Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

16/04/2018

Ngô Hải Ninh

Đại học Hạ Long

     TÓM TẮT

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Phát triển du lịch bền vững trước bối cảnh BĐKH là một nhiệm vụ lâu dài, mang tính cấp thiết toàn cầu của các cấp, ngành và địa phương. Du lịch Quảng Ninh cũng không là ngoại lệ. Trên cơ sở phân tích các kết quả nghiên cứu một cách khoa học về diễn biến của một số yếu tố khí hậu chính (nhiệt độ và lượng mưa), nước biển dâng và tác động của các yếu tố này tới các lĩnh vực của ngành du lịch Quảng Ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó có tính ứng dụng trong bối cảnh BĐKH.

     Từ khóa: Phát triển du lịch bền vững, BĐKH, Quảng Ninh.

 

DEVELOP SUSTAINABLE TOURISM IN QUANG NINH PROVINCE IN THE CONTEXT OF CLIMATE CHANGE

Ngô Hải Ninh

Hạ Long University

ABSTRACT

     Climate change has been dramatically impacted on the economy, including tourism sector. Developing sustainable tourism in the context of climate change is a challege not in a shortterm but a long-term mission with global urgency for local and all levels and sectors management authonities. Quang Ninh province's toursm is no exception.

     The thesis based on analizing the researches'results scientifically about the changes of some main climate factors (temperature and rainfall),  sea level rise and the impacts by these factor to several areas of tourism sector in Quang Ninh province). At the same time, the author would  also like to propose some adaptive solutions which are able to be apply in the context of climate change.

     Key words: Developmentsustainable tourism, climate change, Quảng Ninh.

     1. Mở đầu

     Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Quảng Ninh được định hướng xây dựng 3 trong tổng số 45 Khu du lịch quốc gia, bao gồm: Khu du lịch biển đảo Hạ Long - Bái Tử Long: Phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh biển, đảo, sinh thái biển; Đặc khu kinh tế Vân Đồn: phát triển du lịch biển đảo, sinh thái biển; Khu du lịch Trà Cổ: du lịch biển, thương mại cửa khẩu. Tuy nhiên, du lịch là ngành phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khí hậu. Khí hậu phản ánh tính mùa vụ của du lịch, là tài nguyên trực tiếp tạo nên các sản phẩm và loại hình du lịch. Để đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch theo định hướng bền vững thì ngành du lịch Quảng Ninh phải xác định: "Tính thời vụ, thời tiết khắc nghiệt, tác động của BĐKH là những thách thức lớn đối với phát triển du lịch", [6] trong việc tổ chức các kế hoạch hành động, triển khai thực hiện các chương trình ưu tiên đã lập kế hoạch ứng phó với BĐKH trong ngành du lịch.

     "Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai"- Điều 4, chương 1 - Luật Du lịch Việt Nam (2005). Theo đó, nội dung phát triển du lịch bền vững không nằm ngoài 3 trụ cột phát triển: Kinh tế;  xã hội - văn hóa và môi trường - tài nguyên.

     2. Tác động của BĐKH đến du lịch ở Quảng Ninh

     2. 1. Đặc trưng và biểu hiện của BĐKH ở Quảng Ninh

     Khí hậu Quảng Ninh thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh. Mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều (từ tháng 4 đến tháng 10), mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lạnh và khô, xen kẽ là 2 mùa xuân, thu diễn ra trong thời gian ngắn và mang tính chuyển tiếp. Nằm ở vị trí chịu ảnh hưởng sâu sắc của hoàn lưu gió mùa Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh có nền nhiệt độ thấp hơn so với các vùng khác, trung bình năm dao động từ 22,7 - 23,9ºC. Quảng Ninh được xem như một trong những vùng có mưa nhiều của miền Bắc với lượng mưa trung bình 1600 - 2700 mm/năm nhưng phân bố theo không gian lãnh thổ rất khác nhau. Trung tâm mưa lớn của vùng là sườn đón gió của dãy Nam Châu Lĩnh - Yên Tử và vùng đồng bằng duyên hải trước núi này (phía Bắc Cửa Lục thuộc huyện Hoành Bồ, khu vực đồng bằng Quảng Yên) và khu vực TP. Móng Cái. Do đặc điểm địa hình (độ cao, hướng sườn, đường bờ...) và hoàn lưu nên tổng lượng mưa trung bình năm phân bố không đồng đều. Lượng mưa năm khá cao ở phía Bắc (Móng Cái 2581 mm) và giảm dần xuống phía Nam. Các dạng thời tiết đặc biệt như: Sương muối, sương mù, mưa phùn, dông, bão, áp thấp nhiệt đới và mưa đá đã xuất hiện.

