Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghiên cứu thái độ của người dân thành phố Hạ Long đối với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần

04/04/2020

     Tóm tắt:

     Ô nhiễm chất thải nhựa (CTN) ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế - xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển. Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTN rất khó được thực hiện bằng cách thay thế các sản phẩm nhựa (SPN) dùng một lần, mà phải nghiên cứu giải pháp để người dân giảm thiểu sử dụng, tái sử dụng, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Để mô hình này hiệu quả, cần phải nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tuyên truyền nhằm thay đổi thái độ của người dân đối với việc sử dụng các SPN dùng một lần.

     Bài viết trình bày những kết quả điều tra thái độ người dân TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về SPN dùng một lần, với 330 phiếu điều tra. Kết quả cho thấy, việc người dân sử dụng SPN dùng một lần ngày càng tăng về số lượng, tần suất sử dụng, trong đó số lượng túi nilôngtừ 30 - 45 sản phẩm/ngày.Bên cạnh đó, thái độ tự giác phân loại của người dân và các hộ kinh doanh chỉ đạt mức trung bình, chiếm 70% tổng số dân trên địa bàn. Tỷ lệ người dân tái chế và tái sử dụng SPN dùng một lần tương đối ít, chỉ khoảng 5 - 20%. Nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở biển tại Hạ Long.

     Từ khóa: Thái độ, nhựa dùng một lần, rác thải nhựa, rác thải nhựa ở biển, giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

     1. Đặt vấn đề

     Sự gia tăng sản xuất, buôn bán và sử dụng dẫn tới gia tăng CTN thải ra các dòng sông. hoặcbiển, làm ô nhiễm biển. Theo Jambeck và nnk (2015), hiện nay, đại dương thế giới đã chứa khoảng 275 triệu tấn CTN, gây thiệt hại tới 8 tỷ USD cho hệ sinh thái biển.

     Ô nhiễm CTN ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển, vùng bờ biểnnhư du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá, giao thông, môi trường, đa dạng sinh học biển… Một khi CTN đã thoát ra biển, một phần sẽ bị sóng đánh dạt vào các bãi biển, nhưng phần lớn sẽ bị dòng chảy biển mang đi, tạo thành khu vực tập trung CTN trên biển, hoặc lắng đọng dưới đáy biển đại dương. Do vậy, việc thu gom CTN đã trôi dạt ra biển là khó khăn, tốn kém, thậm chí là bất khả thi. McIlgorm và nnk (2011) ước tính, các thiệt hại do CTN ở biển gây ra cho các ngành công nghiệp biển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 1,26 tỷ USD/năm. Vì thế, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm CTN ở biển và đại dương là ngăn chặn ở nguồn.

     Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTN cần tìm ra giải pháp để người dân có thể từ chối (Refuse), giảm thiểu sử dụng (Reduce), tái sử dụng (Reuse), tái chế (Recycle) và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế (Replace), hay nói cách khác là áp dụng mô hình 5R cho cộng đồng. Để mô hình này hiệu quả, cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tuyên truyền nhằm thayđổi thái độ của người dân đối với việc sử dụng các SPN dùng một lần.

     Bài viết này trình bày kết quả điều tra thái độ người dân TP. Hạ Long đối với SPN dùng một lần và đề xuất giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở biển tại Hạ Long. Do tính chất phổ quát, các giải pháp được đề xuất có thể nhân rộng và áp dụng cho các địa phương khác trên cả nước.

     2. Phương pháp nghiên cứu

     2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

     - Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Thu thập các thông tin về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế, xã hội của khu vực bằng phương pháp tổng hợp các số liệu thống kê tại TP. Hạ Long.

     - Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp: Tài liệu sơ cấp được thu thập trực tiếp trong quá trình triển khai nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu từ cộng đồng tại TP. Hạ Long qua phiếu điều tra và phỏng vấn trực tiếp.

     2.2. Phương pháp điều tra xã hội học

     - Đối tượng điều tra: Người dân, khách du lịch, hộ kinh doanh và cán bộ môi trường.

     - Xác định cỡ mẫu và chọn mẫu:

     Cỡ mẫu được tính theo công thức (1): 

                    (1)

     Trong đó: là cỡ mẫu điều tra; N là tổng số dân trong khu vực nghiên cứu và e làmức sai số chấp nhận (trong khoảng từ 0,005 - 0,1) (Glover, 2003). Để đảm bảo độ chính xác của nghiên cứu, chúng tôi đã chọn e = 0,055.

