Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Công nghiệp văn hóa góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập

30/06/2022

TÓM TẮT

    Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014), Đảng ta xác định, một trong sáu nhiệm vụ là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”. Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cho phát triển kinh tế, thể hiện ở việc tạo thu nhập và việc làm, khai thác các giá trị phi vật thể để tạo thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế (KT - XH) và tạo ra các nội dung, ý tưởng, tri thức góp phần phát triển kinh tế tri thức. Quảng Ninh đã trở thành một trong ba trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa tiêu biểu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đó là kết quả của những định hướng chỉ đạo đúng đắn trên cơ sở khai thác, phát huy các thế mạnh của địa phương, tạo động lực bền vững nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

1. Đặt vấn đề

    Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã định nghĩa về các ngành công nghiệp văn hóa: “Các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ”. Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: (1) Quảng cáo; (2) Kiến trúc; (3) Phần mềm và các trò chơi giải trí; (4) Thủ công mỹ nghệ; (5) Thiết kế; (6) Điện ảnh; (7) Xuất bản; (8) Thời trang; (9) Nghệ thuật biểu diễn; (10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (11) Truyền hình và phát thanh; (12) Du lịch văn hóa.

    Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) chỉ rõ: Triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới... Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo trên, tỉnh Quảng Ninh, với lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa đã trở thành địa phương tiêu biểu trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong thời gian qua. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được sự thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển KT - XH của đất nước, của tỉnh, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

2. Thực trạng phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

2.1. Phân tích SWOT về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

Những điểm mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

Những điểm yếu của ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

- Tài nguyên văn hóa đa dạng và độc đáo với đặc trưng văn hóa biển và truyền thống công nhân mỏ.

- Con người Quảng Ninh với những đặc trưng đã được xác định: Năng động, văn minh, thân thiện, sáng tạo, hảo sảng, lành mạnh.

- Một vùng đất với lịch sử hào hùng đáng tự hào.

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu”sang “xanh”, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

- Xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh từ những chiến lược chỉ đạo của Trung ương.

- Tập trung đầu tư cho ngành kinh tế trọng điểm, việc quản lý nhà nước và các mô hình đầu tư chưa chú trọng đến ngành công nghiệp văn hóa.

- Kỹ năng và quản lý hạn chế, công tác giáo dục đào tạo chưa phát huy tính sáng tạo.

- Hạn chế về cơ chế vận hành thích hợp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

- Hệ thống các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa không nhiều, hạn chế về việc hợp tác phát triển

- Dịch vụ văn hóa và thị trường (nội địa và quốc tế) của tỉnh Quảng Ninh còn kém phát triển.

 

Những cơ hội để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

Những thách thức lớn đến ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

- Có chiến lược, định hướng chỉ đạo đầu tư cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Quảng Ninh.

- Tiếp cận khai thác tài nguyên văn hóa để đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh.

- Định vị  được 5 lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa để phát triển các lĩnh vực khác trong các giai đoạn tiếp theo, tiêu biểu là du lịch văn hóa và biểu diễn nghệ thuật.

- Từng bước thiết lập và xây dựng các tổ hợp sáng tạo có chất lượng và hệ thống các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong công nghiệp văn hóa.

- Tỉnh Quảng Ninh chưa quyết liệt trong hành động, mới chỉ dừng lại ở ban hành chiến lược, định hướng.

- Hạn chế trong hoạt động giáo dục sáng tạo, đặc biệt là thiếu hụt nghiêm trọng về kỹ năng ở các ngành công nghiệp văn hóa.

- Thị trường địa phương cho các dịch vụ và hàng hóa văn hóa còn yếu kém.

- Sự phát triển kinh tế Quảng Ninh chưa chú trọng đến ngành công nghiệp văn hóa.

- Ảnh hưởng của các vấn đề chung mang tính chất toàn cầu và quốc gia như: Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu…

 

2.2. Sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh trong thời gian qua

    Công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh đã được định hình và phát triển theo định hướng đảm bảo môi trường đầu tư phát triển bền vững. Trong đó, tập trung vào bốn ngành: Du lịch văn hóa;  Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Quảng cáo đều có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả nhất định.

