Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Một số nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn những năm qua và giải pháp định hướng trong thời gian tới

30/09/2019

GS.TS.NGND. Đặng Kim Chi

Phó Chủ nhiệm Chương trình KC08/16-20

ThS. Nguyễn Hoàng Ánh 

Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

 

    Trong thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai rộng khắp trên toàn quốc đã mang lại những kết quả khả quan, bức tranh nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là kết cấu hạ tầng. Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg, bao gồm 19 tiêu chí được chia thành 5 nhóm, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là một trong các tiêu chí quan trọng để xét công nhận các xã đạt chuẩn NTM.

    Từ những năm 2003 - 2004, lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn đã được quan tâm, đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ. Nhiều đề tài về môi trường nông thôn thuộc Chương trình NTM, Chương trình khoa học trọng điểm quốc gia, thuộc các Bộ/ngành, viện nghiên cứu đã được đăng ký, đề xuất và triển khai thực hiện. Điều này mang lại ý nghĩa quan trọng không chỉ về nhận thức xã hội, sự thay đổi về tư duy quản lý, mà còn là những định hướng sâu sắc trong đầu tư nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý môi trường, xử lý chất thải nông thôn nhằm phòng ngừa, hạn chế các tác động tiêu cực, có hại đối với môi trường nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

I. Một số nhóm lĩnh vực nghiên cứu chính

1. Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn khác nhau làm cơ sở dự báo xu hướng môi trường, đề xuất các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường

    Đây là nhóm đề tài được phát triển khá nhiều trong giai đoạn đầu nghiên cứu về môi trường nông thôn, tập trung vào các ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, các làng nghề thủ công tại các nhiều địa phương khác nhau từ nông thôn đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ đến Nam bộ...

    Trong đó, các đề tài như KC08.04/11-15, KC08.31/11-15, KC08.26/11-15... đã phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đã có tác động xấu tới chất lượng môi trường và nguồn tiếp nhận là các ao hồ, sông ngòi...do việc phát sinh các loại chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn (CTR)) từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, nuôi trồng thủy sản...

    Các nghiên cứu này cho thấy, nguyên nhân của ô nhiễm môi trường nông thôn là do các loại CTR sinh hoạt, CTR phát sinh từ các phụ phẩm nông nghiệp (bao bì phân bón hóa học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật...) không được thu gom, xử lý đúng quy định; khu vực tập kết CTR gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, nước rỉ rác thấm chảy xuống kênh, mương thủy lợi; sử dụng các lò đốt CTR công suất nhỏ tại các khu vực thiếu hỗ trợ kỹ thuật như năng lượng, nước hoặc trình độ của công nhân vận hành còn yếu kém; hạn chế trong việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và ý thức, trách nhiệm BVMT, đầu tư cho các hoạt động xử lý chất thải... Bên cạnh đó, việc quy hoạch các bãi rác tại từng xã, quy hoạch các cơ sở chăn nuôi giết mổ trong khu dân cư chưa hợp lý, không được kiểm soát, các yêu cầu cấp bách về vệ sinh môi trường chưa được thực thi có hiệu quả vì thiếu sự giám sát của đơn vị quản lý môi trường các cấp từ thôn, xã, huyện, tỉnh...

    Lĩnh vực được nhiều đề tài nghiên cứu quan tâm và triển khai thực hiện đó là môi trường làng nghề, như đề tài KC08.09/01-05, KC08.33/11-15 và một số đề tài cấp tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long...Kết quả cho thấy, với quy mô sản xuất nhỏ, khu vực sản xuất chật hẹp, xen kẽ trong khu dân cư, quan hệ sản xuất mang tính gia đình, công nghệ sản xuất lạc hậu, chắp vá, vốn đầu tư ít... nhiều làng nghề Việt Nam (chế biến lương thực thực phẩm, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế...) đã gây tác động trực tiếp đến môi trường, sức khỏe người lao động và dân cư sống trong làng do ô nhiễm khí thải, nước thải, CTR, ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn, độ rung... Các nghiên cứu đã cảnh báo mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường tại nhiều làng nghề có thể gây tổn thất đối với phát triển kinh tế tại khu vực, giảm sức hút đối với du lịch, tăng xung đột giữa các nhóm xã hội và cộng đồng, xung đột giữa hoạt động tiểu thủ công nghiệp và hoạt động nông nghiệp, xung đột trong quản lý môi trường nông thôn.