     Với tổng số dân 300.670 người trong TP. Hạ Long (tính cả người không đăng ký cư trú), lượng mẫu cần thiết tính theo công thức (1) là 330 người được chọn ngẫu nhiên. Để đảm bảo tính đại diện cả về người tiêu thụ, phân phối và quản lý, trong số 330 phiếu điều tra, có 100 người dân tại phường Hồng Hải và 100 người dân tại phường Cao Thắng, 100 người bán hàng, 20 khách du lịch và 10 cán bộ làm công tác về môi trường tại Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh.

     Nội dung phiếu phỏng vấnđược thiết kế riêng cho 4 đối tượng nêu trên, với các nội dung như sau:

     - Thông tin cá nhân: Họ tên, độ tuổi, giới tính, nhân khẩu, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập;

     - Hiện trạng sử dụng SPN dùng một lần và quản lý chất thải nhựa.

     - Thái độ đối với việc phân loại, tái chế, tái sử dụng và từ chối sử dụng SPN dùng một lần.

     - Nhận thức đối với CTNở biển tại Hạ Long.

     - Đánh giá sự sẵn lòng tham gia khi thực hiện các chủ trương chính sách của địa phương về quản lý SPN dùng một lần và quản lý CTN.

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Đặc điểm của đối tượng khảo sát

     Về độ tuổi, tỷ lệ độ tuổi từ 41- 60 tuổi của người dân, người bán hàng và cán bộ môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất (Bảng 3.1). Riêng đối với khách du lịch thì độ tuổi từ 25 - 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao (65%).

     Bảng 3.1: Tỷ lệ độ tuổi từ 41 - 60 tuổi của người dân, người bán hàng và cán bộ môi trường

Đối tượng

Người dân

Người bán hàng

Cán bộ môi trường

Tỷ lệ

57%

49%

80%

 

     Có thể thấy, trình độ học vấn của người dân TP. Hạ Long khá cao từ trung học cơ sở đến đại học. Đặc biệt, trình độ học vấn của người dân và người bán hàng chủ yếu là trung học phổ thông, lần lượt là 33,5% và 58%. Trình độ học vấn ảnh hưởng lớn đến thái độ, cũng như sự hiểu biết về việc sử dụng SPN dùng một lần.

     Về thu nhập của các đối tượng khảo sát tại TP. Hạ Long ở mức trung bình khá, từ 3 - 7 triệu/tháng chiếm hơn 50%. Mức thu nhập ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng SPN dùng một lần.Thu nhập càng cao thì khả năng tiêu thụ SPN dùng một lần càng lớn.

     Nhìn chung, độ tuổi, trình độ học vấn và mức thu nhập là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng, phân loại, tái sử dụng, tái chế và từ chối sử dụng SPN của người dân Hạ Long.

     Từ Hình 3.1 có thể thấy, 90% người trả lời phỏng vấn biết đến tác động tiêu cực của việc sử dụng các SPN dùng một lần, đây là một trong những vấn đề được quan tâm tại TP. Hạ Long, số còn lại thì không biết, hoặc ít quan tâm đến. Chủ yếu người dân cập nhật nguồn thông tin về vấn đề này qua báo đài, ti vi và internet, một số ít biết đến qua trường học và cơ quan làm việc, chương trình truyền thông tại địa phương, do đó, phương tiện truyền thông hiện nay đã trở thành kênh thông tin chính cung cấp về BVMT.

 

 

Hình 3.1. Tỷ lệ hiểu biết của đối tượng phỏng vấn về tác hại của SPN dùng một lần

     3.2. Hiện trạng sử dụng và hiện trạng quản lý SPN dùng một lần

     Hiện nay, túi ni lông, hay các SPN dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, hộp xốp) đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của người dân bởi đa số qua phỏng vấn trực tiếp, đa sốcho rằng, các SPN dùng một lần có giá thành rẻ, tiện lợi và trở thành thói quen khó bỏ của người dân. Qua việc thu thập thông tin phiếu điều tra từ 200 hộ gia đình và 100 hộ kinh doanh được phỏng vấn cho thấy, họ đều sử dụng các sản phẩm nàyhàng ngày, với số lượng sử dụng được thể hiện qua Bảng 3.2 và Bảng 3.3.

