Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh

05/08/2020

     TÓM TẮT

     Hiện nay, bên cạnh các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, Vườn quốc gia (VQG) đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. VQG là một khu vực đất, hay biển được bảo tồn bằng các quy định pháp luật của chính quyền sở tại. VQG được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự khai thác, can thiệp của con người. VQG Bái Tử Long lưu giữ những đặc trưng của hệ sinh thái (HST) biển - đảo vùng Đông Bắc, môi trường, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú, đó chính là những tiềm năng và lợi thể để phát triển du lịch sinh thái (DLST).

     Từ khóa: DLST, VQG Bái Tử Long, Quảng Ninh.

     Nhận bài: 25/5/2020; Sửa chữa:15/6/2020; Duyệt đăng: 22/6/2020

     1. Đặt vấn đề

     Ở Việt Nam, theo Nghị định số 156/2018/NĐ-TTg ngày 16/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, thì VQG là một dạng rừng đặc dụng, đáp ứng những tiêu chí sau đây:

     - Tiêu chí 1: VQG có ít nhất 1 HST tự nhiên đặc trưng của một vùng hoặc của một quốc gia, quốc tế, hay ít nhất 1 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam, hoặc trên 5 loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm;

     - Tiêu chí 2: VQG có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục, có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị DLST, nghỉ dưỡng, giải trí;

     - Tiêu chí 3: VQG có diện tích liền vùng tối thiểu 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các HST có rừng.

     Hiện nay, Việt Nam có hơn 30 VQG đã thành lập và công nhận để bảo tồn và phát triển, với tổng diện tích khoảng 10.350.74 km2 (trong đó có 620.10 km2 là diện tích mặt biển). VQG Cúc Phương được thành lập năm 1966 là VQG đầu tiên với diện tích 20.000 km2, và VQG Tà Đùng là vườn mới được thành lập năm 2018. VQG Bái Tử Long thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 1/6/2001 theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Đây là một trong bảy VQG của Việt Nam vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển.

     VQG Bái Tử Long lưu giữ những đặc trưng của HST biển – đảo vùng duyên hải Đông Bắc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, đặc biệt là loại hình DLST. 

     DLST có thể hiểu như sau: “DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”

     Như vậy, VQG Bái Tử Long có những tiềm năng và lợi thế cho việc phát triển DLST để đáp ứng cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển du lịch vùng duyên hải Đông Bắc.

     2. Tiềm năng DLST của VQG Bái Tử Long

     2.1. ĐDSH

     2.1.1. Đa dạng HST

     * HST rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên đảo đá vôi

     HST này bao gồm các quần thể động, thực vật hình thành phát triển trên đảo đá vôi. HST gồm nhiều loại thực vật chịu hạn với các quần thể thực vật ưu thế thuộc họ dâu tằm, các quần thể phất dụ núi đá chịu hạn, các loài thái tuế núi đá có khả năng phân bố trong những điều kiện sinh thái cực kỳ khắc nghiệt, ngay cả trên vách núi dựng đứng. Các loài đặc trưng gồm: Thiên tuế đá vôi; lan hài vệ nữ; kim giao núi đá; khỉ vàng; sơn dương… HST này còn nổi bật với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, hấp dẫn tạo nên bởi hệ thống hang động cát xtơ và hình thù rất đa dạng của các núi đá vôi trên biển. Đây thực sự là một tiềm năng to lớn để phát triển DLST.

     * HST rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên đảo đất

     HST này chiếm phần lớn diện tích trên các đảo nổi với các quần thể thực vật thuộc họ sồi dẻ, long não…và các loại quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Lim xanh, re hương, táu mật. Bên cạnh đó, HST này có một số quần thể thú quí hiếm gồm: Trăn gấm, báo lửa, rắn hổ mang… Đặc biệt, đây là nơi tồn tại một quần thể nai duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam.

     * HST rừng ngập mặn

     Quần thể thực vật trong HST này mang đặc trưng của vùng Đông Bắc Việt Nam. Với tổng diện tích là 100 ha; Chiều cao bình quân của cây thấp, với mật độ hơn 10.000 cây/ha. Rừng ngập mặn phân bố tại một số địa điểm như: vụng Cái Quýt, vụng Soi Nhụ, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim. HST rừng ngập mặn là nguồn cung cấp thức ăn vô cùng phong phú cho nhiều loài hải sản, là nơi cư trú, bãi đẻ của các loài như: Cua, Tôm, Cá, Sá Sùng… HST rừng ngập mặn với cảnh quan đặc sắc và ĐDSH cao, là nơi tổ chức hoạt động DLST, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học.

