Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đánh giá công nghệ xử lý nước thải nhà máy sản xuất ắc quy Long Sơn tại Khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình

12/10/2022

Tóm tắt

    Nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý nước thải (XLNT) của Nhà máy bằng cách lấy 5 đợt mẫu trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất, hiệu quả công trình xử lý chất thải, mỗi đợt cách nhau 15 ngày và 7 đợt lấy mẫu được tiến hành trong 7 ngày liên tiếp của giai đoạn vận hành ổn định công trình xử lý chất thải. Kết quả thu được cho thấy, các thông số ô nhiễm chính có trong nước thải sinh hoạt (NTSH) của Nhà máy bao gồm: TSS, TDS, chất hữu cơ (BOD5), chất dinh dưỡng (NH4+, NO3-, PO43-) và vi sinh vật (coliforms). Ngoài ra, trong NTSH còn chứa dầu mỡ động thực vật, các chất hoạt động bề mặt, H2S... Với đặc trưng ô nhiễm như vậy, Nhà máy đã sử dụng phương pháp hóa lý kết hợp với sinh học nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm hữu cơ và vi sinh vật gây hại có trong NTSH. Kết quả qua quá trình khảo sát, các thông số ô nhiễm trong mẫu NTSH sau xử lý đều đạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, hệ số K=1,2; nước thải sản xuất (NTSX) của Nhà máy chứa nhiều thành phần ô nhiễm, nhưng hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, tuy nhiên chỉ tiêu Pb, pH và Fe trong mẫu nước thải đầu vào vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn. Vì vậy, Nhà máy đã áp dụng phương pháp hóa lý cho hệ thống xử lý NTSX công suất 210 m3/ngày, đêm. Kết quả phân tích các thông số ô nhiễm trong mẫu nước thải sau xử lý của Nhà máy đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, hệ số Kq=1; Kf=1,1. Như vậy, hệ thống xử lý NTSH và hệ thống xử lý NTSX của Nhà máy được thiết kế, vận hành phù hợp và hiệu quả.

Từ khóa: XLNT, công nghệ, ô nhiễm.

1. Mở đầu

    Nhà máy sản xuất ắc quy của Công ty TNHH Long Sơn đặt tại KCN Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã đi vào hoạt động năm 2013 cung cấp các loại ắc quy axit chì và  ắc quy kín khí... phục vụ cho các ngành công nghiệp như chiếu sáng, vận tải và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác.

    Do đặc thù sản xuất ắc quy với nguyên liệu chì chiếm tỷ trọng lớn nên dự báo thành phần nước thải chứa hàm lượng kim loại nặng cao, đặc biệt là chì. Bên cạnh NTSX ắc quy, NTSH từ hoạt động của cán bộ công  nhân viên nhà máy cũng chứa hàm lượng lớn các chất ô nhiễm và vi khuẩn, nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh và sức khỏe con người. Chính vì vậy, nhà máy đã xử lý NTSX, NTSH bằng phương pháp hóa lý kết hợp sinh học nhằm xử lý cục bộ trước khi tiến hành đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung của KCN Khánh Phú.

    Hiện nay, trên thế giới các công trình nghiên cứu, đánh giá công nghệ và hiệu quả XLNT được đề cập khá nhiều, trong đó áp dụng đa dạng từ phương pháp dự báo đến thực nghiệm, đồng thời bên cạnh các công bố có tính chất tổng thể cho cả một quy trình xử lý thì có nhiều công trình nghiên cứu chỉ tập trung đánh giá hiệu quả theo từng công đoạn [1], [2]. Tại Việt Nam, các nghiên cứu của Nguyễn Trương Phương Uyên, Trần Đức Hạ, Kiều Thị Quỳnh Hoa,... đều sử dụng phương pháp thực nghiệm để đánh giá hiệu quả XLNT công nghiệp, NTSH đô thị hay nước thải làng nghề có chứa chì [3], [4], [5].

    Trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn đánh giá hiệu quả công trình XLNT của Nhà máy theo phương pháp thực nghiệm. Đây là phương pháp dễ thực hiện, độ chính xác cao tuy nhiên hạn chế ở vấn đề nếu nước thải đầu ra chưa đạt yêu cầu thì sẽ khó thực hiện việc cải tiến hệ thống do công trình XLNT đã hoàn thiện.

    Tại Việt Nam việc đánh giá hay thẩm định công nghệ thông thường được các đơn vị, tổ chức như Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đánh giá công nghệ thông qua số liệu phân tích thực tế theo từng công đoạn và tổng thể là một hướng tiếp cận tương đối mới. Vì vậy, với nghiên cứu này có thể làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong công tác BVMT theo hướng đánh giá công nghệ dựa vào thực nghiệm.

    Nhà máy sản xuất ắc quy Long Sơn đặt tại KCN Khánh Phú, toàn bộ nước thải sau xử lý sẽ được đấu nối sang Trạm XLNT tập trung của Nhà máy XLNT Thành Nam trước khi xả theo ngòi Chanh thoát ra sông Vạc. Trong trường hợp khu vực bị ngập lụt, nước thải sau xử lý được bơm ra sông Đáy.

    Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá công nghệ XLNT thông qua việc lấy và phân tích mẫu nước ở các công đoạn xử lý trong hệ thống XLNT sản xuất và sinh hoạt của công ty TNHH Long Sơn nhằm: (1) đánh giá hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm; (2) hỗ trợ Nhà máy XLNT Thành Nam trong việc kiểm soát các thành phần ô nhiễm trong nước thải từ các doanh nghiệp thành phần; (3) hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc thanh tra, kiểm soát quá trình vận hành các công trình BVMT của Nhà máy.

2. Tiếp cận vấn đề và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tiếp cận vấn đề

    Tiếp cận gián tiếp thông qua quá trình nghiên cứu quy trình công nghệ XLNT của Nhà máy, đánh giá sơ bộ, lựa chọn các điểm lấy mẫu.

Tiếp cận trực tiếp thông qua việc lấy mẫu và phân tích tại phòng thí nghiệm.

2.1.1. Công trình thu gom, XLNT

    Nước thải phát sinh từ Nhà máy bao gồm NTSH và NTSX. Sơ đồ thu gom, xử lý các loại nước thải của Nhà máy như sau:

                                     

                                       Hình 1. Sơ đồ thu gom, xử lý các loại nước thải của Nhà máy

    Các công trình thu gom, XLNT của Nhà máy cụ thể như sau:

a) Công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt (XLNTSH)

    Công nghệ của hệ thống XLNTSH công suất 30 m3/ngày, đêm của Nhà máy là vật lý kết hợp sinh học. Hệ thống không bổ sung hóa chất trong quá trình XLNT. NTSH sau xử lý sơ bộ tại Nhà máy đạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B theo đường ống dẫn về hố ga tập trung nước thải sau xử lý (bố trí trong Nhà máy), sau đó theo hệ thống đường cống BTCT Ø300 dẫn về Trạm XLNT Thành Nam để tiếp tục xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

b). Công trình thu gom, xử lý nước thải sản xuất (XLNTSX)

    Toàn bộ NTSX phát sinh theo hệ thống thu gom dẫn về hệ thống XLNTSX công suất 210 m3/ngày.đêm đặt tại Trạm XLNT tập trung của Nhà máy, sử dụng công nghệ hóa lý.  NTSX sau xử lý đạt cột B-QCVN 40:2011/BNTMT được dẫn sang trạm XLNT Thành Nam để tiếp tục xử lý đạt quy chuẩn đầu ra trước khi thoát ra môi trường.