     Bảng 3.2. Số lượng SPN dùng một lần các loại được sử dụng của người dân phường Hồng Hải và phường Cao Thắng

 

Túi nilon

Chai nhựa

Cốc nhựa

Ống hút

Không sử dụng

0

44

81

92

Dưới 5 (cái/ngày)

179

155

117

105

5-10 (cái/ngày)

19

3

2

3

Trên 10 (cái/ngày)

2

0

0

0

 

     Bảng 3.3. Số lượng SPN dùng một lần các loại được sử dụng của hộ kinh doanh phường Hồng Hải và phường Cao Thắng

 

Túi nilon

Chai nhựa

Cốc nhựa

Ống hút

Hộp xốp

Dưới 20 (cái/ngày)

9

97

84

87

88

Từ 20 – 50 (cái/ngày)

72

3

13

12

12

Từ 51 – 70(cái/ngày)

11

0

3

1

0

Trên 70 (cái/ngày)

8

0

0

0

0

 

     Các mặt hàng hộ kinh doanh bán thể hiện mức độsử dụng các SPN dùng một lần để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình, trong đó các mặt hàng được bán chiếm tỷ lệ lớn như: rau chiếm 16%, đồ ăn sẵn chiếm 15%, hoa quả chiếm 12% và các mặt hàng khác như hàng khô, quần áo, thịt, trứng... với các tỷ lệ thấp hơn.

     Đây là kết quả không mấy khả quan về việc mua bán và sử dụng các SPN dùng một lần của người dân, hộ kinh doanh nhưng họ cũng đã có những nhận thức cơ bản về tác hại đối với con người, môi trường.

     Có 159/300 người dân, hộ kinh doanh cho rằng, công tác quản lý của các cơ quan chức năng về việc sử dụng, phân loại, tái sử dụng, tái chế, từ chối sử dụng SPN dùng một lần ở mức trung bình và kém. Chính quyền địa phương vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh thay thế SPN dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Các biện pháp đưa ra chủ yếu là một số chương trình truyền thông tập huấn, chiến dịch môi trường cho các hộ dân như “Ngày Chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”,... nhằm kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các đồ nhựa dùng một lần, tạo ý thức tốt trong cộng đồng địa phương.

     Bảng 3.4. Số lượng đối tượng phỏng vấn sẵn sàng tham gia hoạt động BVMT tại TP. Hạ Long

Trả lời

Câu hỏi: Ông (bà) có sẵn sàng tham gia tuyên truyền hoặc thu gom bất cứ vật dụng nhựa nào ông (bà) thấy trong nhà, ngoài đường thậm chí cả khi ông (bà) đi du lịch?

Hộ gia đình

Hộ kinh doanh

Khách du lịch

Tổng

Sẵn sàng tham gia

195

57

17

269

Không tham gia

5

43

3

51

 

     Bảng 3.4 cho thấy, 43/100 người bán hàng, 5/200 người dân và 3/20 khách du lịch không muốn tham gia các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa.Để tìm hiểu nguyên nhân của sự chênh lệch này, nhóm tác giả đã trực tiếp phỏng vấn, đa số cho rằng, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTN gây ra là của cơ quan quản lý về môi trường và họ không có thời gian để tham gia hoạt động BVMT. Đây chính là một trong những khó khăn của các cán bộ môi trường khi thực hiện các chương trình truyền thông, hay áp dụng chính sách tại địa phương. Tuy nhiên, có 85% khách du lịch được phỏng vấn sẵn sàng tham gia các hoạt động BVMT.