    Từ thực trạng trên cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp cấp bách về chính sách, quản lý và giải pháp công nghệ kỹ thuật nhằm phòng ngừa tác động tiêu cực, suy giảm chất lượng sống tại nông thôn.

2. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý môi trường và phát triển bền vững các vùng nông thôn Việt Nam

    Trên cơ sở các kết quả đánh giá, điều tra hiện trạng sản xuất và môi trường tại các vùng nông thôn, những bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách quản lý chất thải nông thôn và dự báo diễn biến các tác động xấu đối với môi trường nông thôn, một số đề tài hướng tới việc nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng hợp trong quản lý môi trường phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế của từng địa phương như: Khuyến khích sản xuất an toàn trong nông nghiệp, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường kết hợp chính sách đào tạo, tuyên truyền, vận động dân cư cùng tham gia các hoạt động BVMT nông thôn; Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và cải thiện môi trường nông thôn; Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; Cần đầu tư tài chính (ngân sách, nguồn vốn, cơ chế huy động...); Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động BVMT (ưu đãi, cho vay vốn đầu tư, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xử lý ô nhiễm, xây dựng và phát triển các mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng...); Xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội hóa công tác quản lý CTR sinh hoạt nông thôn; Quản lý môi trường cho ngành chăn nuôi giết mổ và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; Đề xuất các phương án quy hoạch các vùng nông thôn, làng nghề, khu vực chăn nuôi, trồng trọt đặc thù...

    Nhiều đề tài (KC08-09/05-10, KC08-33/10-15...) đã đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách trong quản lý môi trường tại làng nghề theo loại hình sản phẩm phi nông nghiệp khác nhau; Về cơ chế chính sách tự quản, BVMT do hoạt động nghề, từ tuyên truyền giáo dục cho các đối tượng sống tại làng nghề, tham gia sản xuất nghề nhằm xây dựng ý thức và trách nhiệm trong BVMT, bảo vệ sức khỏe dân sinh; Xây dựng chính sách đảm bảo phát triển làng nghề bền vững (chính sách hỗ trợ tài chính, thị trường, cơ sở hạ tầng gắn với BVMT); Giải pháp BVMT gắn với sự tham gia của cộng đồng và phát triển làng nghề...

3. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý triệt để chất thải, phát triển các mô hình áp dụng các giải pháp quản lý môi trường và công nghệ cho một số vùng nông thôn đặc trưng

    Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ cũng được nhiều đề tài quan tâm nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đặc thù, trong đó tập trung vào áp dụng công nghệ phù hợp và khả thi trong xử lý chất thải khí, rắn, lỏng phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi, sản xuất, làng nghề... Các đề tài KC08-33/10-15, KC08-09/01-05, KC08-04/11/15, KC08-DA01/16-20, KC09-05/11-15, KC08-DA02/16-20, KC08.26/11-15, KC08.27/11-15, KC08.31/11-15, KC08.33/11-15, KC.07.07/06 -10, KC08.DA2/11-1... đã tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, mô hình, quy trình công nghệ như: Giải pháp sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên nước; Thu hồi khí gas, tách chất thải để giảm tải lượng chất ô nhiễm, ứng dụng kỹ thuật sinh tháiđể xử lý chất thải; quy trình công nghệ và mô hình thử nghiệm xử lý nước thải chăn nuôi lợn kết hợp xử lý sinh học với bãi lọc trồng cây; Mô hình xử lý nước thải kết hợp hóa lý và sinh học theo mô đun (công suất 30m3/ngày, đêm) phù hợp với quy mô các bãi chôn lấp CTR liên xã hay cấp huyện; Mô hình bãi chôn lấp cấp huyện, cấp liên xã kết hợp bãi lọc trồng cây nhân tạo, tạo cảnh quan môi trường; Mô hình hệ thống xử lý nước thải lò mổ tích hợp tiên tiến; Mô hình xử lý nước thải thạch dừa; Mô hình xử lý nước thải nhuộm chiếu; Mô hình công nghệ ABR xử lý nước thải trong các vùng chế biến nông, thủy sản...

4. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình sinh thái, kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững các vùng đặc thù của nông thôn làm cơ sở nhân rộng cho các địa phương khác

   Trong những năm gần đây, một số đề tài (KC.08.11/16-20, KC08/16-20, KC08.09/16-20, KC08/16-20) đã theo hướng nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh thái xanh, hướng tới phát triển nông thôn bền vững, từ đó đề xuất nhân rộng cho các vùng nông thôn tương tự như: Mô hình kinh tế xanh quy mô cấp xã, lưu vực sông, khu vực hạ lưu...Với các biện pháp cụ thể, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng bền vững gắn với giải pháp xanh (không sử dụng các loại đồ nhựa, phân loại rác và xử lý triệt để, sử dụng năng lượng mặt trời); Mô hình sinh kế bền vững trên nền tảng của tăng trưởng xanh gắn với đặc điểm của hệ sinh thái môi trường nông thôn; Mô hình sinh thái sinh kế bền vững trên nền tảng canh tác nông nghiệp trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi, nghề thủ công...

II. Đánh giá kết quả và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới

2.1. Đánh giá chung

    Trong những năm qua, các vấn đề liên quan đến môi trường nông thôn Việt Nam đ­ược nghiên cứu một cách tổng hợp, chi tiết trên một phần hay toàn bộ lãnh thổ Việt Nam theo các vùng sinh thái, địa hình và từ đó đư­a ra đ­ược bức tranh tổng hợp về môi trường nông thôn trong mối quan hệ đa chiều một cách có hệ thống. Nhiều đề tài đã phát hiện các vấn đề môi trường nóng và dự báo xu thế phát triển trong giai đoạn tới; đánh giá tác động của một số chính sách phát triển KT-XH đến tài nguyên và môi trường; đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể về quản lý môi trường bền vững cũng như các giải pháp công nghệ phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi...

    Một số kết quả của đề tài đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao cho các vùng nông thôn triển khai áp dụng, góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Nhiều đề tài đã nắm bắt được tính cấp thiết của đối tượng nghiên cứu, các giải pháp đề xuất có cơ sở khoa học và thực tiễn, được sự ủng hộ của cộng đồng do phù hợp với điều kiện thực tế, có tính khả thi và hiệu quả rõ rệt trong công tác BVMT kết hợp phát triển KT-XH.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

    Một số đề tài nghiên cứu cho thấy, kết quả tốt và khả quan, tuy nhiên hiệu quả áp dụng vào thực tế còn hạn chế; các nghiên cứu chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng tính đơn giản, tiện dụng, phù hợp với trình độ văn hóa - kinh tế, kỹ thuật của đối tượng áp dụng; Nhiều kết quả tốt cho khu vực này nhưng không phù hợp áp dụng đối với khu vực khác. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu mang tính chất thí điểm hoặc chồng chéo, trùng lặp do từ các nguồn quản lý khác nhau hoặc do hạn chế trong chia sẻ thông tin mà chưa có sự phối hợp, kế thừa kết quả nghiên cứu, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

    Đối với các mô hình thử nghiệm kết quả nghiên cứu vào thực tế, tuy đã có kết quả minh chứng tốt đẹp nhưng khả năng duy trì sự bền vững của các mô hình không cao, có khi còn dừng lại ngay sau khi đề tài kết thúc. Đó là do nhiều nguyên nhân như nhận thức từ các cấp lãnh đạo về công tác BVMT, áp lực của chính quyền chưa đủ mạnh nên các nghiên cứu bị bỏ qua; Nhận thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội của các đối tượng có phát sinh chất thải; Hạn chế về khả năng đầu tư tài chính, nhất là đối với những vùng nông thôn khó khăn, kinh tế kém phát triển.