    Lĩnh vực du lịch văn hóa: Trong quá trình triển khai Kế hoạch số 15/KH-UBND, tỉnh đã xác định rõ, du lịch văn hóa là một trong những lĩnh vực tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế mạnh mẽ nhất để phát triển công nghiệp văn hóa. Quảng Ninh có 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch địa phương, 1 khu du lịch quốc gia. Tỉnh đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch biên giới, trong đó, du lịch văn hóa được đặc biệt quan tâm nên có nhiều khởi sắc, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần vào việc phát triển KT - XHcủa địa phương. Trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, hơn 632 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 83 di tích cấp tỉnh, còn lại di tích đã kiểm kê, phân loại; 6 di sản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có tỷ lệ cao hơn so với nhiều địa phương trong cả nước. Ở một số địa phương trong tỉnh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch làng quê, sinh thái, trải nghiệm đã khẳng định được thương hiệu và tiếp cận thị trường như: Gốm sứ (thị xã Đông Triều); Làng nghề đan ngư cụ và đóng tàu vỏ gỗ (thị xã Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (huyện Vân Đồn)...; các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm được đầu tư đã có kết nối với các đơn vị lữ hành đón tiếp, phục vụ khách du lịch và đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương. Các loại hình dịch vụ du lịch được hình thành từ văn hóa ẩm thực, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc sắc, hấp dẫn người dân, du khách như: Điểm du lịch làng quê Yên Đức, Điểm du lịch hồ Khe Chè; Điểm du lịch Quảng Ninh Gate thị xã Đông Triều; Sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng ở Tiền An, thị xã Quảng Yên… Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 236 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao, trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh và khách du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... được khách du lịch yêu thích.

    Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, cùng với công tác xã hội hóa được triển khai hiệu quả. Trong 3 năm qua, 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng kinh phí 1.997 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tham gia ủng hộ nguồn lực lớn trong việc trùng tu, cải tạo nâng cấp các di tích. Đặc biệt, các di sản, di tích đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương như: Di tích lịch sử nhà Trần (Thị xã Đông Triều), khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí), Khu di tích Bạch Đằng (Thị xã Quảng Yên), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (TP. Hạ Long), đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)…