     3.3. Thái độ của người dân đối với việc phân loại, tái chế, tái sử dụng và từ chối sử dụng SPN dùng một lần

     Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại TP. Hạ Long đạt khoảng 84%. Nguồn phát sinh CTRSH từ các nguồn chủ yếu sau: các hộ dân; cơ quan, trường học; cơ sở y tế; từ khu vực du lịch, nhà hàng; đường phố, công viên, bến xe. Đối với các hộ dân được phỏng vấn, có tới 86% người dân phường Hồng Hải và 68% người dân phường Cao Thắng không phân loại trước khi đổ rác, thường gộp chung rác thải nhựa dùng một lần với CTRSH như đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, bóng đèn vỡ, bao bì bỏ đi... (Hình 3.2).Số người dân, hộ kinh doanh còn lại khi được phỏng vấn cho biết, có phân loại riêng các đồ dùng nhựa như chai lọ đựng đồ đã qua sử dụng để đem bán cho các đơn vị có nhu cầu. Bên cạnh đó, qua phỏng vấn, các cán bộ tại Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh cũng đánh giá thái độ tự giác phân loại của người dân và các hộ kinh doanh chỉ đạt mức trung bình (70%). Điều này cho thấy, việc phân loại của người dân chưa cao và gây khó khăn cho nhân viên vệ sinh trên địa bàn khi họ đi thu gom rác.

 


Hình 3.2. Tỷ lệ đối tượng phỏng vấn phân loại rác thải nhựa dùng một lần tại phường Hồng Hải và phường Cao Thắng

 

     Hoạt động tái chế và tái sử dụng nhựa dùng một lần của hộ dân trên địa bàn chưa được phổ biến rộng rãi và chưa nhận được sự ủng hộ của người dân.Trong tổng số hộ kinh doanh được phỏng vấn, có 15 hộ kinh doanh về lĩnh vực đồ ăn, thức uống và 90% trong số đó sử dụng các màng bọc để bảo quản thực phẩm mà không biết rằng, những tấm màng bọc này được làm từ nhựa PVC chứa chất gây ung thư. Đặc biệt, các cửa hàng đồ uống, quán ăn nhanh quanh khu chợ Cao Thắng và phường Hồng Hải, ngoài việc thường xuyênsử dụng các sản phẩm hộp xốp, cốc, đũa, thìa một lần để đựng đồ ăn cho khách mang về, họ còn tái sử dụng các cốc nhựa dùng một lần khi phục vụ khách ăn tại quán vì sự tiện lợi của chúng. Đối với các hộ gia đình, chủ yếu tái sử dụng 2 -3 lần những túi ni lông và chai nhựa đã qua sử dụng, sau khi sử dụng, các sản phẩm chưa được phân loại mà gộp chung cùng với rác thải sinh hoạt. Có số ít người dân tái chế các chai nước đã qua sử dụng thành đồ trang trí trong nhà, còn lại đều gom chai nhựa để bán cho các đơn vị thu mua có nhu cầu như hộ tái chế, cơ sở tái chế.

 


Hình 3.3. Tỷ lệ đối tượng phỏng vấn sẵn sàng từ chối sử dụng SPN dùng một lần

 

     Tính đến đầu năm 2019, TP. Hạ Long có khoảng 300.670 người dân, nếu mỗi người dân từ chối sử dụng SPN dùng một lần trong ngày thì có thể giảm thiểu hơn 300.000 SPN các loại, lượng rác thải nhựa cũng tăng ít hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có sẵn sàng từ chối sử dụng SPNdùng một lần ở nơi công cộng thì có 56/320 người đồng ý, trong đó có 23 hộ phường Hồng Hải (chiếm 41%), 27 hộ phường Cao Thắng (chiếm 48%) và 6 khách du lịch (chiếm 11%), số còn lại theo thói quen và phản xạ khi người bán hàng đưa túi ni lông, ống hút, hộp xốp... họ đã không từ chối (Hình 3.3). Nhiều người dân khi đi chợ vẫn xin thêm túi ni lông để bảo quản đồ vì họ nghĩ thực phẩm sẽ sạch hơn khi không tiếp xúc với không khí bên ngoài, chủ yếu là những người nội trợ. Tuy nhiên, vẫn có thái độ tích cực của người dân khi có 50/200 người được phỏng vấn trả lời rằng, họ mang làn, túi xách, giỏ để đựng đồ với tần suất khoảng 2 -3 lần/tuần, chủ yếu là những người đã nghỉ hưu vì những người đang ở độ tuổi đi làm, thường không muốn mang cồng kềnh và không có thời gian để mang túi từ nhà để đi chợ, siêu thị...

