ lệ Fe2+/H2O2 thì khả năng phân hủy COD, Cl- trong nước thải gia tăng là do tăng liều lượng Fe2+.  Nghiên cứu của P.N. Patil et.al. [12] cũng cho thấy, quá trình HC kết hợp Fenton (HC+ Fe2+/H2O2) mang hiệu quả hơn do sự tái tạo của Fe 2+ làm gia tăng sự hình thành gốc OH phục vụ quá trình oxy hóa chất ô nhiễm theo phương trình phản ứng (11), (12), (13).

Fe2+ + H2O2 ® Fe3+ + OH + OH (11);

Fe3+ + H2O2 ® Fe2+ + HO2 + H+ (12);

HO2 + Fe3+ ® Fe2+ + H+ + O2 (13)

    Tuy nhiên, để nước thải đáp ứng yêu cầu theo QCVN40:2011/BTNMT, cột B đối với COD, tỉ lệ Fe2+/H2O2 = 1,5 :1 là cần thiết.

Hình 9. Ảnh hưởng của Fenton (tỷ lệ Fe2+/H2O2) đến hiệu quả phân hủy COD, Cl- trong mô hình HC kết hợp Fenton

3.4. Đánh giá hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm trong nước thải TBVTV

    Các thí nghiệm xử lý  nước thải TBVTV bằng mô hình H2O2 độc lập,  Fenton độc lập, HC độc lập, HC + H2O2, HC + Fenton đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm trong nước thải. Kết quả  thí nghiệm cho thấy, mô hình HC độc lập cho hiệu quả xử lý COD, BOD đạt 63%, tổng N đạt 42%, TBVTV đạt 65%; khi sử dụng HC kết hợp H2O2, hiệu suất xử lý gia tăng với BOD đạt 71,1%, COD đạt 65,9%, tổng N đạt 52,6%, TBVTV đạt 77,6%; hệ HC kết hợp Fenton cho hiệu suất xử lý cao nhất, với hiệu suất xử lý BOD, COD đạt 91%, tổng N đạt 63,2% và TBVTV đạt 83,8% (Hình 10). Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Sunita Raut-Jadhav và các cộng sự về khả năng phân hủy thuốc trừ sâu và nước thải sản xuất thuốc trừ sâu bằng công nghệ HC kết hợp với các tác nhân tăng cường như H2O2, Fenton, với hiệu suất xử lý COD khi sử dụng HC kết hợp H2O2 tăng gấp 5 lần so với HC độc lập; hiệu suất xử lý methomyl khi sử dụng HC kết hợp H2O2, fenton lần lượt là  5,8% và 13,4% [4, 5]; nghiên cứu của Ravi. K. Joshi về khả năng phân hủy Dichlorvos đạt 91,5% khi sử dụng HC kết hợp Fenton với tỷ lệ FeSO4: H2O2 = 3:1 so với HC độc lập [6]

Hình 10. Hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm trong nước thải TBVTV ứng với các mô hình thí nghiệm khác nhau

    Nghiên cứu khả năng phân hủy của 15 hợp chất hữu cơ gốc clo trong TBVTV theo các quy trình xử lý khác nhau (). Mô hình HC độc lập đạt hiệu quả xử lý từ 56 ÷ 87%; mô hình HC kết hợp H2O2 đạt 71 - 92% , mô hình HC kết hợp Fenton đạt hiệu quả xử lý từ 72 - 99%, trong đó, a-BHC, b-BHC, Aldrin, Heptachlor epoxide, trans-chlordan, Dieldrin, Endrin, 4,4'-DDD, Endosulfan sulfat được xử lý trên 80%; Lindan, delta-BHC, Heptachlor, cis-chlordan, 4,4'-DDE, Endrin aldehyde được xử lý trên 72%.