    Quảng Ninh hiện có 12 trên tổng số 13 địa phương tổ chức lễ hội (huyện Cô Tô không tổ chức lễ hội) với tổng số 119 lễ hội; trong đó có 76 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval, hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, hoa sở, trà hoa vàng… vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng, có đóng góp không nhỏ vào việc thu hút lượng du khách đến chiêm bái, hành lễ, tạo xu hướng phát triển “du lịch văn hóa tâm linh”. Nhờ đó, các giá trị văn hóa gắn liền với các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng được tôn vinh, lan tỏa. Năm 2015, lượng khách du lịch, tham quan đến các di tích, lễ hội chỉ khoảng gần 3.000.000 lượt khách, năm 2019 tăng lên 5.597.496 lượt khách (chiếm gần 40%/ tổng số khách tham quan du lịch tại Quảng Ninh). Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từng bước được bảo tồn, đã trở thành nguồn lực góp phần vào sự phát triển KT - XH bền vững của tỉnh. Từ di sản văn hóa đến nền kinh tế sáng tạo, cụ thể là công nghiệp văn hóa là điều kiện để thúc đẩy phát triển xã hội, bởi công nghiệp văn hóa không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế, mà còn đóng vai trò là sợi dây liên kết các mặt của xã hội, kinh tế, môi trường để đạt sự bền vững lâu dài. Vì vậy, có thể khẳng định, công nghiệp văn hóa nói chung, du lịch văn hóa nói riêng đang dần trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Minh chứng rõ nét nhất, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ, nhất là lĩnh vực du lịch. Nhưng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chính các chương trình biểu diễn, hoạt động văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông du khách đến với Quảng Ninh. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tỷ trọng tăng dần theo từng năm, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Theo đó, doanh thu của ngành du lịch văn hóa ước đạt 20% doanh thu của ngành Du lịch thông qua các hoạt động, sự kiện văn hóa, biểu diễn, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2030 đạt 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 15 triệu lượt. Từ những kết quả đạt được, ngành du lịch Quảng Ninh đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Quảng Ninh hiện nay có một đơn vị nghệ thuật công lập là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh và khoảng hơn 10 đơn vị ngoài công lập. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị này chủ yếu là những tiết mục ca múa nhạc dân tộc. Các hoạt động văn hóa này được tỉnh khuyến khích nhân rộng nhằm bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật truyền thống, đồng thời là tiền đề thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong thời gian qua, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh thực hiện chức năng bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống (diễn xướng ca dao, dân ca, dân vũ…), phát triển nghệ thuật đương đại, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng, khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu là sản phẩm Hoa muôn sắc được xây dựng bao gồm 12 tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du lịch. Chương trình được du khách đón nhận và đánh giá cao. Tương tự, Khu du lịch làng quê Yên Đức (Thị xã Đông Triều) xây dựng sản phẩm Trải nghiệm hát chèo cho du khách nước ngoài. Trong khu vực nghệ thuật biểu diễn ngoài công lập, nổi lên có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long. Đây là một trong những đơn vị tiên phong trong việc kết hợp du lịch trọn gói thưởng thức nghệ thuật - trải nghiệm ẩm thực, đã chọn biểu diễn văn hóa truyền thống Bắc bộ làm ngôn ngữ kể chuyện. Những tiết mục như trích đoạn chèo, dân ca quan họ, hát chầu văn, độc tấu đàn bầu và đặc biệt là chương trình múa rối nước... đã mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa độc đáo, nhất là với du khách nước ngoài. Khai thác tài nguyên du lịch văn hóa để hình thành thị trường nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ninh và kinh doanh có hiệu quả, giúp giải quyết việc làm cho các nghệ sĩ, người lao động, tạo thêm sản phẩm văn hóa phục vụ du khách.

    Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng đã dần hình thành, tạo thêm sản phẩm văn hóa góp phần thu hút khách du lịch. Nhất là, hoạt động biểu diễn múa rối không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống Việt Nam, mà còn giới thiệu, quảng bá, phục vụ du khách trong và ngoài nước khi tới du lịch tại Quảng Ninh.

    Lĩnh vực Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm: Tỉnh có các công trình nổi bật như Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Sân vận động Cẩm Phả; Trung tâm huấn luyện và thể thao Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên), Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ đã được đưa vào khai thác phục vụ trong phát triển du lịch... Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân như: Công viên Đại Dương, Quần thể Khu nghỉ dưỡng Yên Tử - Legacy, các rạp chiếu phim công nghệ hiện đại… Cơ sở hạ tầng phục vụ văn hóa phát triển đã thu hút các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều như Liên hoan Xiếc Thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội Yoga Quốc tế, Giải chạy marathon Quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế Tuần Châu... đã tạo nên những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có để quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế. Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, các nghệ sĩ trong tỉnh đã có nhiều tác phẩm chất lượng, đạt giải trong các trại sáng tác khu vực đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh và Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chứa đựng các giá trị về đời sống sinh hoạt, sản xuất và lao động hàng ngày của người dân địa phương, thu hút đông đảo du khách tới tham quan.

    Lĩnh vực quảng cáo: Trong những năm gần đây, hoạt động này cũng phát triển mạnh với sự tham gia đông đảo của các lực lượng kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài tỉnh; giúp cung cấp thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Quảng Ninh. Các chính sách, thủ tục hành chính cũng được cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh quảng cáo. Đồng thời, tăng quy mô, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ quan thông tấn, báo chí phát triển hoạt động quảng cáo, nhất là trên môi trường mạng. Ngoài ra, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng các biện pháp mạnh thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để hoạt động quảng cáo thật sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển ở Quảng Ninh.