2.3. Định hướng các nghiên cứu liên quan đến BVMT nông thôn trong thời gian tới

a. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch môi trường vùng nông thôn đặc thù, đặc biệt tập trung vào quy hoạch các làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ (hoặc quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp bền vững gắn với định hướng rõ nét về bảo tồn giá trị cảnh quan nông thôn và BVMT) nhằm bảo đảm phát triển bền vững, trong đó có cả quy hoạch hợp lý về không gian và tầm nhìn về thời gian đối với một vùng kinh tế - sinh thái đặc thù, có sự giao thoa giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động bảo tồn các giá trị sinh thái, văn hóa bản địa, truyền thống. Đối với một khu vực sản xuất nông nghiệp hay khu vực nông thôn đặc thù (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dân sinh, làng nghề...) cũng cần đặt ra bài toán quy hoạch phù hợp, tính toán cân bằng vật chất và triệt tiêu các tương tác bất lợi giữa các thành phần KT-XH và môi trường có liên quan.

b. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện các chính sách và giải pháp quản lý tổng hợp môi trường nông thôn với sự tham gia tích cực của cộng đồng, trong đó đặc biệt lưu ý đến các chính sách về tài chính mang tính cộng đồng phù hợp nhằm gắn trách nhiệm người sản xuất (tạo ra áp lực đối với môi trường) và các đối tượng thụ hưởng các thành phần môi trường. Cần đặc biệt lưu ý các chính sách hỗ trợ tài chính khác biệt giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mức độ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực BVMT nông thôn. Cần xác định khu vực nông thôn là khu vực cung cấp đầu vào an toàn và tiếp nhận chất thải đầu ra, cân bằng vật chất cho khu vực đô thị, vì vậy, cần có chính sách điều tiết phù hợp.

c. Nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ xử lý chất thải theo hướng chi phí thấp, đơn giản trong vận hành, thân thiện với văn hóa và cảnh quan, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần hoàn và tái sử dụng, tái chế, là nguyên liệu cho các ngành sản xuất phù hợp với điều kiện nông thôn Việt Nam.

d. Nghiên cứu hoàn thiện các mô hình sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, thay đổi về nguyên liệu và quy trình sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm dần và tiến tới không phát thải nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn tại các vùng nông thôn đặc thù.

e. Nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế xanh tại các vùng nông thôn đặc thù phù hợp với điều kiện địa phương làm cơ sở nhân rộng, đây là định hướng có tính lâu dài, bền vững nhất cho các vùng nông thôn Việt Nam.

III. Kết luận

    Vấn đề BVMT nông thôn trong quá trình phát triển KT-XH theo hướng bền vững ngày càng được quan tâm và định hướng cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ BVMT nông thôn. Cần xác định rõ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, không chỉ coi khu vực nông thôn là nơi sinh sống, lao động của người nông dân để tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội, mà cần xác định đúng và đầy đủ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần làm rõ chức năng cần bằng dinh dưỡng, cân bằng sinh thái, cung cấp đầu vào cho xã hội, tiếp nhận và chuyển hóa các chất dư thừa hoặc thải ra/tạo ra (bao gồm cả các dạng rắn, lỏng, khí) của khu vực đô thị, là nơi bảo tồn các giá trị truyền thống (gồm cả chính trị, văn hóa, kinh tế, môi trường)... để có những tính toán khoa học, hợp lý, nhằm định hình một chiến lược quản lý khu vực nông thôn mang tính tổng hợp, toàn diện. Kết quả nghiên cứu của các đề tài nhằm BVMT nông thôn chỉ thực sự có hiệu quả khi được áp dụng thành công trong thực tiễn với sự phối hợp chặt chẽ và hợp lý giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và những nguời dân sinh sống tại khu vực nông thôn Việt Nam. Đây cũng là nguồn sức mạnh đưa nông thôn Việt Nam phát triển bền vững.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II năm 2019)

Ý kiến của bạn