2.2. Phương pháp lấy mẫu và phân tích

Lựa chọn vị trí lấy mẫu:

- Đối với mẫu NTSH, để đánh giá hiệu quả từng công đoạn xử lý, tiến hành lấy 4 mẫu/đợt tại các bể (bể điều hòa, bệ kỵ khí, bể hiếu khí và bể lắng bùn); 2 mẫu đầu vào, đầu ra/đợt (tại bể điều hòa và bể lắng bùn) trong 5 đợt của giai đoạn điều chỉnh hiệu suất, 7 đợt trong giai đoạn vận hành ổn định nhằm đánh giá hiệu quả xử lý của toàn hệ thống.

- Đối với mẫu NTSX, tiến hành lấy 5 mẫu/đợt trong 5 đợt nhằm đánh giá hiệu quả xử lý của từng công đoạn tại mỗi bể/nhóm bể và 2 mẫu/đợt tại vị trí đầu vào, đầu ra (bể thu gom và bể chứa nước) trong 5 đợt của giai đoạn điều chỉnh hiệu suất, 7 đợt trong giai đoạn vận hành ổn định nhằm đánh giá hiệu quả xử lý của toàn bộ hệ thống xử lý NTSX.

Phương pháp lấy mẫu:

- Thực hiện theo các TCVN: TCVN 6663-2:2016: Hướng dẫn lấy mẫu nước; TCVN 6663-3:2016: Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu; Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021: Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường.

Phương pháp phân tích:

- Tiến hành phân tích 11 chỉ tiêu trong các mẫu NTSH theo quy định của QCVN 14:2008/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTSH; Cột B.

- Đối với mẫu NTSX, tiến hành phân tích 16 chỉ tiêu theo quy định của QCVN 40:2011/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; Cột B.

- Ngoài ra còn phân tích bổ trợ chỉ tiêu lưu lượng để đánh giá công suất vận hành của hệ thống xử lý NTSH, NTSX.

Thời gian lấy mẫu và phân tích mẫu:

- 5 đợt lấy mẫu trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất và hiệu quả công trình xử lý chất thải từ ngày 15/10/2021 đến 28/12/2021, mỗi đợt cách nhau 15 ngày.

- 7 đợt lấy mẫu được tiến hành trong 7 ngày liên tiếp của giai đoạn vận hành ổn định công trình xử lý chất thải từ ngày 29/12/2021 đến 15/1/2022.

- Các mẫu sau khi lấy được tiến hành phân tích tại Công ty Cổ phần phát triển công nghệ mới Hà Nội (VIMCERTS 238).

    Chi tiết cách thức lấy mẫu và phân tích mẫu NTSH, NTSX được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Phương pháp lấy và phân tích mẫu

TT

Tên thông số

Tên/số hiệu phương pháp sử dụng

I

Mẫu NTSH

1

Lưu lượng

 

2

pH

TCVN 6492:2011

3

BOD5

SMEWW 5210B:2012

4

TSS

TCVN 6625:2000

5

TDS

TD/SOP/QTMT/W01

6

H2S

TCVN 6637:2000

7

NH4+

EPA Method 350.2

8

NO3-

SMEWW 4500NO3-.E:2012

9

PO43-

TCVN 6202:2008

10

Dầu mỡ động thực vật

SMEWW 5520B&F:2017

11

Tổng các chất hoạt động bề mặt

TCVN 6622-1:2009

12

Tổng coliforms

TCVN 6187-2:1996

II

Mẫu NTSX

1

Lưu lượng

 

2

pH

TCVN 6492:2011

3

BOD5

SMEWW 5210B:2012

4

COD

SMEWW 5220C:2012

5

Chất rắn lơ lửng

TCVN 6625:2000

6

Asen

SMEWW 3114B:2017

7

Thủy ngân

SMEWW 3112B:2017

8

Chì

SMEWW 3113B:2017

9

Cadimi

SMEWW 3113B:2017

10

Crom (VI)

TCVN 6658:2000

11

Crom (III)

TCVN 6658:2000 + SMEWW 3500B:2017

12

Đồng

SMEWW 3111B:2017

13

Kẽm

SMEWW 3111B:2017

14

Niken

SMEWW 3113B:2017

15

Mangan

SMEWW 3111B:2017

16

Sắt

SMEWW 3111B:2017

17

Tổng dầu mỡ khoáng

SMEWW 5520B&F:2017

 

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả phân tích

3.1.1. Kết quả đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống XLNTSH công suất 30 m3/ngày đêm

a) Đánh giá hiệu suất của từng công đoạn xử lý

    Các mẫu được lấy và phân tích trong 5 đợt, đảm bảo độ lặp và tăng sự chính xác trong quá trình đánh giá.

