Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Tác động của hoạt động khai thác quặng sắt đến môi trường đất tại Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên

11/02/2020

     Tóm Tắt: Hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có tác động xấu đến môi trường đất của khu vực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự cố nứt, sập sụt lún mặt đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân chính gây tai biến địa chất là do hoạt động đào - xúc đất, phá đá nổ mìn tạo thành bờ moong dốc và bơm, hút nước tháo khô mỏ đã hạ thấp mực nước dưới đất trong tầng chứa nước khe nứt - karste với hệ thống hang ngầm rất phát triển, quy mô lớn, phức tạp tại mỏ sắt tầng sâu.

     Các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ có tính chất đất khác nhau, càng gần khu khai thác có tính chất vật lý, hóa học càng xấu đi và kim loại nặng càng tăng lên và vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Các vị trí khác nhau của mỏ có tính chất đất khác nhau. Đất khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ có tính chất vật lý, hóa học xấu hơn và kim loại nặng càng tăng lên và vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT cho đất nông nghiệp.

     Từ khóa: Khai thác khoáng sản, mỏ sắt Trại Cau, sự cố môi trường đất, tính chất độ phì đất, kim loại nặng

      1. Mở đầu

     Hoạt động khai thác quặng sắt ở mỏ sắt Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây ngoài việc tăng sản lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, đã ngày càng có tác động xấu đến môi trường của khu vực. Đất đai tại một số vùng bị tai biến như sụt lún, rạn nứt công trình xây dựng, mất nước. Một phần lớn diện tích đất thuộc mỏ cũng như các vùng lân cận bị suy thoái và ô nhiễm, mất dần khả năng sản xuất.

     Vì vậy, nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường đất dưới tác động của khai thác mỏ là rất cần thiết để tìm ra các giải pháp phục hồi.

     2. Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu

     2.1. Đối tượng nghiên cứu

     - Thực trạng tai biến sụt lún, mất nước khu vực xung quanh mỏ sắt Trại Cau.

    - Thực trạng môi trường đất khu vực mỏ sắt Trại Cau.

     2.2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

    - Thời gian đánh giá vào tháng 7 - 9/2019.

     - Địa điểm: Vùng mỏ sắt Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

     2.3. Nội dung nghiên cứu

     - Đánh giá thực trạng tác động của hoạt động khai thác quặng sắt đến tai biến sụt lún, mất nước khu vực mỏ sắt Trại Cau.

     - Đánh giá thực trạng tác động của hoạt động khai thác quặng sắt đến tính chất đất khu vực mỏ sắt Trại Cau.

     2.4. Phương pháp nghiên cứu

     - Phương pháp cho nội dung 1: Thu thập số liệu, tài liệu thứ cấp từ các cơ quan quản lý như Sở TN&MT, phòng TN&MT...; các doanh nghiệp chủ mỏ và điều tra khảo sát thực tế khu vực nghiên cứu.

     - Đối với nội dung 2: Sử dụng các phương pháp nghiên cứu đã được quy chuẩn và công bố trong, ngoài nước: Chỉ tiêu vật lý đất (dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, thành phần cơ giới 3 cấp). Chỉ tiêu hóa học đất (pH, Mùn, N, P2O5, K2O; Fe, Zn, Pb, Cd, As). Vị trí lấy mẫu: Cự ly so với khu vực khai thác mỏ: Tại nơi khai trường, cách 50 m, 100 m, 150 m, 200 m; Vị trí lấy mẫu theo trạng thái đất: Đất đồi sát khu khai trường, đất khu tuyển quặng, đất bãi thải đất đá, đất vừa hoàn thổ, đất ruộng lúa.

     - Số liệu phân tích đất: Theo quy chuẩn QCVN 03-MT:2015/BTNMT (Bộ TN&MT, 2015): Chất lượng đất dùng cho sản xuất nông nghiệp (mg/kg đất khô): Pb ≤ 70, Cd  ≤ 1,5, As ≤ 15.

