Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu

28/09/2017

     Tóm tắt

     Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhằm trả lời các câu hỏi: (i) hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH trong giảm mức độ dễ bị tổn thương do BĐKH, (ii) chính sách cần được xây dựng và thực hiện nhằm thích ứng hiệu quả với BĐKH. Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động và triển khai một số hoạt động thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Bài báo này phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp và từ đó đề xuất một quy trình đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH sử dụng kết hợp phương pháp quản lý dựa trên kết quả (RBM) và phương pháp Delphi. Quy trình này sẽ được áp dụng để đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH ở Quảng Ngãi.

     Từ khóa: đánh giá hiệu quả, thích ứng với BĐKH, RBM, Delphi.

     1. Mở đầu

     BĐKH có tác động đến tất cả các đối tượng và ở các quy mô, từ cá nhân, tới các tỉnh thành phố, quốc gia và toàn cầu. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH cần có phương pháp và công cụ hỗ trợ các nhà quản lý trong hoạch định chính sách. Các hoạt động thích ứng với BĐKH đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và đã phát huy được hiệu quả, góp phần cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có các nghiên cứu về tác động của BĐKH, xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên vẫn còn khá ít các nghiên cứu về đánh giá hiệu quả của các hành động thích ứng. Thực tế cho thấy cần có một quy trình cụ thể để đánh giá hiệu quả của những nỗ lực, các hoạt động thích ứng với BĐKH ở Việt Nam.

     2. Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH

     2.1. Các phương pháp đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH

     Phương pháp đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH là khác nhau đối với các quy mô khác nhau như toàn cầu, quốc gia, cấp tỉnh, địa phương. Trên cơ sở các nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm tác giả đã tổng kết các phương pháp đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH trên thế giới và ở Việt Nam cũng như ưu và nhược điểm của từng phương pháp (Chu Thị Thanh Hương và nkk, 2015).

     Một số nghiên cứu được thực  hiện bởi các cơ quan như Mạng lưới ứng phó với BĐKH châu Phi (ACCRA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Phương pháp theo dõi các hoạt động thích ứng (TRAC3), Khung theo dõi thích ứng và đo lường phát triển (TAMD)... đã đề xuất các hệ thống giám sát đánh giá dựa trên các bộ chỉ số khác nhau. Phương pháp của UNEP trong báo cáo đánh giá về thiếu hụt trong hoạt động thích ứng có thể được áp dụng ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia để xác định các mục tiêu thích ứng của từng khu vực/quốc gia, từ đó đánh giá được các thiếu hụt về mặt tài chính, công nghệ trong các hoạt động thích ứng với BĐKH. Phương pháp đánh giá dựa trên kết quả (Result Based Management - RBM) của GIZ là nhằm theo dõi hiệu quả của hoạt động thích ứng dựa trên 3 nhóm chỉ số: (i) Nhóm chỉ số về tăng cường khả năng thích ứng; (ii) Nhóm chỉ số về thực hiện hoạt động thích ứng; và (iii) Nhóm chỉ số về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phương pháp Delphi cũng thường được áp dụng trong việc tìm sự đồng thuận của chuyên gia trong đánh giá. Phương pháp Delphi là một quá trình lặp đi, lặp lại các đánh giá định tính, mặt khác cũng sử dụng các đánh giá định lượng (không chứa tham số thống kê) để mô tả mức độ đồng thuận về nội dung cần tham vấn. Phương pháp Delphi cũng được sử dụng trong xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH.

     Ở Việt Nam, đã có một số các nghiên cứu về tác động của BĐKH và các giải pháp thích ứng với BĐKH như bộ công cụ lựa chọn ưu tiên đầu tư cho thích ứng với BĐKH do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng thế giới xây dựng năm 2013; Mẫu hệ thống chỉ tiêu theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình NTP-RCC giai đoạn 2012-2015; Đánh giá tác động của Chương trình SP-RCC; Tiêu chí lựa chọn các mô hình thích ứng của các Tổ chức phi chính phủ; Tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư theo Chương trình SP-RCC. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của các giải pháp thích ứng vẫn còn hạn chế về mặt đo lường, định lượng các hiệu quả mà các giải pháp thích ứng đem lại (Chu Thị Thanh Hương và nkk, 2015). Vì vậy cần lựa chọn, phối hợp sử dụng các phương pháp phù hợp nhằm đưa ra quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với BĐKH.