Hình 11, Hiệu quả xử lý các hợp chất hữu cơ gốc clo trong nước thải TBVTV

4. Kết luận

    Công nghệ xâm thực thủy động lực học (HC) đóng vai trò quan trọng trong xử lý thuốc BVTV, quá trình HC kết hợp fenton (HC kết hợp Fe2+/H2O2) là kỹ thuật tiên tiến và mang lại hiệu quả cao trong việc phân hủy các hợp chất hữu cơ gốc clo so với các kỹ thuật khác. Khi sử dụng mô hình HC độc lập, hiệu quả xử lý COD, BOD đạt 63%, Nitơ đạt 42% và TBVTV đạt 65%. Kết hợp mô hình HC với H2O2 hoặc Fenton cho hiệu suất xử lý BOD tăng 1,1 ÷ 1,4 lần; COD tăng 1,05 ÷ 1,44 lần; tổng Nitơ tăng 1,3 ÷ 1,5 lần và TBVTV tăng 1,2 ÷ 1,3lần.

    Đối với TBVTV gốc Clo hữu cơ, nghiên cứu đã sử dụng mô hình HC độc lập để đánh giá khả năng phân hủy của 15 hợp chất gốc clo với hiệu quả xử lý đạt 56% - 87%; khi kết hợp HC với Fenton thì hiệu quả xử lý tăng rõ rệt và đạt hiệu suất xử lý từ 72% - 99%

    Như vậy, công nghệ xâm thực thủy động lực có khả năng đóng vai trò xử lý các chất hữu cơ độc hại, khó phân hủy sinh học, hổ trợ (tiền xử lý) cho các quá trình sinh học trong xử lý nước thải. 

Lê Đức Hưng 1, Đoàn Thị Mỹ Dung2, Ngô Thụy Phương Hiếu3, Nguyễn Văn Phước3

1Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia - Hồ Chí Minh;

 2Trường Đại học Phú Yên

3Hội Nước và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thanh Phong, Trần Anh Thông (2020), "Tổng quan về TBVTV độc hại ở Việt Nam,  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn - Đại học An Giang, Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Chính sách Nông nghiệp - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, International Pollutants Elimination Network.

2. Rajendrasinh R. Gaekwad (2015), "Pesticide wastewater treatment by hydrodynamic cavitation process", International Journal of Advance Research In Engineering, Science & Technology.

3. Debabrata Panda Sivakumar Manickam (2019), "Hydrodynamic cavitation assisted degradation of persistent endocrine-disrupting organochlorine pesticide Dicofol: Optimization of operating parameters and investigations on the mechanism of intensification", Ultrasonics. Sonochemistry 51.

4. Sunita Raut-Jadhav (2016), "Treatment of the pesticide industry effluent using hydrodynamic cavitation and its combination with process intensifying additives (H2O2 and ozone)", Chemical Engineering Journal 295.

5. Sunita Raut-Jadhav (2016), "Effect of process intensifying parameters on the hydrodynamic cavitation based degradation of commercial pesticide (methomyl) in the aqueous solution", Ultrasonics. Sonochemistry 28.

6. Ravi. K. Joshi (2012), “Degradation of dichlorvos using hydrodynamic cavitation based treatment strategies”, Ultrasonics. Sonochemistry 19, 532 - 539

7. Bagal, M.V. (2014), "Degradation of diclofenac sodium using combined processes based on hydrodynamic cavitation and heterogeneous photocatalysis", Ultrasonics Sonochemistry 21, 1035 - 1043

8. Pavel Krystynik (2021), "Advanced Oxidation Processes (AOPs) – Utilization of Hydroxyl Radical and Singlet Oxygen, Intechopen.

9. Sin-Yi Liou (2021), "Evaluation of hydroxyl radical and reactive chlorine species generation from the superoxide/hypochlorous acid reaction as the basis for a novel advanced oxidation process", Science Direct, Vol 200, 117 - 142.

10. Saharan, V.K. (2012), "Hydrodynamic cavitation as an advanced oxidation technique for the degradation of Acid Red 88 dye". Ind. Eng. Chem. Res., 1981 - 1989.

11. Teo, K.C. (2001), "Sono chemical degradation for toxic halogenated organic compounds", Ultrasonics Sonochemistry, 8 - 241.

12. P.N. Patil (2014), “Degradation of imidacloprid using combined advanced oxidation processes based on hydrodynamic cavitation”, Ultrasonics Sonochemistry, 1770 - 1777.

13. P. Thanekar, P.Gogate (2018), "Application of hydrodynamic cavitation reactors for treatment of wastewater containing organic pollutants: Intensification using hybrid approaches", Fluids, 3, 98.

Ý kiến của bạn