     Cùng với xu thế chung của khí hậu toàn cầu, trong những thập kỷ gần đây (giai đoạn 1986 - 2015), khí hậu ở Quảng Ninh có những biến động nhất định về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

     a. Biến động về nhiệt độ tại Quảng Ninh

     Theo số liệu quan trắc của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trên cơ sở số liệu khí tượng thu thập tại 4 trạm thuộc tỉnh Quảng Ninh (Bãi Cháy, Uông Bí, Móng Cái và Cô Tô) số liệu cụ thể về nhiệt độ trung bình từng tháng và nhiệt độ trung bình năm giai đoạn 1986 - 2015 cụ thể như sau:

     Tác động của mùa đông lạnh ở đây được thể hiện qua sự hiện diện và rút ngắn dần của thời kỳ mùa đông lạnh, cụ thể: Nếu như ở phía Bắc Móng Cái và Cô Tô hàng năm có tới 3 tháng nhiệt độ trung bình tháng xuống dưới 18°C thì ở phía nam chỉ còn 2 tháng lạnh (Bảng 2.1).

Bảng 1. Nhiệt độ không khí trung bình tháng, năm ở 4 trạm thuộc tỉnh Quảng Ninh (ºC)

STT

Tên trạm

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Năm

1

Móng Cái

15.1

16.3

19.0

23.0

26.2

27.9

28.2

27.9

26.9

24.4

20.5

16.6

22.7

2

Cô Tô

15.3

15.8

18.2

22.3

26.1

28.3

28.6

28.4

27.4

25.3

21.6

17.7

22.9

3

Bãi Cháy

16.4

17.3

19.6

23.4

26.8

28.6

28.7

28.1

27.2

25.1

21.5

18.0

23.4

4

Uông Bí

16.8

18.0

20.3

24.0

27.0

28.8

28.9

28.3

27.2

25.0

21.5

18.0

23.6

 

     Biến trình độ lệch nhiệt độ không khí trung bình từng năm so với mức trung bình của chuỗi đều cùng âm hoặc cùng dương ở tất cả các trạm, thể hiện sự tác động của cùng một chế độ hoàn lưu. Độ lệch dương cực đại từ 0.7- 1.1°C vào năm 1998 ở tất cả các trạm. Độ lệch âm cực đại từ -0.8 đến -1.0°C vào năm 1986 ở tất cả các trạm (Bảng 2.2).

Bảng 2. Biến động của nhiệt độ trung bình năm, thời kỳ 1986 - 2015

STT

Trạm

Độ lệch (+) max (°C)

Năm xuất hiện

Độ lệch (-) max (°C)

Năm xuất hiện

1

Móng Cái

0.7

1998

-1.0

1986

2

Cô Tô

0.9

1998

-0.9

1986

3

Bãi Cháy

1.0

1998

-1.0

1986

4

Uông Bí

1.1

1998

-0.8

1986

 

     Như vậy, kết quả trên cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình có sự biến động mạnh trong chuỗi thời gian và có xu hướng tăng lên. Mức tăng trung bình ở tất cả các trạm từ 0.2 - 0.3°C/thập kỷ.

     b. Thay đổi về lượng mưa ở tỉnh Quảng Ninh

     Quảng Ninh có chế độ mưa mùa hè, nhìn chung mùa mưa bắt đầu từ tháng V, kéo dài 6 tháng và kết thúc vào cuối tháng X (Bảng 2.3). Lượng mưa năm khá cao ở phía Bắc: Móng Cái 2581.5 mm và có xu thế giảm dần xuống phía nam: Uông Bí 1642,0 mm.