     3.4. Đề xuất các giải pháp giảm thiểu lượng CTN ở biển tại TP.Hạ Long

     Căn cứ vào kết quả phân tích trên, một số giải pháp phù hợp với đặc điểm của người dân như sau: Thứ nhất, xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia BVMT như: Mô hình làng, xã BVMT, mô hình thanh niên xung phong tham gia truyền thông, dọn dẹp CTN ở biển…để người dân có ý thức trách nhiệm về BVMT nói chung vàBVMT biển nói riêng. Thứ hai, tổ chức các cuộc thi, phong trào về BVMT giữa xã, phường như: Cuộc thi về phân loại chất thải tại nguồn, phong trào chống CTN, dọn dẹp, thu gom CTN ở biển…để cung cấp cho người dân thông tin cần thiết về tác hại của CTN đối với môi trường, đặc biệt là môi trường biển, cung cấp thông tin về việc phân loại, tái sử dụng, tái chế và từ chối sử dụng SPN dùng một lần. Thứ ba, tại các khu dân cư, tổ dân phố, cần lắp đặt khẩu hiệu, bảng hiệu, băng rôn, áp phích về tác hại của rác thải nhựa đến con người, môi trường và kinh tế - xã hội; cách phân loại, tái sử dụng, tái chế SPNdùng một lần. Thứ tư, lồng ghép các kiến thức, thông tin về việc sử dụng, tái sử dụng, tái chế, từ chối sử dụng và sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiên với môi trường vào các cuộc họp tổ dân phố, các buổi dọn dẹp của tổ dân phố.

     Đối với người bán hàng

      Đối với người bán hàng, cần thực hiện tuyên truyền để khuyến khích thay đổi việc sử dụng túi ni lông bằng các loại túi thân thiện với môi trường như túi vải, túi giấy, túi phân hủy sinh học.

      Đối với khách du lịch

     Lắp đặt các băng rôn, khẩu hiệu… tại các khu du lịch, khu vui chơi, nơi tập trung đông khách du lịch; trình chiếu các đoạn phim, video ngắn về tác hại của CTNđến môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng để truyền tải thông điệp BVMT đến khách du lịch.

     Đồng thời, phối hợp với các công ty du lịch để lồng ghép giáo dục, truyền thông đến khách du lịch về tác hại của CTN đến môi trường biển và khu du lịch; Tổ chức các buổi triển lãm tại khu vui chơi, khu du lịch để trưng bày các bức tranh, tác phẩm về tác hại của CTN đến sức khỏe con người, hệ động, thực vật và môi trường.

     Đối với cán bộ môi trường

     + Cần nâng cao năng lực truyền thông, quản lý môi trường cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường địa phương. Thời gian qua, Sở TN&MT Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thành phốvề việc phân loại, tái sử dụng, tái chế và từ chối sử dựng SPN dùng một lần, CTN ở biển.

     + Cần trang bị cho các cán bộ môi trường một cách hệ thống hóa quy định pháp luật về CTN và CTN ở biển, giúp họ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các quy định pháp luật về BVMT.

     +Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông qua hội nghị lồng ghép, cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật... để nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT cho cán bộ tại địa phương.

     Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng SPN dùng một lần sẽ hiệu quả nhất nếu được hỗ trợ bằng giải pháp tài chính.Như đã chỉ ra trong kết quả điều tra, một trong những nguyên nhân làm tăng lượng sử dụng các SPN dùng một lần là giá của SPN quá rẻ. Do vậy, để giảm việc tiêu thụ SPN dùng một lần hiệu quả cần phải sử dụng giải pháp tài chính để tăng giá các loại sản phẩm này. Vì thẩm quyền quy định mức thuế sản xuất, buôn bán, tiêu thụ các loại SPN là do Nhà nước ban hành, nên TP. Hạ Long chỉ có thể ban hành các loại phí môi trường liên quan tới loại sản phẩm này. Cần chú trọng nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật và đánh giá tác động, cũng như tính khả thi của giải pháp này để đảm bảo giải pháp này được áp dụng hiệu quả.