     3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

     3.1. Đánh giá thực trạng tác động của hoạt động khai thác quặng sắt đến tai biến sụt lún, mất nước khu vực mỏ sắt Trại Cau

     Những năm gần đây, tình trạng sụt lún, mất nước khu vực xung quanh mỏ sắt Trại Cau huyện Đồng Hỷ xảy ra và càng ngày càng nghiêm trọng. Sự cố nứt, sập sụt lún mặt đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng, gây thiệt hại kinh tế, đe dọa tài sản và tính mạng người dân, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, gây hoang mang bất ổn trong nhân dân địa phương.

     Số liệu điều tra thực tế tại Bảng 1 cho thấy, sự cố nứt, sập sụt lún mặt đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng tính đến năm 2018 là nghiêm trọng. Đã có tới 81 hố sụt lún, 138 nhà dân bị rạn nứt, các giếng đào mất nước hoàn toàn và các giếng khoan mất nước một phần.

     Bảng 1. Thống kê hố sụt, rạn nứt và mất nước khu mỏ Trại Cau

Khu vực

Các dạng sự cố

Hố sụt

Vết nứt

Lún nghiêng

Rạn nứt nhà

Mất nước

Xã Cây Thị

74

13

46

43

Mất nước hoàn toàn từ các giếng khơi và một phần từ các giếng khoan

Thị trấn Trại Cau

5

7

3

95

Tổng

81

20

49

138

(Nguồn: Số liệu điều tra 2018)

     Nguyên nhân chính gây tai biến địa chất là do hoạt động đào - xúc đất, phá đá nổ mìn tạo thành bờ moong dốc và bơm hút nước tháo khô mỏ đã hạ thấp mực nước dưới đất trong tầng chứa nước khe nứt - karste với hệ thống hang ngầm rất phát triển, quy mô lớn, phức tạp tại mỏ sắt tầng sâu ở Trại Cau.

     Như vậy, quá trình khai thác khoáng sản lộ thiên với cường độ lớn trên những vùng có hang động ngầm do quá trình kaste sẽ gây ra tai biến sụt lún đất, mất nước và rạn nứt công trình xây dựng trên bề mặt đất. 

     3.2. Đánh giá thực trạng tác động của hoạt động khai thác quặng sắt đến tính chất đất khu vực mỏ sắt Trại Cau

     3.2.1. Tính chất lý hóa tính của môi trường đất ở các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ

     3.2.1.1. Tính chất vật lý của đất ở các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ

     Số liệu phân tích các mẫu đất ở tầng 0 - 20 cm và 20 - 40 cm ở vị trí có cự ly khác nhau so với khu vực khai thác của mỏ (Bảng 2) cho thấy: Dung trọng đất ở các vị trí càng xa dần khu vực khai thác mỏ thì càng giảm dần. Tỷ trọng đất ở các vị trí càng xa dần khu vực khai thác mỏ có xu hướng càng giảm dần. Độ xốp đất ở các vị trí càng xa dần khu vực khai thác mỏ càng có xu hướng tăng dần. Theo phân loại độ xốp đất thì dưới 50% là đất xốp vừa và gây bất lợi sinh trưởng cho cây trồng. Thành phần cơ giới đất ở tầng dưới (20 - 40 cm) chủ yếu là đất thịt trung bình, thịt pha cát và đất thịt nặng. Càng xa khu vực khai thác mỏ thì thành phần cơ giới càng nhẹ hơn.

Bảng 2. Một số tính chất lý học đất ở các vị trí so với khu khai thác mỏ sắt

TT

Cự ly so với khu vực khai thác mỏ

Tầng đất (cm)

Dung trọng

(g/cm3)

Tỷ trọng

(g/cm3)

Độ xốp (%)

Thành phần cơ giới (%)

Cát

(>0,02mm)

Limon

(0,002-0,02mm)

Sét

(<0,002

mm)

1

Ngay khai trường

0 - 20

1,34

2,58

48,1

45

43

12

20 - 40

1,37

2,59

47,1

33

45

22

2

Cách 50 m

0 - 20

1,34

2,57

47,9

46

44

10

20 - 40

1,36

2,58

47,3

32

48

20

3

Cách 100 m

0 - 20

1,27

2,57

50,6

44

40

16

20 - 40

1,28

2,56

50,0

39

40

21

4

Cách 150 m

0 - 20

1,24

2,57

51,8

47

40

13

20 - 40

1,25

2,57

51,4

41

39

20

5

Cách 200 m

0 - 20

1,23

2,57

52,1

45

42

13

20 - 40

1,24

2,57

51,8

42

40

18

(Nguồn: Phòng phân tích, Bộ môn Khoa học đất, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên)

            Có thể thấy, hoạt động khai thác mỏ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính chất vật lý đất canh tác nông nghiệp.