     Bảng 3. Tổng lượng mưa trung bình tháng và năm ở Quảng Ninh (mm)

STT

Trạm

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Năm

1

Móng Cái

49.3

43.8

67.0

106.1

251.3

454.2

609.5

457.4

300.0

136.4

76.4

30.2

2581.5

2

Cô Tô

26.6

24.1

47.9

71.18

150.1

200.1

313.1

372.7

317.9

109.5

42.0

23.0

1698.2

3

Bãi Cháy

25.9

23.2

50.6

74.5

173.5

263.6

333.7

396.7

274.9

142.4

34.0

14.6

1807.6

4

Uông Bí

25.4

23.0

52.5

74.8

187.9

257.4

302.5

343.7

207.9

91.5

36.0

21.4

1624.0

 

     Sự biến động của lượng mưa được đánh giá thông qua đặc trưng thống kê độ lệch tiêu chuẩn của tổng lượng mưa ở khu vực nghiên cứu (Bảng 2.4). Độ lệch tiêu chuẩn năm của tổng lượng mưa tại các trạm  Quảng Ninh dao động trong khoảng 231 - 576 mm. Nơi mưa nhiều có giá trị độ lệch tiêu chuẩn năm lớn hơn nơi mưa ít. Ở cùng một địa điểm, giá trị biến động của tổng lượng mưa năm lớn hơn giá trị biến động của lượng mưa các tháng trong năm. Độ lệch tiêu chuẩn trung bình các tháng mùa mưa dao động trong khoảng 100 - 300mm, các tháng ít mưa (XII-II), độ lệch tiêu chuẩn lượng mưa tháng chỉ dao động trong khoảng 15 - 65mm.

Bảng 4. Độ lệch tiêu chuẩn trung bình tháng và năm của lượng mưa ở Quảng Ninh (mm)

STT

Trạm

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Năm

1

Móng Cái

53.7

39.7

65.0

88.0

134.3

208.5

313.8

285.7

147.0

144.8

94.3

28.4

576.0

2

Cô Tô

39.9

23.1

44.8

52.3

78.5

113.2

201.0

197.5

188.7

91.4

48.6

21.4

391.4

3

Bãi Cháy

34.5

17.8

50.1

54.5

104.7

106.8

176.0

226.8

116.8

148.9

37.3

17.0

305.6

4

Uông Bí

32.3

17.8

46.1

55.8

99.1

110.6

122.2

148.0

84.6

79.9

51.6

21.2

231.6

 
     c. Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở tỉnh Quảng Ninh

     Bão và mưa lớn thường hay gặp ở vùng bờ biển Quảng Ninh với tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới 40 - 50m/s (cấp độ của bão từ cấp 13 - 16). Trung bình hàng năm có từ 1 - 5 cơn bão đổ bộ vào vịnh Bắc bộ và tác động trực tiếp đến vùng bờ biển Quảng Ninh. Ngoài ra các hiện tượng thời tiết cực đoan: Giông, sương muối, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, vòi rồng... cũng xuất hiện ở Quảng Ninh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và tính mạng của nhân dân, trong đó du lịch không ngoại lệ.

     d. Nước biển dâng

     Theo kịch bản mới nhất của Bộ TN&MT (2016) nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 4,79% diện tích của tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập, chủ yếu các địa phương ven biển, trong đó, thị xã Quảng Yên có nguy cơ ngập cao nhất (37,7 % diện tích). Điều này chứng minh sự hiện hữu của BĐKH tại Quảng Ninh.

     2.2. Tác động của BĐKH đến du lịch tỉnh Quảng Ninh

     a. Tác động đến tài nguyên du lịch

     Địa hình tỉnh Quảng Ninh đa dạng, phức tạp bao gồm có địa hình núi, địa hình đồng bằng ven biển và các hải đảo. Khu vực địa hình vùng bờ chịu sự tác động mạnh nhất do BĐKH, đặc biệt là những địa hình thấp ven biển. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, bão, lốc xoáy, lũ lụt, triều cường lớn) cộng thêm hiện tượng mực nước biển dâng cao làm xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ biển và ngập một số khu vực. Các bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sơn Hào, Minh Châu, Hồng Vàn, Quan Lạn… và trên 30 các bãi cát nhỏ ven các đảo có nguy cơ mất đi, một số khác bị đẩy sâu vào đất liền làm gia tăng chi phí cho việc cải tạo. Một số địa hình với cảnh quan đặc sắc có sức hấp dẫn lớn khách du lịch như vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long… có nguy cơ ngập chìm và thay đổi cảnh quan theo hướng tiêu cực.