     * HST thảm cỏ biển

     Diện tích các thảm cỏ biển khoảng 10 ha phân bố rải rác tại các khu có đáy dạng cát - bùn như Chương Di, sông Mang, vụng Trà Thần, áng Ông Tích. Thảm cỏ biển bao gồm các loài thực vật bậc cao thuộc lớp một lá mầm, bộ thủy thảo. Đây là một HST rất quan trọng trong VQG vì nó là nơi cư trú và là nguồn cung cấp thức ăn của nhiều loài hải sản quý như ốc nhảy, tôm rảo. Đặc biệt, sự tồn tại của HST này gắn với nguồn thức ăn của một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như dugong, rùa biển – những loài có số lượng khá phong phú trong khu vực VQG trong thời gian vài thập kỷ trước đây.

     * HST rạn san hô

     HST rạn san hô là nguồn sản sinh ra các chất hữu cơ, cung cấp thức ăn cho cho các sinh vật toàn vùng biển. Đây cũng là nơi lưu trữ nguồn gien của nhiều loài hải sản. Các rạn san hô khu vực Bái Tử Long đều thuộc kiểu rạn không điển hình, rạn viền ven đảo. Do đặc điểm là rạn hở chịu tác động mạnh của sóng và dòng chảy để lộ ra các tảng đá gốc lớn, địa hình đáy gồ ghề nên rạn thường hẹp. Trong VQG, các đảo có phân bố san hô thường bị tác động mạnh bởi các động lực biển như sóng, dòng chảy nên địa hình thường dựng đứng và có nhiều tảng đá lớn, cho nên san hô phân bố rải rác không tập trung, chủ yếu là san hô dạng khối và dạng phủ bám chắc vào đá không bị sóng đánh bật ra khỏi vật bám. HST các rạn san hô,  cùng với HST cỏ biển và rừng ngập mặn. Đây chính là yếu tố rất quan trọng để phát triển các loại hình DLST, du lịch thám hiểm, mạo hiểm...

     * HST thung áng trong đảo đá vôi

     HST thung áng được hình thành trong các thung lũng đá vôi, có nước biển xâm thực, điển hình như thung áng Cái Đé. Nước trong thung chỉ lưu thông với vùng biển bên ngoài qua những khe rãnh nhỏ hoặc các hang ngầm. Vì vậy, tại đây còn tồn tại nhiều loài sinh vật được hình thành từ xa xưa. Vì vậy, HST này còn được coi như bảo tàng sống thể hiện lịch sử tiến hóa của sinh vật. HST thung áng không những là nhân tố hợp thành giá trị ĐDSH mà còn góp phần tạo nên các giá trị cảnh quan phong phú và hấp dẫn của VQG Bái Tử Long.

     Sự đa dạng, độc đáo của các HST rừng, biển có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều loại hình du lịch từ nghỉ ngơi, thưởng ngoạn đến khám phá thiên nhiên và nghiên cứu khoa học. Chính HST rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên các đảo đất bên cạnh các HST rừng trên đảo đá vôi ở Bái Tử Long đã tạo ra nét khác biệt với vịnh Hạ Long.

     2.1.2. Đa dạng loài và nguồn gien

     Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tại VQG Bái Tử Long đã có 1.909 loài động thực vật. Trong đó, HST rừng có: 1.028 loài gồm các nhóm; thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. HST biển có 881 loài gồm: Thực vật ngập mặn, rong biển, thực vật phù du, động vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô và cá.

     Trong đó, tổng số loài quý hiếm của VQG Bái Tử Long lên đến 102 loài, bao gồm 72 loài động thực vật và 30 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (tiêu biểu: Lim xanh, lan hài vệ nữ, sá sùng, dugong, rùa vàng…)

     2.2. Cảnh quan địa hình

     VQG Bái Tử Long có tổng diện tích là 15.783 ha; trong đó, diện tích biển chiếm 9.658 ha, còn lại 6.125 ha là diện tích các đảo nổi. Phần đảo bao gồm cả đảo đất và đảo đá vôi, với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, chia thành 3 cụm đảo chính: Ba Mùn; Trà Ngọ và Sậu. Phần biển bao gồm phần lạch biển giữa các đảo và phần biển phía ngoài của các đảo theo đường ranh giới cách bờ trung bình là 1 km. Các lạch biển chính gồm: Lạch Cái Quýt, lạch cái Đé và một phần lạch sông Mang. Diện tích vùng đệm của VQG Bái Tử Long là: 16.534 ha, phân bố trên 5 xã: Vạn Yên, Minh Châu, Hạ Long, Bản Sen và Quan Lạn của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