    Các chỉ tiêu ô nhiễm trong NTSH sau xử lý tại mỗi bể trong thời gian khảo sát đều đạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, hệ số K=1,2. Cụ thể: Hầu hết các thông số ô nhiễm đều đạt hiệu suất xử lý trên 50%. Tuy nhiên chỉ tiêu TDS và NO3- có hiệu suất đạt dưới 50%. Nguyên nhân là do ban đầu hệ vi sinh nuôi cấy chưa hoạt động ổn định, đồng thời nồng độ TDS và NO3- trong mẫu NTSH đầu vào thấp (nằm dưỡi ngưỡng cho phép của quy chuẩn). Vì vậy, để tăng hiệu suất xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng trong NTSH, nhà máy tiến hành bổ sung phế phẩm vi sinh Bio-EM tại bể hiếu khí với liều lượng 1 kg/3 ngày trong thời gian 75 ngày của giai đoạn điều chỉnh hiệu suất hệ thống XLNTSH, chi tiết được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Đánh giá hiệu suất từng công đoạn thuộc hệ thống xử lý NTSH

b) Đánh giá sự phù hợp của toàn bộ hệ thống XLNTSH

    Theo kết quả phân tích tại Bảng 3, sau 5 đợt khảo sát trong giai đoạn điều chỉnh hệ thống và 7 đợt trong giai đoạn vận hành ổn định hệ thống XLNTSH của nhà máy cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm sau xử lý đều nằm trong giới hạn của QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, K=1,2.

    Trong toàn bộ quá trình lấy mẫu để đánh giá, hệ thống XLNTSH của nhà máy không phát sinh sự cố. Công suất vận hành XLNTSH từ 26,9 - 30 m3/s, đạt 89,6-100% công suất thiết kế.

    Như vậy, hệ thống XLNTSH công suất 30 m3/ngày, đêm của Nhà máy được thiết kế phù hợp và vận hành có hiệu quả.

Bảng 3. Đánh giá sự phù hợp của toàn hệ thống xử lý NTSH

3.1.2. Kết quả đánh giá hiệu quả XLNTSX của hệ thống XLNT công suất 210 m3/ngày, đêm

a) Đánh giá hiệu suất của từng công đoạn xử lý

    Theo số liệu tại Bảng 4, nhìn chung phần lớn các chất ô nhiễm trong nước thải đầu vào của Nhà máy có nồng độ nhỏ, nằm dưới ngưỡng quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, 2 thông số pH và Pb có nồng độ vượt ngưỡng quy chuẩn. Đối với thông số Fe trong 2 mẫu nước thải đầu vào lần 1 và lần 2 vượt ngưỡng quy chuẩn do một số máy móc, thiết bị (song chắn rác, đầu máy bơm) đã sử dụng lâu ngày, bị han gỉ hòa tan vào nước thải. Tuy nhiên, sau đó Nhà máy đã tiến hành vệ sinh, thay thế máy móc. Vì vậy, nồng độ Fe trong các mẫu nước thải còn lại đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

    Hiệu suất xử lý trung bình các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải tương đối cao, đạt trên 50%, bao gồm: BOD5; TSS; Pb; Cu; Zn; Ni; Mn; Fe và Tổng dầu mỡ khoáng. Các chỉ tiêu còn lại gồm COD; As; Hg; Cd; Cr(VI) và Cr(III) có hiệu suất xử lý trung bình nhỏ hơn 50%. Nguyên nhân là do nồng độ các chỉ tiêu ô nhiễm này trong các mẫu nước thải trước xử lý rất nhỏ, thậm chí không phát hiện. Nước thải sau xử lý trong 5 đợt khảo sát đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, hệ số Kq=1; Kf=1,1.