     Biến động về lượng mưa trong khu vực dẫn tới thay đổi chế độ dòng chảy, cường độ các trận lũ, tần suất và đặc điểm hạn hán. Biến động về nhiệt và mưa làm cho trữ lượng nước ngầm giảm, thay đổi mực nước ngầm từ đó tác động đến khả năng khai thác cho các hoạt động du lịch (hiện tượng cạn nước tại các suối, thác Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu...). Ngoài ra, mực nước biển dâng làm tăng khả năng xâm nhập mặn cũng làm giảm trữ lượng nước ngọt phục vụ các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Như vậy, BĐKH, nước biển dâng tác động làm suy thoái tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khó có thể phát triển du lịch.

     Quảng Ninh có nhiều di tích xếp hạng quốc gia trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử, Khu di tích Bạch Đằng, khu di tích nhà Trần), độ mật tập di tích khá cao 17 di tích/km2 (trung bình cả nước 22 di tích/km2). Đặc biệt, phần lớn các di tích này phân bố ở khu vực ven bờ và đây chính là khu vực sẽ chịu tác động lớn do BĐKH. Nhìn chung, BĐKH đã tác động tiêu cực đến tài nguyên nhân văn vật thể và phi vật thể làm phá hủy, thậm chí hủy hoại từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động du lịch.

     Các hiện tượng mưa lũ, lốc xoáy, giông đột ngột ảnh hưởng rất lớn đến các di sản văn hóa vật thể hoặc các cơ sở hạ tầng liên quan đến các di sản đình, chùa, miếu đặc biệt các khu vực nhạy cảm như di tích Yên Tử, di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều)... vì các di sản này đa số ở địa thế tương đối cao, các di sản tồn tại lâu đời.

     b. Tác động đến cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch

     BĐKH và những ảnh hưởng tiêu cực, chủ yếu liên quan đến các thiên tai có những ảnh hưởng bất lợi, tăng rủi ro đối với cơ sở hạ tầng du lịch, phá hủy hệ thống đường ven biển, đường thông tin, điện, phương tiện tàu thuyền, xe vận chuyển khách... và các tài sản phục vụ cho ngành du lịch như tàu du lịch, khu vui chơi, các dịch vụ du lịch.

     Khu vực Quảng Ninh hiện nay có trên 1.000 cơ sở lưu trú và tập trung chủ yếu ở các khu vực ven biển như Cẩm Phả, Vân Đồn, TP. Hạ Long… nơi sẽ chịu tác động lớn nhất do BĐKH. Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tháng 7/2015 đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

     c. Tác động đến hoạt động lữ hành du lịch

     Hoạt động lữ hành bao gồm các công đoạn xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Như đã đề cập ở trên, BĐKH có tác động rất lớn đến tài nguyên du lịch - được xem là nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch. Như vậy, nếu tài nguyên du lịch bị ảnh hưởng bởi BĐKH thì hoạt động du lịch lữ hành sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là một phần chức năng quan trọng nhất của hoạt động lữ hành là “xây dựng chương trình du lịch” sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động BĐKH thông qua tài nguyên du lịch. Bên cạnh tác động đến tài nguyên, BĐKH còn tác động đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như đã đề cập và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch đến các điểm du lịch tự nhiên hay nhân văn. Đặc biệt, với hiện tượng giông, gió giật mạnh từ cấp 6 trở lên, loại hình du lịch tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long ngừng hoạt động, các tuyến du lịch biển đảo (Quan Lạn, Cô Tô) không được cấp phép cho tàu chở khách du lịch... vì cần đảm bảo an toàn cho tính mạng của khách du lịch. Do vậy, những tác động của khí hậu đến du lịch Quảng Ninh bên cạnh những thuận lợi thì cũng không ít khó khăn phải khắc phục.

     3. Đề xuất phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Ninh

     Thứ nhất: Quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng trong phát triển du lịch ứng phó với BĐKH

     Quy hoạch các khu, điểm du lịch phải căn cứ vào kịch bản dự báo nước biển dâng, lũ, lụt, phải tính tới yếu tố ổn định địa chất, địa mạo và yếu tố nước biển dâng một cách cụ thể, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê biển.Vị trí các khu du lịch được lựa chọn trên cơ sở khoa học, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương, có hệ thống thoát nước mặt hoàn chỉnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí...) cần tính đến thích ứng với BĐKH, thiết kế thích nghi với biến động của thời tiết, chống trọi và đảm bảo an toàn trước bão, lũ và nước biển dâng.