     VQG Bái Tử Long có hơn 40 đảo đá vôi và đảo đất xen kẽ nhau tạo thành một cảnh quan địa hình với cảnh sắc tuyệt vời, một mặt thể hiện giá trị địa chất, địa mạo, mặt khác còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nơi đây. Nhiều đảo đá vôi với những hình thù kỳ lạ đã thu hút trí tưởng tượng của con người, có hòn đảo trông giống con công, thiên nga, quy, ngựa… Cùng với đó là những quần thể thực vật tươi tốt quanh năm che phủ trên đảo đá vôi. Những lạch biển trong xanh chạy dài giữa hai bên là các đảo có rừng thường xanh che phủ. Những bãi cát vàng với vẻ đẹp tinh khôi phân bố rải rác dưới chân những đảo nhỏ… Cảnh quan nổi tiếng có sức hấp dẫn khách du lịch, là bãi cát trắng dưới rừng trâm tự nhiên thuần loại thuộc xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn), một điểm đến đẹp nhất vùng Đông Bắc. Đối với du khách là người quan tâm đến lịch sử địa chất, thì việc nghiên cứu và khám phá hình ảnh tiếp giáp giữa đảo đá, đất trên đảo Trà Ngọ rất hấp dẫn. Vì đó là sự liền kề của hai thân đảo có nguồn gốc hình thành từ các loại đá mẹ và những vận động địa chất hoàn toàn khác nhau. Khi thủy triều xuống thấp, những ngấn đá hằn sâu dưới chân đảo cũng là những biểu hiện ngàn năm của các vận động đại chất hải văn, biển tiến, biển thoái và thủy triều lên xuống. Tất cả những giá trị này đã tăng sự hấp dẫn và thu hút đối với khách du lịch khi tới thăm VQG Bái Tử Long. Phát triển DLST là nhiệm vụ trọng tâm của VQG Bái Tử Long, mặc dù tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng nhưng DLST ở đây vẫn còn ở giai đoạn đầu tư cho sự phát triển bền vững về các giá trị và kinh tế.

     3. Hoạt động DLST tại VQG Bái Tử Long

     Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án số 2566/QĐ-UBND, về việc: "Phát triển DLST VQG Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", theo đó, các hoạt động DLST được phép thực hiện trong khu vực VQG Bái Tử Long gồm: Du lịch thám hiểm, mạo hiểm; du lịch dã ngoại, cắm trại, trải nghiệm (tham quan sinh thái rừng và hang động); DLST nghỉ dưỡng biển; DLST dựa vào cộng đồng; du lịch kết hợp giáo dục môi trường. Năm 2020, VQG Bái Tử Long được phép thành lập Trung tâm Dịch vụ DLST và Giáo dục môi trường trực thuộc Ban Quản lý VQG để làm cơ sở tổ chức và quản lý hiệu quả các hoạt động DLST gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

      Trên thực tế, VQG Bái Tử Long tập trung vào công tác bảo vệ TN&MT. Ban Quản lý đã phối hợp với huyện Vân Đồn triển khai xác định ranh giới VQG trên cả bản đồ và thực địa, tổ chức cắm 27 mốc giới xác lập ranh giới VQG với 5 xã nằm trong khu vực bảo tồn và vùng đệm: Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Hạ Long và Vạn Yên. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm DLST trên cơ sở kết hợp với công tác bảo vệ tài nguyên, giáo dục môi trường; việc kết nối các điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách và đảm bảo các quy định về quản lý đường thủy nội địa.

     Hiện nay, VQG đã xây dựng xong một hạt kiểm lâm ở tại cảng Minh Châu và ba trạm kiểm lâm trên các đảo. Bên cạnh đó, VQG được trang bị 3 tàu và thường xuyên tổ chức tuần tra trên tuyến biển nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến tài nguyên, bảo tồn nguyên vẹn giá trị ĐDSH.

     VQG cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn các xã trong phạm vi VQG cũng như các xã vùng đệm. Chương trình giáo dục môi trường đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường, các chủ đề giáo dục môi trường bao gồm: Môi trường và tầm quan trọng của môi trường; ĐDSH và vai trò đối với cuộc sống;

     Đồng thời, VQG Bái Tử Long đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu để điều tra, đánh giá ĐDSH. Trên cơ sở đó, triển khai các dự án bảo tồn và nghiên cứu khoa học, cũng như phát triển DLST ở những điểm có sức hấp đối với du khách. Hướng dẫn khách du lịch thực hiện nội quy của VQG, khu DLST.