Bảng 4. Đánh giá hiệu suất của từng công đoạn xử lý thuộc hệ thống XLNTSX

b) Đánh giá sự phù hợp của toàn bộ hệ thống XLNTSX

    Kết quả phân tích tại bảng 5 cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm trong các mẫu NTSX sau xử lý ở 12 đợt lấy mẫu trong thời gian khảo sát đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, hệ số Kq=1; Kf=1,1.

    Công suất vận hành của hệ thống XLNTSX trong thời gian lấy mẫu khảo sát từ 175,2-187,2 m3/ngày, đêm, đạt 83,4-89,1% công suất thiết kế.

    Trong quá trình khảo sát, hệ thống XLNTSX của Nhà máy không phát sinh sự cố. Như vậy, hệ thống XLNTSX công suất 210 m3/ngày, đêm của Nhà máy được thiết kế phù hợp và vận hành có hiệu quả.

Bảng 5. Đánh giá sự phù hợp của toàn hệ thống XLNTSX

4. Kết luận

    Công ty TNHH Long Sơn nằm tại KCN Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình hàng năm cung cấp số lượng lớn sản phẩm năng lượng bao gồm ắc quy chì, ắc quy kín khí... đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần phát triển ngành công nghiệp trong nước. Bên cạnh nhưng đóng góp tích cực thì nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm nguồn nước là vấn đề cần có biện pháp xử lý, kiểm soát phù hợp.

    Nhà máy đã tận dụng hệ thống XLNT hiện hữu nhằm xử lý NTSX ắc quy, NTSH phát sinh trước khi tiến hành dẫn về hệ thống XLNT tập trung của KCN Khánh Phú.

Công nghệ xử lý NTSH, NTSX của Nhà máy:

    NTSH của Nhà máy được xử lý tại hệ thống XLNTSH công suất 30m3/ngày,đêm. Các thông số ô nhiễm chính có trong nước thải sinh hoạt của nhà máy bao gồm TSS, TDS, chất hữu cơ (BOD5), chất dinh dưỡng (NH4+, NO3-, PO43-) và vi sinh vật (coliforms). Ngoài ra trong NTSH còn chứa dầu mỡ động thực vật, các chất hoạt động bề mặt, H2S,... Với đặc trưng ô nhiễm như vậy, nhà máy đã sử dụng phương pháp hóa lý kết hợp với sinh học nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm hữu cơ và vi sinh vật gây hại có trong NTSH. Kết quả khảo sát cho thấy, các thông số ô nhiễm trong mẫu NTSH sau xử lý đều đạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, hệ số K=1,2. Trong quá trình tiến hành lấy mẫu khảo sát hệ thống vận hành ổn định không phát sinh sự cố. Như vậy, hệ thống XLNTSH của Nhà máy được thiết kế, vận hành phù hợp và hiệu quả.

    NTSX của Nhà máy chứa nhiều thành phần ô nhiễm, nhưng hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, tuy nhiên chỉ tiêu Pb, pH và Fe trong mẫu nước thải đầu vào vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn. Vì vậy nhà máy đã áp dụng phương pháp hóa lý cho hệ thống xử lý NTSX công suất 210 m3/ngày, đêm. Kết quả phân tích các thông số ô nhiễm trong mẫu nước thải sau xử lý của nhà máy đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, hệ số Kq=1; Kf=1,1. Với công suất xử lý của toàn hệ thống đạt 84,3-89,1% công suất thiết kế, cho thấy hệ thống xử lý NTSX 210m3/ngày.đêm của nhà máy vận hành hiệu quả, đảm bảo được yêu cầu thiết kế.