     3.2.1.2. Tính chất hóa học của đất ở các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ

     Số liệu phân tích hóa tính đất ở các mẫu đất ở tầng 0 - 20 cm và 20 - 40 cm (Bảng 3) cho thấy, tại các vị trí có cự ly khác nhau so với khu khai thác mỏ sắt là khác nhau. Giá trị pH đất càng xa khu vực khai thác càng có xu hướng cao hơn. Hàm lượng mùn trong cả hai tầng đất ở các vị trí càng xa mỏ thì càng có xu hướng tăng lên và đạt cao nhất ở cự ly 200 m so với mỏ, đạt 2,99% ở tầng mặt. Hàm lượng N trong đất vị trí khai trường là nghèo, chỉ đạt 0,08 - 0,09%. Càng xa khu khai thác, hàm lượng N có xu hướng tăng lên. Hàm lượng P2O5 trong đất vị trí khai trường là thấp, chỉ đạt 0,05 - 0,06%. Càng xa khu khai thác hàm lượng P2O5 có xu hướng tăng lên. Hàm lượng K2O trong đất ở vị trí khai trường là thấp, chỉ đạt 0,53 - 0,65%. Càng xa khu khai thác hàm lượng K2O có xu hướng tăng lên.

     Như vậy, tác động của khai khoáng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng trong đất.

     Bảng 3. Một số tính chất hóa học đất ở các vị trí so với khu khai thác mỏ sắt

TT

Cự ly so với khu vực khai thác mỏ

Tầng đất (cm)

pHKCl

Mùn

(%)

N

(%)

P205

(%)

K2O

(%)

1

Ngay khai trường

0 - 20

5,27

1,92

0,09

0,05

0,65

20 - 40

5,26

1,57

0,08

0,06

0,53

2

Cách 50 m

0 - 20

5,26

2,35

0,12

0,07

0,81

20 - 40

5,21

2,02

0,10

0,05

0,80

3

Cách 100 m

0 - 20

5,30

2,77

0,13

0,08

0,95

20 - 40

5,28

2,15

0,11

0,06

0,73

4

Cách 150 m

0 - 20

5,33

2,98

0,16

0,09

1,01

20 - 40

5,31

2,43

0,12

0,08

0,97

5

Cách 200 m

0 - 20

5,36

2,99

0,17

0,09

1,11

20 - 40

5,34

2,51

0,13

0,08

0,99

(Nguồn: Phân tích tại Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên)

     3.2.1.3. Kim loại nặng trong đất ở các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ

            Kết quả phân tích mẫu đất ở Bảng 4 cho thấy:

     Bảng 4. Kim loại nặng trong đất ở các vị trí so với khu khai thác mỏ sắt

TT

Cự ly so với khu vực khai thác mỏ

Tầng đất (cm)

Hàm lượng kim loại nặng (mg/kg)

As

Pb

Cd

Zn

Fe

1

Ngay khai trường

0 - 20

20,76

77,22

0,749

200,27

641,85

20 - 40

20,04

71,12

0,879

200,04

639,23

2

Cách 50 m

0 - 20

15,22

66,75

0,528

199,29

539,81

20 - 40

13,09

52,82

0,512

187,54

542,27

3

Cách 100 m

0 - 20

14,14

52,62

0,492

149,65

504,50

20 - 40

13,28

47,48

0,487

150,08

495,46

4

Cách 150 m

0 - 20

11,12

46,94

0,411

147,64

499,41

20 - 40

10,29

47,83

0,423

148,16

428,96

5

Cách 200 m

0 - 20

10,10

36,73

0,389

149,66

340,06

20 - 40

10,01

37,86

0,306

148,96

331,89

QCVN 03-MT:2015/BTNMT

 

15

70

1,5

200

-

(Nguồn: Phân tích tại Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên)