     2.2. Lựa chọn phương pháp phù hợp để xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH

     Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, trước hết cần xét tới mục đích đánh giá: (i) quy mô đánh giá của phương pháp (cho toàn cầu, quốc gia, địa phương hay cấp hoạt động thích ứng); (ii) đối tượng đánh giá (đánh giá hiệu quả của chính sách hay hoạt động thích ứng); (iii) loại hình đánh giá (đánh giá trước hay sau khi thực hiện hoạt động thích ứng).

     Sau khi xác định rõ mục đích đánh giá, cần xem xét lựa chọn theo các tiêu chí sau: (i) Đã được áp dụng thử nghiệm thành công trong việc xây dựng bộ chỉ số giám sát, được sử dụng tham vấn trong lĩnh vực thích ứng với BĐKH; (ii) Có số liệu đáp ứng được công tác đánh giá; (iii) Đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng bộ chỉ số và bộ câu hỏi giám sát đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH đã và đang được thực hiện.

     Trên cơ sở xem xét các tiêu chí nói trên, hai phương pháp được lựa chọn để xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH là phương pháp Quản lý dựa trên kết quả (RBM) và Phương pháp Delphi.

     Bộ công cụ quản lý dựa trên kết quả (RBM) là công cụ chủ chốt cho hệ thống giám sát đánh giá các hoạt động thích ứng. Mục đích của việc quản lý dựa trên kết quả là đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH bằng cách tích hợp các giải pháp thích ứng trung hạn và dài hạn trong chiến lược/kế hoạch phát triển ngành/khu vực. Các thông tin dữ liệu về dự án như bối cảnh hiện tại, đánh giá tính dễ bị tổn thương, các điều kiện kinh tế - xã hội được sử dụng làm đầu vào để xác định giá trị của bộ chỉ số nhằm đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH. RBM giúp đánh giá chất lượng của hoạt động thích ứng khi thực hiện, trên cơ sở đó có thể đề xuất thay đổi nếu chưa phù hợp hoặc chưa hiệu quả. Hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH cần được đánh giá dựa trên các mục tiêu đề ra của hoạt động và kết quả thực hiện các hoạt động đó. Vì vậy, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng dựa trên trên kết quả được chia thành 03 nhóm chỉ số thành phần: (i) Nhóm chỉ số về tăng cường khả năng thích ứng; (ii) Nhóm chỉ số về thực hiện hoạt động thích ứng; và (iii) Nhóm chỉ số về phát triển bền vững (GIZ, 2011). Vấn đề quan trọng là cần xây dựng đường cơ sở để so sánh và đánh giá kết quả của hành động thích ứng so với trường hợp không thực hiện hành động thích ứng. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, RBM được sử dụng trong suốt quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH.

     Phương pháp Delphi là một trong hai phương pháp được sử dụng chính trong nghiên cứu này. Có hai cách sử dụng Delphi: Delphi theo phương thức truyền thống và Delphi sử dụng cho 4 giai đoạn: (i) xác định nội dung cần tham vấn; (ii) xác định ý kiến và sự đồng thuận của nhóm chuyên gia về nội dung cần tham vấn; (iii) xác định lý do trong trường hợp ý kiến không thống nhất; và (iv) đánh giá cuối cùng.

     Phương pháp Delphi được áp dụng ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường, phát triển bền vững, sử dụng đất, nông nghiệp, giao thông, điều dưỡng, du lịch… và BĐKH. Nguyễn An Thịnh sử dụng phương pháp Delphi để đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH của cộng đồng địa phương khu vực ven biển. Kết quả cho thấy việc xây dựng hệ sinh thái bền vững, nâng cấp lập kế hoạch nông thôn mới có thể là những lựa chọn để thích ứng với BĐKH ở tỉnh Hà Tĩnh (Nguyễn An Thịnh, 2017). Lê Trịnh Hải cùng nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp Delphi để xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững tập trung vào các lĩnh vực môi trường và y tế, áp dụng cho tỉnh Quảng Trị (Lê Trịnh Hải và nkk, 2009).

     Kết quả phân tích các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, cần xem xét, lựa chọn các chỉ số thành phần và bộ câu hỏi phỏng vấn phù hợp với mục đích của nghiên cứu. Mức độ phù hợp của các chỉ số thành phần cũng như bộ câu hỏi quyết định phần lớn kết quả tham vấn địa phương để đánh giá được hiệu quả của hoạt động thích ứng. Việc sử dụng phương pháp Delphi tham vấn ý kiến của chuyên gia giúp xác định được bộ chỉ số và câu hỏi phù hợp với mục đích nghiên cứu.