2.3. Đánh giá về thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa của Quảng Ninh trong thời gian qua

    Để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức tăng thu ngân sách của tỉnh, cũng như huy động từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trong 5 năm qua đạt gần 3.900 tỷ đồng, chiếm 6% trên tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TU của tỉnh về xây dựng văn hóa - con người Quảng Ninh được ban hành, tỉnh đã dành gần 900 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư cho văn hóa. Cùng với đó, trong 5 năm qua, từ nguồn lực xã hội hóa, các di tích quốc gia đặc biệt đã được đầu tư tôn tạo với kinh phí cả chục nghìn tỷ đồng; 15,9% di tích cấp quốc gia, 22% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp, xây mới với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Với những kết quả ấy, Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã nhận định: Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Có thể khẳng định rằng, văn hóa chính là một trong những thành tố quan trọng để phát triển du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngành du lịch kỳ vọng rất nhiều từ lĩnh vực văn hóa, không chỉ là văn hóa đơn thuần mà phải từng bước trở thành ngành công nghiệp văn hóa, khi đó chúng ta mới tạo ra sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó không chỉ dựa vào nhận thức của người dân mà phải là sự thay đổi tư duy của cả cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát triển phải chú trọng sự hài hòa, vẫn giữ được bản sắc văn hóa nhưng không đơn điệu, nhàm chán, phải có sự sáng tạo, điểm nhấn để hấp dẫn du khách.

    Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, do điều kiện KT - XH không đồng đều giữa các địa phương nên việc đầu tư cơ sở vật chất trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chưa hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, công tác huy động xã hội hóa cho hoạt động văn hóa còn hạn chế; thiếu chính sách và các quy định khuyến khích việc đầu tư, xã hội hóa của các doanh nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, có thể kể đến những khó khăn về việc thiếu chính sách thu hút tài năng văn hóa; một số chính sách, chế độ đối với người làm công tác nghệ thuật; công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa, quản lý văn hóa chưa được quan tâm đúng mức…

3. Đề xuất một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh

    Trong thời gian qua, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được triển khai ở Quảng Ninh bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình khai thác, phát huy tài nguyên văn hóa trong bốn lĩnh vực được đầu tư phát triển ở Quảng Ninh còn tồn tại một số khó khăn, thách thức, do vậy chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của xã hội. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, cần thực hiện một số giải pháp để phát triển bền vững hơn trong tương lai:

    Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển KT - XH, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

    Thứ hai, xây dựng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh. Đặc biệt, việc phát triển bốn lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trong đó có loại hình du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

    Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực bằng cách đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực, cải thiện kỹ năng quản lý, kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa, phải coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý, đội ngũ làm văn hóa nghệ thuật. Quan tâm vai trò của văn hóa nghệ thuật và Hội Văn học nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật trong việc tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của mọi đối tượng khách khi đến Quảng Ninh.

KẾT LUẬN

    Kết quả của việc phát triển công nghiệp văn hóa không phải chỉ là đạt được những con số mà quan trọng nhất chính là khai thác tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, khơi nguồn tiềm năng sáng tạo, nuôi dưỡng nhiệt huyết của những người làm nghề để tạo ra giá trị, sản phẩm chất lượng. Có như vậy, công nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Ninh mới có những bước tiến vững chắc, góp phần trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã tác động tích cực đến tư duy và nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp; cá nhân và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển KT - XH của tỉnh; Bước đầu triển khai thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Quảng Ninh, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Bích Huyền, Đặng Hoài Thu, Các ngành công nghiệp văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2014.

2. Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Viết Lộc, Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015. 

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2016. 

4. UNESCO, Culture, trade and globalization: Questions and answers (Hỏi đáp về văn hóa, thương mại và toàn cầu hóa), en.unesco.org, 2000.

5. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

6. UBND tỉnh Quảng Ninh, Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29/5/2017 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 TS. Ngô Hải Ninh

                           ThS. Lê Thanh Hoa

Trường Đại học Hạ Long

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số chuyên đề Tiếng Việt II/2022)

Ý kiến của bạn