     Hàm lượng As trong đất khu khai trường là cao nhất, tương ứng 20,04 mg/kg ở tầng 20 - 40 cm và 20,76 mg/kg ở tầng mặt, vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Hàm lượng As trong đất ở các vị trí xa dần khu khai thác giảm dần. Bắt đầu ở vị trí cách mỏ 100 m trở lên, As trong đất thấp hơn quy chuẩn. Hàm lượng Pb tổng số chỉ trong mẫu đất ở khu khai trường, đạt 71,12 mg/kg ở tầng 20 - 40 cm và 77,22 mg/kg ở tầng mặt, vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Còn lại các vị trí xa với mỏ thì hàm lượng Pb đều nằm trong ngưỡng cho phép và càng giảm dần. Hàm lượng Cd tổng số càng xa khu vực khai trường của mỏ càng giảm dần. Hàm lượng Zn tổng số chỉ trong mẫu đất ở khu khai trường vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT, đạt 200,04 mg/kg ở tầng 20 - 40 cm và 200,27 mg/kg ở tầng mặt. Còn lại các vị trí xa mỏ thì hàm lượng Zn đều nằm trong ngưỡng cho phép và càng giảm dần. Hàm lượng Fe trong các mẫu đất ở cự ly khác nhau đều cao, biến động từ 331,89 mg/kg - 641,85 mg/kg. Càng gần khu khai trường của mỏ, hàm lượng Fe trong đất ở cả hai tầng đất đều cao và càng xa khu vực khai trường của mỏ thì càng giảm dần.

     Tóm lại, hàm lượng kim loại nặng trong đất ở càng gần khu khai thác quặng sắt càng chịu tác động mạnh và tác động này giảm dần khi càng xa.

     3.2.2. Tính chất lý hóa tính của môi trường đất ở các vị trí khác nhau của mỏ

     3.2.2.1. Tính chất vật lý của đất ở các vị trí khác nhau của mỏ

     Số liệu phân tích các mẫu đất ở tầng 0 - 20 cm và 20 - 40 cm tại vị trí khác nhau của mỏ được trình bày trong Bảng 5 cho thấy: Dung trọng đất ở khu tuyển quặng, bãi thải đất đá, khu đất vừa hoàn thổ có dung trọng khá lớn và cao hơn đất đồi sát khu khai trường, là vị trí đất còn nguyên rừng tự nhiên và đất khu ruộng lúa. Độ xốp đất ở các vị trí khác nhau của mỏ là khác nhau, chỉ có đất rừng tự nhiên sát khu khai thác và đất ruộng lúa là có độ xốp trên 50%, xếp vào loại đất xốp. Ở vị trí khu tuyển quặng, bãi thải đất đá, khu đất vừa hoàn thổ có thành phần cơ giới nặng hơn đất rừng tự nhiên sát khu khai thác và đất ruộng lúa.

     Như vậy có thể thấy hoạt động khai thác mỏ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính chất vật lý đất canh tác nông nghiệp.

     Bảng 5. Một số tính chất lý học đất ở các vị trí của mỏ sắt

TT

 

Vị trí

Tầng đất (cm)

Dung trọng

(g/cm3)

Tỷ trọng

(g/cm3)

Độ xốp (%)

Thành phần cơ giới (%)

Cát

(>0,02mm)

Limon

(0,002-0,02mm)

Sét

(<0,002

mm)

1

Đất đồi sát khu khai trường

0 - 20

1,22

2,63

53,6

44

44

12

20 - 40

1,23

2,64

53,4

43

45

12

2

Đất khu tuyển quặng

0 - 20

1,30

2,56

49,2

36

45

19

20 - 40

1,31

2,52

48,0

32

46

22

3

Đất bãi thải đất đá

0 - 20

1,36

2,56

46,9

47

30

23

20 - 40

1,37

2,51

45,4

36

49

15

4

Đất vừa hoàn thổ

0 - 20

1,29

2,57

49,8

30

40

30

20 - 40

1,30

2,56

49,2

30

39

31

5

Đất ruộng lúa

0 - 20

1,23

2,57

52,1

45

41

14

20 - 40

1,24

2,58

51,9

41

42

17

(Nguồn: Phòng phân tích, Bộ môn Khoa học đất, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên)