     2.3. Đề xuất quy trình đánh giá của các hoạt động thích ứng với BĐKH     

     Để phát triển một quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng cần xác định các bước chi tiết và các yếu tố đầu vào của quy trình. Dựa vào việc đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm của các phương pháp giám sát và đánh giá thích ứng trên thế giới và ở Việt Nam, nghiên cứu này đề xuất quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH gồm 06 bước (Hình 1).

 

Hình 1. Quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH

 

     - Bước 1. Xây dựng bộ chỉ số giám sát đánh giá: Sử dụng Phương pháp Delphi để tham vấn ý kiến chuyên gia về bộ chỉ số giám sát đánh giá. Các chỉ số thành phần được chia thành 03 nhóm để đánh giá hiệu quả thích ứng theo phương pháp RBM: (i) Nhóm chỉ số về tăng cường khả năng thích ứng; (ii) Nhóm chỉ số về thực hiện hoạt động thích ứng; và (iii) Nhóm chỉ số về phát triển bền vững. Quá trình lựa chọn các chỉ số giám sát các hoạt động thích ứng với BĐKH được thực hiện cụ thể qua 08 bước nhỏ, và được thực hiện theo 03 giai đoạn trước, trong và sau khi tham vấn, cụ thể như sau: (i) Lựa chọn nhóm chuyên gia tham gia quá trình tham vấn; (ii) Xây dựng tiêu chí giám sát hiệu quả hoạt động thích ứng dựa trên công cụ quản lý dựa trên kết quả (RBM); (iii) Các câu hỏi được xây dựng dựa trên kết quả thực hiện của dự án. Ở bước này tất cả các câu hỏi để mở để các chuyên gia thảo luận và cho ý kiến; (iv) Áp dụng phương pháp Delphi vòng 1; (v) Phân tích dữ liệu vòng 1; (vi) Áp dụng phương pháp Delphi vòng 2; (vii) Phân tích dữ liệu vòng 2; và (viii) Phân tích và tổng hợp kết quả.

      - Bước 2. Xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn kiểm tra quá trình/kết quả thực hiện hoạt động thích ứng: Việc xây dựng bộ câu hỏi phù hợp là một khâu quan trọng trong quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH. Bộ câu hỏi cần bám sát bộ chỉ số quản lý dựa trên kết quả, phù hợp với đối tượng được hỏi. Các hoạt động thích ứng với BĐKH chủ yếu được thực hiện ở gần khu vực cộng đồng dân cư, vì vậy các câu hỏi cần dễ hiểu, dễ trả lời nhằm thu được kết quả phỏng vấn như mong muốn.

    - Bước 3. Thực hiện cuộc điều tra, khảo sát về quá trình/kết quả thực hiện hoạt động thích ứng: Dựa trên các câu hỏi được xây dựng ở Bước 2, tiến hành khảo sát tại địa phương nhằm tìm hiểu về kết quả đạt được cuả hoạt động thích ứng. Ở bước này cần lựa chọn những cán bộ có hiểu biết về nội dung hoạt động thích ứng, có kỹ năng giao tiếp tốt với người dân, khả năng làm việc nhóm để tham gia thực hiện phỏng vấn.

     - Bước 4. Phân tích số liệu thu được: Các bộ câu hỏi thu được sau quá trình phỏng vấn được phân tích, tổng hợp theo từng nhóm chỉ số. Kết quả được quy đổi qua các đơn vị tính toán được xác định theo từng chỉ số. Đối với những chỉ số định lượng được, các ngưỡng đánh giá được tham khảo từ các tài liệu về đánh giá thiệt hại do thiên tai và ý kiến chuyên gia (ví dụ - Để đánh giá mức độ thiệt hại, theo Thông tư liên tịch TT 43/2015/TTLT BNNPTNT - BKHĐT Hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai, ngày 20/12/2015 quy định: Thiệt hại hoàn toàn: > 70% (cho 0 điểm); Thiệt hại rất nặng: 50 - 70% (cho 1 điểm); Thiệt hại nặng: 30 - 50% (cho 2 điểm); Thiệt hại một phần: < 30% (cho 3 điểm); Không thiệt hại: 0% (cho 4 điểm)). Đối với các chỉ số không định lượng được sẽ đánh giá định tính theo câu trả lời Không/ Có một phần/ Có và tiêu chuẩn hoá để quy ra cùng đơn vị (tương đương giá trị bằng 0; 0.5 và 1).