     4. Kết luận và kiến nghị

     Qua quá trình đánh giá, khảo sát với đề tài “Nghiên cứu thái độ của người dân thành phố Hạ Long đối với việc sử dụng SPN dùng một lần phục vụ đề xuất chính sách giảm thiểu rác thải nhựa ở biển”,nhóm tác giả đã thu được một số kết quả sau đây:

     Thứ nhất, kết quả phân tích phiếu điều tra khảo sát các đối tượng người dân, người bán hàng tại hai phường Hồng Hải và Cao Thắng (TP. Hạ Long), khách du lịch và cán bộ môi trường với tổng cỡ mẫu là 330 phiếu nhận thấy, hiện trạng sử dụng SPN dùng một lần của người dân và người bán hàng ngày càng gia tăng về số lượng, tần suất sử dụng là hàng ngày. Trong đó, túi nilông được 100% người dân và người bán hàng sử dụng. Các loại hình kinh doanh sử dụng nhiều SPN dùng một lần là thực phẩm tươi sống, đồ ăn nhanh, hoa quả, đồ khô với số lượng từ 30 - 45 sản phẩm/ngày. Bên cạnh đó, hiện trạng quản lý SPN dùng một lần đang ở mức trung bình.

     Thứ hai, thái độ tự giác phân loại của người dân và các hộ kinh doanh chỉ đạt mức trung bình, chiếm 70% trong tổng số dân trên địa bàn. Công tác phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa chưa mang lại hiệu quả. Tỷ lệ người dân tái chế và tái sử dụng SPN dùng một lần tương đối ít, chỉ khoảng 5 - 20%. Người tiêu dùng cũng mong muốn các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, ống hút cỏ,… có thể thay thế đến 80% các SPN dùng một lần trên thị trường để giảm thiểu hiện trạng ô nhiễm nhựa.

     Qua đó, TP. Hạ Long cần tăng cường triển khai các chương trình giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, phù hợp với từng đặc điểm đối tượng như hộ gia đình, hộ kinh doanh và khách du lịch, đồng thời khuyến khích cộng đồng dân cư hạn chế sử dụng SPN dùng một lần và tái sử dụng nhiều lần các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề phân loại rác tại nguồn cần được ưu tiên giải quyết để kiểm soát được lượng rác thải nhựa trôi dạt ra biển, gây suy thoái hệ sinh thái biển và kinh tế khu vực.

 

Vũ Thanh Ca, Hoàng Thị Huê, Trịnh Thị Minh Trang,

Nguyễn Thị Khánh Ly, Lê Hoài Thu

Khoa Môi trường

Trường Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020)

 

     Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.
  2. Sở Tài nguyên và Môi trường (2014) Báo cáo Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Carson HS, Colbert SL, Kaylor MJ, McDermid KJ (2011) Small plastic debris changes water movement and heat transfer through beach sediments. Mar Pollut Bull 62(8):1708–1713.
  4. Glover T (2003) Developing operational definitions and measuring interobserver reliability using house crickets (Acheta domesticus). In exploring animal behavior in laboratory and field, ed. B.J. Ploger and K. Yasukawa, 31-40, San Diego. Academic Press.
  5. Jambeck J.R., R. Geyer, C. Wilcox, T. R. Siegler, M. Perryman, A. Andrady, R. Narayan, K. L. Law (2015) Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347, 768-771.

 

RESEARCH ON HALONG RESIDENTS’ ATTITUDES TOWARDS DISPOSABLE PLATICS ITEMS

 

Vũ Thanh Ca, Hoàng Thị Huê, Trịnh Thị Minh Trang,

Nguyễn Thị Khánh Ly, Lê Hoài Thu

Falcuty of Environment

Hanoi University of Natural Resources and Environment

 

     Abstract: Pollution of marine plastic waste is one of the world's greatest threats to the ocean, and has been damaging economic and social activities in the seas and coastal areas. The problem of reducing environmental pollution due to plastic waste is difficult to be done by replacing disposable plastic products but having to research solutions so that people can refuse, minimize use and reuse, recycle and use eco-friendly products. For this model to be effective, it is necessary to research and develop propaganda solutions to change people's attitudes towards the use of disposable plastic products. The paper presents the results of surveys on the attitude of people in Ha Long City with disposable plastic products, the total sample size is 330, recognizing that the current situation of using disposable plastic products of people and people sales are increasing in quantity, frequency of use is daily, in which plastic bags are used in the amount of 30-45 products/day. Besides, the self – discipline attitude of people and business households is only at average, accounting for 70% of the total population in the area. The percentage of people recycling and reusing disposable plastic products is relatively small, only about 5 - 20%. The study also proposed some solutions to reduce plastic waste in the sea in Ha Long such as communication to raise public awareness; and recommend some management solutions.

     Keywords: Attitude, disposable plastic, plastic waste, marine plastic waste, solutions for reducing disposable plastic waste.

 

 

 

Ý kiến của bạn