     3.2.2.2. Tính chất hóa học của đất ở các vị trí khác nhau của mỏ

     Số liệu phân tích hóa tính đất ở các mẫu đất ở tầng 0 - 20 cm và 20 - 40 cm ở vị trí khác nhau của mỏ (Bảng 6) là khác nhau. pH đất ở các vị trí khác nhau của khu vực mỏ sắt là khác nhau. Hàm lượng mùn ở khu tuyển quặng, bãi thải đất đá, khu đất vừa hoàn thổ chỉ đạt 1,25 - 1,48% ở tầng mặt và 1,22 - 1,39% ở tầng dưới, ở đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa cao hơn. Hàm lượng N ở khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ nghèo, chỉ đạt 0,06 - 0,08% ở tầng mặt và 0,05 - 0,07% ở tầng dưới, các mẫu đất có hàm lượng N ở mức trung bình là khu đất đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa. Hàm lượng P2O5 nằm ở mức trung bình so với thang đánh giá. Trong đó, hàm lượng P2O5 trong đất ở khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ là thấp hơn. Hàm lượng Kali (K2O) tổng số trong mẫu đất nghiên cứu ở mức dưới trung bình đến khá giàu, dao động trong khoảng từ 0,13 - 1,19%. Trong đó, hàm lượng K2O trong đất ở khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ là thấp.

     Bảng 6. Một số tính chất hóa học đất ở các vị trí của mỏ sắt

TT

 

Vị trí

Tầng đất (cm)

pHKCl

Mùn

(%)

N

(%)

P205

(%)

K2O

(%)

1

Đất đồi sát khu khai trường

0 - 20

5,39

2,82

0,13

0,09

1,15

20 - 40

5,37

2,18

0,12

0,07

0,98

2

Đất khu tuyển quặng

0 - 20

5,46

1,25

0,06

0,06

0,61

20 - 40

5,36

1,22

0,05

0,05

0,50

3

Đất bãi thải đất đá

0 - 20

5,39

1,27

0,07

0,06

0,15

20 - 40

5,38

1,25

0,06

0,06

0,13

4

Đất vừa hoàn thổ

0 - 20

5,38

1,48

0,08

0,06

0,14

20 - 40

5,38

1,39

0,07

0,05

0,15

5

Đất ruộng lúa

0 - 20

4,51

2,68

0,16

0,09

1,19

20 - 40

4,50

2,01

0,12

0,08

1,15

(Nguồn: Phân tích tại Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên)

     Như vậy cho thấy tác động của hoạt động khai khoáng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng chất hữu cơ và các nguyên tố dinh dưỡng trong đất.

     3.2.2.3. Kim loại nặng trong đất ở các vị trí khác nhau của mỏ

     Kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng trong đất ở Bảng 7 cho thấy: Hàm lượng As trong đất khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ là cao nhất, tương ứng 20,76 - 24,32 mg/kg ở tầng 0 - 20 cm và 20,15 - 23,19 mg/kg ở tầng dưới, vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT, còn ở vị trí đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa thấp hơn, chưa vượt quy chuẩn. Hàm lượng Pb tổng số trong đất khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ là cao nhất, vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Còn lại các vị trí vị trí đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa thì hàm lượng Pb thấp hơn, đều nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn. Hàm lượng Cd tổng số trong đất của tất cả các vị trí đều thấp và thấp hơn QCVN 03-MT:2015/BTNMT cho đất nông nghiệp. Tuy nhiên, mẫu đất ở vị trí khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ vẫn khá cao.

     Bảng 7. Kim loại nặng trong đất ở các vị trí của mỏ sắt

TT

Vị trí

Tầng đất (cm)

Hàm lượng kim loại nặng (mg/kg)

As

Pb

Cd

Zn

Fe

1

Đất đồi sát khu khai trường

0 - 20

19,36

68,21

0,641

173,28

451,82

20 - 40

19,47

51,43

0,673

179,24

442,44

2

Đất khu tuyển quặng

0 - 20

24,32

79,23

0,742

205,25

751,83

20 - 40

23,18

72,15

0,853

200,34

692,64

3

Đất bãi thải đất đá

0 - 20

22,67

76,32

0,754

202,10

551,93

20 - 40

23,19

75,81

0,821

200,37

592,34

4

Đất vừa hoàn thổ

0 - 20

20,76

71,43

0,763

203,27

541,53

20 - 40

20,15

71,09

0,777

201,34

542,33

5

Đất ruộng lúa

0 - 20

18,45

51,43

0,673

169,24

442,45

20 - 40

19,32

50,89

0,645

165,55

447,71

QCVN 03-MT:2015/BTNMT

 