     - Bước 5. Xây dựng đường cơ sở của hoạt động thích ứng: Đường cơ sở là thực trạng về mức độ dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng, dựa vào đó có thể đánh giá được sự thay đổi khi đã thực hiện các hành động thích ứng. Đường cơ sở trong nghiên cứu này được xác định dựa trên hiện trạng của từng chỉ số thuộc 03 nhóm chỉ số dựa trên kết quả vào thời điểm trước khi thực hiện hoạt động thích ứng.

     - Bước 6. So sánh kết quả thực hiện hoạt động thích ứng với đường cơ sở: Việc so sánh kết quả sau khi thực hiện hành động thích ứng (hoặc tại thời điểm thực hiện phỏng vấn) so với đường cơ sở (trước khi thực hiện hành động thích ứng) sẽ cho chúng ta hiệu quả của hoạt động thích ứng.

     Quy trình đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH nêu trên sẽ được áp dụng để đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH ở Quảng Ngãi. Kết quả nghiên cứu đánh giá sẽ được trình bày trong bài báo tiếp theo.  

     3. Kết luận

     Trên cơ sở các phương pháp đánh giá hiệu quả thích ứng trong và ngoài nước, bài báo đã kết hợp phương pháp RBM và phương pháp Delphi để xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH gồm 06 bước cụ thể. Quy trình sẽ được áp dụng để đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH ở tỉnh Quảng Ngãi, từ đó có thể áp dụng và nhân rộng trong đánh giá hiệu quả thích ứng ở cấp địa phương làm cơ sở cho các xem xét đầu tư cho thích ứng với BĐKH.

     Tài liệu tham khảo

1) An Thinh Nguyen, Dung Vu Giang T. H, Dang Anh Huy Hoang, Luc Hens, 2017, How do local communities adapt to climate changes along heavily damaged coasts? A Stakeholder Delphi study in Ky Anh (Central Vietnam), Environ Dev Sustain. https://doi.org/10.1007/s10668-017-9908-x;

2) Chu Thị Thanh Hương, Huỳnh Thị Lan Hương, Trần Thục, 2015, Phương pháp đánh giá tính hiệu quả các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường;

3) Chu Thi Thanh Huong, Huynh Thi Lan Huong, Tran Thuc, 2017, Developing the indicators for monitoring the adaptation actions for Quang Ngai province, Viet Nam using the Delphi technique, International Journal of Sciences 06 (2017): 80-86 DOI: 10.18483/ijsci.1341;

4) GIZ, 2011, Making Adaptation Count;

5) Le Trinh Hai, Pham Hoang Hai, Nguyen Truong Khoa and Luc Hens, 2009, Indicators for Sustainable Development in the Quang Tri Province, Viet Nam, J Hum Ecol, 27 (3): 217-22.

 

Research on Development of a Process for Assessing the Effectiveness of Adaptation Actions

Chu Thi Thanh Huong (*), Huynh Thi Lan Huong (**), Tran Thuc (**)

(*) Climate Change Department, Ministry of Natural Resources and Environment

(**) Viet Nam Institute of Meteorology, Hydrology and Climate change, Ministry of Natural Resources and Environment

     Abstract

     Study on assessing the effectiveness of adaptation actions is to answer the following questions: (i) the effectiveness of adaptation action in reducing vulnerability to climate change (ii) the necessary adaptation policies need to be developed and implemented. Almost provinces and cities have developed climate action plans to respond to climate change and implemented a number of adaptation actions. However, the effectiveness of CC adaptation activities has not been adequately assessed. This paper analyses the advantages and disadvantages of the methods and thus proposes a process for assessing the effectiveness of climate change adaptation actions using a combination of Results-Based Management (RBM) and Delphi Technique. The process will be applied to assess the effectiveness of adaptation actions in Quang Ngai province.

     Key word: to assess the effectiveness, Climate Adaptation, RBM, Delphi.

 

Chu Thị Thanh Hương (*), Huỳnh Thị Lan Hương (**), Trần Thục (**)

(*) Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(**) Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

Ý kiến của bạn