    Hạn chế: Do điều kiện về nhân lực và thời gian hạn chế, nghiên cứu này chỉ tập trung đánh giá sự phù hợp về công nghệ XLNT, chưa đánh giá về hiệu quả kinh tế. Thời gian tới nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ áp dụng phương pháp chi phí lợi ích để xem xét mối tương quan giữa công nghệ - kinh tế và môi trường.

    Như vậy, công nghệ XLNT của Nhà máy hiện có được đánh giá là phù hợp với điều kiện xử lý thực tế, góp phần giải quyết được tình trạng ô nhiễm trước khi được dẫn sang trạm XLNT Thành Nam để tiếp tục xử lý triệt để quy chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. F. Zhang, F., Ju, Y., Dong, P., Wang, A., & Santibanez Gonzalez, E. D. R. 2020. Multi-period evaluation and selection of rural wastewater treatment technologies: a case study. Environmental Science and Pollution Research, 27(36), 45897–45910.

2. J. Czarnota, A. M.-R. O. Środowiska, and  undefined 2019, “Evaluation of the Effectiveness of a Wastewater Treatment Plant with MBBR Technology,” Middle pomenranian scientific society of the environment protection, Volume 21, 906-925.

3. K. Thị Quỳnh Hoa, N. Thanh Bình, Đ. Thị Yến, and V. Thị Nga, 2013, “Nâng cao hiệu quả loại bỏ chì trong nước thải ô nhiễm chì của hỗn hợp chủng vi khuẩn khử sulfate nội tại thu được từ nước thải ô …,” Tạp chí Sinh học, 2013, 35(3se): 73-78.

4. N. Uyên and T. Minh, 2020, “Khảo sát đánh giá hiện trạng thu gom, XLNT tại nhà máy XLNT tập trung khu công nghiệp mỹ phước III,” Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 6 (49) - 2020.

5. Trần Đức Hạ (2006), XLNT đô thị, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 342.

Khuất Thị Hồng, Ngô Trà Mai, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hà Thị Hiền, Nguyễn Thị Hoa

Viện Vật lý, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2022)

 

ASSESSMENT OF WASTEWASTE TREATMENT TECHNOLOGY LONG SON BATTERY PRODUCTION FACTORY IN KHANH PHU IINDUSTRIAL PARK, KHANH PHU COMMUNE, NINH BINH PROVICE

Khuat Thi Hong, Ngo Tra Mai, Nguyen Hung Son, Nguyen Thi Thuy Hang,

Ha Thi Hien, Nguyen Thi Hoa

Institude of Physics, Vietnam Academy of Science and Technology

Summary

    The author research and evaluate wastewaster treatment technology of the plant by taking 5 samples in the period of adjusting output efficiency and waste treatment efficiency, each time is 15 days apart and 07 times. Sampling was conducted during the 7-day period in during the stable operation of the wates treament facility. The obtained results show that: The main measurement cells in the operating wastewaster of the plant include TSS, TDS, organic matter (BOD5), nutrients (NH4, NO3-, PO43-) and microorganisms (coliforms). In addition, the wastewaster also contains greasy plants and animals, active surfaces, H2S,… With such a characteristic cell, uses a rational chemical method with biology to process the active ingredients, organic matter and harmful microorganisms in bioreactor. Are used through the monitoring process, the information boxes resuld in the sample bioreactor after treatment all met QCVN 14:2008/BTNMT, column B, coefficient K = 1,2; The factory’s production wastewater contains many pollutant components, but most of the parameters are within the allowable limits, however the Pb, pH and Fe indicators in the input wasterwater sample exceed the allowable threshold of the norm. Therefore, the plant has applied physico-chemical methods for the wastewater treatment system with a capacity of 210m3/day.night. The analysis result of the pollution parameters in the wastewater samples after treatment of the plant all reached QCVN 40:2011/BTNMT, colum B, coefficient Kq=1, Kf=1,1. Thus, the plant’s wastewaster treatment system and production wastewater system are designed, suitable for operation and efficient.

Keyword: treated waste, technology, pollution.

Ý kiến của bạn