15

70

1,5

200

-

(Nguồn: Phân tích tại Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên)

 

     Hàm lượng Zn tổng số trong mẫu đất ở vị trí khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ đều vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT, còn lại đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa thì nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn quốc gia. Mẫu đất ở vị trí khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ có hàm lượng Fe trong đất ở cả hai tầng đất đều cao. Còn lại đất đồi sát khu khai trường và đất ruộng lúa thì hàm lượng Fe thấp hơn.

     Tóm lại, hàm lượng kim loại nặng trong đất ở các vị trí khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ chịu tác động mạnh của mỏ sắt.

     4. Kết luận

     Sự cố nứt, sập sụt lún mặt đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng xảy ra khá phổ biến tại vùng mỏ sắt Trại Cau. Nguyên nhân chính gây tai biến địa chất là do hoạt động đào - xúc đất, phá đá nổ mìn tạo thành bờ moong dốc và bơm, hút nước tháo khô mỏ đã hạ thấp mực nước dưới đất trong tầng chứa nước khe nứt - karste với hệ thống hang ngầm rất phát triển, quy mô lớn, phức tạp tại mỏ sắt tầng sâu.

     Các vị trí có cự ly khác nhau so với mỏ có tính chất đất khác nhau, càng gần khu khai thác có tính chất vật lý, hóa học càng xấu đi và kim loại nặng tăng lên, vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT cho đất nông nghiệp. Các vị trí khác nhau của mỏ có tính chất đất khác nhau. Đất khu tuyển quặng, bãi thải đất đá và khu đất vừa hoàn thổ có tính chất vật lý, hóa học xấu hơn, kim loại nặng càng tăng lên và vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT cho đất nông nghiệp.

 

Quách Hoàng Long, Đỗ Thị Lan

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

Đào Châu Thu

Hội Khoa học đất Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

IMPACT OF IRON EXPLOITATION ACTIVITIES ON SOIL ENVIRONMENT AT TRAI CAU, DONG HY DISTRICT, THAI NGUYEN PROVINCE

 

Quach Hoang Long, Do Thi Lan

Thai Nguyen University of Agriculture and Forestry

Dao Chau Thu

Vietnam Soil Science Association

     SUMMARY: Mining activities at Trai Cau iron mine, Dong Hy district, Thai Nguyen province have had an adverse impact on the region's soil environment. Research results show that: Cracking, collapse of land subsidence, dehydration, cracking of construction works are quite common in Trai Cau iron mine area. The main causes of geological catastrophes are excavation, excavation, blasting, forming rocky banks and pumping pumps to remove dry deposits, which have lowered the water level in the cracked karste aquifer. underground is very developed, large-scale complex at deep iron mines.

     The locations with different distances from the mines have different soil properties, the closer to the site the physical properties, the worse the chemistry and the heavier metals increase and exceed QCVN 03-MT: 2015/BTNMT. Different locations of mines have different soil properties. The ore sorting land, rock dumping ground and newly reclaimed land area have worse physical and chemical properties and heavy metals increase and exceed QCVN 03-MT: 2015/BTNMT for agricultural land.

     Keywords: Mining, Trai Cau iron mine, soil environment incidents, soil fertility, heavy metals.

 

      TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Bộ TN&MT (2015). Thông tư số 64/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ TN&MT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất (QCVN 03-MT:2015/BTNMT).

     2. Nguyễn Thế Đặng, Đặng Văn Minh, Nguyễn Thế Hùng, Dương Thị Thanh Hà, Nguyễn Đức Nhuận, Hoàng Thị Bích Thảo, Nguyễn Thu Thuỳ (2014), Giáo trình Thổ nhưỡng, NXB Nông nghiệp, Hà Nội

     3. Sở TN&MT Thái Nguyên (2018), Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản năm 2017.

     4. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (2018), Báo cáo kết quả dự án, Dự án Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục hiện tượng sút lún đất, mất nước và rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

 

Ý kiến của bạn