     Nhu cầu sử dụng đất để phát triển DLST của VQG Bái Tử Long cũng được quy định rõ ràng. Phạm vi tác động của hoạt động DLST tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng, trong đó cho phép sử dụng 5% tổng diện tích được thuê để làm đường mòn, điểm dừng chân, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí và khu công năng phục vụ dịch vụ DLST.

     Mặc dù, sở hữu vô số tài nguyên mà bất cứ địa danh du lịch nào cũng mơ ước, nhưng đến nay, những lợi thế này của VQG Bái Tử Long vẫn đang dừng ở mức tiềm năng. Nhiều năm qua, đến với VQG Bái Tử Long chủ yếu vẫn là các nhà khoa học, đoàn nghiên cứu, khảo sát. Nguyên nhân là do diện tích phân bố rộng lớn và nhiều nơi hiểm trở, nên việc đưa vào khai thác du lịch còn hạn chế. Cùng với đó, việc thiếu hành lang pháp lý và chưa có cơ chế chính sách cho các bên tham gia phát triển DLST cũng là rào cản đối với sự đầu tư phát triển.   

     4. Đề xuất một số giải pháp phát triển DLST tại VQG Bái Tử Long

     Trong công cuộc bảo tồn và phát triển, VQG Bái Tử Long đón nhận sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND huyện Vân Đồn và các ban, ngành trong tỉnh cùng sự hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn trong nước và nước ngoài: Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN); Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF); Hiệp hội VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA)… Tuy nhiên, để việc khai thác đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững môi trường, bên cạnh sự chỉ đạo hoạch định chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, VQG cần có sự tham gia chặt chẽ, toàn diện của các cấp, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng như khách du lịch đến tham quan.  Để phát triển DLST của VQG Bái Tử Long tương xứng với tài nguyên mà tạo hóa đã ban tặng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

     Thứ nhất, xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chính sách, Trung tâm Dịch vụ DLST và Giáo dục môi trường trực thuộc Ban Quản lý VQG Bái Tử Long có chức năng quản lý và tổ chức các hoạt động DLST; xây dựng các chính sách về xúc tiến quảng bá du lịch, nguồn nhân lực và phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững…

     Thứ hai, BVMT và phát triển DLST, xây dựng và kết nối các điểm du lịch nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên theo nguyên tắc: Không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật hoặc làm giảm tính ĐDSH và gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gien và ĐDSH của VQG.

     Thứ ba, tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH: Tổ chức thực hiện các biện pháp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản và các động vật hoang dã; bảo tồn các động vật đặc hữu, quý hiếm; tăng cường kiểm soát lửa rừng.

     Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch theo hướng “du lịch có trách nhiệm” với nhiều loại hình tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng các nhà đầu tư và khách du lịch về việc phát triển kinh tế gắn với BVMT bền vững.

     Thứ năm, đầu tư hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực BVMT du lịch. Xử phạt nghiêm khắc những đơn vị đầu tư phát triển du lịch gây ô nhiễm môi trường.

 

Ngô Hải Ninh

Trường Đại học Hạ Long

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 2/2020)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Huy Bá, 2009, DLST, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Cục kiểm lâm & Hiệp hội VQG và Khu bảo tồn tự nhiên Việt Nam, 2007, Báo cáo điều tra, đánh giá hiện trạng bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử và giáo dục môi trường ở VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

3. Lê Văn Lanh, 2011, VQG Bái Tử Long, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

4. Phạm Trung Lương, 2002, DLST- Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 2566/QĐ-UBND, ngày 24/6/2019, Quyết định về việc phê duyệt “Đề án phát triển DLST VQG Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”

6. Kim Dung, 2008, VQG Bái Tử Long HST độc đáo nhất Đông Nam Á, http://www.thanhtravietnam.vn, truy cập ngày 01/5/2020.

7. http://www.vuonquocgiabaitulong.vn

 

ECO-TOURISM DEVELOPMENT IN BAI TU LONG NATIONAL PARK IN QUANG NINH PROVINCE

                                                                     Dr. Ngo Hai Ninh

Ha Long University

     ABSTRACT

     Today, apart from natural and cultural tourism resources for tourism development, the national park has become an attractive destination for domestic and international tourists. A national park is a large area of land or sea which is preserved by local government laws. The national park is strictly protected from human exploitation and intervention. Bai Tu Long National Park preserves the characteristics of the northeasten sea-island ecosystem, the exotic enrironment and pristine landscapes, which are the potentials and advantages for developing eco-tourism.   

     Key wordsEco-tourism, Bai Tu Long national park, Quang Ninh

 

 

Ý kiến của bạn