     Các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp hướng tới mô hình thân thiện và hài hòa với thiên nhiên xanh. Quy hoạch hệ thống bến đỗ, bến neo đậu các phương tiện vận chuyển khách tránh trú bão dọc ven biển và trên các đảo, có kế hoạch hộ đê, hệ thống đê biển cần thiết kế phù hợp và gắn kết hài hòa với không gian khu du lịch. Không cấp giấy phép xây dựng và di dời các công trình du lịch ở những đoạn bờ biển sung yếu có nguy cơ sạt lở cao…

     Đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ vận chuyển khách du lịch và ứng cứu  khi có thiên tai, các biểu hiện cực đoan của thời tiết. Đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, thông tin cứu nạn và các lực lượng ứng phó tại chỗ, hỗ trợ nhanh chóng…

     Thứ hai: Nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nhân lực trong việc thích ứng với BĐKH

     Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch về ảnh hưởng của BĐKH và ứng phó với BĐKH; Xây dựng hành lang pháp lý nhằm thực hiện các chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối nội vùng, liên vùng trong quản lý để cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến BĐKH và nước biển dâng.

     Tại cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, lồng ghép chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng về nội dung BĐKH và chủ động ứng phó với BĐKH. Nhờ đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lao động du lịch về BĐKH từ đó chủ động trong những biến động bất thường của thời tiết, những thiên tai do BĐKH gây ra. Hình thành kỹ năng nghiệp vụ trong công việc cũng như hỗ trợ và giúp đỡ khách du lịch tại điểm đến tham quan.

     Thứ ba: Khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường

     Phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, ít rủi ro do những biến động của khí hậu như: Du lịch văn hóa, du lịch tham quan - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - cộng đồng… Thay đổi cơ cấu mùa vụ theo từng loại hình du lịch để khai thác tối đa thời gian có khí hậu thuận lợi trong năm. Định hướng khai thác các loại hình du lịch mới, tổ chức các tour du lịch mới phù hợp với điều kiện thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

     Môi trường du lịch tự nhiên và nhân văn cần được cải thiện trên nguyên tắc ưu tiên tăng cường năng lực phòng chống, thích ứng và giảm nhẹ những tác động tiêu cực của BĐKH.

     Thứ tư: Nâng cao ý thức cộng đồng ứng phó với BĐKH

     Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và khách du lịch về tính tất yếu phải ứng phó với BĐKH, đồng thời, khuyến cáo cho khách du lịch biết đầy đủ các hiểm họa, nguy cơ từ hoạt động du lịch để ngăn ngừa hiểm họa và bảo vệ khách trong các hoạt động du lịch. Tổ chức rộng rãi các chương trình, chiến dịch tuyên truyền về tác động của BĐKH đến đời sống cũng như kêu gọi khách du lịch, cộng đồng địa phương tham gia vào các chương trình do Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành phát động với mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động của BĐKH: Giờ trái đất, tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ ven biển, vứt rác đúng nơi quy định…

     4. Kết luận

     Các kết quả phân tích về biểu hiện của BĐKH ở Quảng Ninh giai đoạn (1986 - 2015) cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình năm có xu hướng tăng lên; lượng mưa có sự biến động theo thời gian và không gian trên phạm vi toàn tỉnh; nước biển dâng và xâm nhập mặn là những biểu hiện rõ rệt nhất của BĐKH ở Quảng Ninh.

     Tác động và tác động tiềm tàng của BĐKH đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật, hoạt động lữ hành. Dưới tác động của BĐKH, du lịch tỉnh Quảng Ninh đứng trước những khó khăn, thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững. Vấn đề cần có giải pháp giảm nhẹ và  thích ứng với BĐKH của ngành du lịch Quảng Ninh trong bối cảnh hiện hay.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ TN&MT, (2016). Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam. NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.

2. Nguyễn Trọng Hiệu và nnk, (2010). BĐKH và tác động ở Việt Nam. NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.

3. Phạm Trung Lương, 2002. Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển DLBV ở Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch.

4. Nguyễn Đức Ngữ (Chủ biên) và nnk, (2009). BĐKH. NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.

5. Tổng cục Du lịch Việt Nam, (2012). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

6. UBND tỉnh Quảng Ninh, (2013), Báo cáo tổng hợp - Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

7. UBND tỉnh Quảng Ninh, (2015), Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng ninh giai đoạn 2015 - 2020.

8. Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường, (2011). Tài liệu hướng dẫn Đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng. NXB TNMT và Bản đồ, Hà Nội.

Ý kiến của bạn